Cụ thể, với lần điều chỉnh này, thép Pomina là thương hiệu có mức giảm mạnh nhất, hơn 800.000 đồng/tấn. Theo đó, thương hiệu này tại miền Trung giảm 100.000-810.000 đồng/tấn với thép CB240 và D10 CB300 về mức tương ứng 14,88 triệu đồng/tấn và 15,58 triệu đồng/tấn.
Thép miền Nam điều chỉnh giảm 400.000 đồng/tấn đối với cả thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Sau khi giảm hai loại thép trên còn 14,72 triệu đồng/tấn và 15,33 triệu đồng/tấn.
Trong khi đó, thép Hòa Phát tại miền Bắc giảm 200.000 đồng và 300.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300, xuống tương ứng 14,37 triệu đồng/tấn và 15,13 triệu đồng/tấn. Tại miền Nam, thương hiệu này điều chỉnh giảm 2 loại thép trên ở mức 200.000-350.000 đồng/tấn xuống còn 14,47 triệu/tấn và 14,98 triệu đồng/tấn.
Với thép Việt Đức miền Bắc, 2 loại thép giảm lần lượt 400.000 đồng/tấn và 150.000 đồng/tấn xuống còn 14,04 triệu đồng/tấn và 14,95 triệu đồng/tấn.
Với thép Kyoei, giá hôm nay là 14,64 triệu đồng/tấn và 15,25 triệu đồng/tấn đối với CB240 và D10 CB300 sau giảm lần lượt 60.000 đồng/tấn và 300.000 đồng/tấn.
Giá thép đã giảm 15 lần trong vòng hơn 100 ngày với tổng mức giảm 4-6 triệu đồng/tấn nhưng giới chuyên gia đang kỳ vọng triển vọng tiêu thụ sẽ tươi sáng hơn vào quý IV năm nay, khi nhu cầu thép của ngành xây dựng được cải thiện.
Hiệp hội thép Việt Nam nhận định, giá thép giảm có thể kéo dài đến hết quý III. Trong đó, những yếu tố khiến triển vọng thị trường thép nửa cuối năm không mấy khả quan bao gồm tốc độ giải ngân đầu tư công chậm, ngân hàng siết tín dụng bất động sản, thị trường Trung Quốc ảm đạm và mùa cao điểm xây dựng đã qua..
Giá heo hơi hôm nay 26/8: Tăng nhẹ 1.000 đồng/kg ở khu vực miền Nam
Giá heo hơi hôm nay 26/8 đi ngang tại khu vực miền Bắc, miền Trung – Tây Nguyên và tăng giá nhẹ tại khu vực miền Nam.
Tại khu vực miền Bắc, giá heo hơi hôm nay đi ngang và dao động trong khoảng 65.000 - 70.000 đồng/kg. Theo đó, mức giá cao nhất tiếp tục được ghi nhận tại Hưng Yên và Thái Bình là 70.000 đồng/kg. Thấp hơn một chút ở mức 68.000 đồng/kg gồm có Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội và Tuyên Quang. Các tỉnh thành còn lại thu mua heo hơi ổn định trong khoảng 65.000 - 67.000 đồng/kg. Trong đó, mức giá thấp nhất khu vực 65.000 đồng/kg được ghi nhận tại Yên Bái, Lào Cai, Hà Nam.
Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, giá heo hơi hôm nay đồng loạt đi ngang trên diện rộng và dao động trong khoảng 63.000 - 70.000 đồng/kg. Hiện tại, thương lái ở Đắk Lắk đang thu mua heo hơi với giá thấp nhất khu vực 63.000 đồng/kg, các địa phương Lâm Đồng và Quảng Bình vẫn đang giao dịch heo hơi với giá 64.000 đồng/kg. Ngoại trừ Ninh Thuận và Bình Thuận tiếp tục neo tại ngưỡng 70.000 đồng/kg thì các tỉnh thành còn lại đang giao dịch ổn định với giá 66.000 - 67.000 đồng/kg.
Tại khu vực miền Nam, giá heo hơi hôm nay điều chỉnh tăng 1.000 đồng/kg tại một vài nơi và dao động trong khoảng 62.000 - 70.000 đồng/kg. Cụ thể, hai tỉnh Vĩnh Long và An Giang giá heo hơi hôm nay cùng tăng 1.000 đồng và được thu mua lần lượt ở mức 66.000 đồng/kg và 67.000 đồng/kg. Mức giá trung bình được ghi nhận tại các tỉnh thành còn lại là 65.000 đồng/kg. Mức giá cao nhất khu vực 70.000 đồng/kg được ghi nhận tại Tây Ninh, Cà Mau. Còn tại Hậu Giang hiện ghi nhận mức giá heo hơi thấp nhất khu vực 62.000 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay 26/8: Tiếp tục đà giảm, thấp nhất tại Gia Lai
Giá tiêu hôm nay 26/8 tại thị trường trong nước tiếp tục duy trì đà giảm giá. Hiện giá tiêu trong nước dao động quanh mốc 67.500 – 71.000 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay 26/8 tại các vùng trồng trọng điểm như Gia Lai, Đồng Nai, Vũng Tàu tiếp tục điều chỉnh giảm so với hôm qua
Cụ thể, tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu giảm 500 đồng/kg xuống còn 67.500 đồng/kg. Tại Đồng Nai, giá tiêu được thu mua ở mức 68.000 đồng/kg, giảm mạnh 1.000 đồng/kg.
Tại Bà Rịa- Vũng Tàu giá tiêu giảm nhẹ 500 đồng, xuống còn 71.000 đồng/kg.
Trong khi đó, giá tiêu tại Đắk Lắk - Đắk Nông, Bình Phước đi ngang so với hôm qua.
