Triển vọng tích cực về nguồn cung tại khu vực Nam Mỹ có thể khiến giá đậu tương chịu áp lực bán trong ngày hôm nay
Bắt đầu phiên giao dịch cuối tuần, đậu tương đang giảm nhẹ trong bối cảnh không có quá nhiều thông tin cơ bản. Hiện tại, giá đang trong xu hướng đi ngang và nhiều khả năng sẽ tiếp tục biến động không quá lớn trong ngày hôm nay. Dù vậy, những triển vọng tích cực về nguồn cung tại khu vực Nam Mỹ có thể khiến giá chịu áp lực.
Tại Brazil, tính tới thời điểm hiện tại, mô hình thời tiết La Nina vẫn chưa ảnh hưởng quá nhiều đến mùa vụ. Tháng 10 được dự báo là sẽ khô hạn nhưng thực tế các khu vực phía nam Brazil lại nhận được lượng mưa khá lớn. Điều này dù có thể sẽ làm chậm tiến độ trồng đậu tương nhưng vẫn giữ cho năng suất cây trồng ở mức tốt. Sản lượng đậu tương niên vụ 2022/23 của Brazil được dự đoán sẽ lớn hơn khoảng 3 lần so với Argentina. Thời tiết ban đầu nhìn chung đang khá thuận lợi và có thể sẽ giúp cho thu hoạch đạt trên 150 triệu tấn. Trong khi đó tại Argentina, lượng mưa lớn vào giữa tuần này nhiều khả năng sẽ hỗ trợ nông dân tranh thủ trồng đậu tương, sau khoảng thời gian dài khô hạn. Diện tích trồng đậu tương năm nay của Argentina có thể sẽ tăng nhiều hơn dự đoán do nông dân chuyển từ trồng ngô sang. Đánh giá của chúng tôi, triển vọng nguồn cung tại khu vực nam Mỹ đang khá thuận lợi và có thể sẽ là yếu tố gây sức ép lên giá.
Trong báo cáo Export Sales ngày hôm qua, mặc dù bán hàng niên vụ 2022/23 sụt giảm, tuy nhiên, số liệu giao hàng đã tăng gần 45% so với tuần trước lên mức 2.75 triệu tấn, cho thấy vấn đề mực nước sông thấp trên sông Mississippi đang dần được cải thiện. Dù vậy, theo báo cáo Grain Transportation Report, giá cước vận chuyển ngũ cốc bằng xà lan tại thành phố St. Louis trong tuần trước đã tăng lên mức 88.46 USD/tấn, cao hơn 286% so với năm ngoái và 359% trung bình 5 năm. Điều này có thể sẽ hạn chế nhu cầu mua đậu tương của các nhà nhập khẩu trong ngắn hạn.
Giá Robusta khả năng cao sẽ quay lại đà giảm trước áp lực từ số liệu xuất khẩu tháng 09 của Indonesia
Kết thúc phiên giao dịch 27/10, Arabica nối dài chuỗi 12 phiên giảm liên tiếp trước áp lực từ triển vọng nguồn cung tích cực trong niên vụ 23/24 tại Brazil. Trong khi đó, Robusta khởi sắc với mức tăng khiêm tốn 0.16% do đồng Real mạnh lên, làm hạn chế lực bán từ nông dân Brazil.
Sau dự báo hạ tăng trưởng kinh tế trên toàn cầu của các chuyên gia kinh tế được khảo sát bởi Reuters, mới đây Qũy Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế tại Châu Á với mức giảm 0.9% trong năm 2022 so với mức dự báo 4.9% hồi tháng 04 của tổ chức này. Sự điều chỉnh này càng khiến thị trường lo lắng hơn về một cuộc suy thoái kinh tế diễn ra trên toàn cầu, kéo theo nhu cầu tiêu thụ các loại hàng hóa không thiết yếu như cà phê giảm mạnh, từ đó gây áp lực lên giá.
Yếu tố tỷ giá cũng đang là một vấn đề rất quan trọng đối với diễn biến giá cà phê ở thời điểm hiện tại cũng như trong thời gian tới. Tỷ giá đồng Dollar trên nội tệ tại 2 quốc gia xuất khẩu hàng đầu là Việt Nam và Brazil đang ở mức cao đã thúc đẩy hoạt động bán hàng từ phía người dân để thu về nhiều nội tệ hơn. Trong khi đồng Dollar Mỹ tăng cao cũng khiến giá cà phê đắt hơn đối với các quốc gia nhập khẩu, từ đó hạn chế lực mua. Đây cũng đang là yếu tố gây sức ép lên giá.
Dự báo thời tiết trong 10 ngày tới tại Việt Nam cho thấy khu vực Tây Nguyên sẽ có nắng thường xuyên và nhiệt độ sẽ ấm hơn bình thường từ 1 đến 2 độ C. Điều kiện thời tiết như vậy có thể sẽ hỗ trợ hoạt động thu hoạch cà phê diễn ra nhanh chóng và thuận lợi hơn, đồng thời gây áp lực lên giá.
Theo dữ liệu từ một văn phòng địa phương tại Indonesia, quốc gia có sản lượng Robusta đứng thứ 3 thế giới đã xuất khẩu được 53,268 bao cà phê loại 60kg trong tháng 09, tăng 136.02% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy nguồn cung đang rất sẵn sàng tại quốc gia này và dự kiến sẽ là yếu tố kéo giá đi xuống.
