menu search
Đóng menu
Đóng

Bộ Công Thương giao ban trực tuyến tháng 5 năm 2016

10:56 07/06/2016

Ngày 06/6/2016, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến tháng 5 năm 2016 tại ba điểm cầu: Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh.

 

Kim ngạch xuất khẩu tăng 6,6% so với tháng 4/2016

Báo cáo về tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2016, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Vũ Bá Phú cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 tăng 7,8% so với tháng 5 năm 2015. Tính chung 5 tháng đầu năm 2016, chỉ số sản xuất tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2015, thấp hơn so với mức tăng 9,2% của cùng kỳ năm 2015. Trong ngành công nghiệp khai khoáng giảm 1,2%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,7%; sản xuất và phân phối điện tăng 12%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 8,5%.

Một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất 5 tháng đầu năm 2016 tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước là: Sản xuất kim loại tăng 18,9%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 17,5%; Dệt tăng 16,3%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 14,9%; sản xuất xe có động cơ tăng 15,2%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 13,1%. Một số ngành có mức tăng trưởng thấp so với cùng kỳ: Khai thác than cứng và than non tăng 2,8%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 2,4%; sản xuất thuốc lá tăng 1,8%; sản xuất thiết bị điện tăng 2,3%.

Tháng 5, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) ước đạt 14,6 tỷ USD, tăng 1,7% so với tháng 4 và tăng 7% so với tháng 5 năm 2015, trong đó: xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 10,14 tỷ USD, tăng 1,7% so với tháng 4 và tăng 9% so với tháng 5 năm 2015.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2016 KNXK ước đạt 67,7 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2015 (tương đương với tăng 4,187 tỷ USD), trong đó KNXK của khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước ước đạt 19,4 tỷ USD, chiếm 28,7% tổng KNXK của cả nước, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước; KNXK của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) ước đạt 48,3 tỷ USD, chiếm 71,3% tổng KNXK của cả nước, tăng 7,7%; Nếu không kể dầu thô, KNXK của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 47,38 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2015.

Tháng 5, kim ngạch nhập khẩu (KNNK) hàng hoá ước đạt 15 tỷ USD, tăng 6,6% so với tháng 4 và tăng 0,9% so với tháng 5 năm 2015, trong đó: kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước 8,6 tỷ USD, tăng 6,2% so với tháng 4 và giảm 2,1% so với cùng kỳ năm 2015.

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Vũ Bá Phú

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ xã hội tháng 5 ước đạt 286,157 nghìn tỷ đồng tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 1,0% so với tháng 5 năm 2015; tính chung 5 tháng đầu năm tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ ước đạt 1.427,116 nghìn tỷ đồng tăng 9,06% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó: ngành bán lẻ hàng hóa ước đạt 1.091,9 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5%, chiếm tỷ trọng 76,5%; ngành khách sạn nhà hàng đạt 158,49 nghìn tỷ đồng, tăng 6,2%, chiếm tỷ trọng 11,1%; du lịch ước đạt 11,7 nghìn tỷ đồng, tăng 6,7%, chiếm tỷ trọng 0,8%; dịch vụ đạt 165,0 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8%, chiếm tỷ trọng 11,6%. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 5 tháng đầu năm chỉ tăng 7,4%, đây là mức tăng trưởng thấp so với cùng kỳ năm 2015 (tăng 8,2%).

Quán triệt sử dụng Hệ thống văn bản điện tử (iMOIT) toàn Bộ Công Thương

Tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (TMĐT & TMĐT) Trần Hữu Linh cho biết, từ ngày 1/6/2016, Hệ thống iMOIT đã chính thức được triển khai đồng bộ, toàn diện đến tất cả các đơn vị thuộc Bộ. Sau ba ngày triển khai, hầu hết các đơn vị đã tham gia xử lý văn bản trên môi trường điện tử, bao gồm cả văn bản đến và trình văn bản đi.

Cục trưởng Cục TMĐT & TMĐT Trần Hữu Linh

Đây là hệ thống hiện đại, liên thông đến tất cả các đơn vị trong Bộ và sẽ là công cụ rất tiện ích giúp Lãnh đạo Bộ và lãnh đạo các đơn vị có thể theo dõi, đánh giá tình hình quản lý công văn của đơn vị mình. Cục trưởng Cục TMĐT & CNTT khẳng định, việc sử dụng Hệ thống mới đem lại rất nhiều tiện ích như giảm thời gian xử lý công việc của các cấp, giảm thời gian luân chuyển văn bản giữa các đơn vị và giảm tối đa chi phí sao chụp tài liệu giấy, rút ngắn thời gian thống kê, tìm kiếm văn bản, đặc biệt khi kho dữ liệu ngày càng nhiều, lợi ích của việc giảm tải sẽ càng thấy rõ. Bên cạnh đó, các lãnh đạo có thể trực tiếp xử lý công việc không cần ở tại văn phòng.

