menu search
Đóng menu
Đóng

Tin đáng chú ý 6/4/2019: Ô tô Đức sắp giảm giá, thịt lợn có thể khủng hoảng

17:18 06/04/2019

Vinanet - Ô tô Đức về Việt Nam sắp giảm giá 30%; Quảng Ngãi dưa hấu rớt giá mạnh; Sẽ tới lúc 'khủng hoảng thịt lợn'?.... đó là những tin đáng chú ý trong ngày.
Ô tô Đức về Việt Nam sắp tới sẽ giảm giá 30%
Theo dantri.com.vn, khi Việt Nam và EU ký kết Hiệp định thương mại tự do, ô tô nhập khẩu từ châu Âu sẽ được giảm thuế về 0%. Chỉ 3-5 năm tới giá xe từ châu Âu về có thể giảm tới 30% so với hiện nay.
Khi đó, ô tô nhập khẩu sẽ có thế mạnh lớn. Muốn phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước, theo các DN, ngay trong năm nay, Nhà nước cần ban hành thêm những chính sách ưu đãi để khuyến khích các nhà đầu tư. Nếu được miễn thuế tiêu thụ đặc biệt, với phần linh kiện sản xuất trong nước, chắc chắn chí phí sẽ giảm, DN có điều kiện để giảm giá xe và người tiêu dùng dễ tiếp cận với ô tô hơn hiện nay.
Nếu nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất linh kiện ô tô giảm về 0% sẽ khuyến khích các DN đầu tư cho sản xuất linh kiện và góp phần giảm chi phí, giá xe sẽ giảm.
Ngành công nghiệp ô tô phụ thuộc rất nhiều vào sản lượng. Chỉ có sản lượng lớn mới giúp công nghiệp hỗ trợ phát triển. Vì vậy, cần đảm bảo sự tăng trưởng ổn định của thị trường ô tô. Phải ngăn chặn, không để xe nhập khẩu tràn vào với số lượng lớn giá rẻ.
Hiện xe nhập khẩu nguyên chiếc về Việt Nam với số lượng ngày càng nhiều và giá ngang bằng với xe sản xuất lắp ráp trong nước. Theo các DN, những chính sách ưu đãi dành cho công nghiệp ô tô, cần phải được xây dựng trong năm 2019, mới có tác dụng. Càng để lâu, cơ hội phát triển công nghiệp ô tô sẽ không còn.
Quảng Ngãi dưa hấu rớt giá mạnh
Theo thông tin từ vov.vn, hơn nửa tháng nay, dưa hấu tại tỉnh Quảng Ngãi đến kỳ thu hoạch rộ. Dưa chín đầy đồng, người bán thì nhiều, người mua thì ít, giá dưa liên tục giảm.
Cách đây hơn 1 tuần, giá dưa hấu Hắc Mỹ Nhân gần 7.000 đồng/kg thì nay giảm còn 2.500 đồng/kg. Những năm trước đây, nông dân tỉnh Quảng Ngãi chủ yếu trồng dưa tròn Hồng Lương, bán cho tư thương xuất đi Trung Quốc. Năm nay, phần lớn nông dân Quảng Ngãi chuyển sang trồng loại dưa dài Hắc Mỹ Nhân để vừa bán cho thị trường nội địa, vừa có thể xuất khẩu.
Ông Đỗ Xuân Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh cho biết, dù đã khuyến cáo bà con không nên đổ xô vào trồng dưa nhưng nhiều người vẫn làm theo kiểu may nhờ, rủi chịu.
Giá thị trường rất bấp bênh do phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Nếu Trung Quốc nhập mạnh thì dưa mình mới có giá và đi được nếu trục trặc thì mình chết. Xã cũng đã khuyến cáo nhân dân không nên trồng dưa nhiều mà chuyển qua cây đậu phụng, cây bắp nhưng người dân vẫn tiếp tục làm.
