menu search
Đóng menu
Đóng

Tin đáng chú ý 30/1/2019: TQ tăng cường quản lý nguồn gốc trái cây nhập khẩu

09:19 31/01/2019

Vinanet - Sau đây là những thông tin đáng chú ý trong ngày: Trung Quốc tăng cường quản lý nguồn gốc trái cây nhập khẩu; Giải pháp để ngành dệt may tận dụng lợi thế từ CPTPP; Dự báo giá cà rốt sẽ tăng trở lại trong thời gian tới; Nóng bỏng tình trạng buôn lậu dịp cuối năm …
Trung Quốc tăng cường quản lý nguồn gốc trái cây nhập khẩu
Theo thông tin từ cafef.vn, Bộ Công Thương khuyến cáo các thương nhân sản xuất, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc cần tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, truy xuất nguồn gốc của thị trường này.
Trung Quốc có những quy định chi tiết về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch đối với hàng hóa nhập khẩu nói chung, nông sản và trái cây nói riêng (trong đó có dưa hấu); các lô hàng nông sản, trái cây khi nhập khẩu vào Trung Quốc cũng cần có chứng thư kiểm nghiệm, kiểm dịch do cơ quan quản lý nước xuất khẩu cấp theo mẫu và theo thỏa thuận với phía Trung Quốc.
Đáng chú ý, kể từ tháng 5/2018, Trung Quốc đã tăng cường công tác quản lý, truy xuất nguồn gốc đối với trái cây nhập khẩu nói chung và dưa hấu nói riêng thông qua các quy định yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu của Trung Quốc tiến hành đăng ký mẫu tem nhãn truy xuất nguồn gốc tại cơ quan Hải quan Trung Quốc và dán tem nhãn này trên các sản phẩm/bao bì trái cây nhập khẩu. Thông tin trên tem nhãn bao gồm thông tin về vườn trồng,cơ sở đóng gói… Danh sách vườn trồng, doanh nghiệp đóng gói phải được cơ quan quản lý nước xuất khẩu thông báo chính thức cho phía Trung Quốc. Đây không phải là quy định mới mà là các quy định đã có từ trước, phù hợp với thông lệ quốc tế, trước đây thực hiện chưa nghiêm. Nhưng nay, trước nhu cầu của người tiêu dùng, các cơ quan chức năng của Trung Quốc đã lưu ý và thực hiện nghiêm túc hơn.
Giải pháp để ngành dệt may tận dụng lợi thế từ CPTPP
Theo cand.com.vn, ngành dệt may và da giày là hai ngành được hưởng lợi nhiều nhất khi thực thi CPTPP. Trong năm đầu tiên CPTPP có hiệu lực, ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 40 tỷ USD.
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ngành dệt may tăng 8,3-10,8% nhờ sức cạnh tranh về giá lớn hơn ở các thị trường mới. Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nhìn nhận, dư địa tại các thị trường thành viên Hiệp định CPTPP vẫn còn nhiều khi kim ngạch mới chỉ đạt 5,3 tỉ USD.
Dù có lợi thế như trên nhưng các chuyên gia đưa ra cảnh báo điểm “nghẽn” của ngành dệt may nằm ở khâu dệt nhuộm. Nếu không đầu tư đúng mức để phát triển chuỗi cung ứng hoàn chỉnh thì Việt Nam vẫn chưa có đủ nguồn lực để tận dụng tốt cơ hội này. Lợi nhuận từ đó sẽ giảm sút dưới áp lực cạnh tranh.
Liên quan đến vấn đề lao động, các DN cần đẩy mạnh vấn đề đào tạo. Đặc biệt, các DN phải hiểu về CPTTP, nắm kỹ thông tin về ngành dệt may, từ đó, biết chúng ta là ai, có thế mạnh gì và thị trường trong CPTTP có đặc điểm gì để đánh đúng thị trường.
Bên cạnh đó, cần có sự chung tay của nhà nước, địa phương. Nhà nước cần có chính sách phát triển trong 10-15 năm tới để tận dụng hiệp định này. Hiện, một số địa phương quay lại với dệt may, đặc biệt là dệt nhuộm nhưng nhiều dự án của các nhà đầu tư danh tiếng, có đầy đủ yêu cầu thì lại không được cấp phép.
Dự báo giá cà rốt sẽ tăng trở lại trong thời gian tới
Trang nongnghiep.vn đưa tin, Hải Dương đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tiêu thụ cà rốt cho nông dân. Dự báo nhiều khả năng giá cà rốt sẽ tăng trở lại trong thời gian tới khi vụ thu hoạch cà rốt của Trung Quốc kết thúc.
