Ống thép hàn carbon của VN có thể chịu thuế khi vào Canada
Trang nd.vn đưa tin, Cơ quan Biên phòng Canada vừa thông báo kết luận cuối cùng về vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm ống thép hàn carbon có xuất xứ hoặc được nhập khẩu từ Việt Nam. Theo kết luận này, biên độ phá giá dành cho các nhà sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam tham gia trả lời bản câu hỏi điều tra là 3 - 26,1%, của các nhà sản xuất, xuất khẩu khác là 54,2%.
Sản phẩm bị điều tra mang mã HS: 7306.30.00.10; 7306.30.00.20; 7306.30.00.30 và được nhập khẩu vào Canada từ ngày 1/7/2017 đến ngày 30/6/2018.
Cơ quan Biên phòng Canada cũng cho biết cơ quan có thẩm quyền sẽ tiếp tục điều tra về vấn đề thiệt hại của ngành sản xuất trong nước. Trong trường hợp kết luận tồn tại thiệt hại, Canada sẽ ban hành lệnh áp thuế vào 15/2/2019.
Buôn lậu gần 900 smartphone qua cửa Hải quan Nội Bài
Báo Giao thông thông tin “Bắt quả tang khách nhập lậu gần 900 smartphone qua Nội Bài”. Cụ thể, hồi 22h30 ngày 19/1, Cục Cảnh Sát kinh tế C03 đã bắt quả tang đối tượng Đặng Đức Thịnh (sinh năm 1989, thường trú Quảng Ninh) đi chuyến bay VN415 từ sân bay Incheon (Hàn Quốc) về Nội Bài, nhập lậu 856 điện thoại Samsung và Iphone.
Điểm đáng lưu ý, vụ việc được phát hiện tại khu vực công cộng của ga đến, nhà ga hành khách quốc tế T2, Nội Bài; đồng nghĩa với việc Đặng Đức Thịnh đã mang trót lọt số điện thoại trên qua khu vực hạn chế của sân bay.
Năm 2019 xuất khẩu rau quả, gạo, thịt sang Trung Quốc sẽ khó khăn
Trang Web ndh.vn, dự báo xuất khẩu các nông sản, như rau quả, gạo và thịt lợn, sang Trung Quốc trong năm 2019 sẽ gặp rất nhiều thách thức. Nguyên nhân là Trung Quốc ban hành các chính sách tăng thuế đối với mặt hàng gạo, đưa ra yêu cầu mới về truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, đồng thời thắt chặt nhập khẩu tiểu ngạch và đẩy mạnh chính ngạch. Ngoài ra, những thay đổi về tổ chức quản lý bên phía Trung Quốc cũng sẽ gây bất lợi cho nông sản xuất khẩu của Việt Nam.
Xuất khẩu chè năm 2019 cũng được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn do tình trạng dư cung trên thị trường thế giới. Đối với hồ tiêu, giá có thể sẽ phục hồi nhẹ trong năm 2019, do dự báo không khả quan về sản lượng sản xuất của các nước xuất chính. Sản lượng hồ tiêu của Việt Nam được dự báo giảm nhẹ, do một số khu vực giảm diện tích trồng. Ngược lại, giá cà phê, hồ tiêu và cao su đều giảm bởi sức ép dư cung trên thị trường toàn cầu.
Giá cao su năm 2019 khó tăng mạnh
Trang ndh,vn đưa tin, theo Bộ Công Thương, giá cao su tự nhiên khó tăng mạnh trong năm 2019 do kinh tế thế giới và nhu cầu tiêu thụ được dự báo tăng trưởng chậm lại. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới năm nay sẽ khoảng 3,5%, mức thấp nhất 3 năm, kèm theo cảnh báo căng thẳng thương mại có thể tạo thêm khó khăn. Kinh tế tăng trưởng chậm sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ cao su tự nhiên. Theo Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), tiêu thụ cao su tự nhiên trên toàn cầu dự báo tăng 4,2% trong năm 2019, đạt 14,59 triệu tấn và thấp hơn mức tăng 5,2% của năm 2018.
