menu search
Đóng menu
Đóng

Tác động của Covid-19 đến thị trường hàng hóa giai đoạn 4 - 19/6/2020

16:49 19/06/2020

Vinanet - Giá hầu hết các mặt hàng nguyên liệu trên thị trường quốc tế đều tăng trong 2 tuần qua do một số yếu tố:
- Kinh tế Hoa Kỳ có dấu hiệu bắt đầu phục hồi: Số việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp tháng 5/2020 tăng 2,5 triệu việc sau khi giảm kỷ lục 20,7 triệu việc trong tháng 4/2020, kéo theo tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 13,3%, so với mức 14,7% của tháng trước đó. Doanh số bán lẻ tháng 5/2020 tăng 17,7% so với tháng trước đó, đảo ngược xu hướng giảm của tháng 3 và 4/2020. Niềm tin tiêu dùng trong tháng 6/2020 tăng lên 78,9 điểm, so với 73,2 điểm của tháng 5/2020.
- Cục Dự trữ Liên bang Mỹ phát đi tín hiệu sẽ duy trì lãi suất thấp trong ngắn hạn.
- Sản xuất công nghiệp của Trung Quốc tháng 5/2020 tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái, là tháng thứ 2 liên tiếp tăng. Trung Quốc là nước tiêu thụ kim loại công nghiệp hàng đầu thế giới nên sản xuất của nước này tăng tác động tích cực tới giá hàng hóa thuộc nhóm này.
- Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và một số nước đồng minh (OPEC+) tuân thủ cam kết về cắt giảm sản lượng. Số liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho thấy, sản lượng dầu thế giới trong tháng 5 giảm gần 12 triệu thùng/ngày, trong đó OPEC+ giảm sản lượng 9,4 triệu thùng/ngày, điều đó có nghĩa OPEC+ tuân thủ 89% với thỏa thuận giảm sản lượng trong tháng này. Nguồn cung được kiểm soát góp phần thúc đẩy giá dầu tăng lên, kéo giá nhiều mặt hàng khác có liên quan với dầu như cao su, đường… tăng theo.
- Trong báo cáo mới nhất, IEA đã nâng dự báo về nhu cầu dầu thế giới trong năm 2019 và 2020 so với dự báo đưa ra cách đây một tháng, do hoạt động tiêu dùng mạnh hơn dự đoán trong thời gian phong tỏa do dịch COVID-19.Theo đó, nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2020 dự đoán sẽ ở mức 91,7 triệu thùng/ngày, nhiều hơn 500.000 thùng/ngày so với dự báo tháng 5/2020.
Tuy nhiên, đà tăng giá hàng hóa bị cản trở bởi một số yếu tố:
- Lo ngại về làn sóng COVID-19 thứ hai sau khi các nền kinh tế dần mở cửa trở lại, và đặc biệt là số ca nhiễm ở Trung Quốc tăng, buộc nước này phải hạn chế di chuyển ở Thủ đô Bắc Kinh.
- IEA dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu từ nay đến cuối năm 2021 sẽ chưa thể hồi phục trở lại mức trước khi xảy ra COVID-19.
- Dịch COVID-19 bùng phát trở lại ở Bắc Kinh (Trung Quốc) và mùa mưa đến ở miền Nam nước này làm chậm tốc độ của lĩnh vực xây dựng, cho thấy khả năng nhu cầu một số mặt hàng kim loại sẽ giảm trong thời gian tới.
Giá một số mặt hàng chủ chốt trên thị trường quốc tế

Nguồn:VITIC tổng hợp từ Reuters, Tradingeconomics