menu search
Đóng menu
Đóng

Tin đáng chú ý 11/4/2019: XK trái cây sang TQ dùng bao bì QĐ mới; cà phê giảm mạnh

16:41 11/04/2019

Vinanet - Nhiều loại trái cây xuất sang Trung Quốc phải dùng bao bì theo quy định mới; Tinh bột sắn Việt Nam bị thương lái Trung Quốc 'chèn ép'; Giá cà phê có nguy cơ xuống dưới mốc 30.000 đồng/kg… là những tin đáng chú ý trong ngày.
Nhiều loại trái cây xuất sang Trung Quốc phải dùng bao bì theo quy định mới
Nongnghiep.vn đưa tin, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản vừa có công văn gửi Cục BVTV và Hiệp hội Rau quả Việt Nam về thời hạn áp dụng quản lý truy xuất nguồn gốc trái cây nhập khẩu của Trung Quốc. Từ 1/5, chuối xuất khẩu sang Trung Quốc phải có bao bì là thùng giấy hoặc túi nhựa để bọc
Theo công văn nói trên, bắt đầu từ 1/1/2019, các loại nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc đều phải đăng ký thông tin nhà vườn, nhà xưởng, bao bì gửi cho Hải quan Trung Quốc. Tuy nhiên, từ đầu năm đến ngày 13/3, phía Trung Quốc đã cho thông quan 3.890 xe dưa hấu, đơn giản hóa yêu cầu về tem nhãn, bao bì, nên việc thông quan thuận lợi, không bị ách tắc.
Có 3 điểm cần chú ý trong việc quản lý truy xuất nguồn gốc của Hải quan Trung Quốc. Điểm đầu tiên là dưa hấu Việt Nam xuất sang Trung Quốc có thể sử dụng cách dán tem có mã truy xuất nguồn gốc lên trái dưa hoặc đóng dưa bằng bao bì thùng giấy có thông tin truy xuất nguồn gốc.
Điểm thứ hai là doanh nghiệp xuất khẩu chủ động lựa chọn sử dụng bao bì thùng giấy hoặc tem nhãn dán lên trái cây; chủ động chọn đơn vị in tem nhãn truy xuất nguồn gốc. Hiện đã có 41 doanh nghiệp xuất khẩu ký hợp đồng với Tập đoàn Trung Kiểm (CCIC) là đơn vị có năng lực cung cấp lượng lớn tem nhãn cho doanh nghiệp.
Điểm thứ ba là từ 1/5/2019, Hải quan Trung Quốc sẽ thực hiện thêm một số quy định mới đối với một số loại trái cây nhập khẩu từ Việt Nam. Cụ thể, đối với dưa hấu: không cho phép dưa hấu lót rơm thông quan; yêu cầu dùng xốp lưới hoặc chất liệu không có sinh vật gây hại để bọc trái. Đối với mít: yêu cầu dùng giấy dai Kraft để bọc hoặc dùng bao bì là thùng giấy có in thông tin truy xuất nguồn gốc. Đối với chuối: yêu cầu bao bì là thùng giấy hoặc túi nhựa để bọc (đều phải in mã và thông tin truy xuất nguồn gốc).
Tinh bột sắn Việt Nam bị thương lái Trung Quốc 'chèn ép'
Thông tin từ vietnambiz.vn, theo Cục Xuất Nhập khẩu, nhu cầu mua sắn của các nhà máy phía Trung Quốc đã chậm lại, một số nhãn hàng tinh bột sắn của Việt Nam bị sức ép bán hàng luân chuyển với mức giá khá thấp, tạo đà cho thương nhân Trung Quốc đề xuất giảm giá các nhãn hiệu tinh bột sắn dùng cho ngành thực phẩm. Các đơn vị kinh doanh sắn lát vẫn tiếp tục nhập hàng vào lưu kho chờ cơ hội xuất bán.
Tuy nhiên, việc Thái Lan tăng giá sàn xuất khẩu mặt hàng này thêm 10 USD/tấn đang tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh sắn lát Việt Nam ổn định giá đầu ra.
Tổng khối lượng sắn lát vụ mới về kho Quy Nhơn trong niên vụ 2018 - 2019 ước tính sẽ đạt khoảng 180.000 - 190.000 tấn, thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm trước.
Cục Xuất nhập khẩu cho biết do nguồn nguyên liệu cuối vụ giảm nên so với cuối tháng 2, chào giá sắn lát xuất khẩu của các nhà máy Việt Nam trong tháng 3 tăng 20 USD/tấn lên 440 - 450 USD/tấn FOB (giao trên tàu) cảng TP HCM.
