menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường hàng hóa trong nước ngày 5/7/2022

08:35 05/07/2022

Giá vàng hôm nay 5/7 tại thị trường trong nước tiếp tục có dễn biến tăng, giảm bất thường.
 
Giá vàng hôm nay 5/7: SJC giảm 50 nghìn đồng
Giá vàng hôm nay 5/7 tại thị trường trong nước tiếp tục có dễn biến tăng, giảm bất thường.
Giá vàng trong nước hôm nay
Giá vàng hôm nay 5/7, giá vàng SJC điều chỉnh giảm 50.000 - 100.000 đồng/lượng ở chiều bán ra, trong khi chiều mua vào vừa giảm vừa đứng yên tại các hệ thống cửa hàng.
DOJI Hà Nội niêm yết giá vàng quanh ngưỡng 68,10 triệu đồng/lượng mua vào, 68,70 triệu đồng/lượng bán ra. Tại DOJI Thành phố Hồ Chí Minh, giá vàng mua vào giao dịch ở ngưỡng 68,15 và 68,75 triệu đồng/lượng bán ra.
SJC Hà Nội và Đà Nẵng niêm yết giá vàng ở mức 68,10 triệu đồng/lượng mua vào, 68,72 triệu đồng/lượng bán ra. SJC Thành phố Hồ Chí Minh niêm yết giá vàng mua vào ở ngưỡng tương tự; giá vàng bán ra ở ngưỡng 68,70 triệu đồng/lượng.
Phú Quý SJC niêm yết giá vàng ở mức 68,11 - 68,72 triệu đồng/lượng, giảm nhẹ 30.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều.
Giá vàng thế giới hôm nay
Giá vàng giao ngay trên thế giới giảm xuống 1.807,5 USD/ounce. Giá vàng biến động trái chiều trong phiên giao dịch chiều ngày thứ 2 (4/7), tiến sát về mức 1.800 USD/ounce, trong bối cảnh thị trường dự đoán về đợt tăng lãi suất tại Mỹ trong tháng 7.
Theo Kitco News, hiện tại, lạm phát trên toàn cầu tiếp tục tăng cực nóng. Liên minh châu Âu đưa báo cáo rằng lạm phát đã đạt mức kỷ lục mới trong tháng 6. Lạm phát chính ở châu Âu là 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt quá mức lạm phát của Hoa Kỳ là 8,3% (chỉ số CPI cho tháng 5). Lạm phát ở các nền kinh tế tiên tiến hiện đang ở mức cao nhất được ghi nhận trong vòng 40 năm qua. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giao dịch của vàng trong thời gian tới.
Trước đó, trang Politico đưa tin Mỹ cùng 3 nước thuộc nhóm thành viên G7 bao gồm Anh, Canada và Nhật Bản đồng loạt tuyên bố cấm nhập khẩu vàng của Nga. Trong tuyên bố phát ngày 26/6, một ngày trước thềm cuộc họp thượng đỉnh của nhóm G7 tại Đức.
Theo tổng thống Mỹ Joe Biden, việc cấm nhập khẩu vàng của Nga sẽ khiến nước này thiệt hại chục tỷ USD, làm suy yếu nên kinh tế. Một số quan chức Mỹ cho rằng vàng là mặt hàng đem lại nguồn thu lớn thứ hai cho Nga. Tuy nhiên, phía Nga phủ nhận thông tin này và cho biết thực phẩm mới là mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn thứ hai. Theo đó, trong năm 2021, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng thực phẩm của Nga đạt hơn 37 tỷ USD.
Giá tiêu hôm nay 5/7: Giá tiêu tại Bình Phước đạt mức 71.000 đồng/kg
Giá tiêu hôm nay 5/7 tiếp tục đà đi ngang. Hiện giá tiêu trong nước đang dao động trong khoảng từ 69.000 – 72.000 đồng/kg.
Hiện giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước đang dao động trong khoảng 69.000 - 72.000 đồng/kg. Cụ thể, tại Gia Lai, Đồng Nai giá tiêu hôm nay ở mức 69.000 đồng/kg - mức thấp nhất thị trường. Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 70.500 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 71.000 đồng/kg. Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức 72.000 đồng/kg.
Theo nhận định của chuyên gia, giá cả hầu hết các thị trường hàng hóa đang tạm thời chùng lại, do đầu cơ rút vốn vì lo ngại rủi ro sẽ tăng cao trước phiên họp chính sách tiền tệ tháng 7 của Fed. Nhiều nguồn tin cho biết Fed sẽ tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất trong phiên họp tới.
Việc tăng lãi suất của Fed thu hút các nhà đầu tư rút tiền ở các thị trường mới nổi còn nhiều rủi ro như Việt Nam quay về đầu tư tại Mỹ, hoặc các thị trường phát triển khác nhằm giảm thiểu rủi ro và hưởng lãi suất cao hơn. Tăng lãi suất cho vay (bằng đồng USD) sẽ làm giảm nhu cầu tiêu dùng của người dân, cũng như làm suy yếu nhu cầu mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp. Do đó, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ chậm lại trong những quý tới do người tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chủ chốt như Mỹ và châu Âu thắt chặt chi tiêu.
Về trung hạn, có ý kiến nhận định thị trường sẽ tăng trở lại vào giữa quý III, khi nhu cầu nhập khẩu cho những kỳ lễ hội cuối năm và dịp Tết ở các quốc gia tăng cao. Ngoài ra xuất khẩu tiêu của Việt Nam còn kỳ vọng từ thị trường Trung Quốc hấp thụ thêm khoảng 30.000 - 40.000 tấn hồ tiêu trong nửa còn lại của năm 2022.
