menu search
Đóng menu
Đóng

Giao dịch T+0: Không có chuyện ưu ái CTCK lớn

07:42 13/07/2015

Một quy định mới tại dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 74/2011/TT-BTC được UBCK đang lấy ý kiến là CTCK phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn mới được cung cấp dịch vụ giao dịch trong ngày (T+0).
Nhiều CTCK cho rằng, nhà quản lý ưu ái các CTCK lớn, gạt các CTCK còn lại ra khỏi cuộc chơi. Tuy nhiên, UBCK khẳng định không có chuyện này.

Quan trọng nhất là an toàn hệ thống

Theo dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 74/2011, các CTCK phải thỏa mãn nhiều điều kiện rất cao mới được phép cung cấp dịch vụ giao dịch T+0 như: vốn chủ sở hữu, vốn điều lệ đạt từ 800 tỷ đồng trở lên; không có lỗ trong 2 năm gần nhất; tỷ lệ vốn khả dụng đạt tối thiểu 220% liên tục trong 12 tháng gần nhất...

Đối chiếu những tiêu chuẩn này, thị trường hiện có khoảng 16 CTCK đủ điều kiện tham gia cung cấp dịch vụ giao dịch T+0. Nghĩa là chỉ các CTCK lớn thỏa mãn được luật chơi, còn các CTCK từ bậc trung trở xuống bị loại khỏi cuộc chơi. Với định hướng chính sách này, nhiều CTCK cho rằng, UBCK đang ưu ái các CTCK lớn.

Tuy nhiên, đại diện UBCK khẳng định: không có chuyện ưu ái CTCK lớn. Việc đặt ra quy định trên, mục tiêu quan trọng nhất mà UBCK hướng đến là đảm bảo an toàn hệ thống, giúp cải thiện thanh khoản cho thị trường, đồng thời đảm bảo cho thị trường vận hành thông suốt, an toàn, giảm thiểu rủi ro, đặc biệt là giúp bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho hơn 1,4 triệu tài khoản.

Quy định này nhằm ngăn ngừa rủi ro hệ thống, nhất là khi triển khai các sản phẩm hiện đại để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của NĐT. Điều này cũng tương tự như các tiêu chí đặt ra đối với các CTCK khi muốn tham gia cung cấp dịch vụ chứng khoán phái sinh, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Việc UBCK đề xuất bổ sung nội dung mới trên bắt nguồn từ bản chất của giao dịch T+0, cũng như xử lý các rủi ro đi kèm khi triển khai giao dịch này, nhằm đảm bảo an toàn cho các bên tham gia, cũng như an toàn hệ thống, thị trường.

Theo đó, với giao dịch T+0, sau khi đã mua hoặc bán chứng khoán, NĐT có trách nhiệm bán, hoặc mua một lượng chứng khoán tương đương để bù trừ cho giao dịch đã thực hiện trước đó trong cùng ngày giao dịch.

Việc thanh toán được thực hiện giữa CTCK và NĐT dựa trên chênh lệch giá sau khi bù trừ các giao dịch đối ứng. Trong trường hợp lệnh mua chứng khoán của NĐT được khớp, nhưng lệnh bán không khớp, hoặc khớp nhưng giá trị thấp hơn rất nhiều so với số tiền cần có đủ để thanh toán cho lệnh mua, thì rủi ro thanh toán xuất hiện.

Khi đó, CTCK buộc phải có trách nhiệm hỗ trợ NĐT thực hiện nghĩa vụ thanh toán, để đảm bảo an toàn hệ thống, cũng như toàn thị trường.

Thực tế cho thấy, trong trường hợp đối mặt với khó khăn về thanh toán, nếu các CTCK không đáp ứng các tiêu chí cao về vốn, tỷ lệ an toàn tài chính..., thì trong thời gian ngắn khó có thể vay ngân hàng, hoặc các đối tác khác hàng trăm tỷ đồng, để đáp ứng ngay nghĩa vụ thanh toán.

