Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm do xuất hiện các ý kiến trái chiều về khả năng Mỹ và Trung Quốc sẽ đạt được thỏa thuận thương mại tạm thời, giữa bối cảnh các nhà sản xuất trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) không đưa ra quyết định nào về việc cắt giảm hơn nữa nguồn cung sau cuộc họp ngày 12/9/2019.
Kết thúc phiên vừa qua, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 0,71% xuống 60,38 USD/thùng, trong khi dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 1,18% xuống 55,09 USD/thùng.
Báo chí đưa tin Mỹ đang cân nhắc một thỏa thuận thương mại tạm thời với Trung Quốc, mặc dù cũng có nguồn tin cho hay một quan chức cấp cao của Nhà Trắng đã phủ nhận thông tin này.
Giá dầu phiên vừa qua còn bị chi phối bởi những bình luận từ tân Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Prince Abdulaziz bin Salman, rằng sẽ không có bất kỳ quyết định chính thức nào về việc cắt giảm thêm sản lượng dầu trước khi diễn ra cuộc họp vào tháng 12/2019 của liên minh các nhà sản xuất trong và ngoài OPEC (còn gọi là OPEC+).
Tại cuộc họp ngày 12/9/2019 của Ủy ban Giám sát Thị trường OPEC+ diễn ra tại Abu Dhabi (Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất) ngày 12/9/2019, OPEC đã yêu cầu các nước thành viên sản xuất quá mức cam kết gồm Iraq và Nigeria phải tuân thủ hạn ngạch đưa ra theo thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu thô. Iraq, nước sản xuất dầu lớn thứ hai trong OPEC, cam kết giảm sản lượng 175.000 thùng/ngày vào tháng 10/2019, trong khi Nigeria cam kết cắt giảm 57.000 thùng/ngày.
Cơ quan thông tin năng lượng quốc tế (IEA) ngày 12/9/2019 cho biết, nhu cầu dầu toàn cầu dự kiến sẽ vẫn tăng trưởng “ảm đạm”, trong bối cảnh nền kinh tế suy yếu và bị ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung. Cụ thể, IEA giữ mức dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ trong năm nay và năm tới ở mức 1,1 triệu thùng/ngày và 1,3 triệu thùng/ ngày.
Theo tin từ OPEC +, dự trữ dầu ở các nước công nghiệp vẫn ở trên mức trung bình 5 năm. Bộ trưởng năng lượng của Ô-man cho biết "triển vọng năm 2020 không khả quan". Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết sản lượng của Mỹ tăng mạnh sẽ khiến việc cân bằng thị trường trở nên khó khăn hơn vào năm 2020.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tăng bởi thiếu những dấu hiệu rõ ràng về khả năng Mỹ và Trung Quốc có thể tiến tới một thỏa thuận thương mại tạm thời.
Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,1% lên 1.498,66 USD/ounce trong khi vàng giao sau tăng 0,3% lên 1.507,4 USD/ounce. Trước đó trong cùng phiên, có lúc giá tăng 1,7% sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định cắt giảm lãi suất tiền gửi từ -0,4% xuống mức thấp kỷ lục mới -0,5%, đồng thời tái khởi động chương trình mua trái phiếu với quy mô 20 tỷ euro/tháng kể từ tháng 11/2019, nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và ngăn chặn những dự đoán đầy quan ngại về lạm phát.
Mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vừa xuất hiện dấu hiệu tích cực khi nguồn tin từ Bloomberg cho biết: Các quan chức Mỹ đã cân nhắc một thỏa thuận thương mại hạn chế với Trung Quốc. Theo đó, Washington có thể sẽ đình chỉ hoặc rút lại một số thuế để đổi lấy việc Bắc Kinh đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ và hoạt động thu mua nông sản.
Cùng phiên, giá bạc giảm 0,3% xuống 18,02% USD/ounce, bạch kim tăng 0,6% lên 950 USD/ounce, trong khi đó palađi tăng 3% lên 1.617 USD/ounce sau khi có lúc chạm 1.621,55 USD/ounce – cao kỷ lục lịch sử.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng tăng lên mức cao nhất 6 tuần sau khi Mỹ tuyên bố sẽ trì hoãn áp dụng một đợt thuế quan mới đối với Trung Quốc, làm dấy lên hy vọng tình hình bớt căng thẳng, đẩy tăng nhu cầu tiêu thụ đồng. Giá đồng trên sàn LME đã tăng 1% lên mức 5.832 USD/tấn sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 1/8 là 5.898 USD/tấn.
Giá quặng sắt kỳ hạn tại Trung Quốc tăng gần 4% lên mức cao nhất 5 tuần do nhu cầu mua tăng lên trước kỳ nghỉ lễ trong khi nhập khẩu quặng sắt vào Trung Quốc giảm và xung đột thương mại Mỹ- Trung hạ nhiệt.
