menu search
Đóng menu
Đóng

Tin đáng chú ý 8/10/2019: Giá tôm, trái cây tăng mạnh; xuất khẩu cao su khó khăn

16:40 08/10/2019

Vinanet - Giá tôm, trái cây tăng mạnh; xuất khẩu cao su khó khăn; XK sắn gặp khó; đẩy mạnh XK cá tra organic sang Đức… là những thông tin đáng chú ý trong ngày.
3 diễn biến tiêu cực khiến xuất khẩu cao su khó khăn
Theo haiquanonline.com.vn, dự báo triển vọng thị trường cao su thời gian tới sẽ gặp khó khăn trước một số diễn biến tiêu cực trên thị trường thế giới; trước hết đó là xung đột thương mại Mỹ - Trung diễn biến khó lường có thể sẽ làm giảm nhu cầu năng lượng, từ đó gián tiếp làm giảm nhu cầu về cao su tự nhiên.
Thứ hai, ảnh hưởng từ việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ sẽ gián tiếp làm giảm giá trị xuất khẩu cao su của Việt Nam.
Thứ ba, sức ép từ nguồn cung khi Indonesia và Malaysia đã hoàn tất chương trình cắt giảm xuất khẩu cao su tự nhiên trong cam kết của Hội đồng Cao su quốc tế ba bên (ITRC), bao gồm Thái Lan, Indonesia và Malaysia hồi tháng 3 để đẩy giá cao su tự nhiên trên thị trường quốc tế.
9 tháng đầu năm, khối lượng và giá trị xuất khẩu cao su lần lượt ước đạt 1,12 triệu tấn và 1,53 tỷ USD, tăng 8,9% về khối lượng và tăng 7,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Trung Quốc, Ấn Độ, và Hàn Quốc vẫn là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm, chiếm thị phần lần lượt là 63,9%, 8,8% và 3,3%. Giá cao su xuất khẩu bình quân 8 tháng đầu năm đạt 1.371 USD/tấn, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm 2018.
Lượng nhập khẩu cao su trong 9 tháng đầu năm đạt 502 nghìn tấn với giá trị 855 triệu USD, tăng 15,2% về khối lượng và tăng 7,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. 5 thị trường nhập khẩu cao su chủ yếu trong 8 tháng đầu năm là: Hàn Quốc, Nhật Bản, Campuchia, Lào và Đài Loan (Trung Quốc) chiếm 61,2% thị phần.
Giá trái cây tăng mạnh trở lại
Theo haiquanonline.com.vn, sau khi rớt giá thảm hại vào tháng 8, chỉ còn vài nghìn đồng/kg do phía Trung Quốc thu mua phập phù, trong tháng 9, giá một số mặt hàng trái cây đã tăng mạnh trở lại.
Sau thời gian rớt giá thê thảm, hiện nay, giá thanh long ruột trắng ở tỉnh Tiền Giang đã tăng đến hơn 15.000 đồng/kg, tăng gấp 3 lần so với thời điểm giữa tháng. Với mức giá này, nhà vườn có lãi hơn 5.000 đồng/kg, do nhu cầu xuất khẩu trái cây này hút hàng, nhất là thị trường Trung quốc.
Dừa khô cũng là mặt hàng có giá không ngừng tăng cao. Cụ thể, ở tỉnh Trà Vinh, giá dừa khô được thu mua tại cơ sở với giá 80.000 đồng/chục, tăng hơn tuần trước 15.000 đồng/chục do đang thời điểm mùa mưa nên sản lượng dừa khô bị giảm gần 40%.
Trước đó, ngay trong tháng 8, tại tỉnh Tiền Giang ghi nhận có 3 loại trái cây bị rớt giá nặng nề là dưa hấu, dừa xiêm và thanh long. Các mặt hàng có mức giá giảm khoảng 50% so với tháng 7. Cụ thể, dưa hấu chỉ ở mức hơn 6.000 đồng/kg; thanh long ruột trắng giá còn 6.000-7.000 đồng/kg. Thậm chí, mặt hàng dừa xiêm còn giảm tới hơn 50% khi xuống mức giá 40.000 đồng/chục, so với mức giá 90.000 đồng/chục trước đó. Với các mức giá sau sụt giảm, nhà vườn không có lãi, thậm chí thua lỗ.
Nguyên nhân giảm giá chính được Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định là nhu cầu nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc không ổn định. Bên cạnh đó, phía Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ vận chuyển qua lại cửa khẩu đã làm cho đầu ra của trái cây bấp bênh.
9 tháng qua, giá trị xuất khẩu rau quả ước đạt 2,84 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm 2018. Trong 8 tháng đầu năm, Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam với 73,6% thị phần, đạt 1,8 tỷ USD, giảm 10,1% so với cùng kỳ năm 2018. Các thị trường có giá trị xuất khẩu rau quả tăng mạnh là Indonesia (tăng 302%), Lào (tăng 184%), Hồng Kông (tăng 159%)...