Mặc dù dự báo cung - cầu cao su năm 2019 gần cân bằng, nhưng thị trường vẫn chưa thoát hẳn khỏi áp lực dư cung, theo nhận định của Bộ Công Thương. Bởi, nếu giá cao su phục hồi đến mức hấp dẫn, sản lượng cao su của nhiều nước sẽ tăng so với dự kiến, với sản lượng cao su Thái Lan năm 2019 có thể cao hơn 14% so với dự báo; Malaysia có thể tăng 53%, và Ấn Độ có thể tăng 65%.
Nguồn năng lượng tái tạo khiến giá điện giảm tới 10%
Theo
Vietnamnet.vn, ngày 23/1/2019 Hãng tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey&Company công bố sách trắng có tiêu đề “Tìm kiếm một con đường khác cho tương lai năng lượng Việt Nam”. Nghiên cứu cho rằng con đường dựa trên năng lượng tái tạo sẽ có thể giúp ngành điện Việt Nam đạt kết quả tốt hơn so với xu thế hiện nay, xét trên 3 khía cạnh chính là giá thành, độ sạch và an ninh năng lượng. Nguồn năng lượng này khiến giá điện giảm tới 10%
Theo đó, tổng giá thành điện từ 2017-2030 sẽ giảm 10% chủ yếu nhờ tiết kiệm được chi phí nhiên liệu. Còn phát thải khí nhà kính và chất hạt năm 2017 và 2030 sẽ giảm lần lượt là 32% và 33%, nhờ đó sẽ có lợi cho sức khỏe và nâng cao năng suất.
Giá hạt tiêu có thể phục hồi do cây chết hàng loạt
Trang Vietnambiz.vn đưa tin, theo Cục Xuất nhập khẩu, người trồng hạt tiêu ở các tỉnh Gia Lai, Đắk Nông đang phải đối mặt với tình hình dịch bệnh nghiêm trọng. Nhiều diện tích hạt tiêu mất trắng gây thiệt hại nặng nề cho người dân.
Cây tiêu chết hàng loạt nhưng giá vẫn không ngừng giảm, khiến nông dân càng lâm vào tình cảnh khó khăn hơn. Tính đến giữa tháng 1, giá tiêu giảm 2% so với đầu tháng xuống 48.000 - 49.000 đồng/kg. Giá hạt tiêu trắng trong 1 cũng chỉ còn 83.000 đồng/kg, giảm tới 30% so với cùng kì năm 2018.
Cục Xuất nhập khẩu cho hay giá hạt tiêu toàn cầu giảm do chịu sức ép dư cung, nhu cầu yếu, kéo theo giá tiêu trong nước cũng bị ảnh hưởng. Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản dự báo giá tiêu có thể phục hồi nhẹ trong năm 2019 do sản lượng của các nước xuất khẩu chính không khả quan.
Gà ta rớt giá, gà công nghiệp đắt hàng
Baodongnai đưa tin, gà ta, gà trống thiến luôn là mặt hàng đắt hàng, sốt giá vào dịp Tết Nguyên đán. Nhưng mấy ngày gần đây, giá những mặt hàng trên đột ngột giảm sâu ngay vào mùa cao điểm tiêu thụ tết khiến người chăn nuôi lo lắng. Ngược lại, vài tháng trở lại đây, gà công nghiệp lại lập kỷ lục về giá bán. Có thời điểm giá gà công nghiệp tăng lên đến 43 ngàn đồng/kg. Gà ta rớt giá trong khi giá gà công nghiệp đứng ở mức cao đều cùng nguyên nhân do cán cân cung - cầu quyết định.
Gà trắng của Đồng Nai đang xuất mạnh vào thị trường Campuchia cũng góp phần tăng giá gà lên cao. Người chăn nuôi không nên nhìn vào mức giá cao mà đổ xô tăng đàn gà trắng. Vì xuất khẩu được vào thị trường Nhật Bản đòi hỏi tiêu chuẩn rất khắt khe nên không phải trang trại nào cũng đủ điều kiện tham gia. Trong khi đó, xuất khẩu sang Campuchia vẫn theo đường tiểu ngạch nên thiếu bền vững.
Cuộc đua xuất khẩu khiến giá gạo toàn cầu có xu hướng giảm
Trang ndh.vn đưa tin, Châu Á đang chứng kiến cuộc đua xuất khẩu gạo đầy kịch tính giữa 3 nước xuất khẩu gạo lớn nhất là Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam. Trong khi Ấn Độ và Việt Nam đẩy mạnh nỗ lực để kích thích doanh số xuất khẩu nhằm hỗ trợ nông dân thì Thái Lan dường như bị đuối hơn so với 2 đối thủ còn lại.
