menu search
Đóng menu
Đóng

Hàng hóa TG phiên 21/5/2020: Giá dầu tăng, vàng và cà phê giảm

14:00 22/05/2020

Vinanet - Phiên giao dịch vừa qua, giá hàng hóa nguyên liệu tiếp tục biến động do tác động từ tình hình kinh tế liên quan đến COVID-19.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu đồng loạt tăng do tồn trữ dầu thô của Mỹ giảm giữa bối cảnh Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng các nước đồng minh cắt giảm sản lượng dầu và nhu cầu với mặt hàng này phục hồi khi Chính phủ các nước nới lỏng hạn chế đi lại do dịch COVID-19.
Kết thúc phiên giao dịch, dầu Brent tăng 1% lên 36,09 USD/thùng, trong phiên có lúc đạt mức cao nhất kể từ tháng 3/2020; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1,28% lên 33,92 USD/thùng.
Tình trạng dôi dư nguồn cung dầu đang giảm bớt khi lượng tồn trữ dầu thô của Mỹ giảm 5 triệu thùng trong tuần trước, trái ngược dự báo tăng giới phân tích đưa ra trước đó. Song song với đó, có dấu hiệu cho thấy hoạt động sử dụng nhiên liệu phục hồi trong lĩnh vực hàng không. Các hãng hàng không hàng đầu của Mỹ và Air Canada (Canada) cách đây ít ngày báo cáo tốc độ hành khách hủy vé đã chậm lại và hoạt động đặt vé trong một số chặng bay được cải thiện dù cho nhu cầu đi bay nói chung vẫn yếu.
OPEC, Nga và các đồng minh khác, còn gọi là OPEC+ nhất trí cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày kể từ ngày 1/5. Tính từ đầu tháng đến nay, OPEC+ đã giảm xuất khẩu dầu khoảng 6 triệu thùng/ngày, cho thấy mức độ tuân thủ thỏa thuận cao.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng giảm trên 1% khi các nhà đầu tư bán chốt lời sau những phiên tăng giá gần đây để chuyển sang nắm giữ tiền mặt giữa lúc căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tăng cao cùng với tâm lý hoài nghi về khả năng phục hồi kinh tế.
Cuối phiên giao dịch, vàng giao ngay giảm 1,5% xuống 1.722,78 USD/ounce, trong khi vàng kỳ hạn tháng 6/2020 giảm 1,7% xuống 1.721,90 USD/ounce.
Các chỉ số chính của Phố Wall giảm, giữa lúc căng thẳng Mỹ - Trung leo thang và nỗi lo về khả năng phục hồi từ tình trạng suy thoái kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra. Chỉ số về nỗi lo sợ của thị trường Phố Wall đã tăng 30 điểm chỉ trong một thời gian ngắn trong phiên giao dịch này. Ngoài ra, tác động đến vàng còn là một đồng bạc xanh mạnh, vốn cũng là một nguồn dự trữ an toàn trong lúc căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang.
Vàng đôi khi dịch chuyển cùng xu hướng thị trường chứng khoán trong năm nay, nhất là khi diễn ra các đợt bán tháo đã thúc đẩy các nhà đầu tư bán kim loại quý để lấy tiền mặt.
Trưởng bộ phận chiến lược thị trường của Blue Line Futures ở Chicago, Phil Streible, cho rằng cổ phiếu đã bị mua vào quá mức, rất nhiều tiền đã đổ vào cổ phiếu các ngành công nghệ, vì vậy sẽ xuất hiện tâm lý lo ngại một khi nhà đầu tư bán tháo. Theo ông, vàng sẽ chịu áp lực khi các nhà đầu tư cố gắng huy động vốn. Các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết về khả năng đưa ra thêm các biện pháp hỗ trợ trực tiếp nếu kinh tế vẫn còn suy thoái.
Về những kim loại khác, giá palađi giảm 3,7%, xuống 2.023,73 USD/ounce sau khi tăng lên mức kỷ lục một tháng trong phiên giao dịch trước; bạc giảm 2,7%, xuống 17,03 USD/ounce; bạch kim giảm 2,4%, xuống 830,60 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng tăng lên mức cao nhất 10 tuần, khi việc nới lỏng các hạn chế bởi Covid-19 trên toàn thế giới làm gia tăng kỳ vọng nhu cầu và hoạt động kinh tế tăng mạnh. Giá đồng trên sàn London tăng lên 5.464 USD/tấn, cao nhất kể từ ngày 13/3/2020, trước khi giảm 1% xuống 5.387 USD/tấn. Giá thiếc giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 0,2% xuống 15.430 USD/tấn, trước đó trong phiên đạt 15.735 USD/tấn - cao nhất kể từ ngày 16/3/2020, do tồn trữ thiếc tại London chạm mức thấp nhất kể từ tháng 5/2019.
