Báo động đỏ dịch tả heo, yêu cầu toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc
Vietnambiz.vn đưa tin, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá, rà soát công tác chỉ đạo, ứng phó với dịch tả heo châu Phi, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết tốc độ lây lan dịch tả heo châu Phi đang rất nhanh trên phạm vi cả nước, đã lan ra tại 2.296 xã, 204 huyện của 29 tỉnh, thành phố, với tổng số heo bệnh và tiêu hủy là hơn 1,2 triệu con, chiếm khoảng trên 4% tổng đàn heo của cả nước.
Dự báo dịch ASF sẽ tiếp tục lan truyền phức tạp, công tác chỉ đạo phải siết lại để hạn chế thấp nhất thiệt hại gây ra, giảm nguy cơ lây lan, đặc biệt trong khu chăn nuôi lớn. Nguyên nhân là mật độ chăn nuôi heo dày đặc trong các thôn, xóm, nhất là ở các tỉnh thuộc khu vục đồng bằng sông Hồng làm ảnh hưởng lớn đến hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, dịch tả heo châu Phi đã chưa có dấu hiệu dừng lại, cần tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội và toàn hệ thống chính trị trong việc tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh.
Các Bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia thành lập ngay các Đoàn công tác đến các địa phương để kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức phòng, chống dịch bệnh theo đúng quy định của Luật thú y, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đối với Bộ Công Thương, Phó Thủ tướng giao Bộ này chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh xây dựng cơ chế hỗ trợ và tổ chức thực hiện việc thu mua, giết mổ heo và cấp trữ đông để giảm áp lực tiêu hủy, giảm nguy cơ phát sinh dịch bệnh và cân đối nguồn thịt heo cho các tháng cuối năm.
Nghịch lý: Ưu đãi thuế nhưng ô tô lắp ráp trong nước vẫn đắt hơn xe nhập
Theo thông tin từ
dantri.com.vn, biểu hiện bất cập từ ưu đãi thuế là các doanh nghiệp lắp ráp xe ô tô trong nước, mặc dù được ưu đãi về thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu nhưng giá thành sản xuất xe lại cao hơn xe nhập khẩu.
Hàng năm tổng số tiền mà ngân sách Nhà nước đã ưu đãi cho các doanh nghiệp tương đương khoảng 5,5- 6% tổng thu NSNN, trong đó ưu đãi về thuế chiếm tỷ trọng trên 80%. Tuy nhiên, thực tế cho thấy chính sách ưu đãi đầu tư bằng thuế suất tại Việt Nam thời gian qua có vấn đề cần phải xem xét và điều chỉnh kịp thời trong thời gian tới.
Việc giảm thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế nhập khẩu để bảo hộ các doanh nghiệp lắp ráp ô tô trong nước nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa của ô tô lắp ráp trong nước lên 30-40%. Nhưng thực tế tỷ lệ nội địa hóa gần như không tăng trong các doanh nghiệp ô tô có vốn đầu tư nước ngoài (chỉ khoảng 10-15%).
Về mục tiêu thu hút vốn đầu tư nước ngoài bằng ưu đãi thuế suất thuế TNDN, trong nhiều trường hợp, thực tế không đem lại lợi ích gì cho nhà đầu tư mà chỉ làm tăng thu NSNN cho Chính phủ của nước đầu tư.
Đáng lưu ý, chính sách ưu đãi thuế suất góp phần tạo cơ hội cho các doanh nghiệp chuyển giá để trốn thuế. Một biểu hiện nữa là các doanh nghiệp lắp ráp xe ô tô trong nước, mặc dù được ưu đãi về thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu các bộ linh kiện lắp ráp, nhưng giá thành sản xuất xe lại cao hơn xe nhập khẩu, cho thấy có dấu hiệu của việc chuyển giá để trốn thuế. Nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài báo cáo lỗ liên tục nhiều năm, nhưng lại không ngừng mở rộng quy mô hoạt động, cho thấy có nhiều rủi ro trong vấn đề chuyển giá, lợi dụng kẽ hở về ưu đãi để giảm số thuế phải nộp.