Vụ đông năm 2018-2019, tổng diện tích cà rốt tại địa bàn tỉnh khoảng 1.200 ha, với tổng sản lượng khoảng 43 nghìn tấn, tăng không đáng kể diện tích và giảm nhẹ về sản lượng so với các năm trước (năng suất cà rốt trà sớm một số bị mất mùa do mưa).
Hiện các DN đang thu mua cà rốt của nông dân khoảng 20-100 tấn/ngày, giá mua khoảng 3.000-4.500 đồng/kg tùy loại. Tuy nhiên, hiện nay giá cà rốt thấp hơn cùng kỳ năm trước, tiêu thụ còn chậm do ảnh hưởng của thị trường Trung Quốc được mùa (không bị ảnh hưởng của băng tuyết như năm trước) và đang trong thu hoạch nên đã ảnh hưởng đến tiêu thụ tại Việt Nam. Mặc dù vậy, hiện tại, nhiều diện tích cà rốt đã được các thương lái, cơ sở thu mua tại địa phương đặt mua trọn gói ngay từ đầu vụ với giá trung bình từ 5-6 triệu đồng/sào. Với giá này, dù không lãi cao như một số năm trước nhưng nông dân vẫn có lãi trung bình khoảng 2 triệu đồng/sào.
Trước những khó khăn trong tiêu thụ cà rốt, hiện Sở NN-PTNT Hải Dương đã có khuyến cáo nông dân tiếp tục chăm sóc và bảo vệ cây cà rốt cho đến khi kết thúc thu hoạch. Nhiều DN có thâm niên trong ngành XNK, chế biến nông sản tại Hải Dương đều dự báo chỉ một thời gian ngắn nữa, cà rốt nhiều khả năng sẽ tăng giá trở lại.
Hồ Chí Minh: Phát hiện số lượng lớn thuốc lá điếu nhập lậu
Theo tin từ moit.gov.vn, ngày 28/1/2019, Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh phối hợp với Công an phường Tam Bình, quận Thủ Đức kiểm tra 02 cơ sở nghi cất giấu tang vật vi phạm hành chính.
Qua kiểm tra, tại khuôn viên số 18 đường số 1, phường Tam Bình, quận Thủ Đức, Đội Quản lý thị trường số 25 đã phát hiện 7340 bao thuốc lá điếu nhập lậu (1960 bao thuốc lá hiệu Jet; 1660 bao thuốc lá hiệu Hero; 1870 bao thuốc lá hiệu Craven “A”; 650 bao thuốc lá hiệu 555 Gold; 500 bao thuốc lá hiệu Scott; 100 bao thuốc lá hiệu ESSE Special Gold; 100 bao thuốc lá hiệu ESSE Classic; 100 bao thuốc lá hiệu ESSE Menthol; 400 bao thuốc lá hiệu ESSE Lights).
Tại điểm chứa trong khuôn viên số 24/1 đường số 1, phường Tam Bình, quận Thủ Đức do ông Trương Văn Nam làm chủ nhà trọ, Đội Quản lý thị trường số 25 phát hiện 5880 bao thuốc lá điếu nhập lậu (5680 bao hiệu Jet, 200 bao hiệu Hero).
Tại thời điểm kiểm tra, chủ số hàng trên không có mặt. Đội Quản lý thị trường số 25 lập biên bản tạm giữ toàn bộ số thuốc lá điếu nêu trên để tiếp tục điều tra làm rõ.
Nóng bỏng tình trạng buôn lậu dịp cuối năm
Trang Web cand.com.vn thông tin, dịp cuối năm, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng cao cũng là thời điểm các đối tượng buôn lậu tìm mọi cách để đưa hàng lậu vào nội địa nước ta trên tất cả các tuyến, từ đường biển, đường bộ đến đường hàng không. Cuộc chiến chống buôn lậu qua biên giới ngày càng “nóng” trước những thủ đoạn tinh vi, manh động của các đường dây buôn lậu.
Sóng to, gió lớn, sương mù là cản trở lớn nhất với lực lượng chống buôn lậu trên tuyến biển Quảng Ninh, Hải Phòng.
Khoáng sản, hải sản đông lạnh, thuốc lá, rượu là những mặt hàng lậu đang gia tăng vận chuyển với số lượng lớn qua đường biển Quảng Ninh, Hải Phòng đi các tỉnh miền Trung và phía Nam dịp giáp Tết.
Điển hình là Hải đội 2 (Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh) đã bắt bè mảng vận chuyển hơn 4 tấn cá đông lạnh các loại từ Trung Quốc về Việt Nam tại vùng biển Trà Cổ (TP Móng Cái). Hay bắt giữ hàng chục tấn hàu giống vận chuyển bằng mảng từ Trung Quốc về. Mảng chịu được sóng, nhìn từ xa lại chìm trong sóng, chỉ ngỡ ngư dân đi biển, ít người chú ý.
Từ đầu tháng 1-2019 đến nay, Đội Kiểm soát Hải quan số 2 đã bắt giữ 3 tàu vận chuyển trên 12.000m3 cát không có nguồn gốc hợp pháp.
Càng cận Tết, buôn lậu, buôn bán hàng cấm trên tuyến biển càng ráo riết, lực lượng chống buôn lậu đang căng sức bám biển, tuần tra kiểm soát để ngăn chặn những con “tàu ma” chở hàng lậu vào nội địa.
Nguồn: VITIC tổng hợp 

Nguồn:Vinanet