Với sản lượng hơn 40.000 tấn dưa hấu mỗi năm, tỉnh Quảng Ngãi là một trong những địa phương có sản lượng dưa hấu thuộc tốp đầu của cả nước. Tuy nhiên, đầu ra của dưa hấu phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc nên năm nào cũng có hàng ngàn tấn dưa hấu ở Quảng Ngãi rơi vào tình cảnh “bán rẻ như cho” khiến người trồng dưa điêu đứng.
Sẽ tới lúc 'khủng hoảng thịt lợn'?
Theo tienphong.vn, dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã lan ra 22 tỉnh thành, số lợn tiêu hủy khoảng 73.000 con. Các doanh nghiệp (DN) đề xuất không chỉ dập dịch mà cần đồng thời kích thích lưu thông để người tiêu dùng không quay lưng với thịt lợn.
Tập đoàn C.P Việt Nam lo ngại, giá lợn đang giảm, không tiêu thụ được, tồn đọng rất lớn. Do vậy, cần xử lý vấn đề lưu thông. Lợn đến kỳ xuất chuồng ứ đọng tăng lên, khả năng miễn dịch kém dần, dẫn đến nguy cơ dịch bệnh cao. Đây là một vòng luẩn quẩn.
Chủ tịch Tập đoàn Dabaco cho biết hiện giá lợn hơi đã tụt xuống 32-33 nghìn đồng/kg, cần sự vào cuộc của Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT… để truyền thông rõ vì ASF không lây sang người, tránh tâm lý cực đoan bài trừ thịt lợn như hiện nay.
Chủ tịch Tập đoàn Dabaco cho rằng, phòng chống ASF là quá trình lâu dài không thể một sớm, một chiều. Cần thành lập các địa điểm phân phối thịt lợn an toàn ở siêu thị, điểm bán lẻ, nhất là khu vực nông thôn để kích thích tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần tăng kiểm tra, giám sát, nguồn thịt đảm bảo an toàn thực phẩm, có lộ trình cấm giết mổ nhỏ lẻ, khuyến khích xây dựng lò mổ tập trung. Có thể nghiên cứu hạn chế nhập khẩu thịt lợn, kể cả tạm nhập tái xuất, kể cả bột thịt xương, nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh.
Ông Đàm Mạnh Lương, TGĐ Tập đoàn Mavin nói, thứ 6 vừa qua, Trung Quốc phải hỗ trợ khẩn cấp để duy trì đàn giống của nước này. Điều này cho thấy, vấn đề không chỉ là dập dịch mà còn phải duy trì đàn lợn.
Một năm vừa qua, tổng đàn nái của Trung Quốc đã giảm 20%, giá lợn trong tuần vừa qua tăng 37%. Vậy trong 6 tháng tới Việt Nam có khủng hoảng thịt lợn hay không? “Thời gian qua, tôi có cảm giác là chúng ta đang cố gắng dập dịch, chứ không phải là kiểm soát nó”, ông Lương nói. Ông Lương lấy ví dụ Tây Ban Nha, Ba Lan… đã thành công về kiểm soát ASF và cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể kiểm soát được.
Ông Lương kiến nghị, cần một hành động liên bộ để người tiêu dùng không quay lưng với thịt lợn. Chẳng hạn, Bộ Y tế phải đưa ra thông điệp để người tiêu dùng biết rõ là virus ASF không làm hại đến sức khỏe con người.
Dù ASF cực kỳ nguy hiểm, nhưng mất bình tĩnh là rối loạn. Thời gian tới, nếu anh nào giữ được đàn, không bị dịch là cực kỳ thắng vì những nước xung quanh đều đã bị dịch cả rồi.
Gà, vịt bình ổn rẻ hơn 35% giá bình thường
Trang plo.vn đưa tin, giá gia cầm trong chương trình bình ổn thị trường sau điều chỉnh thấp hơn giá thị trường từ 15-35%.
Sở Tài chính TP.HCM vừa công bố giá các mặt hàng trong bốn Chương trình bình ổn thị trường 2019 và tết 2020 sẽ được áp dụng từ ngày 1/4/2019. Trong đó, đáng chú ý là thịt heo bình ổn của công ty Vissan, Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn… được giữ giá ổn định. Cụ thể thịt heo đùi 100.000 đồng/kg, thịt vai 95.000 đồng/kg, thịt cốt lết 101.000 đồng/kg; sườn già 97.000 đồng/kg; thịt nạc (dăm, vai, đùi) 112.000 đồng/kg; thịt heo ba rọi 122.000 đồng/kg. Một mặt hàng được điều chỉnh giảm là thịt đùi từ 107.000 đồng/kg giảm còn 100.000 đồng/kg.
