Philippines chấm dứt điều tra tự vệ gạo NK, Việt Nam vẫn phải thận trọng
Theo
vietnambiz.vn, Philippines vừa ra thông báo chấm dứt điều tra sơ bộ về việc áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với sản phẩm gạo nhập khẩu. Theo đó, trong thời gian trước mắt, doanh nghiệp Việt có thể tiếp tục xuất khẩu gạo sang Philippines theo cơ chế hiện hành của nước này.
Việc Philippines chấm dứt điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng gạo sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam, trong thời gian trước mắt, có thể tiếp tục xuất khẩu gạo sang Philippines theo cơ chế hiện hành của Philippines, Bộ Công Thương nhận định. Tuy nhiên, Philippines vẫn có khả năng sử dụng một số biện pháp khác theo qui định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và của ASEAN để tác động vào lượng gạo nhập khẩu, do đó, trong thời gian tới đây, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ NN&PTNT và Hiệp hội Lương thực Việt Nam theo dõi sát tình hình để kịp thời ứng phó khi có tình huống mới phát sinh.
Còn về phía các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương khuyến nghị xem xét thận trọng hợp đồng xuất khẩu gạo vào Philippines và nếu có thể thì nên áp dụng các biện pháp kĩ thuật để phòng ngừa rủi ro trên thị trường này.
Ngao hoa, ngao trắng và nghêu lụa chính thức được cấp phép xuất khẩu sang Trung Quốc
Thông tin từ
vietnambiz.vn, cùng với 45 loài thủy sản hiện đã có trong Danh mục các sản phẩm thủy sản của Việt Nam được phép xuất khẩu vào Trung Quốc, nước này vừa cập nhật thêm ba loại thủy sản khác của Việt Nam.
Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương) cho biết Tổng cục Hải quan Trung Quốc mới đây có công hàm thông báo đồng ý bổ sung ba loại thủy sản của Việt Nam được phép xuất khẩu vào nước này.
Theo đó, phía Trung Quốc cho biết, trên cơ sở đề nghị của phía Việt Nam, Trung Quốc đã đồng ý mở cửa thị trường cho ba sản phẩm thủy sản gồm ngao hoa, ngao trắng và nghêu lụa vào Danh mục các sản phẩm thủy sản của Việt Nam được phép xuất khẩu vào Trung Quốc.
Phía Trung Quốc cho rằng, các sản phẩm này của Việt Nam đã được phía Trung Quốc tiến hành đánh giá hệ thống kiểm soát thủy sản, danh mục hiện cũng đã có các sản phẩm ngao, ốc khác và nguồn gốc của ba sản phẩm thủy sản này được khai thác tự nhiên, được phía Việt Nam quản lí và chứng nhận với qui trình tương đồng.
Trung Quốc muốn lập thương hiệu chè chung với Việt Nam
Theo
haiquanonline.com.vn, Trung Quốc hiện mới chỉ là thị trường nhập khẩu xếp thứ 12 về cà phê và đứng thứ 4 về chè của Việt Nam. Tiềm năng và nhu cầu nhập khẩu các loại nông sản của Trung Quốc còn rất lớn. Thậm chí, phía Trung Quốc còn muốn thành lập thương hiệu chè của cả 2 nước để thúc đẩy hợp tác của 2 nước lên tầm cao mới.
Phát biểu tại Diễn đàn “Doanh nghiệp Việt Nam-Trung Quốc hợp tác sản xuất và tiêu thụ chè, cà phê” diễn ra sáng nay 14/10, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá: Trung Quốc là cường quốc lớn về nông nghiệp với sức sản xuất lớn. Đây cũng là thị trường khổng lồ với 1,4 tỷ dân.
Hiện nay, Việt Nam có sức sản xuất nông nghiệp khá lớn. Năm 2018, Việt Nam xuất khẩu nông sản đi 185 nước với hơn 40 tỷ USD.