Việc giảm giá này không có gì làm lạ, khi hồ tiêu tiếp tục chịu áp lực do các nhà đầu tư đồng loạt chuyển hướng sang mặt hàng cà phê và việc tiêu thụ trên thế giới giảm.
Giá tiêu sụt giảm liên tiếp trong vài tháng qua là do chiến sự tại Đông Âu và dịch bệnh covid-19 lây lan khiến tiêu thụ toàn cầu sụt giảm, trong khi nhà nhập khẩu lo ngại việc thắt chặt tiền tệ của các Ngân hàng trung ương để ngăn chặn lạm phát toàn cầu và kinh tế thế giới suy thoái sẽ khiến hàng hóa nông sản phải gánh thêm lãi suất cơ bản ở mức cao. Các nhà nhập khẩu vẫn còn chờ đợi mà chưa dám mua vào để bổ sung nguồn dự trữ đang sụt giảm đáng kể.
Trong khi giá tiêu khô liên tục sụt giảm, hiện nay, nhiều thương lái đang tìm đến các nhà vườn trồng hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Đắk Nông để thu mua hạt tiêu xanh với mức giá trên 50.000 đồng/kg. Được thương lái thu mua với mức giá hợp lý, nhiều người dân đã sẵn sàng thu hái, bán tiêu xanh cho thương lái.
Theo IPC, tổng nguồn cung toàn cầu năm 2022 ước đạt 535 ngàn tấn, giảm gần 3% so với năm 2021 và lượng giảm chủ yếu đến từ Việt Nam và Ấn Độ. Đánh giá chung, nhu cầu toàn cầu yếu hơn so với mọi năm, đặc biệt là sức mua sụt giảm từ thị trường Trung Quốc.
Đồ chơi Trung thu tăng giá nhẹ, hàng nội chiếm ưu thế
Còn gần một tháng nữa mới tới Tết Trung thu nhưng trên nhiều tuyến phố của Hà Nội, không khí trung thu đã rất nhộn nhịp. Theo đánh giá của các tiểu thương, thị trường đồ chơi trung thu năm nay mẫu mã khá đa dạng, giá cả tăng hơn so với năm trước 10-20%, đồ thủ công trong nước chiếm nhiều ưu thế.
Đồ chơi truyền thống, hàng nội lên ngôi
Ghi nhận của phóng viên báo Tin tức, các cửa hàng nằm trên phố Hàng Mã, Hàng Lược, Lương Văn Can (Quận Hoàn Kiếm) đã bắt đầu trưng bày các sản phẩm đồ trang trí, đồ chơi trung thu từ truyền thống đến hiện đại dành cho trẻ em.
Năm nay các loại đồ chơi truyền thống, đồ chơi làm thủ công trong nước chiếm tới 70 - 80% tại các gian hàng. Một số tiểu thương phố Hàng Mã cho biết nhiều năm gần đây, các phụ huynh có xu hướng lựa chọn mặt hàng truyền thống cho con em mình trong dịp trung thu vì sự gần gũi với văn hóa, lịch sử của người Việt Nam và an toàn.
“Từ năm ngoái đến năm nay, đồ chơi thủ công của Việt Nam đã có nhiều cải tiến về mẫu mã, cũng vẫn chất liệu được dùng làm đèn trung thu, đã được người thợ sáng tạo ra các hình thù khác nhau như con gà trống, con ngựa, thuyền… thu hút và bắt mắt hơn nhiều. Loại đèn này có thể sử dụng đèn chạy bằng pin gắn bên trong, giá cả dao động từ 30.000 đồng - 150.000 đồng, tuỳ theo kích thước. Không chỉ có vậy, các loại đèn lồng giấy cũng được làm sáng tạo, màu sắc thu hút hơn”.
Tại những quầy hàng kinh doanh đồ chơi trẻ em, những món đồ chơi do nước ngoài sản xuất trong dịp Tết Trung thu hầu như chỉ chiếm một phần nhỏ trong gian hàng. Cũng theo các tiểu thương bán đồ chơi trung thu cho biết lượng người mua những món đồ chơi nước ngoài cũng không nhiều. Có thể thấy, trong những năm gần đây, đồ chơi trung thu sản xuất trong nước đang ngày càng chiếm lĩnh thị trường.
Tại một số cửa hàng còn xuất hiện các sản phẩm mới như các loại đèn giấy 12 con giáp, giá dao động từ 15.000 - 25.000 đồng/chiếc, tùy kích cỡ; các loại hay các loại đèn nhựa biểu tượng 12 con giáp, có pin, có nhạc, phát sáng; một số cửa hàng còn có bày bán các loại xe tăng nhựa, giá 100.000 - 120.000 đồng/chiếc, đèn siêu nhân phát sáng có giá từ 60.000 đồng - 80.000 đồng/chiếc.
Ngoài ra, một số mặt hàng như bờm chuột mickey, bờm tai thỏ nhấp nháy, mắt kính cách điệu, đèn lồng phát sáng… với giá dao động 15.000 - 70.000 đồng/chiếc cũng được nhiều người yêu thích, tìm mua.
Đặc biệt, đầu lân sư tử là loại đồ chơi Trung thu có giá đắt nhất từ 200.000 - 700.000 đồng/chiếc tùy kích thước; trống từ 30.000 - 300.000 đồng/chiếc tùy kích thước… Bên cạnh bán đèn, trống thì nhiều cửa hàng cũng bán giấy kính và khuôn để các bậc phụ huynh mua về cho con trẻ trải nghiệm việc tự tay làm đèn ông sao, giá của combo này dao động từ 15.000 - 30.000 đồng…
Nguồn:VITIC/Baocongthuong/TTXVN