Áp lực điều chỉnh khó “bào mòn” được thành quả
Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/5, chỉ số VN-Index duy trì đà tăng hai phiên liên tiếp sau 4 phiên giảm điểm trước đó. Theo đó, VN-Index đã tăng 0,27 điểm (+0,04%) so với phiên trước, đóng cửa ở mức 611,89 điểm.
Trong tháng 5, đã có lúc VN-Index bật tăng qua mốc kháng cự lớn 620 điểm (ngày 17/5 đạt 624,75 điểm) và tiếp sau đó, thị trường chịu áp lực điều chỉnh trong 4 phiên liên tiếp, lấy đi 13,72 điểm. Tuy vậy, tính đến ngày 25/5, VN-Index vẫn tăng 13,52 điểm so với phiên cuối cùng của tháng 4 (ngày 29/4 đạt 598,37 điểm), tương đương mức tăng khoảng 2,26%.
Nhận định thị trường trong ngắn hạn, một số công ty chứng khoán cho rằng, VN-Index có thể chịu áp lực điều chỉnh, quay về mốc tích lũy 600 điểm, song cũng có nhiều công ty có đánh giá tích cực hơn. Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển cho biết, VN-Index đang nằm trong quá trình điều chỉnh sau 1 đợt tăng điểm kéo dài, dù vậy chỉ số vẫn đang vận động an toàn trong vùng tích lũy hẹp từ 608 -615 điểm.
Thị trường tháng 5 vẫn còn 2 phiên giao dịch (30, 31/5), về mặt lý thuyết mọi chuyện vẫn có thể xảy ra. Mặc dù vậy, đến thời điểm này, nhiều ý kiến cho rằng, áp lực điều chỉnh ngắn hạn vẫn còn, nhưng nhiều khả năng thành quả về mặt điểm số trong nửa đầu tháng 5 vẫn không bị “bào mòn”.
Ông Lê Hải Đăng, Chuyên viên môi giới khách hàng VIP, Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI) cho biết, câu nói “bán chứng khoán tháng 5 và đi chơi” có vẻ không đúng với thực tế thị trường chứng khoán Việt Nam đến thời điểm này trong tháng 5. Diễn biến từ đầu tháng đến nay cho thấy, chỉ số đã có lúc vượt qua đỉnh cũ tháng 11/2015. Theo ông Đăng, thời gian của tháng 5 vẫn còn nên chưa khẳng định chắc chắn điều gì, nhưng dưới góc nhìn cá nhân thị trường sẽ còn tích cực, có thể giúp chỉ số tiến đến ngưỡng 640 điểm.
Cơ sở nào cho VN-Index tiến tới mốc 640 điểm?
Theo ông Nguyễn Duy Linh, Phó giám đốc Khối dịch vụ chứng khoán Phụ trách khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI): “Chúng ta thấy đỉnh chỉ số VN-Index của năm 2015 là 640 điểm. Áp lực điều chỉnh hiện nay có thể có, nhưng tôi nghĩ những thông tin gần đây cho thấy thị trường sẽ tiếp tục đi lên bằng những thông tin như: Chỉ số PMI cao, dòng vốn ngoại tiếp tục vào thị trường, quyết tâm cấu trúc nền kinh tế của Chính phủ,...
Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược đầu tư, Công ty Chứng khoán Maritime cho hay: “Dưới góc độ phân tích kỹ thuật, cũng như theo nội dung báo cáo chiến lược của chúng tôi đầu năm 2016, thì VN-Index sẽ tăng chạm mốc 640 điểm trong năm nay, cho dù đó có thể là thời điểm quý III hoặc quý IV/2016 tới”.
“Tôi đồng ý với ngưỡng kháng cự 640 điểm mà VN-Index sẽ đạt được, nhưng thời điểm nào để đạt được mốc đó là điều rất khó dự báo. Xét về thời gian của thị trường, tôi cho rằng, VN-Index sẽ chỉ bước vào giai đoạn tăng mạnh mới bắt đầu từ quý IV/2016 trở đi mà thôi”, ông Khánh nói.
Ông Nguyễn Duy Linh thì cho rằng: “Trong năm 2015, động cơ tăng trưởng là chúng ta thực hiện một số chính sách về kích thích nền kinh tế và triển khai cải cách. Tôi thấy động cơ phát triển kinh tế trong năm 2015 vẫn được duy trì trong năm 2016. Động cơ tăng trưởng đó không có gì thay đổi, và tôi nghĩ những ngành như xây dựng, vật liệu xây dựng, cảng biển, logistic... sẽ vẫn là những ngành được hưởng lợi trong năm nay”.
“Năm nay sẽ vẫn là một năm tăng trưởng của thị trường. Vấn đề là dòng tiền sẽ không đủ lớn để lan tỏa ra tất cả các ngành nghề, nhưng những ngành nghề được hưởng lợi và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp có tăng trưởng về lợi nhuận, về doanh thu qua các năm vẫn là đối tượng chính của các nhà đầu tư. Những năm vừa rồi đã chứng minh điều này rồi. Do đó, tôi nghĩ năm nay cũng sẽ như vậy”, ông Linh cho biết thêm.
Nguồn: Chu Thái/Thời báo Tài chính Việt Nam