menu search
Đóng menu
Đóng

Người phát ngôn Bộ Công Thương trả lời một số vấn đề được dư luận, báo chí quan tâm

09:27 10/06/2016

Bộ Công Thương trân trọng giới thiệu nội dung trả lời của Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải – Người phát ngôn Bộ Công Thương đối với một số vấn đề được báo chí và dư luận quan tâm.
Bộ Công Thương trân trọng giới thiệu nội dung trả lời của Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải – Người phát ngôn Bộ Công Thương đối với một số vấn đề được báo chí và dư luận quan tâm:
Câu 1: Vải thiều chuẩn bị vào mùa vụ. Vậy, Bộ Công Thương cho biết việc triển khai hỗ trợ mặt hàng này như thế nào?
Trả lời:
Để chủ động tìm thị trường tiêu thụ ổn định và bền vững cho quả vải, là loại nông sản có sản lượng lớn, sản xuất tập trung, có tính mùa vụ cao tại một số tỉnh phía Bắc (Bắc Giang, Hải Dương), Bộ Công Thương đã phối hợp với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp tổ chức một số hoạt động như sau:
- Tham gia và chỉ đạo Hội nghị xúc tiến thương mại tiêu thụ quả vải và nông sản tỉnh Hải Dương năm 2016.
- Phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, xúc tiến thương mại tiêu thụ vải thiều năm 2016 tại tỉnh Bắc Giang.
- Kết hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên triển khai Hội nghị tiếp xúc với các doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu vải thiều tươi từ Việt Nam sang Trung Quốc năm 2016 tổ chức tại tỉnh Lào Cai.
- Phối hợp với UBND thành phố Hà Nội và UBND tỉnh Bắc giang tổ chức tuần lễ vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang tại Hà Nội vào cuối tháng 6 năm 2016.
- Để triển khai công tác hỗ trợ kết nối tiêu thụ quả vải vào thị trường khu vực phía Nam, Bộ Công Thương đã có công văn chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại thành phố Hồ Chí Minh dự kiến tổ chức vào ngày 17 tháng 6 năm 2016.
Câu 2: Xin Bộ Công Thương cho biết tình hình sản xuất, kinh doanh xăng sinh học E5 hiện nay? Những khó khăn gặp phải khi triển khai sản xuất và kinh doanh E5? Và biện pháp tháo gỡ như thế nào?
Trả lời:
Thực hiện Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg ngày 22 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống, ngay từ tháng 11 năm 2014 các Bộ, ngành các doanh nghiệp kinh doanh đầu mối xăng dầu, các doanh nghiệp đã tích triển khai các hoạt động để thúc đẩy việc sản xuất, phối chế, kinh doanh xăng E5. Tuy nhiên việc sản xuất, phối chế, kinh doanh xăng E5 còn gặp nhiều khó khăn.
1. Tình hình sản xuất, phối chế, kinh doanh xăng E5
- Về tình hình pha chế và phân phối xăng E5:
Tại 08 địa phương phân phối thử nghiệm bao gồm Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, và Bà Rịa - Vũng Tàu đã và đang khẩn trương triển khai thực hiện Thông báo số 19/TB-VPCP ngày 19 tháng 01 năm 2016: “Phấn đấu đến ngày 01 tháng 6 năm 2016 đạt 100% số lượng cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại địa phương bán xăng E5...”. Các địa phương đạt được mục tiêu theo Thông báo số 19/TB-VPCP ngày 19 tháng 01 năm 2016 là Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng. Các địa phương: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, và Bà Rịa - Vũng Tàu đang nỗ lực triển khai thực hiện và đã đạt được kết quả đáng kể. Tại Thành phố Hồ Chí Minh đến ngày 26 tháng 4 năm 2016 có 279/526 cửa hàng bán lẻ xăng dầu bán xăng E5, tăng 81,2% so với thời điểm bắt đầu triển khai thí điểm, tăng 20% so với thời điểm cuối năm 2015.