Theo ước tính của Cục Xuất nhập khẩu, tháng 3 xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 280.000 tấn, trị giá 104 triệu USD, tăng 104,6% về lượng và tăng 97% về trị giá so với tháng 2; so với cùng kì năm 2018 giảm 12,5% về lượng và giảm 6,4% về trị giá, giá xuất khẩu bình quân tăng 7% so với cùng kì năm 2018, lên 371 USD/tấn.
Tính chung quí I, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn ước đạt 689.000 tấn, trị giá 256 triệu USD, giảm 22,8% về lượng và giảm 10,6% về trị giá so với cùng kì năm 2018.
Trong tháng 3, giá sắn nguyên liệu trong nước biến động trong biên độ hẹp, tăng nhẹ so với đầu tháng, nhưng vẫn giảm so với cuối tháng 2 do xuất khẩu gặp khó khăn.
Tại Tây Ninh, giá sắn thu mua tại nhà máy dao động quanh mức 2.750 – 2.950 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg so với đầu tháng 3, nhưng vẫn giảm nhẹ so với cuối tháng 2.
Tại Kon Tum, giá sắn thu mua tại nhà máy dao động quanh mức 2.200 – 2.400 đồng/kg. Giá sắn lát đưa về cửa khẩu tại Tây Ninh và Bình Phước vẫn ở mức thấp do thiếu đơn hàng xuất khẩu, đồng thời chất lượng sắn đưa về kém hơn, độ ẩm cao.
Giá cà phê có nguy cơ xuống dưới mốc 30.000 đồng/kg
Theo nongnghiep.vn, giá cà phê nhân xô đang khiến cho người trồng cà phê lo lắng khi đang có nguy cơ xuống dưới mốc 30.000 đồng/kg kể từ tháng 1/2016. So với đầu niên vụ (ngày 1/10/2018), giá cà phê hiện tại giảm 2.100 - 2.200 đồng/kg. Và so với cùng kỳ năm ngoái, giá cà phê tính đến cuối tuần trước đã giảm tới 5.900 - 6.000 đồng/kg.
Theo chuyên gia về thị trường cà phê, giá cà phê liên tục giảm mạnh trong thời gian qua, trước hết là do những thông tin về nguồn cung dồi dào trên toàn cầu.
Điều đáng chú ý là trong báo cáo của ICO, về chi tiết sản lượng cà phê các loại, trong khi dự báo về sản lượng cà phê Arabica giảm xuống còn 103,71 triệu bao so với dự báo trước đó là 104,01 triệu bao, thì sản lượng Robusta được nâng lên 64,37 triệu so với 63,50 triệu bao trong dự báo trước đó. Giá cà phê Robusta còn gặp bất lợi thêm khi Bộ Nông nghiệp Indonesia vừa đưa ra dự báo sản lượng cà phê năm 2019 của nước này có khả năng tăng 0,92% so với năm 2018 và đạt 12,15 triệu bao.
Đại đa số sản lượng cà phê của Việt Nam là Robusta, do đó, những thông tin nói trên càng gây thêm nỗi lo lắng cho cà phê Việt Nam. Ngoài ra, ICO cũng điều chỉnh lại thặng dư cà phê của niên vụ 2017 - 2018 từ mức 3,28 triệu bao lên 4,16 triệu bao. Điều này đồng nghĩa với việc lượng cà phê tồn kho trên toàn cầu từ niên vụ trước chuyển sang niên vụ này đã được tính toán lại theo hướng tăng lên đáng kể so với tính toán trước đó.
Bên cạnh đó, việc đồng Reais Brazil giảm giá khi mà Chính phủ mới của nước này liên kết chặt chẽ hơn với Mỹ và Israel, qua đó dẫn tới những lo ngại về xung đột lợi ích quốc gia với Trung Quốc và khối Ảrập, càng khiến cho nông dân Brazil đẩy mạnh bán cà phê ra thị trường nhiều hơn, qua đó tạo thêm áp lực về nguồn cung trong những tháng qua.