Dự báo nhu cầu thức ăn chăn nuôi giảm vì dịch ASF
Theo
vietnambiz.vn, USDA cho hay dịch tả heo châu Phi sẽ khiến nhu cầu thức ăn chăn nuôi gia súc tại Việt Nam giảm trong 2019 và 2020, còn 23,7 triệu tấn trong năm 2019 và 23,5 triệu tấn vào 2020 từ khoảng 23,8 triệu tấn năm 2018.
Tuy nhiên, vì tăng trưởng nhu cầu thức ăn chăn nuôi thủy sản (dự báo tăng 6,8 triệu tấn), cơ quan nông nghiệp Mỹ ước tính tổng nhu cầu thức ăn chăn nuôi sẽ tăng 500.000 tấn lên 30,5 triệu tấn trong 2019. Con số ngày cho thấy không có sự tăng trưởng so với năm 2018, và sẽ duy trì ổn định cho tới 2020, nếu sự lây lan của dịch ASF không được kiểm soát.
Bã rượu khô (DDGS) ngày càng được tiếp nhận rộng rãi như nguồn năng lượng chất lượng. Nhu cầu cho sản phẩm phụ như thế này được dự báo tiếp tục gia tăng.
Tại Trung Quốc, nhu cầu thức ăn chăn nuôi gia súc cũng ước tính giảm trong thời gian tới khi dịch ASF khiến người chăn nuôi không dám tái đàn. Theo Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, hơn 80% trang trại nuôi heo đã quyết định không bổ sung đàn heo.
Xuất siêu nông, lâm thủy sản đạt 2,5 tỉ USD
Theo
vietnambiz.vn, trong 4 tháng đầu năm 2019, Việt Nam xuất siêu nông, lâm, thuỷ sản hơn 2,5 tỉ USD, giảm 12% so với cùng kì năm ngoái. Xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản tháng 4 ước đạt 3,5 tỉ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 4 tháng lên 12,6 tỉ USD, tăng 0,7% so với cùng kì.
Trong đó, xuất khẩu hàng nông sản chính ước đạt gần 6 tỉ USD, giảm gần 10%; thuỷ sản gần 2,5 tỉ USD, tăng 2,4%; chăn nuôi 185 triệu USD, tăng 1,5%. Xuất khẩu lâm sản chính đạt khoảng 3,3 tỉ USD, tăng 17,8%.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu nông, lâm, thủy sản tháng 4 ước đạt 2,68 tỉ USD, đưa tổng giá trị 4 tháng đầu năm đạt 9,9 tỉ USD tăng 4,9% so với cùng kì. Như vậy, trong 4 tháng đầu năm 2019, Việt Nam xuất siêu hơn 2,5 tỉ USD, giảm 12%.
Trong tháng 5, Bộ NN&PT dự kiến sẽ phối hợp với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp theo dõi diễn biến cung - cầu thị trường lương thực, thực phẩm, tình hình xuất nhập khẩu, tăng cường kiểm soát chặt chẽ tình hình nhập lậu vào thị trường nội địa.
Nông sản Mỹ xuất khẩu sang Việt Nam tăng kỷ lục
Theo
plo.vn, bốn tháng đầu năm, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 17,8 tỷ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 4/2019 ước đạt 19,9 tỷ USD, giảm 12,6% so với tháng trước. Tính chung bốn tháng đầu năm 2019, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 78,76 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2018. Trong bốn tháng có16 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 81,2% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Về thị trường hàng hóa xuất khẩu, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 17,8 tỷ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước. Theo Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM, riêng đối với nông sản, trong 10 năm qua, giá trị xuất khẩu nông sản Hoa Kỳ sang Việt Nam từ 1 tỷ USD năm 2008, đến năm 2018 lên tăng mức kỷ lục 4,5 tỷ USD.
Nguồn: VIIC tổng hợp
Nguồn:Vinanet