Tuy nhiên, cuộc đua này lại khiến giá gạo toàn cầu có xu hướng giảm. Sau hơn 3 thập kỷ liên tiếp là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, Thái Lan bây giờ phải đối mặt với nguy cơ rớt mất vị trí dẫn dầu.
Việt Nam cũng đang đi theo con đường tương tự. Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết ngành lúa gạo nên chuyển hướng sang các giống gạo chất lượng và có giá trị gia tăng hơn. Để làm được điều đó, ngành lúa gạo cần phải khuyến khích sản xuất an toàn và sử dụng công nghệ cao, Phó thủ tướng nhấn mạnh trong một bài phát biểu cuối năm 2018. Tuy nhiên, Việt Nam đến nay vẫn chưa có kế hoạch chuyển hướng cụ thể cho ngành lúa gạo.
Việt Nam cần một chiến lược đa dạng hơn với các giống gạo. Các doanh nghiệp cần đa dạng hóa các giống lúa chủ lực như gạo thơm nhắm vào thị trường châu Á, gạo hạt dài phẩm cấp cao nhắm vào các siêu thị châu Âu...,
Đầu năm 2019 nhu cầu sắn của Trung Quốc vẫn ảm đạm
Theo thông tin từ
Vietnambiz.vn, Hiệp hội Sắn Việt Nam cho biết, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã công bố Danh sách 66 đơn vị nhà máy sắn của Việt Nam được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới tiếp giáp với tỉnh Quảng Tây.
Theo nhận định từ thương nhân, nguồn cung về mặt hàng tinh bột sắn của Việt Nam khá dồi dào, tuy nhiên mặc dù đã đến thời điểm gần Tết âm lịch nhưng nhu cầu mua hàng từ thị trường Trung Quốc chậm hơn so với các năm gần đây.
Hiệp hội cho biết mặc dù đã vào chính vụ sắn lát nhưng nguồn hàng nhập các kho không nhiều. Giá mua vào cũng khá ổn định, tuy nhiên các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này cũng dè dặt đưa hàng vào kho.
Cục nhận định năm 2018, xuất khẩu sắn gặp nhiều khó khăn do bị ảnh hưởng bởi Trung Quốc xả kho dự trữ ngô sử dụng cho thức ăn chăn nuôi và ngành công nghiệp. Điều này khiến giá ngô tại Trung Quốc trở nên cạnh tranh hơn với các sản phẩm thay thế là sắn lát nhập khẩu.
Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc giảm do nước này tăng nhập khẩu sắn chính ngạch từ Thái Lan. Tỉ giá giữa NDT/VND giảm do đồng NDT tiếp tục mất giá so với đồng USD, gây bất lợi cho các giao dịch xuất khẩu qua kênh biên mậu.
Trung Quốc áp dụng nghiêm ngặt các quy định về nhãn mác bao bì, thông tin sản phẩm tinh bột sắn Việt Nam nhập khẩu qua các cửa khẩu tiếp giáp với tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
Khan hiếm hạt điều cỡ lớn
Theo ndh.vn, giữa bối cảnh thị trường hạt điều thế giới đang cung vượt cầu thì điều cỡ lớn vừa phải (W240, loại có cỡ từ 220 -240 hạt/pound, tức 454 g) lại rơi vào tình trạng khan hiếm cục bộ trong thời gian gần đây.
Theo Hiệp hội Hạt điều thế giới, tại Ấn Độ, nước sản xuất và tiêu thụ nhiều hạt điều trên thế giới, nhu cầu hạt điều loại W240 đang cao hơn nguồn cung. Một doanh nghiệp (DN) xuất khẩu điều cho biết nhà nhập khẩu liên tục tăng giá điều nhân từ 8,48 USD/kg lên 9,24 USD/kg nhưng không có hàng để bán vì thiếu nguyên liệu. Lý do là cỡ hạt điều này đã được các cơ sở trong nước thu gom mạnh để chế biến điều rang muối, mặt hàng tiêu thụ mạnh dịp Tết.