Dự đoán giá heo sẽ tăng mạnh từ sau tháng 7 đến quý 1/2020
Trang plo.vn đưa tin, do các nguyên nhân gây khủng hoảng nguồn thịt heo thời gian qua như dịch lở mồm long móng; dịch tả heo Châu Phi nên nhiều trang trại nhỏ lẻ hiện đã kiệt sức
Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cho biết từ đầu tháng 4 đến nay giá heo hơi đã nhích dần lên. Vài ngày trở lại đây giá heo hơi tại Đồng Nai đã lên khoảng 46.000-47.000 đồng/kg. Dù có tăng song đây là mức giá chưa bằng trước khi có thông tin dịch tả heo Châu Phi (khoảng 55.000 đồng/kg).
Theo thống kê của cơ quan chức năng Đồng Nai, hiện tổng đàn theo của tỉnh này là 2,5 triệu con, tăng hơn so với đầu năm 2018 (2,3 triệu con) dù bị ảnh hưởng bởi đợt dịch bệnh vừa qua. Khi dịch bệnh chưa lan tới miền Nam thì giá heo đã giảm mạnh nên nhiều người chăn nuôi phải bán heo theo kiểu “chạy dịch”, “chạy giá”.
Theo đại diện Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, thông thường lượng heo cung cấp về chợ đầu mối Hóc Môn khoảng 6.000 con/đêm, thời điểm xảy ra dịch chỉ tiêu thụ 3.200 con/đêm, giảm 30% so với bình thường. Đến nay heo về chợ đã tăng lên được 4.000-4100 con/đêm. Theo công ty tư vấn chiến lược phát triển quốc tế Ipos Business Consulting cho biết, khoảng tháng 7 dịch tả heo Châu Phi sẽ lắng xuống. Tuy nhiên việc tiêu thụ thịt heo giảm không đáng kể do chưa có cơ sở khoa học chứng minh các tác hại trực tiếp đến con người. Ipsos dự đoán đến giữa năm nay tổng đàn nái của các trang trại nhỏ lẻ chỉ còn khoảng 41% so với tổng đàn nái toàn quốc, và còn khoảng 47% so với cuối năm 2018.
Do các nguyên nhân như khủng hoảng heo diễn ra trong năm 2017; dịch lở mồm long móng cuối năm 2018 và dịch tả heo Châu Phi mới đây, nhiều trang trại nhỏ lẻ đã kiệt sức và cạn nguồn tiền tích lũy nên buộc phải đóng chuồng hoàn toàn. Đồng thời, do phân khúc trang trại nhỏ lẻ tiếp tục giảm nên phân khúc tích hợp và thương mại sẽ phát triển, chiếm thị phần cao hơn.
Ipsos cũng dự đoán việc mở trại mới sẽ khó khăn do có nhiều quy định mới từ Bộ NN&PTNT. Điều này sẽ làm chậm việc phát triển nguồn cung vào cuối năm. Dự đoán giá heo sẽ tăng lại từ sau tháng 7 đến quý 1/ 2020 do nguồn cung giảm mà các trại chưa tăng đàn, chưa cung ứng kịp.
Kinh doanh phân bón gặp khó
Theo tin từ nongnghiep.vn, hiện nay các DN phân bón đang đối mặt với giá cả các loại nông sản chủ lực đều giảm sâu kéo dài, cà phê còn 30-31 ngàn đồng, tiêu 45 ngàn đồng; cao su hơn 30 triệu đồng/tấn... khiến nông dân họ giảm số lần bón, giảm cả số lượng đầu tư, thậm chí không bón, rồi còn phải cạnh tranh giá bán đại lý với hàng trăm DN khác.
Chủ tịch HĐQT Cty CP Phân bón Hà Lan cho biết, kinh doanh phân bón chưa bao giờ gặp khó khăn như đầu năm nay, bán ra 1 kg phân đã khó do người nông dân ngày càng hạn chế đầu tư, trong khi cả nước đang có gần 1.000 cơ sở sản xuất phân bón nên cạnh tranh giá rất khốc liệt.
Hiện nay, không chỉ chật vật về thị trường mà Luật 71/2014/QH13 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về Thuế điều chỉnh Thuế GTGT có hiệu lực từ đầu năm 2015, trong đó mặt hàng phân bón từ diện chịu thuế VAT 5% sang mặt hàng không chịu thuế, nên DN không được khấu trừ đầu vào, điều đó càng làm cho giá thành sản xuất phân bón tăng khoảng 3-5%. Điều này, khiến các DN làm ăn chân chính càng khó cạnh tranh với phân bón nhập khẩu, hàng phân bón “lóc cóc” trong nước gây nhũng nhiễu thị trường.
