Để triển khai hiệu quả các biện pháp nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho thị trường theo đúng tinh thần Chỉ thị 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngay trong sáng ngày 11/3/2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh ban hành chỉ thị số 06 về việc tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của ngành Công Thương trước những diến biến mới của dịch bệnh Covid-19.
Sáng ngày 09/3/2020, tại phiên họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao công tác phòng, chống dịch của các Bộ, ngành, địa phương, tuy nhiên Thủ tướng cũng khẳng định rằng công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã bước sang một giai đoạn mới khó khăn hơn nhiều, đòi hỏi chúng ta cần phải có những giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa. Thủ tướng cũng nói rằng: “Loại Vacxin tốt nhất luôn có sẵn trong mỗi con người Việt Nam đó chính là tinh thần mạnh mẽ, càng trong hoàn cảnh khó khăn, thì tinh thần người Việt Nam càng cao”.
Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg; hạn chế tổ chức họp và tụ tập đông người; không cử đoàn cán bộ ra nước ngoài, trong trường hợp đặc biệt phải có sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ;
Đối với Bộ Công Thương, Thủ tướng đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ Công Thương trong việc ổn định thị trường, cung ứng hàng hóa tại Hà Nội nói riêng và các địa phương nói chung. Thủ tướng cũng giao cho Bộ Công Thương các nhiệm vụ cụ thể như sau: (i) Bộ Công Thương cùng với các tập đoàn, doanh nghiệp phải đảm bảo cung cấp đủ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, không được để tình trạng người dân bị thiếu hàng hóa; (ii) Xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, tích trữ, nâng giá hàng hóa.
Trước đó, ngày 8/3/2020, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ đạo tạm hoãn công tác nước ngoài để tập trung phòng, chống dịch Covid-19 tại Công văn số 1774/VPCP-QHQT.
Hành động cụ thể của Bộ Công Thương:
1. Tinh thần chung của Bộ Công Thương ngay từ những ngày đầu khi dịch bệnh khởi phát tới nay là luôn bám sát diễn biến của dịch bệnh và tình hình thị trường, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để có chỉ đạo xử lý, bảo đảm 2 mục tiêu: Tham gia phòng chống dịch và tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp.
2. Theo đó, Bộ đã tiến hành rà soát, đánh giá tình hình, xây dựng kịch bản ứng phó và ban hành các Chỉ thị, Kế hoạch hành động và thường xuyên có chỉ đạo để xử lý ngay những vấn đề phát sinh.
3. Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị số 11/CT-TTg vào ngày 04/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, sáng ngày 07/3/2020, Bộ trưởng Công Thương đã có buổi làm việc trực tiếp tại tỉnh Lạng Sơn để nắm bắt tình hình thực tế hàng hóa tại các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn và chỉ đạo triển khai các biện pháp tiếp theo để tháo gỡ khó khăn cho xuất nhập khẩu. Đồng thời, yêu cầu Cục XNK và các Đơn vị chức năng thuộc Bộ tiếp tục bám sát, cập nhật thông tin hàng ngày về tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc và lượng hàng hòa còn tồn tại ở các cửa khẩu để điều tiết, xử lý.
4. Cũng ngay trong chiều cùng ngày 7/3, Bộ trưởng Công Thương đã chủ trì cuộc họp khẩn với lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, Sở Công Thương Hà Nội cùng các nhà phân phối, doanh nghiệp, siêu thị về tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn thành phố để chỉ đạo triển khai các phương án bảo đảm cung ứng hàng hóa phục vụ nhân dân trong mọi tình huống. Theo đó, đã bảo đảm ổn định trên thị trường, cả về nguồn cung hàng hóa cũng như trong tâm lý của người dân.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng đã yêu cầu các Đơn vị chức năng thuộc Bộ phối hợp với các hệ thống phân phối lớn khẩn trương triển khai phương án tăng cường nguồn cung hàng hóa, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu của người dân; có phương án điều tiết nguồn hàng từ các nhà cung cấp, từ các điểm bán hàng ngoài Hà Nội để tăng lượng cung ứng cho địa bàn thành phố Hà Nội.
Đồng thời chỉ đạo Sở Công Thương thành phố Hà Nội, bám sát tình hình thị trường, trực tiếp kiểm tra đôn đốc các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn triển khai các phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho thị trường, giữ ổn định tâm lý thị trường.
Đến tối ngày 07/3/2020, thị trường đã bình ổn trở lại, nguồn cung hàng hóa vẫn dồi dào cùng với sự tin tưởng của người dân vào công tác điều hành, kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ nên không còn tâm lý tích trữ hàng hóa, việc đổ xô đi mua hàng tích trữ đã giảm mạnh. Đến ngày 8/3/2020, thị trường hàng hóa gần như đã trở lại trạng thái bình thường, nguồn cung hàng hóa tại các siêu thị, các chợ khá dồi dào, giá ổn định, sức mua như những ngày bình thường.
Ngoài ra, để triển khai hiệu quả các biện pháp nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho thị trường theo đúng tinh thần Chỉ thị 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngay trong sáng ngày 11/3/2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh ban hành chỉ thị số 06 về việc tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của ngành Công Thương trước những diến biến mới của dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu:
- Vụ Thị trường trong nước: Tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, chỉ đạo các doanh nghiệp, Sở Công Thương Hà Nội và Sở Công Thương tỉnh thành phố khác, phối hợp triển khai các biện pháp nhằm hỗ trợ tăng nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho địa bàn Hà Nội.
- Tổng Cục Quản lý thị trường: Chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường giám sát chặt địa bàn, xử lý nghiêm, kịp thời hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua vét, mua gom, định giá hàng hóa bất hợp lý; kiểm soát việc lợi dụng tình hình thị trường bất ổn để kinh doanh hàng giả, nhái, kém chất lượng.
- Cục Thương mại điện tử và kinh tế số: Phối hợp với các doanh nghiệp phân phối hỗ trợ đẩy mạnh các hoạt động, hình thức mua bán hàng hóa trực tuyến để tăng khả năng đáp ứng nhu cầu hàng hóa cho người dân, nhất là cho các khu vực bị cách ly.
- Sở Công Thương thành phố Hà Nội: Bám sát các diễn biến của thị trường, trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phân phối tăng cường các biện pháp cung ứng, điều phối và bán lẻ các hàng hóa phục vụ người dân.
- Các doanh nghiệp phân phối bán lẻ: Tiếp tục làm việc với các nhà cung cấp để bảo đảm nguồn cung, chất lượng hàng hóa cung cấp cho hệ thống bán hàng của doanh nghiệp một cách tốt nhất, nhanh nhất. Nếu có vướng mắc cần hỗ trợ, đề nghị thông tin kịp thời cho Bộ Công Thương, Sở Công Thương hoặc các cơ quan chức năng khác để phối hợp xử lý.
Nguồn:Cổng Thông tin điện tử Bộ công Thương