Trứng gia cầm loại 1 của các công ty Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt, Saigon Co.op, công ty Dư Hoài… được giữ giá 26.000 đồng/vỉ 10 quả; 15.600 đồng/vỉ sáu quả. Trứng vịt loại 1 giá 31.000 đồng/vỉ 10 quả, 18.600 đồng/vỉ sáu quả…
Trong khi đó, thịt gà pha lóc, gà thả vườn của các doanh nghiệp San Hà, Phạm Tôn, Ba Huân, Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn… được điều chỉnh tăng khoảng 8%. Gà ta giữ nguyên giá. Cụ thể, đùi gà công nghiệp ¼ giá 40.500 đồng/kg; ức gà công nghiệp 50.000 đồng/kg. Fi lê ức gà công nghiệp 50.000 đồng/kg; cánh gà 70.000 đồng/kg; thịt gà công nghiệp pha lóc 30.000 đồng/kg.
Sở Tài chính TP.HCM cho biết, giá gia cầm ổn định cả năm 2018, sang năm 2019 giá gà lông công nghiệp tăng hơn 40%, vịt lông tăng 8,8% so với năm 2018 nên các đơn vị được điều chỉnh. Tuy nhiên, giá gia cầm trong chương trình bình ổn thị trường sau điều chỉnh thấp hơn giá thị trường từ 15-35%.
Đối với thịt heo trong chương trình ổn tiếp tục được giữ giá, trong đó có một số loại thịt heo giảm giá nhằm đảm bảo thấp hơn thị trường 5-6%... Không những vậy các đơn vị sẽ chủ động khuyến mại giảm giá, và giữ giá thu mua ổn định để người chăn nuôi không bị lỗ.
Cơ hội và thách thức ngành mía đường sau bãi bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu
Theo congthuong.vn, từ ngày 1/1/2020 Việt Nam sẽ chính thức bãi bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường từ các nước ASEAN. Vì vậy, doanh nghiệp trong nước sắp tới sẽ có rất nhiều cơ hội để nâng cao năng lực cạnh tranh nhưng cũng sẽ gặp không ít khó khăn khi phải cạnh tranh với nhiều đối thủ lớn trong khối ASEAN, đặc biệt là đường giá rẻ từ các nước sản xuất đường trong TOP đầu thế giới như Thái Lan.
Theo dự báo, nguồn cung đường niên vụ 2018-2019 khoảng trên 2,2 triệu tấn (bao gồm tồn kho hơn 600 ngàn tấn, sản xuất dự kiến 1,5 triệu tấn và đường nhập khẩu năm 2018 gần 100 ngàn tấn) trong đó chưa kể lượng đường nhập lậu vào Việt Nam khoảng 500.000 ngàn tấn và đường lậu luôn bán dưới giá thị trường đường trong nước từ 1.000 đồng đến 3.000 đồng. Trong bối cảnh đó nguồn cung thế giới tiếp tục dư thừa khoàng 7 triệu tấn và giá đường liên tục giảm, dẫn đến tâm lý tiêu cực về bức tranh thị trường đường trong nước. Mức dư thừa này dự kiến sẽ kéo dài đến hết năm 2019, nên có thể giá sẽ giảm thấp nhất trong 5 năm qua.
Bên cạnh những thách thức, cũng có rất nhiều tín hiệu tích cực đối với ngành đường, đặc biệt là trong xu thế phát triển tích cực của nền kinh tế, nhu cầu tiêu dùng đường trong nước ngày càng tăng, do mức tiêu thụ bình quân/người còn thấp, (Theo OECD, mức tiêu thụ đường của Việt Nam đạt 20,2kg/người/năm thấp hơn nhiều quốc gia khác như Thái Lan 37 kg/người/năm, Campuchia 31 kg/người/năm, Ấn Độ 22,4 kg/người/năm…), thị trường đường trong nước chắc chắn sẽ còn mở rộng trong trung và dài hạn.