Giá quặng sắt tại sàn Đại Liên giao tháng 1/2020 có lúc tăng 3,9% lên 681 CNY (96,08 USD)/tấn, cao nhất kể từ ngày 7/8. Chốt phiên giá tăng 3,7% lên 680 CNY/tấn. Giá quặng sắt 62% nhập khẩu vào Trung Quốc ổn định ở mức 93 USD/tấn, cao nhất kể từ ngày 9/8/2019.
Giá thép cũng tăng theo xu hướng quặng sắt. Tại Thượng Hải, giá thép cây tăng 2,1% lên 3.549 CNY/tấn, mạnh nhất kể từ ngày 5/8; thép cuộn cán nóng tăng 1,5% lên 3.568 CNY/tấn, mức đóng cửa cao nhất trong 6 tuần. Tại Sàn giao dịch Singapore, giá quặng sắt giao tháng 12/2019 tăng 1,8% đạt 87,24 USD/ tấn.
Tuy nhiên, dự đoán doanh số bán ô tô của Trung Quốc sẽ tăng trưởng thấp trong ba năm tới sau khi giảm suốt 14 tháng qua đang cản trở đà tăng giá sắt thép.
Trên thị trường nông sản, giá đường và cà phê cùng giảm. Giá đường thô trên sàn Chicago giảm xuống mức thấp nhất trong gần 1 năm do nguồn cung dư thừa trong khi nhu cầu yếu, đặc biệt tại châu Á.
Giá đường thô giao tháng 10/2019 chốt phiên giảm 0,08 US cent, tương đương 0,7%, xuống 10,73 US cent/lb sau khi đã giảm xuống còn 10,68 cent, thấp nhất kể từ cuối tháng 9/2018. Trái lại, giá đường trắng cùng kỳ hạn tăng 6,20 USD hay 2% đạt 316 USD/tấn.
Tại New York, giá cà phê Arabica giao tháng 12/2019 giảm 0,05 US cent, tương đương 0,05%, xuống còn 1,0345 USD/lb. Giá cà phê Robusta giao tháng 11/2019 giảm 5 USD, tương đương 0,4%, xuống còn 1.333 USD/tấn.
Tại Việt Nam, người trồng cà phê ở Tây Nguyên bán cà phê nhân xô với giá 35.000 đồng (1,51 USD)/kg. Trong khi đó, các thương nhân chào bán robusta loại 2 (5% đen, vỡ) cao hơn 220 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 11/2019 của phiên liền trước trên sàn London, giảm nhẹ so với mức cộng 230 USD/tấn cách đây một tuần.
Giá cà phê Việt Nam đã không thay đổi trong 6 tuần qua do hàng tồn kho không còn nhiều và nông dân không muốn bán khi giá thấp. Mùa thu hoạch tiếp theo tại Việt Nam sẽ bắt đầu vào tháng tới nhưng các thương nhân cho biết phải đến giữa tháng 11/2019 mới rộ. Với điều kiện thời tiết lý tưởng và đủ mưa, năng suất cà phê trong năm 2019/20 có thể sẽ cao hơn so với năm 2018/19. Tuy nhiên, sản lượng vụ sắp tới sẽ không cao hơn vì một số nông dân đã thay thế cây cà phê cũ bằng cây ăn quả như bơ và sầu riêng.
Tại Lumpung (Indonesia), cà phê robusta được chào giá cộng 180 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 11/2019 của phiên liền trước trên sàn London, bằng mức của tuần trước. Cả cung và cầu vẫn ổn định trong tuần này, một số nhà xuất khẩu tiếp tục gom hàng chờ giá lên.
Giá đậu tương kỳ hạn tại Mỹ đã tăng lên mức cao nhất 1 tháng sau thông tin về khả năng tái xuất khẩu đậu tương sang Trung Quốc và dấu hiệu căng thẳng thương mại Mỹ - Trung hạ nhiệt. Giá ngô và lúa mì cũng tăng theo đậu tương.
Tại Chicago, giá đậu tương giao tháng 11/2019 tăng 26 US cent lên 8,92-1/2 USD/bushel sau khi có lúc đạt 8,93 USD, cao nhất kể từ ngày 14/8/2019. Giá ngô kỳ hạn tháng 12/2019 tăng 6 US cent đạt 3,66 USD/bushel; lúa mì kỳ hạn tháng 12/2019 tăng 7-1/4 US cent lên 4,84-3/4 USD/bushel.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) vừa hạ mức dự báo về năng suất ngô của Mỹ năm 2019/20 xuống 168,2 bushel/mẫu Anh, giảm so với con số 169,5 bushel đưa ra hồi tháng 8, nhưng vẫn cao hơn ước tính trung bình trong cuộc thăm dò của Reuters là 167,2 bushel/mẫu Anh. USDA cũng đã hạ ước tính năng suất đậu tương của Mỹ xuống còn 47,9 bushel/mẫu Anh, giảm so với 48,5 đưa ra hồi tháng 8 nhưng cao hơn mức trung bình 47,2 bushel/mẫu Anh trong cuộc thăm dò ý kiến của Reuters. Tóm lại, sản lượng ngô sẽ giảm xuống còn 13,799 tỷ bushel và sản lượng đậu tương xuống còn 3,633 tỷ bushel.