Hoa Kỳ công bố thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam còn 0%
Theo tuoitre.vn, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã công bố 2 bị đơn bắt buộc và khoảng 30 bị đơn còn lại trong đợt xem xét thuế bán phá giá mới đối với tôm xuất khẩu từ Việt Nam về 0%.
Theo đó, phía Hoa Kỳ đã đồng ý áp thuế suất bằng 0% cho 2 bị đơn bắt buộc là Công ty Sao Ta và Công ty Nha Trang; đồng thời cũng là mức thuế bằng 0% cho gần 30 bị đơn còn lại, đây là tin vui cho ngành chế biến và xuất khẩu tôm Việt Nam bởi với mức thuế này chứng tỏ các doanh nghiệp Việt Nam đã cung cấp số liệu thỏa đáng tới Bộ Thương mại Hoa Kỳ.
Mức thuế sơ bộ này cũng là nền tảng vững chắc để đạt được mức thuế thấp nhất ở phán quyết cuối cùng sắp tới.
Giá cá tra tăng trở lại
Theo baoangiang.com.vn, giá cá tra mua tại ao An Giang đang ở mức 24.500-25.000 đồng/kg (loại zise từ 0,8 - 1kg/con), tăng khá so thời điểm rớt xuống “đáy” hồi nửa cuối tháng 3 (23.000-23.500 đồng/kg).
Theo các cơ quan quản lý, việc giá cá tra bất ngờ giảm mạnh trong tháng 3 có thể chỉ là hiện tượng nhất thời. Nguyên nhân do nhiều doanh nghiệp đã chủ động được vùng nuôi, xây dựng vùng liên kết cộng với lượng hàng trong kho có sẵn, cơ bản đáp ứng số lượng xuất khẩu theo hợp đồng những tháng đầu năm, nên doanh nghiệp chưa đẩy mạnh thu mua bên ngoài.
Dự báo, thị trường xuất khẩu cá tra của An Giang từ nay đến cuối năm 2019 có nhiều khả quan, tiếp tục ổn định và phát triển. Thời gian tới, nhu cầu tiêu thụ cá tra ở các nước Châu Á sẽ tăng mạnh. Trong đó, Trung Quốc đang dần thay thế Liên minh Châu Âu (EU) và Mỹ trở thành thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam. Các sản phẩm cá tra được các nước như: Thái Lan, Ấn Độ, Nhật Bản… chấp nhận. Tại thị trường Châu Âu, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU có hiệu lực từ ngày 1-1-2019 đã giúp cá tra Việt Nam tăng tính cạnh tranh với các loại thủy sản đánh bắt tại EU. Cá tra cũng có lợi thế cạnh tranh so với loại cá thịt trắng khác như cá rô phi (chủ yếu xuất từ Trung Quốc, Đài Loan) bởi loài cá này không tạo được hình ảnh phù hợp với thị hiếu khách hàng EU.
Xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Anh tăng
Theo vasep.com.vn, tính tới nửa đầu tháng 3/2019, giá trị XK cá tra sang thị trường Anh đạt 11,9 triệu USD, tăng 69,5% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 3,1% tổng XK cá tra. Như vậy, tính đến thời điểm này, Anh là thị trường XK lớn thứ 2 của DN cá tra Việt Nam tại khu vực Châu Âu.
Có thể thấy rằng, trong quý I/2019, giá cá tra Việt Nam XK sang thị trường Anh đang ở mức cao ở EU. Trong thời gian này, các DN đang XK chủ yếu sản phẩm cá tra phile đông lạnh sang thị trường Anh. Đây cũng là loại sản phẩm có giá XK cao nhất trung bình từ 1,18 - 5,3 USD/kg. Ngoài ra, DN cũng XK một số sản phẩm cá tra khác như: cá tra cắt portion đông lạnh, cá tra cắt miếng đông lạnh, cá tra cắt khúc/khoanh đông lạnh và cá tra nguyên con bỏ đầu, bỏ đuôi, bỏ nội tạng sang thị trường Anh. Đáng lưu ý, giá sản phẩm cá tra cắt khúc/khoanh đông lạnh trung bình sang thị trường này đầu năm nay ở mức giá khả quan lên tới 4,3 - 4,7 USD/kg.
Hiện nay, Việt Nam đang là nguồn cung cá thịt trắng lớn thứ 6 của thị trường Anh (sau Iceland, Trung Quốc, Nauy, Nga và quần đảo Faroe).

Nguồn: VITIC tổng hợp

 

Nguồn:Vinanet