Bối cảnh kinh tế tiêu cực nhiều khả năng sẽ chưa thể hỗ trợ giá đồng phá vỡ xu hướng tích lũy
Mặc dù báo cáo mới đây cho thấy rằng tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ trong quý III tích cực hơn dự báo với mức tăng 2.6% so với quý trước đó, mức tăng sau 2 quý giảm liên tiếp tiếp. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ hơn vào bức tranh tăng trưởng này, có thể thấy rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới đang có dấu hiệu chịu áp lực trong bối cảnh lãi suất cao.
Thâm hụt thương mại thu hẹp mạnh do nhu cầu chậm lại đã kìm hãm lượng hàng hóa nhập khẩu. Xuất khẩu ròng do đó tăng lên đã cộng thêm 2.77 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP, cao nhất kể từ quý III năm 1980. Đầu tư vào nhà ở dân cư lao dốc với tốc độ hàng năm khoảng 26% trong bối cảnh lãi suất thế chấp đang ở ngưỡng cao nhất trong vòng 2 thập kỷ. Trong khi đó, lĩnh vực xây dựng chiếm tới 43% nhu cầu về đồng tại Mỹ. Chi tiêu tiêu dùng, động lực lớn nhất của nền kinh tế, đã tăng 1.4% so với quý trước, ghi nhận 3 quý tăng trưởng kém hiệu quả nhất kể từ khi nhu cầu sụt giảm vào đầu năm 2020.
Trong khi đó, tại nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới, Trung Quốc, mới đây, các chuyên gia kinh tế của Bloomberg tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng của quốc gia này so với cuộc khảo sát trước trong bối cảnh chính sách Zero- Covid sẽ còn được áp dụng nghiêm ngặt và lĩnh vực bất động sản chịu nhiều tổn thất. Cụ thể, tăng trưởng trong năm, nay đã được điều chính giảm từ mức 3.4% xuống 3.3%, trong khi con số này trong năm 2023 điều chỉnh giảm từ mức 5.1% xuống 4.9% và năm 2024 giảm từ 5% xuống 4.8%.
Trong khi đó, tại khu vực châu Âu, việc tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản lần thứ 2 liên tiếp đang gây áp lực hơn nữa đối với 19 quốc gia này. Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết ít nhất một nửa trong số 19 quốc gia sử dụng đồng euro đang rơi vào tình trạng suy thoái.
Như vậy, kim loại đồng, vốn được coi là thước đo sức khỏe của nền kinh tế đang phải chứng kiến các quốc gia hàng đầu trên thế giới vật lộn với tăng trưởng. Do đó, giá đồng vẫn sẽ khó có thể lấy lại động lực tăng trong ngắn hạn.
Giá dầu có khả năng duy trì đà tăng khi rủi ro thiếu hụt nguồn cung tăng lên trong khi lo ngại suy thoái giảm bớt
Giá dầu giảm điều chỉnh trong phiên sáng sau 3 phiên tăng liên tiếp, tuy nhiên vẫn có khả năng sẽ phục hồi trong phiên hôm nay khi tâm lý trên thị trường chung được cải thiện.
Thị trường đang tìm mọi lý do để thuyết phục bản thân rằng Fed sắp chuyển hướng sang chính sách mang tính hỗ trợ hơn, sau một loạt các số liệu cho thấy nền kinh tế đang hạ nhiệt. GDP quý III tại Mỹ tăng 2.6%, về mặt tích cực số liệu này đủ tốt để giúp Mỹ rời khỏi trạng thái suy thoái kỹ thuật khác với khu vực châu Âu. Về mặt tiêu cực, tuy nhiên tiêu thụ nội địa chỉ đóng góp 0.5%, còn lại là đóng góp của xuất khẩu ròng, khiến cho giới đầu tư đưa ra quan điểm Fed có thể cân nhắc giảm tốc tiến trình tăng lãi suất. Sự thiếu vắng các bài phát biểu của các quan chức Fed cho đến tận cuộc họp tháng 11 phần nào khiến cho tâm lý lạc quan dễ lan rộng, dù mục đích thật sự của chính sách tiền tệ thắt chặt là giảm lạm phát vẫn chưa đạt được.
Trong khi đó, thị trường năng lượng nói chung đang rơi vào cuộc khủng hoảng rộng nhất từ trước đến giờ, khiến cho một sự mất cân bằng nào cũng có thể dẫn đến hậu quả nặng nề. Về lý thuyết, phần nào đó các năng lượng hóa thạch như dầu, khí tự nhiên, than đá có thể thay thế nhau nếu một trong số các sản phẩm thiếu hụt nghiêm trọng hoặc tăng giá quá cao, tuy nhiên hiện tại thị trường đang thiếu hụt toàn bộ các sản phẩm này. Nguyên nhân, không ít thì nhiều, đều do sự gia tăng căng thẳng địa chính trị từ Nga. Dầu của Nga chiếm 14% nguồn cung thế giới, khí tự nhiên chiếm 17% trong khi than chiếm ít nhất 16%. Dù thế giới đang tìm cách thích ứng với các cú sốc từ yếu tố địa chính trị, tuy nhiên sự “mỏng manh” của hệ thống năng lượng hiện tại khiến cho giá các mặt hàng đều dễ tăng.
Nguồn:Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)