menu search
Đóng menu
Đóng

Hàng hóa TG tuần tới 27/7/2019: Giá dầu tăng, vàng giảm

16:00 27/07/2019

Vinanet -Tuần này, giá dầu, đường và một số kim loại công nghiệp đi lên, trong khi giá vàng giảm.
Năng lượng: Giá dầu tăng
Giá dầu thế giới đã có một tuần tăng rất tích cực, đảo ngược lại mức giảm khá sâu ghi nhận hồi tuần trước, do những số liệu tích cực về kinh tế Mỹ và tình hình bất ổn tại Trung Đông gia tăng.
Trong phiên cuối tuần 26/7/2019, giá dầu Brent Biển Bắc đã tăng 7 US cent lên 63,46 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tiến thêm 18 US cent lên 56,2 USD/thùng.
Tính chung cả tuần, giá dầu Brent đã tăng khoảng 1,7%, sau khi để mất tới 6% hồi tuần trước. Giá dầu WTI cũng tiến 1,2%, đảo ngược so với mức giảm 7,5% của tuần trước đó.
Theo giới quan sát, mức tăng trưởng quý II/2019 lạc quan hơn dự kiến của nền kinh tế Mỹ cùng với hoạt động tiêu dùng mạnh mẽ của người dân đã phần nào củng cố cho triển vọng tiêu thụ năng lượng.
Các nhà đầu tư quan ngại về nguy cơ gián đoạn nguồn cung tại khu vực Trung Đông giàu năng lượng sau khi Iran ngày 19/7 bắt giữ một tàu chở dầu treo cờ Anh tại khu vực vùng Vịnh nhằm đáp trả hành động tương tự của Anh đối với tàu chở dầu của Iran hồi đầu tháng này. Động thái này đã làm dấy lên những lo ngại về nguy cơ gián đoạn nguồn cung tại Eo biển Hormuz, nơi trung chuyển khoảng 1/5 nguồn cung dầu thế giới.
Trước đó vào ngày 23/7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2019 và năm 2020 lần lượt xuống còn 3,2% và 3,5%, thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với mức dự báo trước đó. Theo IMF, căng thẳng thương mại và tình trạng bất ổn kéo dài đang cản trở kinh tế thế giới đi lên và tình hình có thể xấu đi hơn nữa.
Số liệu thống kê cho thấy lượng dầu thô dự trữ hàng tuần của Mỹ giảm gần 11 triệu thùng, cao hơn nhiều so với dự đoán giảm 4 triệu thùng mà giới phân tích đưa ra trước đó.
Sự sụt giảm này là chủ yếu do các nhà máy lọc dầu ở Vịnh Mexico đang phải khắc phục hậu quả của cơn bão nhiệt đới Barry.
Giá khí tự nhiên hóa lỏng LNG giao ngay tại Châu Á giảm trong tuần này và không có nhu cầu đáng kể để bù cho việc dư cung trong thị trường này. Giá LNG giao cho đông bắc Á trong tháng 9/2019 ở mức 4,25 USD/mmBtu, giảm 35 US cent so với tuần trước. Giá giao tháng 10/2019 ở mức 4,95 USD/mmBtu.
Kim loại quý: Giá vàng giảm tuần đầu tiên trong 3 tuần
Mặc dù tăng giá trong phiên cuối tuần, giá vàng thế giới vẫn ghi nhận tuần giảm đầu tiên trong ba tuần gần đây, một phần do những áp lực từ đồng USD mạnh lên và tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng bởi những đồn đoán về động thái chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Trong phiên cuối tuần, giá vàng giao ngay cuối phiên tăng 0,3% lên 1.418,58 USD/ounce, sau khi có lúc rơi xuống mức thấp của hơn một tuần trong phiên 25/7; vàng giao tháng 8/2019 cũng tăng 0,3% lên 1.419,30 USD/ounce.
Sự hồi phục này diễn ra khi số liệu lạm phát không mấy mạnh mẽ của Mỹ trong khi nước này ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế quý II tốt hơn dự kiến, qua đó đảm bảo phần nào cho khả năng Fed sẽ giảm lãi suất tại cuộc họp tuần tới.
Nhưng dù tăng giá trong phiên này, kết thúc một tuần giao dịch nhiều biến động, giá vàng thế giới đã giảm 0,4% so với tuần trước đó. Tuần này, yếu tố chính sách lãi suất của Fed đã chi phối tâm lý nhà đầu tư.
Kim loại công nghiệp: Giá chì tăng tuần thứ 3
Chì thiết lập tuần tăng giá thứ 3 do việc ngừng sản xuất đã thắt chặt nguồn cung của kim loại này và đẩy các kho dự trữ của sàn giao dịch kim loại London (LME) xuống mức thấp nhất trong 10 năm.