Ô tô dưới 9 chỗ ngồi nhập khẩu tăng hơn 100 lần
Baohaiquan.vn đưa tin, ô tô dưới 9 chỗ ngồi nhập khẩu qua các cửa khẩu TPHCM trong 3 tháng đầu năm 2019 tăng đột biến, với mức tăng 111 lần so với cùng kỳ năm 2018.
Theo Cục Hải quan TPHCM, kim ngạch nhập khẩu ô tô qua các cửa khẩu cảng TPHCM trong 3 tháng đầu năm 2019 đạt 123,7 triệu USD, tăng 18 lần so với cùng kỳ năm 2018 (cùng kỳ chỉ đạt gần 7 triệu USD). Trong đó, ô tô dưới 9 chỗ ngồi đạt kim ngạch 46,2 triệu USD, tăng 111 lần so với cùng kỳ năm 2018 (cùng kỳ đạt 0,415 triệu USD).
Ngoài mặt hàng ô tô nhập khẩu có kim ngạch tăng cao, một số mặt hàng nhập khẩu chủ lực qua các cửa khẩu TPHCM cũng có mức tăng đáng kể, như: mặt hàng sắt, thép đạt 464 triệu USD, tăng 25,4% so với cùng kỳ; mặt hàng máy tính đạt hơn 2.000 USD tăng hơn 15%...
Với các mặt hàng nhập khẩu tăng khả quan, số thu ngân sách của Cục Hải quan TPHCM trong 3 tháng qua cũng đạt cao, tăng hơn 17% so với cùng kỳ. Hiện số thu ngân sách của Cục Hải quan TPHCM được 27.200 tỷ đồng, đạt 25% dự toán và 24% chỉ tiêu phấn đấu.
 Tăng tiêu chuẩn khí thải lên mức 4 với ôtô nhập khẩu đã qua sử dụng
Theo vneconomy.vn, từ ngày 15/5/2019, ôtô lắp động cơ cháy cưỡng bức, động cơ cháy do nén đã qua sử dụng nhập khẩu phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4, thay vì mức 2 và 3 như hiện nay.
Quyết định mới cũng quy định trường hợp ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu có thời điểm mở tờ khai hàng hóa nhập khẩu theo Luật hải quan hoặc đã về đến cảng, cửa khẩu Việt Nam trước ngày 15/5/2019 thì được tiếp tục áp dụng quy định tại Quyết định số 249, tức là vẫn áp dụng mức 3 đối với xe ôtô lắp động cơ cháy cưỡng bức hoặc mức 2 đối với xe ô tô lắp động cơ cháy do nén.
Bên cạnh đó, quy định mới cũng nêu rõ, ôtô lắp động cơ cháy cưỡng bức và ôtô lắp động cơ cháy do nén tham gia giao thông sản xuất trước năm 1999 được tiếp tục áp dụng mức 1.
Ô tô lắp động cơ cháy cưỡng bức và ôtô lắp động cơ cháy do nén tham gia giao thông sản xuất từ năm 1999 đến hết năm 2008 và sau năm 2008 đều áp dụng mức 2 kể từ ngày 1/1/2021.
Được biết, mức tiêu chuẩn khí thải (mức 1, mức 2, mức 3, mức 4) là giới hạn lớn nhất cho phép của các chất gây ô nhiễm và khói trong khí thải của xe ôtô quy định tại TCVN 6438:2018 "Phương tiện giao thông đường bộ - Giới hạn lớn nhất cho phép của khí thải".
Việc tăng mức khí thải tiêu chuẩn đối với các loại xe ôtô tham gia giao thông và xe ôtô đã qua sử dụng nhập khẩu nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường, trong bối cảnh lượng phương tiện cả nước ngày càng tăng và lượng khí phát thải ra môi trường ngày càng nghiêm trọng.

Nguồn: VITIC tổng hợp

Nguồn:Vinanet