menu search
Đóng menu
Đóng

Lực lượng Quản lý thị trường triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2016

14:37 11/07/2016

Ngày 08/7/2016, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai công tác quản lý thị trường (QLTT) 6 tháng cuối năm tại ba điểm cầu: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương chủ trì Hội nghị.

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương nhấn mạnh, 6 tháng đầu năm 2016, kết quả chung của toàn ngành Công Thương đạt những thành tích đáng khích lệ, tuy nhiên, những khó khăn, thách thức vẫn còn tiềm ẩn rất nhiều, toàn Ngành vẫn phải nỗ lực không ngừng để đạt được các mục tiêu đề ra. Trong đóng góp của toàn Ngành vào sự phát triển của đất nước không thể không kể đến đóng góp của lực lượng QLTT. Dù còn nhiều khó khăn, công việc có nhiều đặc thù, phức tạp, song Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, Cục QLTT – Bộ Công Thương cùng với lực lượng QLTT cả nước đã đạt được những kết quả đáng biểu dương, góp phần đẩy lùi hàng giả, hàng kém chất lượng, đảm bảo an sinh xã hội.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương

Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương yêu cầu, tại Hội nghị sơ kết, lực lượng QLTT cần chú trọng rà soát, đề ra kế hoạch chi tiết, cụ thể cho 6 tháng cuối năm, đặc biệt là những thời điểm nóng như các ngày Lễ, tết, tùy từng thời điểm, địa bàn để có những kế hoạch riêng cho phù hợp; đề xuất biện pháp để củng cố và phát triển lực lượng QLTT đáp ứng yêu cầu tình hình mới.

Phát hiện, xử lý 54.424 vụ vi phạm, giảm 810 vụ

Theo báo cáo Cục QLTT - Bộ Công Thương tại Hội nghị, 6 tháng đầu năm 2016, lực lượng QLTT đã tích cực, chủ động triển khai kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm, góp phần thực hiện có hiệu quả các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, góp phần ổn định an sinh xã hội.

Hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu vẫn diễn biến khá phức tạp trong 6 tháng đầu năm 2016, nhất là vào dịp gần Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng có giá cả chênh lệch lớn giữa trong nước và ngoài nước, mức thuế nhập khẩu cao hoặc bị áp dụng hạn ngạch như: rượu, thuốc lá, mỹ phẩm, thuốc tân dược, điện tử..., các mặt hàng tiêu thụ nhiều như bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm, hàng may mặc, v.v… Đáng chú ý, buôn lậu rượu ngoại, thuốc lá điếu và đường cát tiếp tục diễn ra tại khu vực biên giới miền Trung và miền Tây Nam bộ; tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép các loại thực phẩm tươi sống như gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm vẫn còn xảy ra chủ yếu ở các tỉnh biên giới phía Bắc; bên cạnh đó là tình trạng vận chuyển hàng lậu trên tuyến đường sắt từ các tỉnh biên giới phía Bắc về Hà Nội (chủ yếu là tuyến Lào Cai - Hà Nội, Lạng Sơn - Hà Nội) và tuyến đường sắt Bắc - Nam.

Đối với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ tập trung vào các nhóm hàng may mặc, thiết bị điện tử, đồ gia dụng, hàng tiêu dùng... các mặt hàng này chủ yếu được làm giả từ nước ngoài và vận chuyển trái phép vào Việt Nam bán cho các cơ sở lén lút gia công, đóng gói, sản xuất ngay trong nước. Theo đó, đối tượng chủ yếu tìm mua các loại hàng hóa, nguyên liệu bán thành phẩm giá rẻ, không rõ chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ và bao bì, nhãn mác nhái các thương hiệu nổi tiếng, sau đó tổ chức đóng gói thủ công hoặc sử dụng dây chuyền, máy móc thô sơ để gia công, dán nhãn và cung cấp ra thị trường; các sản phẩm này được bán trà trộn với hàng thật hoặc đưa về vùng sâu, vùng xa tiêu thụ, gây nguy cơ ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe người tiêu dùng.

Trong thị trường nội địa, tình hình sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa không rõ nguồn gốc, các loại hàng “xách tay” như: rượu ngoại, thuốc lá điếu ngoại, sản phẩm công nghệ, quần áo, giày, dép, mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng... vẫn còn xảy ra trên nhiều địa phương; vi phạm về niêm yết giá bán hàng, kinh doanh hàng hóa hết hạn sử dụng, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ có chiều hướng gia tăng trong các dịp lễ, Tết. Đáng chú ý, tình trạng tổ chức, cá nhân sử dụng trái phép các loại chất, phụ gia thực phẩm, vật tư nông nghiệp không đảm bảo, sử dụng chất cấm trong sản xuất, canh tác, chăn nuôi... có dấu hiệu diễn biến phức tạp, gây bất an dư luận, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhân dân.

