Hội chợ có quy mô 100 gian hàng trưng bày, giới thiệu các loại nông sản, thực phẩm, hóa chất, phân bón, thuốc trừ sâu… của 97 đơn vị, doanh nghiệp từ các nước khác nhau như: Trung Quốc, Thái Lan, Mi-an-ma, Ấn Độ và Việt Nam.
|
Hội chợ Nông nghiệp Mi-an-ma 2016 |
Nhằm góp phần giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp và phục vụ nông nghiệp của Việt Nam tại thị trường Mi-an-ma nói riêng và các nước nói chung, Bộ Công Thương Việt Nam đã tổ chức, dàn dựng gian hàng Quốc gia Việt Nam tại Hội chợ kết hợp tổ chức đoàn doanh nghiệp tham dự Hội chợ. Thông qua gian hàng Quốc gia, các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mi-an-ma được cung cấp thông tin, giới thiệu về một số phẩm tiêu biểu của Việt Nam như cà phê, cacao, chè, gạo và lúa giống, bánh kẹo, máy móc nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật.
|
Doanh nghiệp tham quan gian hàng của Bộ Công Thương |
Trong khuôn khổ Hội chợ, một loạt hội thảo với chủ đề nông nghiệp cũng đã được tổ chức với sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, hóa chất. Sự kiện thu hút sự quan tâm, tham dự đông đảo của người tiêu dùng, doanh nghiệp, chuyên gia và quan chức phụ trách về nông nghiệp của Mi-an-ma cũng như doanh nghiệp của các nước trong khu vực.
|
Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ Hội chợ Nông nghiệp Mi-an-ma 2016 |
Nông nghiệp được coi là xương sống của nền kinh tế Mi-an-ma với khoảng 70-95% tổng số 50 triệu dân sống trong các làng quê, phụ thuộc vào nông nghiệp. Với diện tích đất dành cho nông nghiệp rộng lớn (khoảng hơn 7 triệu ha trồng lúa, hơn 3 triệu ha trồng đậu đỗ, gần 1 triệu ha trồng lạc…), tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa hai nước là rất lớn.
Hiện nay, Việt Nam được coi là đối tác thương mại lớn, đứng thứ 10 trong các đối tác thương mại của Mi-an-ma. Trong những năm gần đây, kim ngạch thương mại Việt Nam – Mi-an-ma đạt mức tăng trưởng khá cao, đặc biệt là năm 2013, 2014 với tốc độ lần lượt là 54,7% và 36,7%. Năm 2015, kim ngạch thương mại hai nước năm 2015 chỉ đạt 435 triệu USD giảm 9,6% so với năm 2014. Nguyên nhân chủ yếu là do sụt giảm kim ngạch nhập khẩu từ Mi-an-ma. Cho đến nay, Việt Nam đã có 47 dự án đầu tư vào các lĩnh vực khác nhau tại Mi-an-ma với số vốn đăng ký lên tới 557 triệu USD. Trong thời gian tới, với dự án đầu tư dự kiến của Viettel đi vào hoạt động (nhà cung cấp mạng viễn thông thứ 4 được phía Mi-an-ma cấp phép vừa qua), đầu tư trực tiếp từ Việt Nam sang Mi-an-ma dự kiến sẽ có những bước phát triển vượt bậc.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương/Vụ Thị trường châu Á – Thái Bình Dương