Cục trưởng Trần Hữu Linh nhấn mạnh, thời gian tới, Cục TMĐT & CNTT sẽ phối hợp với Văn phòng Bộ quyết liệt, khẩn trương hỗ trợ, đào tạo để 100% các đơn vị, cán bộ thuộc Bộ sử dụng phần mềm iMOIT. Cục trưởng cho biết, đây là Hệ thống có tính bảo mật và tính pháp lý cao. Trong tháng 6, Cục sẽ đào tạo cho các đơn vị còn lại và đề nghị các đơn vị có sự phối hợp chặt chẽ với Cục, phản hồi những vướng mắc, khó khăn trong quá trình sử dụng để phần mềm ngày càng hoàn thiện, đáp ứng tối đa yêu cầu của người sử dụng.

Ngày 02/6/2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký ban hành Quyết định số 2226/QĐ-BCT về việc ban hành quy chế quản lý và sử dụng Hệ thống văn bản điện tử Bộ Công Thương. Theo đó, mọi công việc của Bộ từ nay sẽ quản lý trên môi trường CNTT. Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu tất cả lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ quán triệt việc sử dụng Hệ thống quản lý công văn mới tại đơn vị của mình, đặc biệt ưu tiên, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong tiến trình hiện đại hóa nền hành chính, sớm thúc đẩy hoàn thành mục tiêu Chính phủ điện tử tại Bộ Công Thương. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, các đơn vị chưa sử dụng Hệ thống phải phối hợp ngay với Cục TMĐT & CNTT để khẩn trương triển khai trong toàn đơn vị. Bộ trưởng yêu cầu, trong hai ngày tiếp theo, nếu đơn vị nào không sử dụng phần mềm mới thì Cục TMĐT & CNTT thống kê, từ đó, Lãnh đạo Bộ sẽ xem xét trách nhiệm người đứng đầu và có hình thức phê bình, kỷ luật thích hợp.

Hội nghị giao ban trực tuyến tháng 5/2016 tại: Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh

Liên quan đến ngành hóa chất, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cho biết, Nhà máy Đạm Ninh Bình là công trình trọng điểm của ngành hóa chất Việt Nam, được khởi công xây dựng ngày 10/5/2008 tại Khu công nghiệp Khánh Phú thuộc xã Khánh Phú, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Tuy nhiên, sau hơn 4 năm đi vào hoạt động, Công ty TNHH Một thành viên Đạm Ninh Bình (Nhà máy Đạm Ninh Bình) đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, gặp sự cố và phải dừng sản xuất từ cuối tháng 3/2016. Tập đoàn đã 12 lần làm việc với Nhà thầu nhưng Nhà thầu thường xuyên trì hoãn, trong ngày 14, 15/6 hai Bên sẽ chính thức làm việc cấp Tổng giám đốc và sẽ có báo cáo với Lãnh đạo Bộ khi có kết quả chính thức.

Chỉ đạo về vấn đề này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu Cục Hóa chất phối hợp với Vinachem đánh giá hiệu quả dùng than sản xuất đạm của 02 Nhà máy Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc. Đối với Nhà máy Đạm Ninh Bình, Bộ Công Thương đã có yêu cầu thanh tra, kiểm tra các vấn đề còn tồn tại. Bộ trưởng đề nghị Thanh tra Bộ phối hợp với Tập đoàn sớm quyết toán khâu đầu tư của Dự án, liên quan đến đàm phán với Nhà thầu, từ đó báo cáo kịp thời để tìm ra hướng giải quyết, khắc phục hiệu quả. Bộ trưởng cũng chỉ đạo Cục Hóa chất và Vinachem phối hợp với Cục Quản lý thị trường, báo cáo Ban chỉ đạo 389 của Bộ, ngăn chặn tình trạng sản xuất, lưu thông phân bón giả, kém chất lượng và tình trạng gian lận thương mại. Bên cạnh đó, Cục Hóa chất cần phối hợp Vụ Khoa học và Công nghệ xây dựng tiêu chuẩn các loại phân bón có chất lượng.

Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Phú Cường

Về việc sử dụng xăng E5 hiện nay, phát biểu tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Phú Cường cho biết, đến cuối tháng 4, các địa phương trọng điểm đã có báo cáo tình hình triển khai, tại các địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi đạt tỷ lệ rất cao. Các tỉnh không thuộc vùng trọng điểm cũng khoảng 20-30%. Về nguồn cung cấp xăng E5 cho thị trường, hiện có một nhà máy sản xuất ở Bình Phước, hoạt động từ đầu năm 2016 (chủ sở hữu nước ngoài) và một nhà máy do PVN góp vốn tại Dung Quất.

Theo Vụ trưởng Nguyễn Phú Cường, công thức tính giá của xăng E5 hiện trùng với công thức tính giá của xăng thường (khai khoáng), gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất do giá xăng thường thấp hơn. Nếu thời gian tới, Bộ Tài chính không sớm đưa ra công thức tính giá riêng cho xăng E5 thì sẽ gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất.

Đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ, giải pháp cụ thể về cải thiện môi trường kinh doanh

Tại Hội nghị, các đại biểu thống nhất cao với những biện pháp thực hiện trong tháng 6 như: Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ, giải pháp cụ thể về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP ngày 28 tháng 4 năm 2016 của Chính phủ; Tập trung rà soát về điều kiện kinh doanh của Ngành nhằm triển khai đồng bộ, nhất quán các quy định của pháp luật liên quan đến đầu tư kinh doanh, nhất là Luật Đầu tư năm 2014, Luật Doanh nghiệp năm 2014; Các đơn vị, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước thuộc Bộ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 11476/QĐ-BCT ngày 18 tháng 12 năm 2014 của Bộ Công Thương về việc ban hành Kế hoạch hành động của ngành Công Thương thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; tiếp tục hoàn thiện trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các đề án cơ cấu lại ngành, lĩnh vực và của địa phương; Tích cực đôn đốc các Tập đoàn, Tổng công ty và doanh nghiệp thuộc Bộ tiếp tục triển khai thực hiện để hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa, sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp Nhà nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính, đơn giản hoá quy trình và thủ tục, giảm mạnh thời gian và chi phí trong thực hiện thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của các doanh nghiệp và người dân.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh kết luận Hội nghị

Kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã giao nhiệm vụ cho từng đơn vị nhằm đạt được các kế hoạch đề ra trong tháng 6 cũng như nửa cuối năm 2016. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị các Tập đoàn, Tổng công ty tập trung thực hiện các biện pháp, giải pháp cụ thể để mở rộng thị trường xuất khẩu, hoàn thành kết quả sản xuất kinh doanh, thực hiện mục tiêu chiến lược năm 2016. Các đơn vị thị trường phải phối hợp với Vụ Thị trường trong nước, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Xúc tiến thương mại để có điều tiết và phối hợp về mặt chính sách, khai thác tốt thị trường để có tăng trưởng trong những tháng cuối năm.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, rà soát sửa đổi các văn bản không còn phù hợp, đáp ứng yêu cầu của Chính phủ cũng như người dân và doanh nghiệp; nghiêm túc thực hiện các chương trình của Chính phủ, đảm bảo các doanh nghiệp vừa sản xuất hiệu quả vừa hội nhập thành công.

Bộ trưởng cũng đề nghị Lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các đơn vị tập trung rà soát đánh giá về mặt thể chế, bổ sung hoàn thiện khung pháp lý phù hợp với tình hình hội nhập quốc tế về bán hàng đa cấp, hệ thống bán lẻ, sản xuất hóa chất, an toàn thực phẩm, v.v... Đối với lĩnh vực năng lượng, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ đạo PVN, EVN, TKV rà soát đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, xem xét các vướng mắc phát sinh; rà soát dự án Tổng sơ đồ điện 7. Bộ trưởng đề nghị mở rộng cơ hội cho các nhà thầu, chọn lọc nhà thầu, lưu ý chất lượng, tiến độ thực hiện các dự án đầu tư. Tổng cục Năng lượng phối hợp Cục Điều tiết điện lực chỉ đạo EVN điều tiết lượng điện, cắt giảm các chi phí, công khai minh bạch, đảm bảo phương án điều hành điện trong thời gian tới không có biến động lớn. Cục TMĐT & CNTT cần tiếp tục triển khai, phối hợp với các đơn vị đẩy nhanh thực hiện Chính phủ điện tử, phối hợp với đối tác và các đơn vị củng cố hệ thống hạ tầng. Vụ Thị trường trong nước cần định hướng về tình hình bán lẻ trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp bán lẻ, không để xảy ra hiện tượng gian lận thương mại trong lĩnh vực này. Cục Xuất nhập khẩu cần nghiên cứu các giải pháp tháo gỡ rào cản, phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại, khai thác các thị trường Trung Quốc, ASEAN và các khu vực mới nổi, v.v...

 

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương