menu search
Đóng menu
Đóng

Hàng hóa TG tháng 8/2019: Giá hầu hết sụt giảm

23:35 02/09/2019

Vinanet -Tháng 8/2019, giá nhiều mặt hàng chủ chốt sụt giảm khá mạnh do lo ngại cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ làm suy yếu kinh tế toàn cầu, kéo nhu cầu hàng hóa giảm theo.
Năng lượng: Giá dầu giảm mạnh trong tháng 8 dù tăng trong tuần cuối tháng; giá khí gas vững
Phiên giao dịch cuối cùng của tháng 8/2019 (diễn ra vào ngày 30/8/2019 – giờ quốc tế, kết thúc vào rạng sáng 31/8/2019 theo giờ VN), giá dầu giảm do lo ngại nhu cầu đi xuống. Kết thúc phiên này, dầu Brent Biển Bắc giảm 65 US cent, tương đương 1,1%, xuống còn 60,43 USD/thùng; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 1,61 USD, hay 2,8%, xuống 55,10 USD/thùng.
Tuy nhiên, tính chung trong tuần qua, gía dầu WTI tăng 1,7%, trong khi Brent tăng 1,8%, bởi hy vọng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung sẽ dịu lại sau khi hai bên phát đi nhiều tín hiệu cho thấy thiện chí muốn đàm phán để giải quyết vấn đề.
Theo thông báo của Trung tâm Dự báo bão quốc gia Mỹ (NHC), cơn bão Dorian đang tiến vào vào quốc đảo Bahamas và bờ biển phía Đông bang Florida trong dịp nghỉ lễ Lao động Mỹ cuối tuần đã mạnh lên thành cấp 4, cấp cực kỳ nguy hiểm. Với sức gió có thể lên tới 215 km/h, đây được xem là một trong những trận bão nhiệt đới mạnh nhất tiến vào nước Mỹ. Bão Dorian được cho là sẽ tác động mạnh đến nhu cầu dầu.
Về mặt cung, sản lượng dầu của Mỹ đã giảm tháng thứ hai liên tiếp trong tháng Sáu, với mức giảm 33.000 thùng/ngày xuống còn 12,08 triệu thùng/ngày, theo báo cáo vừa được công bố của Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Mỹ. Trong khi đó, kết quả khảo sát của hãng tin Reuters cho thấy sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã tăng 80.000 thùng/ngày trong tháng Tám, tháng tăng đầu tiên trong năm nay.
Mặc dù vậy, trong tháng 8/2019, dầu Brent Biển Bắc vẫn giảm 7,3%, trong khi WTI giảm 6%. dầu thô ngọt nhẹ Mỹ giảm 6%.

Giá dầu đã giảm khoảng 20% kể từ khi chạm mức cao nhất trong năm 2019 vào tháng 4/2019, một phần do o ngại căng thẳng thương mại Mỹ-Trung có thể gây tổn hại cho nền kinh tế toàn cầu và làm giảm nhu cầu đối với “vàng đen”.

