Cánh gà Mỹ nhập khẩu về Việt Nam giá 16.500 đ/kg
Thông tin từ
news.zing.vn, 6 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu 62.418 tấn thịt gà đông lạnh từ Mỹ với 4 loại gồm cánh gà, đùi gà, thịt gà xay và chân gà. Cụ thể, các doanh nghiệp nhập khẩu đã nhập khẩu 280 tấn cánh gà, 59.529 tấn đùi gà, 466 tấn thịt gà xay và 2.143 tấn chân gà.
Tính trung bình, mỗi kg cánh gà, đùi gà đông lạnh về Việt Nam có giá nhập trung bình lần lượt là 16.428 đồng và 17.470 đồng. Trong khi đó, giá nhập khẩu bình quân của thịt gà xay là 26.180 đồng/kg, của chân gà là 28.651 đồng/kg.
Trước đó, nhiều thông tin cho rằng thịt gà nhập từ Mỹ về Việt Nam có giá siêu rẻ chỉ dưới 18.000 đồng/kg. Tổng cục Hải quan khẳng định 4 loại cánh gà, đùi gà, thịt gà xay và chân gà đông lạnh có mức giá nhập khẩu bình quân là 22.420 đồng.
Khi được hỏi liệu có việc doanh nghiệp nhập khẩu đã kê khai giá nhập thịt gà thấp, Tổng cục Hải quan cho biết không có cơ sở để kết luận điều này.
"Thực tế, mức giá nhập khẩu gà rẻ vì Việt Nam chủ yếu nhập mặt hàng được coi là thứ phẩm, không được ưa chuộng tại thị trường Mỹ", thông báo của Tổng cục Hải quan nêu.
Thói quen của người dân và thị trường Mỹ là tiêu thụ thịt trắng phần ức gà, đầu cánh gà. Trong khi đó, loại đùi gà, chân gà, cánh gà, xương gà các loại thường để chế biến bột thịt xương cho chăn nuôi hoặc xuất khẩu sang các thị trường châu Á, châu Phi, Nga.
Hàng trăm tấn tôm hùm ứ đọng
Theo
nongnghiep.vn, hiện chưa có con số chính xác lượng tôm hùm thương phẩm bị tồn đọng, quá lứa thu hoạch do Trung Quốc siết chặt đường tiểu ngạch. Tuy nhiên theo ghi nhận tại vùng nuôi trọng điểm ở Khánh Hòa ít nhất có hàng trăm tấn tôm thịt chưa xuất bán được.
Chủ tịch UBND xã Cam Bình, TP Cam Ranh - vùng nuôi tôm hùm trọng điểm ở Khánh Hòa cho biết, từ tháng 5 đến nay giá tôm hùm thương phẩm các loại trên địa bàn bắt đầu lao dốc.Giá tôm giảm sâu chỉ bằng một nửa so với thời điểm này năm ngoái. Cụ thể, tôm hùm xanh dao động trên dưới 550 ngàn đ/kg, còn tôm hùm bông từ 1,1 - 1,4 triệu đ/kg (tùy loại). Không chỉ rớt giá mà việc tiêu thụ tôm thịt cũng chậm, bởi các thương lái mua có giới hạn.
Tương tự, tại vùng nuôi tôm hùm ở huyện Vạn Ninh, người nuôi cũng đang điêu đứng vì giá tôm hùm rớt thê thảm. Giá tôm hùm bông chỉ ở mức từ 1 – 1,2 triệu đ/kg và tôm hùm xanh từ 500 - 600 nghìn đ/kg.
Ông Võ Khắc Én, Chi cục phó Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cho biết, việc tôm hùm giảm giá sâu là do thị trường Trung Quốc siết chặt đường tiểu ngạch. Vì lâu nay tôm hùm của chúng ta chỉ xuất sang thị trường này. Trước thực trạng này, ngành thủy sản đã thông báo cho chính quyền các địa phương và người nuôi hiểu rõ vấn đề.
Hết ùn ứ thanh long ở cửa khẩu Trung Quốc
Theo
news.zing.vn, chi cục Hải quan Lào Cai cho biết tình trạng ùn ứ đã giảm từ ngày 18/8/2019. Hôm nay, các xe chở thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc đều đã được thông quan.
Trước đó, hàng trăm container thanh long xuất khẩu đã bị ùn tại khu vực cửa khẩu đường bộ Kim Thành, thuộc Cửa khẩu quốc tế Lào Cai.
Ban Kinh tế cửa khẩu tỉnh đã khẩn trương làm việc với các cơ quan chức năng phía Hà Khẩu (Trung Quốc) để tháo gỡ vướng mắc, giúp hàng hóa nông sản Việt Nam bảo đảm các tiêu chuẩn theo quy định được thông quan thuận lợi, an toàn. Phía Trung Quốc cũng đã tạo thuận lợi hơn đối với mặt hàng này, các khâu kiểm duyệt và thông quan nhanh chóng. Các lô hàng xuất khẩu nông sản, trong đó có thanh long đều được giải quyết thủ tục hải quan điện tử và được tạo điều kiện thông quan nhanh nhất.
Theo Hải quan Lào Cai, do thời điểm chính vụ, lượng thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc khá lớn. Trung bình mỗi ngày có khoảng 300 xe chở hàng lên cửa khẩu để xuất sang Trung Quốc. Trong khi đó, nước này lại kiểm soát chặt nguồn gốc xuất xứ hàng nông sản nhập khẩu.