Trên thị trường Ấn Độ, giá tiêu kỳ hạn tuần trước cho thấy xu hướng giảm do nông dân và thương nhân thanh lý. Tuy nhiên, thị trường giao ngay vẫn ổn định trong suốt tuần cho đến phiên giao dịch thứ 7 khi ghi nhận giảm 100 Rupee/tạ.
Giá tiêu Ấn Độ hiện đang ở mức cạnh tranh sau khi đồng Rupee suy yếu hồi đầu tuần và trước đó. Có một số nhà xuất khẩu đã thực hiện một số hợp đồng với người mua ở nước ngoài.
Vào cuối tuần, tất cả các hợp đồng đang hoạt động trên sàn giao dịch NMCE đều giảm đáng kể. Cụ thể, hợp đồng tháng 9, tháng 10 và tháng 11 giảm lần lượt 1.242 Rupee, 1.366 Rupee và 1.567 Rupee xuống 43.350 Rupee/tạ, 44.100 Rupee/tạ và 44.133 Rupee/tạ (tương đương 6.827 USD/tấn, 6.945 USD/tấn và 6.950 USD/tấn). (1 USD = 63,50 Rupee)
Giá lợn hơi hôm nay 5/7: Tăng nhẹ 1.000 đồng/kg tại một vài địa phương
Giá lợn hơi hôm nay 5/7 tăng nhẹ 1.000 đồng/kg tại một vài địa phương khu vực miền Bắc, miền Nam và đi ngang tại khu vực miền Trung.
Tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi hôm nay tăng 1.000 đồng/kg so với ngày hôm qua ở một vài địa phương và dao động trong khoảng 58.000 - 61.000 đồng/kg. Cụ thể, hai tỉnh Vĩnh Phúc và Lào Cai lần lượt điều chỉnh giá lợn hơi lên mức 59.000 đồng/kg và 60.000 đồng/kg sau khi tăng 1.000 đồng/kg so với ngày trước đó. Cũng ghi nhận ở mức 60.000 đồng/kg còn có Phú Thọ. Tại Hưng Yên hiện giá lợn hơi đang ở mức 61.000 đồng/kg, cao nhất khu vực. Các tỉnh thành còn lại vẫn đang giao dịch ổn định trong khoảng 58.000 - 59.000 đồng/kg.
Tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên giá lợn hơi hôm nay đi ngang so với ngày trước đó và dao động trong khoảng 52.000 - 58.000 đồng/kg. Trong đó, thương lái tại Bình Định tiếp tục thu mua lợn hơi với giá thấp nhất khu vực là 52.000 đồng/kg. Ở chiều ngược lại, Hà Tĩnh và Bình Thuận hiện ghi nhận mức giá lợn hơi cao nhất khu vực 58.000 đồng/kg. Mức giá 53.000 - 54.000 đồng/kg được ghi nhận tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Đắk Lắk và Ninh Thuận. Các tỉnh thành còn lại gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Lâm Đồng hiện giá lợn hơi đang được thương lái thu mua quanh mốc là 57.000 đồng/kg.
Cùng chung xu hướng thị trường với khu vực miền Bắc, tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi hôm nay điều chỉnh tăng nhẹ 1.000 đồng/kg tại một vài nơi và dao động trong khoảng 54.000 - 59.000 đồng/kg. Theo đó, sau khi nhích nhẹ một giá, Bạc Liêu và Bến Tre cùng đưa giá thu mua lên chung mức 56.000 đồng/kg, ngang bằng với Bình Phước và Tiền Giang. Mức giao dịch cao nhất được ghi nhận tại tỉnh An Giang ở thời điểm hiện tại là 59.000 đồng/kg.
Trong tháng 6/2022, giá lợn hơi tại các vùng trên cả nước biến động nhẹ. Giá có xu hướng giảm trong 20 ngày đầu tháng, sau đó tăng trở lại. Tại miền Bắc giá lợn hơi dao động quanh mức 57.000 - 61.000 đồng/kg, tăng 2.000 - 3.000 đồng/kg so với cuối tháng 5/2022. Tại miền Trung và khu vực Tây Nguyên giá dao động quanh mức 52.000 - 57.000 đồng/kg, tăng 1.000 - 2.000 đồng/kg. Tại miền Nam giá dao động quanh mức 56.000 - 59.000 đồng/kg, tăng 1.000 - 2.000 đồng/kg so với cuối tháng 5/2022.
Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ thịt và các sản phẩm thịt vẫn chậm do thời tiết nắng nóng và dịch Covid-19 đã làm thay đổi thói quen của người tiêu dùng, nên lượng tiêu thụ thịt vẫn khó tăng nhanh.
Hiện, chăn nuôi lợn và gia cầm hồi phục do dịch bệnh kiểm soát tốt, người chăn nuôi chủ động được nguồn giống và nhu cầu thị trường tăng cao. Tuy nhiên, giá thức ăn chăn nuôi đang tăng cao trên toàn cầu do khủng hoảng thị trường ngũ cốc, nguồn cung cấp ngũ cốc không ổn định, chi phí vận chuyển tăng cao... gây khó khăn cho trang trại nuôi lợn.
Thời gian gần đây, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện và lây lan nhanh trên địa bàn một số địa phương khiến việc chăn nuôi của người dân cũng gặp khó khăn. Với việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố sản xuất thành công vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi, Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới lưu hành thương mại loại vắc xin này. Thành công trên có thể sẽ mở ra nhiều cơ hội cho chăn nuôi Việt Nam, đặc biệt là kiểm soát bệnh dịch tả lợn châu Phi, qua đó ổn định nguồn cung thịt lợn trên thị trường.

Nguồn:VITIC/Baocongthuong