Giá chì chốt phiên giảm 2,3% xuống 2.065 USD/tấn cùng với hầu hết các kim loại công nghiệp khác giảm do số liệu kinh tế yếu đã hủy hoại triển vọng nhu cầu. Nhưng giá chì vẫn tăng gần 1% trong tuần này và tăng hơn 15% từ mức thấp nhất 3 năm hồi tháng 5/2019.
Nhà phân tích Kash Kaml thuộc BMO cho biết việc đóng cửa nhà máy luyện và mạnh tay với ngành công nghiệp gây ô nhiễm ở Trung Quốc đã khiến nguồn cung giảm và hỗ trợ giá. Nhưng ông cho biết nhu cầu dự báo yếu trong dài hạn có nghĩa giá vẫn trong khoảng 2.000 USD/tấn.
Dự trữ chì trong kho LME ở mức 55.475 tấn, giảm một nửa trong năm nay và ở mức thấp nhất kể từ năm 2009.
Tổ chức nghiên cứu đồng và chì quốc tế cho biết nguồn cung chì đã luyện trên toàn cầu sẽ vượt nhu cầu 71.000 tấn trong năm 2019 sau khi thiếu hụt trong năm 2018.
Tuy nhiên, các nhà phân tích tại ING cho rằng việc dừng sản xuất 2 nhà máy luyện lớn tại Trung Quốc và Port Pirie của Nyrstar ở Australia có thể đã làm sản lượng giảm khoảng 50.000 tấn. Khoảng 12 triệu tấn chì được tiêu thụ mỗi năm.
Công ty Vàng và Chì Henan Yuguang của Trung Quốc cho biết họ sẽ khôi phục sản xuất tại nhà máy luyện chì công suất 400.000 tấn một năm ở Jiyuan.
Giá quặng sắt trên sàn giao dịch Đại Liên tăng sau khi Trung Quốc loại bỏ việc thiết lập hạn chế sản lượng tổng thể đối với ngành công nghiệp nặng trong mùa đông tới, bao gồm các nhà máy sản xuất thép, bất chấp chiến dịch chống ô nhiễm.
Dự đoán Trung Quốc, nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới sẽ triển khai thêm các dự án cơ sở hạ tầng trong năm nay để tăng cường hỗ trợ nguyên liệu thô cho sản xuất thép.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2020 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa tăng 4,2% lên 764 CNY (111,05 USD)/tấn.
Việc hạn chế sản xuất lên ngành công nghiệp nặng trong mùa đông sẽ được chính quyền địa phương thiết lập tùy thuộc vào khí thải của nhà sản xuất.
Quặng sắt Đại Liên biến động trong tuần do một số yếu tố giảm giá xuất hiện gần đây, như dự trữ nguyên liệu thô ở cảng phục hồi sau khi xuống mức thấp nhất trong tháng kể từ đầu năm 2017 và dự trữ thép trong nước đang tăng.
Công ty phân tích số liệu thép và quặng sắt Tivlon Technologies có trụ sở ở Singapore đã giữ nguyên dự báo giá quặng sắt 150 USD/tấn vào tháng 10/2019.
Theo số liệu của công ty Kpler, nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc trong tháng 7/2019 vẫn ổn định so với tháng trước đó, nhưng giảm 4,8% so với tháng 7/2018. Nhập khẩu quặng sắt của quốc gia này trong tháng 6/2019 đã giảm xuống 75,18 triệu tấn, thấp nhất kể từ tháng 2/2016 do nguồn cung sụt giảm từ các nhà khai thác hàng đầu thế giới tại Australia và Brazil.
Công ty khai thác mỏ Vale của Brazil đã xuất khẩu 13,3 triệu tấn quặng sắt trong tháng 7/2019, tăng 7,18 triệu tấn hay 116% so với tháng 6/2019. Tuy nhiên, trong số các nhà xuất khẩu quặng sắt của Australia, chỉ Roy Hill xuất khẩu thêm trong tháng này, trong khi Fortescue Metals Group, Rio Tinto và BHP giảm xuất khẩu trong tháng 7/2019 để bổ sung dự trữ sau khi bán hết trong tháng 5 và tháng 6/2019.
Thép cây trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải đóng cửa tăng 0,6% lên 3.940 CNY/tấn. Thép cuộn cán nóng gần như ổn định tại 3.846 CNY/tấn do hiệp hội công nghiệp ô tô lớn nhất Trung Quốc cắt giảm dự báo doanh số bán hàng trong năm nay bởi tăng trưởng kinh tế đang chậm lại.
Nông sản: Giá cà phê giảm, đường tăng
Phiên cuối tuần, giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 9/2019 chốt phiên giảm 0,9 US cent hay 0,9% xuống 99,75 US cent/lb, sau khi đạt mức thấp nhất một tháng tại 99,05 US cent. Cà phê robusta kỳ hạn tháng 9/2019 giảm 14 USD hay 1% xuống 1.344 USD/tấn.
Thị trường đang khó khăn để hấp thụ một lượng lớn của Brazil. Hợp đồng cà phê này đã giảm 5,8% trong tuần qua, giảm mạnh nhất một tuần trong gần 2 năm.