Tại các địa phương khác trong toàn quốc: Đều đã ban hành Kế hoạch phân phối xăng E5 theo chỉ tiêu của Thông báo số 19/TB-VPCP ngày 19 tháng 01 năm 2016: “... đến ngày 01 tháng 6 năm 2016 đạt 50% số lượng cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại địa phương bán xăng E5...”. Việc thực hiện Kế hoạch cũng đang được thực hiện nghiêm túc.
- Về nguồn cung etanol sinh học:
Hiện nay, việc cung cấp etanol nhiên liệu để phối trộn lượng xăng sinh học E5 trên chủ yếu từ 02 Nhà máy Nhiên liệu sinh học của Công ty TNHH Tùng Lâm với tổng công suất: 150.000 tấn/năm (01 nhà máy công suất 50.000 tấn/năm; 01 nhà máy 100.000 tấn/năm) đủ để phối trộn trên 3 triệu tấn xăng sinh học E5/năm. Giá bán khoảng 13.000đồng/lít. Công ty TNHH Tùng Lâm cho biết hiện các nhà máy đang hoạt động bình thường, lượng tiêu thụ etanol nhiên liệu mới chỉ chiếm dưới 30% năng lực sản xuất của Công ty.
- Về chất lượng sản phẩm xăng E5:
Chất lượng xăng E5 tại các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh khi cung cấp sản phẩm ra thị trường đều được tiến hành các thủ tục đánh giá hợp quy chất lượng sản phẩm. Theo các kết quả kiểm tra chất lượng của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ, chất lượng xăng E5 đều đảm bảo theo quy định. Cho đến nay, theo báo cáo của các địa phương và các đầu mối kinh doanh xăng dầu chưa có bất kỳ khiếu nại nào của người tiêu dùng về chất lượng xăng E5.
- Về giá xăng E5:
Để tạo chênh lệch giá xăng E5 thấp hơn xăng RON92 theo chỉ đạo tại Thông báo số 19/TB-VPCP ngày 26 tháng 01 năm 2015 và Thông báo số 19/TB-VPCP ngày 19 tháng 01 năm 2016 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về cơ chế giá đối với xăng E5, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã áp dụng biện pháp trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, hiện nay mức trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với xăng E5 hiện nay là 0 đồng/lít, xăng khoáng là 300 đồng/lít. Với các chính sách thuế, phí như hiện nay, giá bán tối đa của mặt hàng xăng E5 thấp hơn 498 đồng/lít so với xăng RON 92 (giá tối đa của xăng khoáng RON 92 hiện là 14.940 đồng/lít, của xăng E5 là 14.442 đồng/lít, theo Công văn số 2974/BCT-TTTN ngày 05 tháng 4 năm 2016 của Bộ Công Thương về việc điều hành kinh doanh xăng dầu). Vụ Thị trường trong nước sẽ có báo cáo cụ thể về giá và chính sách điều hành xăng dầu đối với xăng E5.
2. Khó khăn chính trong sản xuất, phối chế, kinh doanh xăng E5
- Giá etanol nhiên liệu cao:
+ Giá sắn lát nguyên liệu tăng liên tục dẫn đến giá thành ethanol nhiên liệu tăng cao. Các nhà máy sản xuất etanol nhiên liệu được xây dựng trong những năm 2008- 20010, với giá trung bình khoảng 2.000 đồng/kg (giá sắn lát khô cuối năm 2008 và đầu năm 2009 biến động từ 1.500 đồng/kg – 1.700 đồng/ kg). Từ năm 2011 đến nay, giá sắn lát luôn trên mức 3.500đồng/kg có thời điểm giá sắn lát lên đến 4.500 đồng/kg – 5.000 đồng/kg.
+ Giá dầu mỏ giảm là nguyên nhân ethanol nhiên liệu sinh học kém cạnh tranh so với nhiên liệu gốc khoáng về mặt kinh tế. Giá dầu mỏ trong năm 2008 -2009 cũng đang ở mức rất cao (ngày 11 tháng 07 năm 2008 giá dầu thô là 147,27 đô la Mỹ/thùng). Từ 2011 đến nay, giá dầu thế giới liên tục giảm (thấp nhất xuống dưới 30 đô la Mỹ/thùng).