Trong nhóm sắt thép, giá quặng sắt tại Đại Liên tăng vượt ngưỡng 100 USD/tấn, do lo ngại nguồn cung quặng sắt thắt chặt bởi các hạn chế virus corona, trong khi triển vọng nhu cầu thép toàn cầu ảm đạm. Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2020 trên sàn Đại Liên tăng 2,1% lên 722 CNY (101,67 USD)/tấn, tăng phiên thứ 7 liên tiếp. Do vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá quặng sắt tăng hơn 20%. Đồng thời, giá quặng sắt trên sàn Singapore tăng 1,7% lên 95,42 USD/tấn. Giá thép cây trên sàn Thượng Hải tăng 0,8%, giá thép cuộn cán nóng tăng 0,6% và giá thép không gỉ tăng 1,4%.
Công ty khai thác quặng sắt Vale SA Brazil cắt giảm triển vọng sản lượng năm 2020 xuống 310-330 triệu tấn so với mức 340-355 triệu tấn dự báo trước đó.
Trên thị trường nông sản, giá đậu tương tại Mỹ giảm 1,4% xuống mức thấp nhất 2 tuần, chịu áp lực giảm bởi lo ngại về nhu cầu từ nước nhập khẩu đậu tương hàng đầu thế giới giảm, do căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington gia tăng. Trên sàn Chicago, giá đậu tương kỳ hạn tháng 7/2020 giảm 11-3/4 US cent xuống 8,35 USD/bushel. Giá ngô giao cùng kỳ hạn giảm 1-3/4 US cent xuống 3,17-3/4 USD/bushel. Trong khi đó, giá lúa mì mềm, đỏ vụ đông kỳ hạn tháng 7/2020 tăng 2-1/4 US cent lên 5,16 USD/bushel.
Giá đường thô giảm trở lại sau khi đạt mức cao nhất gần 2 tháng, được thúc đẩy bởi giá dầu thô tăng và khả năng gián đoạn nguồn cung từ nước xuất khẩu hàng đầu – Brazil. Giá đường thô kỳ hạn tháng 7/2020 trên sàn ICE giảm 0,21 US cent tương đương 1,9% xuống 10,98 US cent/lb, trong phiên có lúc đạt 11,32 US cent/lb, cao nhất kể từ ngày 27/3/2020. Giá đường trắng kỳ hạn tháng 8/2020 trên sàn London giảm 1,5 USD tương đương 0,4% xuống 365,3 USD/tấn.
Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 7/2020 trên sàn New York giảm 0,9 US cent tương đương 0,9% xuống 1,0475 USD/lb; robusta kỳ hạn tháng 7/2020 trên sàn London tăng 3 USD tương đương 0,3% lên 1.189 USD/tấn.
Ở Châu Á, giá cà phê tại Việt Nam tăng do nguồn cung thắt chặt khi những người nông dân găm hàng không bán ra, bởi kỳ vọng các nền kinh tế mở cửa trở lại có thể đẩy giá tăng hơn nữa.
Giá cà phê robusta xuất khẩu của Việt Nam (loại 2, 5% đen & vỡ) được chào giá cộng 200 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 7/2020 trên sàn London, tăng so với mức cộng 170-180 USD/tấn cách đây 1 tuần. Tại thị trường nội địa, cà phê nhân xô được bán với giá 31.800 đồng (1,37 USD)/kg, tăng so với 30.000 đ/kg cách đây 1 tuần. Hiệp hội Cà phê Ca cao cho biết, sản lượng cà phê niên vụ 2020/21 sẽ giảm 15% so với niên vụ trước do hạn hán và Covid-19 bùng phát. Tại Indonesia, giá cà phê robusta loại 4 (80 hạt lỗi) chào bán ở mức cộng 290-300 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 7/2020 trên sàn London, tăng so với mức cộng 260-280 USD/tấn cách đây 1 tuần.
Giá cao su tại Tokyo tăng phiên thứ 3 liên tiếp lên mức cao nhất hơn 2 tháng, do các nhà đầu tư kỳ vọng kinh tế hồi phục nhanh chóng từ khủng hoảng virus corona. Giá cao su kỳ hạn tháng 10/2020 trên sàn TOCOM tăng 0,6 JPY tương đương 0,4% lên 155,5 JPY/kg, cao nhất kể từ ngày 18/3/2020. Đồng thời, giá cao su kỳ hạn tháng 9/2020 trên sàn Thượng Hải tăng 0,2% lên 10.435 CNY/tấn. Các thị trường tài chính trên toàn cầu khởi sắc trong tuần này, do một số nước nới lỏng các hạn chế bởi virus corona, trong khi các biện pháp kích thích của chính phủ cũng thúc đẩy kỳ vọng nền kinh tế hồi phục.
Giá hàng hóa thế giới sáng 22/5/2020

 

 

Nguồn:VITIC/ Reuters, Bloomberg