Sau Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Biarritz (Pháp), ông Trump nói ông tin tưởng Trung Quốc mong muốn đạt được một thỏa thuận. Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, Trưởng đoàn đám phán Trung Quốc, cho biết Trung Quốc sẵn sàng giải quyết tranh chấp thông qua các cuộc đàm phán “điềm tĩnh” và phản đối bất kỳ hành động làm gia tăng căng thẳng thương mại nào. Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 30/8 cho biết thêm rằng các đoàn đàm phán của hai nước đang duy trì các cuộc thảo luận hiệu quả.
Kết quả thăm dò của Reuters cho thấy các nhà phân tích dự báo giá dầu Brent sẽ trung bình 65,02 USD/thùng trong năm 2019. Đây là con số dự báo thấp nhất trong vòng hơn 16 tháng. Nguyên nhân bởi khả năng nhu cầu giảm trên toàn cầu do kinh tế suy yếu bởi cuộc chiến thương mại.
Giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) giao ngay tại Châu Á tuần vừa qua vững do khách hàng Nhật Bản có nhu cầu mua để dự trữ trước khi mùa Đông đến, trong bối cảnh Australia và Malaysia tăng lượng hàng chào bán.
LNG kỳ hạn tháng 10/2019 giao tới Đông Bắc Á hiện giá khoảng 4,7 USD/triệu đơn vị nhiệt lượng Anh (mmBtu), vững so với tuần trước. Khách hàng Nhật đang tìm mua khí gas kỳ hạn quý 4/2019 cũng bởi lý do tranh thủ lúc giá thấp, và thời tiết nóng ở Nhật gần đây chắc chắn đã khiến lượng khí dự trữ giảm nhiều.
Kim loại quý: Giá vàng tăng tháng thứ 4 liên tiếp
Phiên giao dịch cuối cùng của tháng 8/2019, giá vàng giảm do chứng khoán và trái phiếu Mỹ hồi phục nhẹ. Cuối phiên vừa qua, vàng giao ngay giảm 0,5% xuống 1.520,4 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 12/2019 giảm 0,5% xuống 1.529,4 USD/ounce trong khi kỳ hạn tháng 9 và 10/2019 cũng giảm lần lượt từ 1,526,5 USD và 1.530,5 USD xuống 1.519,1 USSD và 1.523 USD/ounce.
Tuy nhiên, tính cả tháng 8/2019, giá vàng giao ngay tăng 7,4%, là tháng tăng thứ 4 liên tiếp khi giới đầu tư tìm đến những tài sản an toàn trước mối lo ngại về suy thoái toàn cầu và sự thiếu chắc chắn trong mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Hiện tại, thị trường vàng đang tập trung vào ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu, bởi trong trường hợp này các ngân hàng trung ương trên thế giới có thể tăng cường chính sách nới lỏng tiền tệ. Dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và Ngân hàng trung ương Châu Âu sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng tới để kích thích kinh tế. Đường cong lợi suất trái phiếu Mỹ đảo ngược (kỳ hạn ngắn cao hơn kỳ hạn dài) cũng khiến các nhà đầu tư lo ngại vì đây là chỉ báo của sự suy thoái kinh tế.
Tuy nhiên, thị trường vàng còn chịu tác động từ một số yếu tố khác.
Những dấu hiệu tích cực khi các nhóm đàm phán của Mỹ và Trung Quốc tăng cường liên lạc để chuẩn bị cho cuộc đàm phán vào tháng 9 tới đã khiến chứng khoán và trái phiếu Mỹ tăng điểm, cản trở đà tăng của giá vàng.
Bob Haberkorn, chiến lược gia thị trường cao cấp tại RJO Futures, cho rằng đà giảm của giá vàng sẽ không kéo dài, khi kim loại quý này vẫn tỏ ra hấp dẫn người mua, trước diễn biến của đường cong lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ và chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Các chuyên gia cho biết môi trường lãi suất thấp hơn sẽ làm giảm chi phí nắm giữ vàng, đồng thời gây sức ép đối với đồng USD, khiến giá vàng thấp hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ đồng tiền khác.
Kim loại công nghiệp: Giá nickel cao nhất 5 năm, giá sắt thép tháng 8 giảm lần đầu trong vòng 9 tháng
Giá nickel vừa lập kỷ lục cao nhất 5 năm sau khi lãnh đạo của hãng sản xuất lớn của Indonesia thông báo nước này sẽ cấm xuất khẩu từ tháng 12 tới, gây lo ngại sẽ thiếu cung trên toàn cầu. Lượng nickel lưu kho trên sàn LME hiện là 109,950 tấn, giảm 20% so với đầu năm 2019, càng làm gia tăng nỗi lo thiếu cung.
Hợp đồng tham chiếu mặt hàng nickel kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 8,8% trong phiên cuối tháng, đạt 17.900 USD/tấn, mức tăng hàng ngày lớn nhất kể từ 2009. Từ đầu năm tới nay, giá nickel – nguyên liệu sản xuất thép không gỉ - đã tăng 70%, nhiều nhất trong số các kim loại công nghiệp.
Giá quặng sắt hồi phục 4% trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 8, tuy nhiên tính chung cả tháng vẫn giảm lần đầu tiên kể từ tháng 11/2018 do nguồn cung tăng mà triển vọng nhu cầu lại ảm đạm.
Kết thúc phiên này, quặng kỳ hạn tháng 1/2020 trên sàn Đại Liên tăng 4% lên 607,5 CNY/tấn, trong ngày có lúc đạt gần 608,5 CNY. Tuần qua, có lúc giá xuống thấp nhất gần 3 tháng. Trên sàn Singapore, quặng kỳ hạn tháng 10/2019 tăng 5,1% lên 91,6 USD/tấn. Hợp đồng quặng (62%) nhập khẩu tham chiếu tại Trung Quốc phiên 29/8 ở mức thấp nhất 5 tháng rưỡi, là 85 USD/tấn, thấp hơn rất nhiều so với mức cao 126,5 USD/tấn của ngày 3/7/2019.
Lượng quặng nhập khẩu lưu tại các cảng Trung Quốc đã tăng tuần thứ 6 liên tiếp và hiện ở mức cao nhất 3 tháng, 124,65 triệu tấn.
Thép cũng hồi phục trong phiên vừa qua. Thép xây dựng trên sàn Thượng Hải tăng 1,4% lên 3.350 CNY/tấn, trong khi thép cuộn cán nóng tăng 0,9% lên 3.407 CNY/tấn.
Nông sản: Giá đường và cà phê đều giảm trong tháng 8
Giá đường giảm mạnh trong phiên cuối tháng, hợp đồng đường thô kỳ hạn tháng 10/2019 có lúc chạm 11,05 US cent/lb, thấp nhất trong vòng 11 tháng, và kết thúc ở mức giảm 0,97 US cent tương đương 0,6% xuống 11,14 US cent/lb. Tính chung cả tháng 8/2019, đường thô đã mất 8,8%, là tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 7/2018. Đồng real Brazil yếu đi đã góp phần gây giảm giá trên thị trường đường.
Đường trắng kỳ hạn tháng 10/2019 cũng giảm 2,7 USD tương đương 0,9% xuống 301,6 USD/tấn, sau khi có lúc chạm mức thấp nhất 1 tháng là 301 USD/tấn.
Ấn Độ tuần này đã thông qua chương trình khuyến khích xuất khẩu trong niên vụ 2019/20, và điều này đã gây tác động tiêu cực lên giá đường. Tuy nhiên, không rõ liệu Ấn Độ có cho phép xuất khẩu tới 6 triệu tán đường khi giá thấp như hiện nay hay không. Ngoài ra, ngành ethanol Brazil đang nhắm tới thị trường Trung Quốc khi nước Châu Á này đặt mục tiêu nâng tỷ lệ pha trộn ethanol trong xăng lên 10%, nhưng mục tiêu này chắc chắn chưa thể sớm đạt được.
Giá cà phê arabica tăng 1,6 US cent tương đương 1,7% trong phiên cuối tháng, lên 96,85 US cent/lb. Tuần qua, xu hướng giảm giá cà phê trước đó đã được kiềm chế bởi thời tiết xấu ở Brazil có thể khiến cho sản lượng bị hạn chế. Robusta kỳ hạn tháng 11/2019 tăng 9 USD trong phiên này, tương đương 0,7%, lên 1.334 USD/tấn, nhưng tính chung cả tháng vẫn giảm 2,4%.
Giá cacao kỳ hạn tháng 12/2019 trên sàn New York tăng 37 USD trong phiên cuối tháng, đạt 2.222 USD/tấn, nhưng tính chung cả tháng 8 vẫn giảm 7,4%. Trên sàn London, cacao cũng tăng 22 GBP trong phiên này, tương đương 1,3% lên 1.709 GBP/tấn, mặc dù có lúc chạm mức thấp nhất 3 tháng rưỡi là 1.684 GBP/tấn; tính chung cả tháng giảm 8,6%.
Tuy nhiên, thị trường vừa có thông tin hỗ trợ sau khi Tổ chức cacao quốc tế giảm một nửa mức dự báo về dư thừa cacao quốc tế niên vụ 2018/19 do mức tăng sản lượng chậm lại, trong khi lượng xay nghiền cacao trên toàn cầu tăng lên xấp xỉ mức nhu cầu. Cụ thể, dư cung cacao niên vụ 2018/19 dự báo sẽ chỉ còn 18.000 tấn. Trong khi đó, cacao xay nghiền trong vụ này dự báo sẽ tăng 33.000 tấn lên 4,783 triệu tấn.
Giá lúa mì vụ Xuân của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 10 năm do nguồn cung lớn. Phiên cuối tuần qua, giá hợp đồng tham chiếu ở mức 4,77-1/2 USD/bushel (kỳ hạn giao sau 4 tháng), thấp nhất kể từ tháng 10/2009. Lúa mì vụ Xuân kỳ hạn tháng 12/2019 giảm 1% xuống 4,96-3/4 USD/bushel, trong phiên có lúc chỉ 4,96-1/4 USD/bushel.
Giá cao su trên sàn Tokyo tăng trong phiên cuối tháng sau khi Mỹ và Trung Quốc tỏ nhiều dấu hiệu về thiện chí giải quyết bất đồng thương mại. Tuy nhiên, tính chung cả tuần vẫn giảm tuần thứ 3 liên tiếp.
Kết thúc phiên này, hợp đồng kỳ hạn tháng 2/2020 trên sàn TOCOM tăng 3,9 JPY tương đương 2,4% lên 163,5 JPY (1,55 USD)/kg, tính chung cả tuần giảm 1,4%.
Cao su kỳ hạn tháng 1/2020 tại Thượng Hải cũng tăng 140 CNY trong phiên này, lên 11.815 CNY (1.666 USD)/tấn, sau khi có lúc đạt mức cao nhất kể từ 19/6 là 11.870 CNY/tấn.