- Doanh nghiệp chưa mặn mà trong kinh doanh xăng E5: cửa hàng bán E5 có doanh thu thấp, tỷ lệ chiết khấu xăng sinh học chưa hấp dẫn, chênh lệch giá bán xăng chưa hấp dẫn.
- Người tiêu dùng: Chênh lệch giá bán xăng chưa hấp dẫn và khuyến khích người tiêu dùng; người tiêu dùng sử dụng xăng khoáng theo thói quen dẫn đến sản lượng xăng E5 bán ra tại cùng một cửa hàng bán lẻ xăng dầu thấp hơn so với xăng khoáng cùng loại. Công tác tuyên truyền tại các địa phương, các doanh nghiệp chưa đồng bộ.
3. Giải pháp
- Các Bộ, ngành:
+ Các Bộ Công Thương, Tài chính phối hợp với các cơ quan liên quan điều hành giá bán xăng dầu, điều hành trích lập và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu (trong đó có nhiên liệu sinh học: Xăng E5) theo kết luận tại Thông báo số 19/TB-VPCP ngày 26 tháng 01 năm 2015 của Văn phòng Chính phủ;
+ Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo các thương nhân kinh doanh xăng dầu tổ chức hệ thống phân phối để tiếp nhận xăng sinh học theo Lộ trình đã được phê duyệt, đảm bảo phân phối xăng sinh học thuận lợi như xăng khoáng;
+ Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu, ban hành cơ chế ưu đãi về thuế; phương pháp tính giá cơ sở đối với nhiên liệu sinh học và xăng E5, hướng dẫn việc quản lý, trích lập và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với nhiên liệu sinh học (trước mắt là xăng E5) để thực hiện lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Các địa phương trong cả nước: Khẩn trương triển khai thực hiện và chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại địa phương phấn đấu đạt các chỉ tiêu về lượng xăng E5 bán ra và số cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại địa phương bán xăng E5 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 19/TB-VPCP ngày 19 tháng 01 năm 2016.
- Các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu: Khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trạm pha chế, phối trộn xăng E5, mở rộng mạng lưới cửa hàng bán lẻ xăng E5; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tại các địa phương phát triển các cửa hàng bán lẻ xăng E5 tại địa phương theo kế hoạch kinh doanh xăng E5 của các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Các doanh nghiệp sản xuất etanol nhiên liệu: Tăng cường quản trị doanh nghiệp, giảm chi phí đầu vào, đa dạng hóa phụ phẩm, giảm tiêu thụ nguyên liệu và năng lượng để giảm giá thành ethanol nhiên liệu tăng cường năng lực cạnh tranh đảm bảo nguồn cung etanol nhiên liệu đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Câu 3: Đề nghị Bộ Công Thương cho biết giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu gạo trong bối cảnh Chính phủ Thái Lan có thông báo sẽ bán toàn bộ 11,4 triệu tấn gạo dự trữ với mục tiêu thu về hơn 2,8 tỉ USD?
Trả lời:
Nhằm đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng gạo trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tập trung các giải pháp sau:
- Tăng cường công tác thông tin thị trường, hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường hiệu quả, thiết thực cho các địa phương và doanh nghiệp xuất khẩu.
- Tiếp tục đàm phán về mở cửa thị trường và các biện pháp phi thuế quan đối với mặt hàng gạo; phối hợp với các cơ quan liên quan giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến kiểm dịch; dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh, tạo thuận lợi cho xuất khẩu gạo của Việt Nam.
- Phối hợp với Bộ Ngoại giao và chỉ đạo Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia, vùng lãnh thổ tăng cường vận động, tháo gỡ khó khăn, rào cản, thúc đẩy phát triển thị trường xuất khẩu gạo.
- Phối hợp với VFA và các thương nhân xuất khẩu, doanh nghiệp đầu mối tại các thị trường tập trung tiếp tục tăng cường nắm sát tình hình thị trường, kịp thời có giải pháp điều hành linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường.
- Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại gạo để củng cố các thị trường trọng điểm, truyền thống và mở đường cho xuất khẩu gạo Việt Nam vào các thị trường mới, thị trường tiềm năng theo chỉ đạo của Chính phủ.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương kiến nghị các Bộ, ngành, Hiệp hội phối hợp, triển khai, thực hiện một số biện pháp như sau:
* Đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, VFA rà soát, đánh giá tác động của hạn hán, xâm nhập mặn đối với sản xuất lúa gạo trong năm 2016, nhất là tại vùng ĐBSCL. Từ đó, có kế hoạch phù hợp cho mùa vụ, đảm bảo nguồn cung trong nước và phục vụ xuất khẩu.
- Thường xuyên rà soát, cập nhật cân đối nguồn cung thóc, gạo hàng hóa để kịp thời phục vụ công tác điều hành xuất khẩu, chủ động trước diễn biến thị trường, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và chỉ số giá tiêu dùng CPI.
- Rà soát lại các biện pháp của các nước và các cam kết quốc tế của Việt Nam về kiểm dịch thực vật; có biện pháp, giải pháp tháo gỡ khó khăn, rào cản về kiểm dịch thực vật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với gạo nhập khẩu của các nước để tạo thuận lợi cho việc mở rộng, đa dạng hóa thị trường.
- Tăng cường chỉ đạo quy hoạch vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, sản xuất lúa và chế biến, bảo quản sản phẩm thóc, gạo hàng hóa bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu, khắc phục vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm gạo.
- Rà soát lại danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép nhập khẩu, sản xuất và lưu hành tại Việt Nam, loại bỏ ngay những chủng loại thuốc có chứa các hoạt chất độc hại, gây dư lượng hóa chất độc hại trong sản phẩm gạo (nếu có).
- Tập trung triển khai Đề án phát triển thương hiệu gạo đã được phê duyệt tại Quyết định số 706/QĐ-TTg ngày 21 tháng 5 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg.
* Đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan khác chỉ đạo các đơn vị chức năng tại địa phương triển khai các biện pháp phù hợp, cần thiết bảo đảm thống kê đúng số lượng gạo thực tế xuất khẩu, nhập khẩu qua biên giới.
- Tăng cường công tác chỉ đạo có hiệu quả chủ trương xây dựng vùng nguyên liệu, kiểm tra hoạt động thu mua thóc, gạo nội địa, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi sản xuất, kinh doanh, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trái quy định.
- Các địa phương vùng ĐBSCL cần theo dõi sát tình hình, tác động của hạn hán, xâm nhập mặn đối với sản xuất lúa gạo trong năm 2016 để xác định thực tế số lượng và diễn biến giá thóc, gạo dùng trong nội địa và dùng cho xuất khẩu trên địa bàn.
* Đối với Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA)
- Tăng cường theo dõi, nắm tình hình thực hiện quy định về dự trữ lưu thông, lượng gạo có sẵn trong kho khi đăng ký hợp đồng xuất khẩu của các thương nhân. Trường hợp phát hiện có thông tin, diễn biến bất thường đề nghị báo cáo cáo gấp về Bộ Công Thương và đề xuất biện pháp xử lý.
- Tăng cường nắm sát tình hình thị trường, kịp thời báo cáo, kiến nghị rõ các biện pháp cần thiết trong công tác điều hành để thúc đẩy xuất khẩu, giữ thị trường; chủ động đề xuất với các hoạt động chương trình xúc tiến thương mại nhằm củng cố, mở rộng và tìm kiếm thị trường mới, thị trường tiềm năng.
- Tiếp tục hoàn thiên, nâng cao hiệu quả hoạt động của VFA, nhất là trong việc điều phối và hướng dẫn, hỗ trợ thương nhân trong liên kết sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu, xây dựng thương hiệu; kinh doanh xuất khẩu gạo; hỗ trợ, điều phối các doanh nghiệp đầu mối trong giao dịch và tổ chức thực hiện các hợp đồng tập trung.
Câu 4: Ngày 30/4, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 3777/BCT-TTTN về việc công bố đường dây nóng của Bộ nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngư dân một số vùng ven biển miền Trung.
Bộ Công Thương có nhận được nhiều phản ánh của ngư dân không? Trong đó, những vấn đề gì nóng bỏng nhất đã được Bộ giải quyết, hỗ trợ tiêu thụ cá cho ngư dân?