Về kết quả đạt được của lực lượng QLTT trong 6 tháng đầu năm 2016 như sau:

Một số Chi cục QLTT đạt kết quả cao về số thu nộp ngân sách nhà nước như: thành phố Hồ Chí Minh thu gần 89,8 tỷ đồng, Hà Nội thu 47,1 tỷ đồng, Quảng Ninh thu 9,5 tỷ đồng, Đà Nẵng thu gần 11,1 tỷ đồng, Thanh Hóa thu 13 tỷ đồng, Bến Tre thu gần 9,7 tỷ đồng.

Hệ thống văn bản QPPL còn nhiều bất cập

Tham luận tại Hội nghị, ông Chu Xuân Kiên, Phó Giám đốc Sở Công Thương kiêm Chi Cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội góp ý: Hệ thống văn bản QPPL về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn nhiều bất cập, chưa thống nhất, còn thiếu cơ chế chính sách nhất quán, đồng bộ; một số văn bản sau thời gian dài thực hiện đã bộc lộ nhiều hạn chế, cần sửa đổi bổ sung cho phù hợp như: Luật Thương mại, Luật Xử lý vi phạm hành chính; Các văn bản hướng dẫn thi hành Luật: Luật Doanh nghiệp, Luật đầu tư mới chậm ban hành, v.v… Đại diện Chi cục QLTT Hà Nội cũng đã đề xuất nhiều giải pháp phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát các tụ điểm tập kết, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm an toàn thực phẩm 6 tháng cuối năm (trong đó chú trọng địa bàn Hoài Đức, Chợ Đồng Xuân, Ninh Hiệp…).

Phó Giám đốc Sở Công Thương kiêm Chi Cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội Chu Xuân Kiên

Đánh giá về một trong những địa bàn “nóng” về QLTT trong cả nước, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Thành phố Hồ Chí Minh Dương Thanh Hoàng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2016, QLTT Thành phố đã thực hiện 5.593 vụ kiểm tra chuyên ngành QLTT và phối hợp liên ngành, trong đó có 3.910 vụ vi phạm. Các mặt hàng, lĩnh vực vi phạm chủ yếu trên địa bàn như: thuốc lá nhập lậu, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược phẩm, thực phẩm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi, v.v… Về việc quản lý thực phẩm chức năng (TPCN) hiện nay, Phó Chi Cục trưởng Dương Thanh Hoàng cho rằng, hiện nay, hành lang pháp lý về quản lý TPCN tại Việt Nam chưa rõ ràng dẫn đến nhiều bất cập và nguy cơ. Điều kiện sản xuất chưa được quy định một cách cụ thể, hết sức chung chung là sản xuất thực phẩm. Trong khi, theo quy định quốc tế, điều kiện cơ sở sản xuất TPCN phải hội đủ các yếu tố: cơ sở, trang thiết bị, con người, quy định, phòng thí nghiệm kiểm nghiệm, nguyên liệu an toàn. Điều kiện sản phẩm lưu hành cũng chưa có quy định chặt chẽ.

Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Thành phố Hồ Chí Minh Dương Thanh Hoàng

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu thuốc lá và đảm bảo cho lực lượng QLTT trong công tác phòng chống thuốc lá nhập lậu trong thời gian tới, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (VINATABA) đã đưa ra các kiến nghị như: cần tăng cường QLTT nội địa, thường xuyên kiểm tra các điểm bán thuốc lá nhập lậu, ngăn chặn việc vận chuyển thuốc lá lậu; đề nghị Cục QLTT tăng cường phối hợp cùng Hiệp hội hiệu quả và chặt chẽ hơn nữa trong công tác giám sát, đôn đốc lực lượng QLTT tại các địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị số 30/CT-TTg của Chính phủ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân không tiếp tay cho việc vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ thuốc lá nhập lậu trong thời gian tới.

Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (VINATABA), Chủ tịch Hiệp Hội Thuốc lá Việt Nam Vũ Văn Cường

Đẩy lùi hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng lậu

Sáu tháng cuối năm 2016, dự báo tình hình kinh tế - xã hội trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức; nạn buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại và vi phạm an toàn thực phẩm tiếp tục diễn biến phức tạp, gây tác hại nhiều mặt tới sản xuất và đời sống của nhân dân. Để góp phần hạn chế, đẩy lùi hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, lực lượng QLTT đã đặt ra mục tiêu cần bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và chỉ đạo của Bộ Công Thương tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tập trung thực hiện có hiệu quả các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Bộ Công Thương về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Hai là, tiếp tục rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến công tác quản lý, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Ba là, tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát thị trường.

Bốn là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về quản lý hoạt động thương mại và quản lý thị trường.

Năm là, nâng cao năng lực thực thi pháp luật của cơ quan, công chức làm công tác quản lý thị trường.

Sáu là, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin.

Bảy là, tăng cường hợp tác quốc tế. 

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương