Nông sản Việt có thể phải vòng qua Thái Lan để vào Trung Quốc
Theo
nld.com.vn, nhiều khả năng nông sản Việt Nam sẽ phải đi đường vòng qua Thái để xuất khẩu sang Trung Quốc, điều này ảnh hưởng đến lợi nhuận của nông dân, doanh nghiệp
Phía Trung Quốc đang hiện thực hoá lộ trình siết hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng nông sản theo đúng như thông báo của họ từ năm 2018. Trung Quốc muốn Việt Nam phối hợp chặt chẽ với họ để kiểm soát chất lượng, an toàn nông sản nhập khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Nếu Chính phủ Việt Nam không quan tâm đúng mức, đồng hành cùng doanh nghiệp sẽ khó đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch và mở rộng thêm mặt hàng vào Trung Quốc.
Đến nay, Trung Quốc mới cho phép 8 loại nông sản Việt Nam vào thị trường của họ, trong khi đã mở cửa cho 23 loại từ Thái Lan. Vậy nên, nếu nhà nước không vào cuộc, nhiều khả năng nông sản Việt Nam sẽ phải đi đường vòng qua Thái để xuất khẩu sang Trung Quốc, khiến lợi nhuận của nông dân, doanh nghiệp Việt bị hạn chế.
Tuy nhiên, không nhiều doanh nghiệp hiểu được tầm quan trọng của vấn đề. Với tình hình này, nguy cơ phía Trung Quốc cho doanh nghiệp của họ sang Việt Nam thu mua nông sản để mang về nước theo đường chính ngạch, thao túng thị trường Việt Nam… doanh nghiệp Việt càng khốn khổ hơn.
Mối nguy thủy sản bị cấm xuất khẩu vào châu Âu
Theo
vietnambiz.vn, nếu không giải quyết được các vấn đề về hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không theo báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU), Việt Nam sẽ bị xác định là quốc gia không hợp tác và có thể bị áp dụng biện pháp “thẻ đỏ”.
Theo lãnh đạo Tổng cục Thủy sản, hiện trạng chống khai thác IUU của Việt Nam trên thực tế chưa được cải thiện đáng kể. Chẳng hạn như đối với việc kiểm soát tàu cá vi phạm khai thác IUU, tình hình tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép ở các nước trong khu vực biển Đông vẫn còn tiếp diễn, thậm chí còn có diễn biến phức tạp.
Về vấn đề truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác, thống kê cho thấy nhiều hồ sơ xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản được kiểm tra không đáp ứng được yêu cầu về truy xuất nguồn gốc. Hệ thống theo dõi, giám sát và kiểm soát hoạt động tàu cá tại các địa phương diễn ra rất chậm.
Tổng cục Thủy sản cho biết, sau gần hai năm bị áp dụng biện pháp “thẻ vàng”, thì vào cuối tháng 5, đầu tháng 6-2019 tới đây, Đoàn Thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thủy sản của Ủy ban Châu Âu (DG-Mare) sẽ tiếp tục sang Việt Nam để kiểm tra việc thực hiện chống khai thác IUU.
“Nếu kết quả kiểm tra trên thực tế không đáp ứng được các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU thì nguy cơ cao sẽ bị áp dụng biện pháp “thẻ đỏ”, tức là tất cả sản phẩm thủy hải sản từ khai thác của Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu vào EU.
Thuế chống bán phá giá cho tôm Việt Nam vào Mỹ là 0%
Thông tin từ
bnews.vn, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố sơ bộ mức thuế chống bán phá giá cho tôm Việt Nam trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 13 (POR13) đối với 31 doanh nghiệp sẽ được hưởng mức thuế 0%.
Theo DOC, các sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh của 2 bị đơn bắt buộc là Công ty Sao Ta (Fimex VN) và Công ty Hải sản Nha Trang (Nha Trang Seaproduct Company) đã không bị bán phá giá vào Mỹ trong giai đoạn từ ngày 1/2/2017 đến ngày 31/1/2018.
Vì vậy, mức thuế sơ bộ đối với 2 công ty bị đơn bắt buộc là 0%, 29 công ty khác của Việt Nam có nộp đơn xin xác định mức thuế suất khác biệt hoặc cam kết không có lô hàng nào xuất vào Mỹ trong khoảng thời gian nêu trên nên cũng được hưởng mức thuế 0%.
Đây được coi là động thái mới nhất của DOC liên quan đến các vụ kiện về hoạt động xuất - nhập khẩu vào nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Quyết định bất ngờ của DOC được cho là sẽ mở ra rất nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam, nhất là giữa bối cảnh lần lượt Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan và Brazil - 4 đối thủ cạnh tranh đáng gờm nhất của Việt Nam đều đang phải chịu các mức thuế suất khác nhau khi xuất khẩu tôm vào thị trường của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Nếu mức thuế 0% được áp dụng trong phán quyết cuối cùng được đưa ra vào tháng Chín năm nay thì đó sẽ là cú hích thật sự cho hoạt động xuất khẩu tôm vào Mỹ trong quý IV/2019 và những năm tiếp theo.
Cơ hội xuất khẩu trực tiếp hàng Việt qua kênh phân phối AEON Nhật Bản
Thông tin từ
vietnambiz.vn, hàng dệt may, thực phẩm, đồ gia dụng và chăm sóc sức khỏe là những sản phẩm sẽ được Tập đoàn AEON đẩy mạnh thu mua từ Việt Nam để xuất khẩu qua Nhật Bản. Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo kết nối doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng của Tập đoàn AEON Nhật Bản do Bộ Công Thương phối hợp với Tập đoàn AEON Nhật Bản mới tổ chức tại TP HCM.
Xuất khẩu của Việt Nam vào Nhật Bản tăng trưởng tốt trong những năm qua nhưng có tới khoảng 70% các sản phẩm này là của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, kể cả doanh nghiệp Nhật đầu tư tại Việt Nam. Còn với AEON, trong số gần 3.000 nhà cung cấp cho AEON Việt Nam chỉ có khoảng từ 200 - 300 doanh nghiệp có khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và kinh nghiệm xuất khẩu để đưa được hàng hóa vào AEON Nhật Bản.
Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới với nhu cầu nhập khẩu ngày càng cao, đặc biệt là các sản phẩm thuộc nhóm hàng thực phẩm, tiêu dùng như dệt may, dày dép, thủy sản, nông sản, thực phẩm, đồ nhựa, gỗ…
Đây là những sản phẩm mà Việt Nam có nhiều lợi thế về điều kiện phát triển sản xuất. Đặc biệt, AEON là tập đoàn bán lẻ hàng đầu Nhật Bản đang ưu tiên nhập khẩu nhiều hơn các mặt hàng này của doanh nghiệp Việt Nam để phân phối đến hệ thống các cửa hàng, siêu thị của AEON trên toàn cầu.
Với sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, Tập đoàn AEON sẽ lấy việc gia tăng tỉ lệ mua hàng Việt Nam để bán tại hệ thống AEON tại Việt Nam và khu vực làm mục tiêu, đồng thời cam kết đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam thông qua hệ thống của AEON trên toàn cầu đạt 500 triệu USD vào năm 2020 và đạt 1 tỉ USD vào năm 2025.
Mặc dù nhu cầu nhập khẩu của Nhật Bản là rất lớn nhưng đây cũng chính là thị trường đòi hỏi những yêu cầu chất lượng thuộc hàng khắt khe nhất thế giới. Do đó, muốn đưa hàng hóa vào AEON riêng, xuất khẩu vào Nhật Bản nói chung, các doanh nghiệp Việt Nam phải cải thiện năng lực sản xuất, kinh doanh, tạo ra những sản phẩm có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm tương tự đến từ nhiều doanh nghiệp khác trên khắp thế giới.
Xuất khẩu sang Canada có thể đạt tốc độ tăng trưởng 20%/năm
Vietnambiz.vn đưa tin, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ dự báo mức tăng trưởng thương mại bình quân trong những năm tới có thể đạt tới 20%. Việt Nam hiện nay đang là nước có lợi thế lớn trong thương mại song phương, xuất khẩu của Việt Nam năm 2018 đạt 4 tỉ USD, xuất siêu 2,4 tỉ USD.
Những mặt hàng xuất khẩu chính Việt Nam sang thị trường Canada cũng là các mặt hàng chủ lực của ta, gồm: dệt may, giày dép, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, phương tiện vận tải và phụ tùng, thủy sản, đồ gỗ…
Bên cạnh đó, các mặt hàng thực phẩm như cà phê, hạt tiêu, hạt điều, rau quả… cũng bước đầu có tăng trưởng xuất khẩu tích cực sang thị trường này trong thời gian qua.
Xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ chiếm chưa đến 1% tổng nhập khẩu của Canada. "Điều này cho thấy, với khả năng cung ứng hàng hóa của Việt Nam và nhu cầu của Canada, dư địa phát triển xuất khẩu của Việt Nam sang Canada vẫn còn rất lớn. Bù lại, các sản phẩm công nghệ cao của Canada như máy móc, sản phẩm sinh học, hóa chất và các nguyên liệu cho sản xuất, chăn nuôi… luôn là những mặt hàng có nhu cầu cao tại Việt Nam", ông Linh nhận định.
Về đầu tư, hiện nay, Canada là nhà đầu tư lớn thứ 14 của Việt Nam, với 149 dự án, trị giá hơn 5 tỉ USD. Các dự án được đánh giá là có chất lượng cao, với bình quân 1 dự án là 32,36 triệu USD/dự án, cao hơn so với bình quân đầu tư 1 dự án nước ngoài đầu tư tại Việt Nam là 13,97 triệu USD/dự án, với các lĩnh vực đầu tư chủ chốt như dịch vụ khách sạn, bảo hiểm, năng lượng tái tạo…
Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cho biết thời gian tới Việt Nam mong muốn và kêu gọi các nhà đầu tư Canada vào các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, logistic, công nghiệp chế tạo, năng lượng sạch, những lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao…
Nguồn: VITIC tổng hợp
Nguồn:Vinanet