Trả lời:
Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) đã thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin và hỗ trợ ngư dân trong việc thu mua, tiêu thụ hải sản bảo đảm an toàn. Ngay sau khi được sự hỗ trợ của các phương tiện thông tin đại chúng thì lập tức đường dây nóng đã nhận được hàng trăm cuộc điện thoại của các tổ chức, cá nhân, ngư dân từ các tàu đánh bắt xa bờ cho đến các tổ chức thu mua và các hộ kinh doanh trên địa bàn.
- Số lượng câu hỏi như đã nêu tập trung cao điểm trong ngày 30 tháng 4 đến ngày 7 tháng 5 (chiếm đến ¾ số câu hỏi), sau đó giảm dần và đến nay hầu như không còn.
- Nội dung câu hỏi: Chủ yếu vào vấn đề giải quyết khâu tiêu thụ hải sản cho ngư dân, cho các hợp tác xã và doanh nghiệp thu mua hải sản như: Điểm thu mua sẽ tổ chức ở đâu? Ai mua? Ai là người xác nhận điểm an toàn? Đồng thời đề nghị có những chính sách và biện pháp hỗ trợ kịp thời cho nhóm đối tượng chịu thiệt hại trực tiếp, tránh tình trạng gian lận trong khâu kiểm soát tiêu thụ cá an toàn và cá không an toàn, tránh tình trạng bị ép giá.
Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã hướng dẫn và trả lời trực tiếp các câu hỏi của người dân và chỉ đạo ngay tới Sở Công Thương các địa phương liên quan để làm rõ, xử lý, đồng thời tiếp thu và đề xuất với Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan có giải pháp phù hợp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho ngư dân, các đầu mối thu mua và hệ thông phân phối, tiêu thụ tại các địa phương.
Để hỗ trợ tiêu thụ cá cho ngư dân, Bộ Công Thương đã thực hiện các giải pháp cụ thể như sau:
- Thành lập Tổ công tác làm việc trực tiếp tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế chịu ảnh hưởng của hiện tượng cá chết bất thường để nắm thực tế tình hình và đánh giá cụ thể khả năng, phương án triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tiêu thụ hải sản đánh bắt bảo đảm an toàn của ngư dân.
- Thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin và hỗ trợ ngư dân trong việc thu mua, tiêu thụ hải sản bảo đảm an toàn (tại công văn số 3777/BCT-TTTN ngày 30/4/2016).
- Chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiêu thụ sản hải sản bảo đảm an toàn (Công văn số 3833/BCT-TTTN ngày 05 tháng 5 năm 2016 của Bộ trưởng), trong đó chú trọng:
+ Chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh hỗ trợ ngư dân vào các điểm thu mua, tiêu thụ hải sản đánh bắt xa bờ bảo đảm an toàn.
+ Chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối lớn, các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối kết nối các điểm thu mua hải sản đánh bắt được chứng nhận an toàn với hệ thống các cơ sở chế biến, phân phối, tiêu thụ trên địa bàn.
+ Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường các địa phương tăng cường theo dõi, tuyên truyền tới người dân không thu mua, tiêu thụ các loại thủy hải sản không rõ nguồn gốc, chưa được chứng nhận bảo đảm an toàn của cơ quan chức năng; đồng thời, kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm.
+ Chỉ đạo các Sở Công Thương phối hợp với các đơn vị trên địa bàn tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến tới người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về công tác tổ chức thu mua, chế biến, tiêu thụ hải sản bảo đảm an toàn, đặc biệt là thông tin về các điểm thu mua, về hệ thống các cơ sở phân phối, tiêu thụ thủy hải sản đã được chứng nhận bảo đảm an toàn để người dân tiếp tục yên tâm mua và sử dụng.
- Chỉ đạo và hướng dẫn Sở Công Thương các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế thực hiện Quyết định số 772/QĐ-TTg ngày 09 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ khẩn cấp cho người dân tại các tỉnh nêu trên bị ảnh hưởng do hiện tượng hải sản chết bất thường (tại công văn số 4324/BCT-TTTN ngày 19/5/2016).
Nguồn: Văn phòng Bộ Công Thương