Một đồng real yếu của Brazil so với đồng USD cũng gây sức ép lên giá trong tuần này. Đồng real yếu hơn có thể khuyến khích các nhà sản xuất bán cà phê định giá bằng USD.
Giá cà phê arabica sẽ tăng 14% vào cuối năm 2019, bởi nhu cầu toàn cầu mạnh và Brazil bước vào năm cho sản lượng thấp hơn trong chu kỳ 2 năm một lần.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 10/2019 kết thúc phiên tăng 0,02 US cent hay 0,2% lên 12,02 US cent/lb, đóng cửa trên mức tâm lý quan trọng 12 US cent phiên thứ 3 liên tiếp. Giá đường tăng 3,7% trong tuần này sau khi giảm trong 2 tuần trước đó.
Đường vẫn giao dịch trong biên độ hẹp do thị trường này vẫn thận trọng giữa dự trữ toàn cầu mạnh và dự đoán sản lượng giảm trong tương lai.
Những lo ngại về thời tiết bất lợi ở Châu Âu và Ấn Độ - nhà sản xuất đường hàng đầu thế giới - đang củng cố thị trường và số liệu cho thấy các nhà máy mía đường tại Brazil sẽ tiếp tục giảm sản lượng đường trong năm nay để ưu tiên sản xuất ethanol.
Đường trắng kỳ hạn tháng 10/2019 đóng cửa tăng 1 USD hay 0,3% lên 321 USD/tấn, tăng 1,4% trong cả tuần này.
Thị trường ngũ cốc Chicago vừa trải qua một tuần giao dịch ảm đạm trong bối cảnh các nhà giao dịch chuyển sang các hoạt động bán ra mang tính kỹ thuật do số liệu về tình trạng mùa màng của Mỹ và dự báo thời tiết mát mẻ hơn.
Kết thúc tuần, giá ngô giao tháng 12/2019 giảm 11,25 US cent (2,58%) xuống 4,245 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao tháng 9/2019 giảm 6,5 US cent (1,29%) xuống 4,96 USD/bushel, còn giá đậu tương giao tháng 11/2019 tuần qua hạ 18,25 US cent (1,99%) xuống 9,01 USD/bushel. (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg, 1 bushel ngô = 25,4 kg)
Ngày 22/7, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã công bố báo cáo mùa màng hàng tuần. Tính đến ngày 21/7, 57% diện tích ngô được đánh giá ở tình trạng tốt hoặc xuất sắc, giảm so với mức 58% trong tuần trước đó và giảm so với mức 72% so với cùng thời điểm trong năm 2018.
Khoảng 54% diện tích đậu tương đang trong điều kiện tốt hoặc xuất sắc hồi đầu tuần, không thay đổi so với tuần trước đó, song thấp hơn mức 70% ghi nhận được trong cùng thời điểm năm ngoái.
Trong khi đó, 76% diện tích lúa mỳ Xuân được đánh giá ở tình trạng tốt hay xuất sắc tính đến ngày 21/7, không đổi so với tháng trước đó, song thấp hơn so với mức 79% của cùng thời điểm năm 2018. Vụ lúa mỳ Đông đã được thu hoạch khoảng 69%, tăng so với mức 57% trong tuần trước đó.
Tuy nhiên, giá đậu tương kỳ hạn đã tăng lên trong các ngày trong tuần, nhờ sự lạc quan về các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vào tuần này đã tiếp sức cho mặt hàng này. Còn giá lúa mỳ kỳ hạn giảm do tình hình mùa màng thuận lợi và thời tiết tương đối dễ chịu đối với vụ lúa mỳ Xuân. Giá ngô kỳ hạn cũng giảm bốn phiên liên tiếp trong tuần do hoạt động bán ra mang tính kỹ thuật, nhu cầu xuất khẩu yếu và triển vọng thời tiết ôn hòa hơn ở khu vực Midwest (Mỹ) trong tuần tới.
Hôm 25/7, USDA công bố báo cáo về xuất khẩu hàng tuần của Mỹ, trong đó xuất khẩu lúa mỳ trong tuần kết thúc ngày 18/7 đạt 659.800 tấn.
Các nhà giao dịch tư nhân báo cáo lượng ngô xuất khẩu trong tuần kết thúc ngày 18/7 ở mức 507.800 tấn, giảm 19% so với mức trung bình bốn tuần trước đó. Còn lượng đậu tương xuất khẩu đạt 301.900 tấn.
Giá cao su trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giảm do các nhà đầu tư chốt lời.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 9/2019 được giao dịch nhiều nhất trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải chốt phiên giảm 55 CNY (7,99 USD) đóng cửa tại 10.765 CNY/tấn. Trong tuần này, giá cao su tại Thượng Hải đã tăng 1%.
Cao su trên sàn giao dịch hàng hóa TOCOM kỳ hạn tháng 1/2020 kết thúc phiên ở mức 183,4 JPY/kg.
 Nguồn: VITIC/Reuters