Giá lúa gạo hôm nay 18/8: Giá gạo giảm 50 – 150 đồng/kg
Giá lúa gạo hôm nay tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long điều chỉnh giảm với các chủng loại gạo. Thị trường lúa hè thu giao dịch chậm.
Giá lúa gạo hôm nay tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long chững lại sau phiên điều chỉnh tăng với mặt hàng nếp. Theo đó, lúa Đài thơm 8 5.800 – 6.000 đồng/kg; lúa OM 18 5.800 – 6.000 đồng/kg; Nàng hoa 9 duy trì ở mức 5.600 – 5.800 đồng/kg; IR 504 ở mức 5.300 – 5.450 đồng/kg; lúa OM 5451 ở mức 5.500 – 5.600 đồng/kg; lúa IR 504 khô duy trì ở mức 6.500 đồng/kg.
Với mặt hàng nếp, nếp tươi An Giang 5.900 – 6.100 đồng/kg; nếp tươi Long An 6.200 – 6.400 đồng/kg; nếp An Giang khô 7.500 – 7.600 đồng/kg; nếp Long An khô 7.700 đồng/kg.
Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu, thành phẩm giảm nhẹ 50 – 150 đồng/kg. Cụ thể, Hiện giá gạo nguyên liệu ở mức 8.050 – 8.100 đồng/kg, giảm 100 – 150 đồng/kg. Giá gạo thành phẩm tiếp tục duy trì ổn định ở mức 8.650 – 8.700 đồng/kg, giảm 50 đồng/kg. Cũng với giá gạo, giá mặt hàng phụ phẩm cũng điều chỉnh giảm từ 200 – 300 đồng/kg. Hiện giá tấm IR 504 đứng ở mức 8.400, giảm 200 đồng/kg; cám khô 8.200 – 8.300 đồng/kg, giảm 250 – 300 đồng/kg.
Tại chợ lẻ, giá gạo thường 11.500 đồng/kg – 12.500 đồng/kg; gạo thơm Jasmine 15.000 – 16.000 đồng/kg; gạo Sóc thường 14.000 đồng/kg; nếp ruột 14.000 – 15.000 đồng/kg; Gạo Nàng Nhen 20.000 đồng/kg; Gạo thơm thái hạt dài 18.000 – 19.000 đồng/kg; Gạo Hương Lài 19.000 đồng/kg; Gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg; Nàng Hoa 17.500 đồng/kg; Sóc Thái 18.000 đồng/kg; Gạo thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg; Gạo Nhật 20.000 đồng/kg; Cám 7.000 – 8.000 đồng/kg.
Giá heo hơi hôm nay 18/8: Giao dịch trong khoảng 58.000 – 71.000 đồng/kg
Giá heo hơi hôm nay 18/8 đi ngang trên diện rộng và dao động trong khoảng 58.000 – 71.000 đồng/kg.
Tại khu vực miền Bắc, giá heo hơi hôm nay đồng loạt đi ngang so với ngày trước đó và dao động trong khoảng 65.000 - 71.000 đồng/kg. Theo đó, thương lái tại Hưng Yên và Hà Nội đang thu mua heo hơi với giá cao nhất trong khu vực là 71.000 đồng/kg. Thấp hơn một giá ở mức 70.000 đồng/kg gồm các tỉnh Bắc Giang và Thái Bình. Trong khi đó, Hà Nam là địa phương ghi nhận mức giá heo hơi thấp nhất khu vực 65.000 đồng/kg. Các tỉnh thành còn lại trong khu vực giá heo hơi hôm nay dao động trong khoảng 65.000 đồng/kg đến 69.000 đồng/kg.
Tương tự, tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, giá heo hơi hôm nay đi ngang so với ngày trước đó và dao động trong khoảng 58.000 - 67.000 đồng/kg. Trong đó, mức giá thấp nhất là 58.000 đồng/kg, được chứng kiến tại tỉnh Đắk Lắk. Theo sau đó là tỉnh Bình Thuận, hiện đang giao dịch với giá 59.000 đồng/kg. Thương lái tại Quảng Bình và Ninh Thuận đang giao dịch heo hơi lần lượt với giá 64.000 đồng/kg và 65.000 đồng/kg. Các tỉnh thành còn lại đang thu mua với giá 66.000 - 67.000 đồng/kg.
Tại khu vực miền Nam, giá heo hơi hôm nay giữ nguyên tại các tỉnh thành và dao động trong khoảng 62.000 - 70.000 đồng/kg. Cụ thể, thương lái tại tỉnh Cà Mau tiếp tục thu mua heo hơi với giá 70.000 đồng/kg, cao nhất trong khu vực. Đứng vị chí tiếp theo và An Giang với mức giá 68.000 đồng/kg. Mức giá trung bình được ghi nhận tại các tỉnh thành còn lại là 64.000 đồng/kg. Trong đó, mức giá heo hơi thấp nhất khu vực 62.000 đồng/kg được ghi nhận tại Bình Phước, Tây Ninh, Vũng Tàu.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kiên Giang, thời gian qua người chăn nuôi đã nỗ lực khôi phục đàn heo, hiện tổng đàn heo của tỉnh đạt khoảng 200.000 con, tăng hơn 5,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng số heo nái là 13.300 con, có 12.700 con heo nái đẻ (tăng hơn 9% so với cùng kỳ), đáp ứng nguồn con giống cho hộ chăn nuôi tái đàn, còn lại là heo thịt. Tổng số heo thịt đã xuất chuồng (trong 6 tháng đầu năm) là 98.600 con, tương đương với 9.150 tấn heo hơi.