Giá hàng hóa thế giới 

 

Mặt hàng

ĐVT

Giá 31/7/2019

Giá 31/8/2019

Dầu thô WTI

USD/thùng

58,58

55,10

Dầu Brent

USD/thùng

65,17

60,43

Dầu thô TOCOM

JPY/kl

40.530,00

36.170,00

Khí thiên nhiên

USD/mBtu

2,23

2,29

Xăng RBOB FUT

US cent/gallon

190,20

161,34

Dầu đốt

US cent/gallon

195,50

182,82

Dầu khí

USD/tấn

601,75

561,00

Dầu lửa TOCOM

JPY/kl

58.710,00

54.260,00

Vàng New York

USD/ounce

1.426,60

1.529,40

Vàng TOCOM

JPY/g

4.931,00

5.189,00

Bạc New York

USD/ounce

16,29

18,34

Bạc TOCOM

JPY/g

56,10

62,20

Bạch kim

USD/ounce

865,00

933,76

Palađi

USD/ounce

1.521,99

1.533,56

Đồng New York

US cent/lb

266,35

255,15

Đồng LME

USD/tấn

5.927,00

5.676,00

Nhôm LME

USD/tấn

1.799,00

1.753,00

Kẽm LME

USD/tấn

2.444,00

2.205,00

Thiếc LME

USD/tấn

17.315,00

16.350,00

Ngô

US cent/bushel

410,00

369,75

Lúa mì CBOT

US cent/bushel

487,25

462,50

Lúa mạch

US cent/bushel

263,75

269,00

Gạo thô

USD/cwt

11,95

11,96

Đậu tương

US cent/bushel

881,50

869,00

Khô đậu tương

USD/tấn

305,40

295,30

Dầu đậu tương

US cent/lb

28,23

28,81

Hạt cải WCE

CAD/tấn

443,50

448,00

Cacao Mỹ

USD/tấn

2.345,00

2.222,00

Cà phê Mỹ

US cent/lb

99,65

96,85

Đường thô

US cent/lb

12,21

11,14

Nước cam cô đặc đông lạnh

US cent/lb

103,45

103,75

Bông

US cent/lb

63,84

58,83

Lông cừu (SFE)

US cent/kg

--

--

Gỗ xẻ

USD/1000 board feet

343,90

371,00

Cao su TOCOM

JPY/kg

176,10

164,00

Ethanol CME

USD/gallon

1,51

1,36

 

 

Nguồn: VITIC/Reuters, Bloomberg

Nguồn:Vinanet