menu search
Đóng menu
Đóng

Thương vụ M&A Phindeli và Kinh Đô bất thành

15:22 24/09/2015

Được công bố rầm rộ không kém, nhưng mải lo cho thương vụ đình đám với Mondelēz, Kinh Đô đã bất thành với Phindeli 
Giữa năm 2014, cả Kinh Đô và Phindeli đã công bố về thương vụ M&A này. Khi đó, cả 2 bên đều kỳ vọng sẽ tận dụng được điểm mạnh của nhau. Theo đó, Kinh Đô sẽ hỗ trợ PhinDeli về hệ thống phân phối, hệ thống quản lý… Ngược lại, Kinh Đô cũng đạt được tham vọng bước chân vào lĩnh vực cà phê và có thể khai thác tốt thị trường nội địa và xuất khẩu cà phê sang thị trường Mỹ.

Thương vụ này đã được công bố tại đại hội cổ đông thường niên năm 2014. Tuy nhiên, thương vụ đến nay bất thành. Theo ông Phạm Đình Nguyên, Chủ tịch HĐQT Phindeli có một số lý do cả chủ quan và khách quan khiến hợp tác đã không xảy ra. Trong đó, chủ yếu là nguyên nhân khách quan, chứ không nằm ở yếu tố giá cả.  

“Thời gian chúng tôi thảo luận về việc hợp tác cũng là thời gian Kinh Đô bận rộn với việc triển khai hợp tác với Mondelēz. Do đó hợp tác với PhinDeli lúc đó không phải là ưu tiên số 1 của Kinh Đô. Hơn nữa, cơ hội để cho các sản phẩm PhinDeli tích hợp với hệ thống phân phối của Kinh Đô hiện giờ rất là ít. Mà đây lại là nền tảng cho việc hợp tác giữa PhinDeli và Kinh Đô”, ông Nguyên cho biết.

Hiện Phindeli đã bắt tay với đối tác phân phối ngoại để đưa hàng vào chuỗi siêu thị lớn như Coopmart, Citimart, Hapro... cũng như bắt đầu phủ tại các chợ, các điểm bán lẻ trên thị trường truyền thống.

Sau thương vụ bất thành, cả Kinh Đô và PhinDeli đang đi tìm cho mình những đối tác mới. Không chia sẻ cụ thể, nhưng ông Nguyên khẳng định, chủ trương hợp tác với các đối tác tiềm lực mạnh bổ trợ qua lại là định hướng lâu dài của PhinDeli. Hiện Phindeli cũng có một vài đối tác cũng đang tìm hiểu.

Trong khi đó, Kinh Đô sau khi hoàn tất thương vụ M&A đình đám với Mondelēz International đã thành lập một thương hiệu mới là KiDo Group (KDC) để tập trung phát triển ngành hàng mới là mỳ ăn liền, dầu ăn, hạt nêm.

Riêng với mảng cà phê, Kido cũng chưa có ý định từ bỏ nhưng việc tìm kiếm đối tác mới để M&A không dễ, bởi trên thị trường hiện nay ngoài thương hiệu Trung Nguyên, Nescafé, Vinacafe Biên Hòa thuộc về Masan, thì chỉ còn thương hiệu nhỏ của cơ sở sản xuất tư nhân nhỏ.

Theo Anh Hoa

Báo Đầu Tư

Nguồn:Báo Đầu Tư