Những tháng gần đây, giá heo hơi thương lái thu mua ở mức 63.000 – 65.000 đồng/kg, cao điểm có lúc lên đến gần 70.000 đồng/kg heo hơi. Với mức giá này, người chăn nuôi đang có lãi khá, tạo động lực để đẩy mạnh tái đàn, nhất là phục vụ nhu cầu tiêu thụ thịt heo tăng mạnh và dịp Tết.
Na Đông Triều được giá
Thị xã Đông Triều là vùng sản xuất nông nghiệp lớn của tỉnh Quảng Ninh. Với nhiều nông sản nổi tiếng, được thị trường nhiều nơi biết đến; trong đó, có quả na - thương hiệu OCOP của địa phương.
Dù vụ na năm nay sản lượng có giảm hơn so với năm trước, tuy nhiên người nông dân phấn khởi vì na cho chất lượng, mẫu mã đẹp nên được giá, thị trường tiêu thụ thuận lợi.
Vụ na mùa năm 2022 của thị xã Đông Triều cho thu hoạch muộn hơn khoảng một tháng so với năm ngoái, sản lượng giảm khoảng từ 10%. Nguyên nhân là do thời tiết thất thường; cùng đó, do có nhiều diện tích na đã canh tác trên cùng một thửa đất lâu năm, chưa chuyển đổi và cây na già cỗi nên ít nhiều đã ảnh hưởng đến quá trình cho quả và sản lượng của na.
Chị Nguyễn Thị Trà, thuộc Hợp tác xã na VietGAP thôn Khê Thượng xã Việt Dân, thị xã Đông Triều cho biết, gia đình chị trồng hơn 1ha na, từ đầu vụ đến nay thu hoạch được hơn 1 tấn quả, giá bán na tuyển đạt khoảng 50.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg so với cùng thời điểm năm 2021. Năm nay không ảnh hưởng dịch COVID-19 nên thương lái đến tận vườn thu mua ổn định, ở thời điểm hiện tại giá khá cao. Năm ngoái thu hoạch được gần 10 tấn, năm nay chắc giảm khoảng 30%, chị Trà thông tin thêm.
Là cây chủ lực của thị xã Đông Triều, hàng chục năm qua cây na đã giúp đổi thay diện mạo vùng nông thôn, mang lại đời sống kinh tế xã hội ổn định cho người nông dân. Anh Nguyễn Văn Khoa người dân xã Việt Dân chia sẻ, so với các loại cây khác cây na dễ chăm sóc, lại có thể tự ươm giống tại nhà nên chi phí không cao. Những năm gần đây nhờ tham gia trồng na VietGAP nên nông dân được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, có thể chủ động thời gian ra hoa, cho quả. Na được thu hoạch theo mùa, na gối và na chiêm, sản lượng các vụ không chênh lệch nhiều vì người dân áp dụng khoa học công nghệ.
Hàng chục năm nay, nhờ có cây na mà người dân có điều kiện cho các con học hành, như nhà anh có hai con đi du học ở Hàn Quốc, nhà cửa khang trang, đời sống ở vùng quê yên bình, ổn định, xã cũng đạt nông thôn mới kiểu mẫu từ rất sớm.
Giữ vững thương hiệu OCOP
Trên địa bàn thị xã Đông Triều có gần 900 ha na; trong đó, có gần 400 ha trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và chủ yếu là na dai, được trồng nhiều ở các xã An Sinh, Việt Dân,Tân Việt, Bình Khê…
Vốn là cây trung niên, nên cây na chỉ khai thác hiệu quả trong vòng 20 năm trở về, vì vậy, để đảm bảo năng suất, chất lượng, hiện nay các hộ dân đã bắt đầu cải tạo, thay thế cây trồng mới khoảng 1/3 vườn na đang có. Với hình thức trồng xen canh gối vụ, đảm bảo sẽ cho thu hoạch 3 vụ 1 năm.
Tiểu thương thu mua na tận vườn.
Ngoài việc tiếp tục xây dựng na VietGAP, năm vừa qua xã đã thí điểm 3 ha na hữu cơ và cơ bản cho thu nhập cao. Hiện nay, xã xây dựng mô hình trồng na Thái Lan và na Đài Loan, đánh giá tổng kết cho thu nhập cao và tiến tới khuyến khích người dân chuyển đổi các giống na này vì ưu điểm chống chịu sâu bệnh tốt hơn cây na bản địa.
Trung bình 1 ha trồng na áp dụng quy trình VietGAP hiện cho sản lượng trên 10 tấn quả/vụ, doanh thu khoảng 300 triệu đồng, tăng hơn 2 tấn quả/vụ và gần 70 triệu đồng so với trồng na theo phương thức truyền thống. Với ưu điểm vượt trội, na dai Đông Triều vẫn giữ là cây chủ lực, nâng cao chất lượng cuộc sống của nông dân nơi đây.
Nguồn:VITIC/Baocongthuong/TTXVN