Liên quan đến trách nhiệm hỗ trợ thanh toán của các CTCK đối với khách hàng khi gặp khó khăn về thanh khoản, đại diện UBCK cho biết, tại dự thảo, nghĩa vụ thanh toán của CTCK được thiết kế thành nhiều lớp để đảm bảo an toàn cho triển khai giao dịch T+0, cũng như tránh rủi ro cho thị trường.

Theo đó, trường hợp NĐT không có đủ số chứng khoán để chuyển giao, thì ngay trong ngày giao dịch (ngày T), CTCK có trách nhiệm cho NĐT vay lượng chứng khoán còn thiếu.

Chứng khoán cho vay được lấy từ tài khoản tự doanh của CTCK hoặc vay từ các thành viên khác, hoặc từ các NĐT phù hợp với quy định của pháp luật.

Tại ngày T+1, nếu NĐT tiếp tục không có đủ số chứng khoán để chuyển giao từ các giao dịch đã thực hiện tại ngày giao dịch (ngày T), CTCK có trách nhiệm yết giá để thực hiện các giao dịch mua bắt buộc trên hệ thống giao dịch của Sở GDCK hoặc Trung tâm Lưu ký (VSD) theo quy định.

Tại ngày thanh toán (T+2), nếu NĐT tiếp tục không có đủ số chứng khoán để chuyển giao từ các giao dịch đã thực hiện tại ngày giao dịch (ngày T), CTCK phải thực hiện các lệnh vay chứng khoán trên hệ thống của VSD theo quy chế của VSD.

Sẽ “treo” triển khai nếu...

Với các tiêu chuẩn trên, đại diện UBCK khẳng định, cơ hội luôn mở đối với các CTCK. Có nghĩa là bất kỳ CTCK nào khi đạt đủ tiềm lực tài chính có thể tham gia cung cấp dịch vụ giao dịch T+0, thì đều có cơ hội được tham gia cung cấp dịch vụ này. UBCK không hề đưa ra con số khống chế cụ thể về số lượng CTCK được phép tham gia cung cấp dịch vụ này.

Theo đại diện UBCK, với những mục tiêu quan trọng như trên, đặc biệt là mục tiêu bảo đảm an toàn hệ thống, tránh rủi ro cho thị trường, việc triển khai giao dịch T+0 sẽ được bắt đầu từ các CTCK có đủ năng lực tài chính, đặc biệt là tiêu chí về vốn chủ sở hữu đủ lớn, để chịu trách nhiệm hỗ trợ thanh toán.

Quy định này cùng với các quy định áp dụng cho các CTCK trên TTCK phái sinh, quy định về phát hành chứng quyền có bảo đảm sẽ thúc đẩy nhanh hơn tiến độ tái cấu trúc các CTCK theo đúng lộ trình tại Đề án tái cấu trúc TTCK và doanh nghiệp bảo hiểm, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1826/2012.

Hiện tại, trong khi các CTCK lớn ủng hộ sớm triển khai giao dịch T+0, thì nhiều CTCK quy mô tầm trung trở xuống do có nguy cơ bị loại khỏi cuộc chơi không ủng hộ giải pháp này.

Đại diện UBCK cho biết, việc triển khai giải pháp T+0 là vì mục tiêu phát triển tích cực, lành mạnh hơn của TTCK. Tuy nhiên, trong trường hợp các CTCK không có được tiếng nói thống nhất, không loại trừ khả năng UBCK sẽ chưa triển khai giải pháp này, chứ không đánh đổi bằng nới lỏng các điều kiện áp dụng đối với các CTCK.

Do đó, các CTCK cần gạt bỏ những lợi ích trước mắt, cần tập trung triển khai các giải pháp để tự tái cấu trúc, nâng cao năng lực tài chính, không những chỉ để được tham gia cung cấp dịch vụ giao dịch T+0, mà còn cho cả các sản phẩm phái sinh dự kiến triển khai trong tương lai gần... Bởi nới lỏng các điều kiện về tài chính có nghĩa là gia tăng mức độ rủi ro cho cả hệ thống, thị trường lẫn các bên sử dụng và cung cấp dịch vụ giao dịch T+0. Như vậy, chẳng khác nào triệt tiêu mất tác dụng tích cực của giải pháp T+0.

Nguồn:Tinnhanhchungkhoan