Riêng mối quan hệ giữa Việt Nam-Trung Quốc, tiềm năng hợp tác vô cùng lớn. Năm 2018, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 8,5 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng nhập khẩu nông sản và trang thiết bị máy móc từ Trung Quốc khoảng 2,6-2,7 tỷ USD.
Với riêng mặt hàng chè và cà phê, vị “tư lệnh” ngành nông nghiệp nhìn nhận, tiềm năng còn quá lớn nếu hợp tác chặt chẽ. Hiện nay, tổng sản lượng cà phê toàn thế giới là 9 triệu tấn. Việt Nam đứng thứ 2 thế giới, sản xuất gần 2 triệu tấn, đem về giá trị 3,2 tỷ USD.
Xung quanh câu chuyện hợp tác thúc đẩy phát triển ngành chè và cà phê, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp nông thôn Trung Quốc Hàn Trường Phú cho hay: Hiện nay, Trung Quốc đang thực hiện chiến lược phát triển ngành chè Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu của nhân dân trên toàn thế giới.
Việt Nam có điều kiện tự nhiên rất ưu đãi cho trồng chè. Trung Quốc và Việt Nam đều có truyền thống và sản lượng chè lớn, có địa vị quan trọng trong thị trường chè thế giới. Chè và cà phê Việt Nam cũng đóng địa vị quan trọng tại thị trường Trung Quốc.
Xuất khẩu rau quả lao dốc
Theo
haiquanonline.com.vn, XK rau quả của Việt Nam từng băng băng thẳng tiến trong 2 năm liên tiếp là 2017 và 2018, thậm chí "vượt mặt" dầu thô. Tuy nhiên, trong năm 2019, mặt hàng tỷ USD này liên tục ghi nhận sụt giảm giá trị XK. Mục tiêu XK trên 4 tỷ USD năm 2019 còn khá xa xôi.
2 năm gần đây, trong khi nhiều mặt hàng nông sản XK chủ lực như tiêu, điều, cao su, cà phê... thường xuyên rơi vào tình trạng khó khăn, kim ngạch trồi sụt thất thường, giá cả kém cạnh tranh thì riêng mặt hàng rau quả lại "tỏa sáng". Năm 2017 XK rau quả đem về 3,45 tỷ USD, tăng tới 40,5% so với năm 2016. Trung Quốc là thị trường NK hàng đầu hàng rau quả Việt Nam với thị phần hơn 75%. XK rau quả sang Trung Quốc năm 2017 đã tăng tới hơn 50% so với năm 2016.
Bước sang năm 2018, dù không duy trì được mức tăng trưởng "khủng" như năm 2017, song con số 3,8 tỷ USD, "vượt mặt" dầu thô, tăng trưởng 8,9% so với năm 2017 cũng đủ làm toàn ngành phấn khởi. Lúc này, Trung Quốc vẫn vững vàng là thị trường XK rau quả lớn nhất của Việt Nam, chiếm trên 70% tổng kim ngạch.
Khác với sự tăng trưởng XK mạnh mẽ của 2 năm gần đây, bước sang năm 2019, tình hình XK rau quả khá ảm đạm. Báo cáo mới nhất của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho thấy: Tổng giá trị XK rau quả 9 tháng đầu năm ước đạt 2,84 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm 2018. Hiện nay, Trung Quốc tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường NK rau quả của Việt Nam với 73,6% thị phần. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là, XK rau quả sang thị trường tỷ dân này trong 8 tháng đầu năm nay chỉ đạt 1,8 tỷ USD, giảm hơn 10% so với cùng kỳ năm 2018.
"Xuất khẩu hàng rau quả giảm mạnh do giá trị XK một số mặt hàng rau quả chính giảm mạnh như: Nhãn (giảm 43%), sầu riêng (giảm 20,2%), dừa (giảm 30,8%), dưa hấu (giảm 26,3%), chôm chôm (giảm 7,3%), mộc nhĩ (giảm 49,4%), nấm hương (giảm 46,6%), ớt (giảm 44,8%), khoai lang (giảm 39,5%)", Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản lý giải.
Nguồn: VITIC