Đối với mặt hàng cao su, trên sàn Tokyo, giá tiếp tục tăng do dấu hiệu cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung dịu lại. Hợp đồng cao su giao tháng 2/2020 tăng 0,8 JPY hay 0,5% đạt 169,6 JPY(1,57 USD)/kg; cao su TSR 20 giao tháng 3/2020 ổn định ở mức 141,2 JPY/kg.
Tại Singapore, giá cao su giao tháng 10/2019 tăng 0,2% đạt 133,4 US cent/kg. Trong khi đó tại Thượng Hải, giá cao su giao tháng 1/2020 giảm 65 CNY còn 11.915 CNY(1.681 USD)/tấn; cao su TSR 20 giảm 70 CNY xuống còn 10.145 CNY (1.431 USD)/tấn. Lượng cao su lưu tại các kho của sàn Thượng Hải tăng 1,1% so với cách đây một tuần.
Giá hàng hóa thế giới
|
ĐVT
|
Giá
|
+/-
|
+/- (%)
|
Dầu thô WTI
|
USD/thùng
|
55,09
|
-1,18
|
|
Dầu Brent
|
USD/thùng
|
60,38
|
-0,71
|
|
Dầu thô TOCOM
|
JPY/kl
|
37.030,00
|
-490,00
|
-1,31%
|
Khí thiên nhiên
|
USD/mBtu
|
2,58
|
+0,00
|
+0,08%
|
Xăng RBOB FUT
|
US cent/gallon
|
155,16
|
-0,14
|
-0,09%
|
Dầu đốt
|
US cent/gallon
|
188,21
|
-0,30
|
-0,16%
|
Dầu khí
|
USD/tấn
|
577,25
|
+1,00
|
+0,17%
|
Dầu lửa TOCOM
|
JPY/kl
|
55.140,00
|
-450,00
|
-0,81%
|
Vàng New York
|
USD/ounce
|
1.504,30
|
+3,10
|
+0,21%
|
Vàng TOCOM
|
JPY/g
|
5.193,00
|
+9,00
|
+0,17%
|
Bạc New York
|
USD/ounce
|
18,10
|
-0,08
|
-0,45%
|
Bạc TOCOM
|
JPY/g
|
62,60
|
-0,30
|
-0,48%
|
Bạch kim
|
USD/ounce
|
950,15
|
-1,27
|
-0,13%
|
Palađi
|
USD/ounce
|
1.612,56
|
-7,12
|
-0,44%
|
Đồng New York
|
US cent/lb
|
264,45
|
+0,40
|
+0,15%
|
Đồng LME
|
USD/tấn
|
5.833,00
|
+60,50
|
+1,05%
|
Nhôm LME
|
USD/tấn
|
1.803,00
|
-22,00
|
-1,21%
|
Kẽm LME
|
USD/tấn
|
2.347,00
|
-16,00
|
-0,68%
|
Thiếc LME
|
USD/tấn
|
17.125,00
|
-650,00
|
-3,66%
|
Ngô
|
US cent/bushel
|
368,00
|
+0,75
|
+0,20%
|
Lúa mì CBOT
|
US cent/bushel
|
485,00
|
+1,25
|
+0,26%
|
Lúa mạch
|
US cent/bushel
|
281,25
|
-1,75
|
-0,62%
|
Gạo thô
|
USD/cwt
|
12,16
|
-0,02
|
-0,21%
|
Đậu tương
|
US cent/bushel
|
895,50
|
0,00
|
0,00%
|
Khô đậu tương
|
USD/tấn
|
301,70
|
+0,40
|
+0,13%
|
Dầu đậu tương
|
US cent/lb
|
29,14
|
-0,02
|
-0,07%
|
Hạt cải WCE
|
CAD/tấn
|
446,10
|
-1,00
|
-0,22%
|
Cacao Mỹ
|
USD/tấn
|
2.319,00
|
+15,00
|
+0,65%
|
Cà phê Mỹ
|
US cent/lb
|
103,60
|
+0,20
|
+0,19%
|
Đường thô
|
US cent/lb
|
11,84
|
-0,01
|
-0,08%
|
Nước cam cô đặc đông lạnh
|
US cent/lb
|
103,00
|
-2,25
|
-2,14%
|
Bông
|
US cent/lb
|
62,20
|
-0,01
|
-0,02%
|
Lông cừu (SFE)
|
US cent/kg
|
--
|
--
|
--
|
Gỗ xẻ
|
USD/1000 board feet
|
380,50
|
-0,10
|
-0,03%
|
Cao su TOCOM
|
JPY/kg
|
169,50
|
-0,10
|
-0,06%
|
Ethanol CME
|
USD/gallon
|
1,35
|
+0,01
|
+0,98%
|
Nguồn: VITIC/ Reuters, Bloomberg