Tình trạng ùn ứ mấy ngày qua xuất phát từ việc các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long đều in sẵn trên bao bì chữ Trung Quốc từ cơ sở sản xuất. Việc này làm khó truy xuất nguồn gốc và việc kiểm tra xuất xứ hàng nông sản, kéo dài thời gian làm thủ tục. Mỗi ngày phía Trung Quốc chỉ làm thủ tục cho khoảng 200 xe thông quan.
Hiện nay, Việt Nam đã có 9 loại quả tươi được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc gồm thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt.
Nhiều khả năng Trung Quốc sẽ dần nâng yêu cầu, kèm theo các tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể, thậm chí sang kiểm tra thực tế. Nếu làm không đúng, Trung Quốc sẽ cho dừng lại các mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói không đạt, các doanh nghiệp lưu ý các yêu cầu này, để đảm bảo việc xuất khẩu suôn sẻ.
Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc: Thay đổi chính sách đáng lo
Theo
thesaigontimes.vn, Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ đã có ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Tuy nhiên, những thay đổi về chính sách nhập khẩu được quốc gia này đưa ra mới thật sự là điều đáng lo hơn.
Thời gian gần đây, Trung Quốc phá giá mạnh đồng nhân dân tệ nhằm hỗ trợ cho xuất khẩu. Đây được xem là động thái được chính quyền Trung Quốc đưa ra để ứng phó với các đòn áp thuế của chính quyền Mỹ.
Song, việc phá giá đồng nhân dân tệ đã ảnh hưởng xấu đến các nước xung quanh, trong đó, có Việt Nam - quốc gia vốn có mặt hàng nông sản được xuất khẩu nhiều sang Trung Quốc.
ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ với mục đích hỗ trợ trong nước, nhưng đối với nhập khẩu thì bị ảnh hưởng, mà cụ thể phải dùng 7 nhân dân tệ mới mua được 1 đô la Mỹ so với mức 6 nhân dân tệ trước đây.
Theo ông Bình, ví dụ trước đây Trung Quốc mua gạo của Việt Nam với giá 400 đô la Mỹ/tấn, tức họ phải bỏ ra 2.400 nhân dân tệ, thì bây giờ họ phải bỏ ra 2.800 nhân dân tệ để mua 1 tấn gạo của Việt Nam. Chính vì vậy, thương nhân Trung Quốc quay sang ép giá thương nhân Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho biết, xét về góc độ kinh tế, việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ có rất ảnh hưởng rất lớn đến hàng nông sản của Việt Nam vì đây là thị trường tiêu thụ chủ yếu của nhiều loại nông, thủy sản.
Từ những thay đổi chính sách của thị trường Trung Quốc, theo bà Thu, bên cạnh việc Chính phủ phải đàm phán mở cửa thêm cho nhiều loại mặt hàng trái cây của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch, thì nông dân, doanh nghiệp Việt Nam, tức cả chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ phải cải thiện lại từ đầu, sản xuất đáp ứng yêu cầu mới của thị trường Trung Quốc.
Theo bà Thu, đơn vị này đang phối hợp với Cục bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn nông dân thực hành sản xuất, đóng gói theo quy trình được phía Trung Quốc đưa ra đối với sản phẩm măng cụt.
Giá tiêu tiếp tục giảm
Theo
vietnambiz.vn, giá tiêu liên tục giảm xống chỉ còn 42.000 - 45.000 đồng/kg. Trong khi đó, tiêu Việt Nam chủ yếu vẫn xuất thô, luôn cạnh tranh bằng giá ở phân khúc thấp.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, trong những ngày đầu tháng 8, giá hạt tiêu đen trong nước giảm. So với ngày 31/7, giá hạt tiêu đen giảm từ 1,1 - 2,3%.
Giá hạt tiêu trắng ổn định so với cuối tháng 7, ở mức 69.000 đồng/kg, nhưng thấp hơn mức 83.000 đồng/kg của cùng kỳ năm 2018. Trong tháng 7, giá tiêu xuất khẩu bình quân của Việt Nam đạt mức 2.547 USD/tấn, tăng gần 4% so với tháng 6, nhưng giảm 18% so với tháng 7/2018. Diễn biến 7 tháng đầu năm, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu đạt 2.556 USD/tấn, giảm 24,5% so với cùng kì năm trước.
Cục Xuất nhập khẩu cho biết Việt Nam chủ yếu xuất khẩu hạt tiêu dưới dạng thô mà chưa đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ hạt tiêu như chế phẩm trong sinh học, y tế, chế biến thực phẩm chức năng hoặc những sản phẩm có liên quan.
Để phát triển bền vững trong bối cảnh giá hạt tiêu ở mức thấp như hiện nay, Cục Xuất nhập khẩu cho rằng ngành công nghiệp chế biến hạt tiêu của Việt Nam cần phải hướng tới tạo ra những sản phẩm mang tính chế biến sâu, tạo giá trị gia tăng cao hơn cho ngành.
Cục Xuất khẩu dự báo thời gian tới, giá hạt tiêu toàn cầu sẽ tiếp tục ở mức thấp do sản lượng hạt tiêu của Brazil tăng, trong khi sản lượng hạt tiêu của Indonesia giữ nguyên so với năm 2018.
Nguồn: VITIC tổng hợp
Nguồn:Vinanet