Chặn hơn 1 tấn thịt heo bệnh tuồn vào TP HCM
Trang ndh.vn đưa tin, ngày 23-1, Đội Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) chợ đầu mối Bình Điền (Đội 10) thuộc Ban Quản lý ATTP TP HCM phát hiện một xe tải chở con heo trọng lượng 87 kg có biểu hiện chết trước khi giết mổ, thịt đang trong quá trình phân hủy và có mùi thối độn vào lô hàng.
Cùng này, Đội 10 phát hiện thêm một lô heo 12 con (1.126 kg) không có dấu kiểm soát giết mổ, các móng chân bong tróc (biểu hiện của bệnh lở mồm long móng). Ngay sau đó, đội đã tiến hành lập biên bản buộc chủ hàng tiêu hủy toàn bộ số heo không bảo đảm an toàn và đề xuất xử phạt vi phạm hành chính các chủ hàng.
Toàn bộ số thịt heo và phương tiện, giấy tờ xe vi phạm đã được bàn giao cho Phòng Cảnh sát Môi trường Công an TP Đà Nẵng để xử lý theo quy định.
Ba Lan muốn xuất khẩu thịt lợn sang Việt Nam
Theo thông tin từ
Vietnambiz.vn, trong chuyến thăm Việt Nam đại diện Cục Thú y Ba Lan bày tỏ mong muốn xuất khẩu thịt heo, thịt gà, gia cầm và thịt bò sang Việt Nam. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay mọi hoạt động xuất khẩu nông sản giữa hai nước, cụ thể là thịt bò, thịt heo, gia cầm sẽ thực hiện theo đúng quy định của Tổ chức Thú y thế giới.
Đối với mong muốn của phía Ba Lan về việc xuất khẩu thịt bò sang Việt Nam, Thứ trưởng cho biết sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan, cụ thể là Cục Thú y phối hợp chặt chẽ với phía Ba Lan trong việc hoàn thiện các thủ tục liên quan cũng như sẽ cử đoàn công tác sang tham quan thực tế nước bạn để có thể tiến tới việc phê chuẩn nhập khẩu thịt bò từ Ba Lan.
Phía Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện những nội dung của những thỏa thuận đã ký kết giữa hai Bộ Nông nghiệp để kim ngạch thương mại nông sản hai chiều tăng lên đúng với tiềm năng của hai bên.
Giá mía Sóc Trăng giảm mạnh
Theo ndh.vn, với giá mía xuống thấp như hiện nay, hơn 5.000 ha mía đang vào vụ thu hoạch ở huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng đang phải đối mặt với nguy cơ lỗ nặng.
Với việc giá mía nguyên liệu xuống thấp trong nhiều năm nay, các hộ trồng mía có vị trí gần mặt đường lớn hay giáp kênh rạch đã chuyển sang trồng loại giống mía bán ép lấy nước giải khát. Việc này phần nào giúp tăng thu nhập cho người nông dân so với việc bán mía nguyên liệu cho nhà máy.
Dù chủ trương chuyển đổi sang nhiều loại cây trồng khác đã được huyện Cù Lao Dung thực hiện để giảm áp lực cho cây mía, tuy nhiên, diện tích trồng mía trong niên vụ này của Cù Lao Dung vẫn còn khá lớn, với trên 5.000 hecta. Với giá mía như hiện nay, thì những người trồng mía ở Cù Lao Dung đang đối mặt với nguy cơ lỗ nặng.
Một số lưu ý về thị trường nông sản
Theo chinhphu.vn, trong những tháng tới đây một số chính sách thuế và các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc nông lâm sản sẽ có tác động mạnh mẽ tới việc sản xuất chế biến nông sản để xuất khẩu.
Xuất khẩu chè năm 2019 lại được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn do tình trạng dư cung trên thị trường thế giới.
Giá tiêu có thể sẽ phục hồi nhẹ trong năm 2019, do dự báo không khả quan về sản lượng sản xuất của các nước xuất chính. Sản lượng hồ tiêu của Việt được dự báo giảm nhẹ, do giảm diện tích sản xuất hồ tiêu tại 1 số khu vực. Để thúc đẩy ngành hồ tiêu phát triển bền vững, cần hướng tới tập trung nâng cao chất lượng hồ tiêu hơn là năng suất; đồng thời tập trung vào việc giảm tối đa mức sử dụng thuốc trừ sâu hóa học tổng hợp và cố gắng phát triển tiêu hữu cơ.
Nguồn: VITIC tổng hợp
Nguồn:Vinanet