Nhìn lại 9 tháng đầu năm, thị trường nhiều loại trái cây trong nước diễn biến giảm do nhu cầu giảm, đặc biệt là từ quốc gia lân cận Trung Quốc với những điều kiện những điều kiện khắt khe về xuất khẩu.
Dự báo XK sắn gặp khó do cạnh tranh khốc liệt với Thái Lan, Campuchia và Lào
Thuonghieucongluan.com.vn đưa tin, dự báo 3 tháng cuối năm 2019, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của sang Trung Quốc sẽ gặp cạnh tranh khốc liệt từ các nước Thái Lan, Campuchia và Lào.
Xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn tháng 9/2019 ước đạt 198 nghìn tấn với giá trị đạt 78 triệu USD, đưa khối lượng 9 tháng đầu năm ước đạt 1,54 triệu tấn (598 triệu USD), giảm 15,7% về khối lượng và giảm 14,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Dù vậy, nếu so với tháng trước, xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn đã có sự tăng nhẹ, tăng 9,4% về lượng và 9,2% về giá trị so với tháng 8.
Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2019, chiếm tới 88,6% giá trị xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam.
Xuất khẩu sang thị trường này trong 8 tháng đầu năm 2019 đạt 1,36 triệu tấn tương đương 530,3 triệu USD, giảm 7,5% về khối lượng và giảm 3,5% về giá trị so với cùng kì năm 2018.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, xuất khẩu sang Trung Quốc giảm do sự suy giảm cầu nhập khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Trung Quốc.
Mặt khác, Trung Quốc tăng cường kiểm soát nghiêm ngặt các quy định về nhãn mác, bao bì, thông tin sản phẩm tinh bột sắn Việt Nam và giảm thuế VAT với hàng hóa nhập khẩu chính ngạch thêm 3% từ mức 16% xuống còn 13% đã gây ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động xuất khẩu qua đường biên mậu.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản dự báo 3 tháng cuối năm 2019, xuất khẩu các mặt hàng này sang Trung Quốc sẽ gặp cạnh tranh khốc liệt từ các nước Thái Lan, Campuchia và Lào, đặc biệt là trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường nhập khẩu sắn từ Lào và sản lượng sắn của Campuchia niên vụ 2019-2020 tiếp tục giảm thêm 20% so với vụ trước.
Theo vietnambiz.vn, sang quý III, giá tôm đã có sự cải thiện, hiện nay sản lượng tôm nuôi ở các nước lân cận cũng giảm mạnh, trong khi đó các doanh nghiệp chế biến đang đẩy mạnh thu mua chuẩn bị hàng phục vụ dịp lễ, Tết khiến giá tôm nguyên liệu có chiều hướng tăng cao.
Theo Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản, giá tôm nguyên liệu trong tháng 9 có xu hướng tăng nhẹ so với tháng trước với cả tôm sú và tôm thẻ chân trắng do cung giảm.
Tại Bạc Liêu, giá tôm sú ướp đá cỡ 20 con/kg tăng 10.000 đồng so với tháng trước lên 190.000 đồng/kg, cỡ 30 con/kg tăng 20.000 đồng lên 170.000 đồng/kg, cỡ 40 con giữ mức 128.000 đồng/kg.
Giá tôm thẻ ướp cỡ 60 con/kg tăng 16.000 đồng lên 116.000 đồng/kg, cỡ 70 con/kg tăng 15.000 đồng lên 105.000 đồng/kg, cỡ 100 con/kg tăng 12.000 đồng lên 91.000 đồng/kg.
Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản cho biết nguồn cung tôm thẻ hiện ở mức thấp, trong khi nhu cầu tăng do thị trường xuất khẩu có dấu hiệu khởi sắc khiến giá tôm thẻ có xu hướng gia tăng.
Nửa đầu năm nay thời tiết khá thuận lợi, tình hình thị trường cung ứng tôm từ các nước nuôi tôm có sản lượng lớn như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia, Thái Lan đều tăng hơn năm 2018 ảnh hưởng đến mặt bằng giá chung của thị trường thế giới, trong đó có Việt Nam.
Sang quý III, giá tôm đã có sự cải thiện, hiện nay sản lượng tôm nuôi ở các nước lân cận cũng giảm mạnh, trong khi đó các doanh nghiệp chế biến đang đẩy mạnh thu mua chuẩn bị hàng phục vụ dịp lễ, Tết khiến giá tôm nguyên liệu có chiều hướng tăng cao.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sản lượng tôm nước lợ trong 8 tháng đầu năm ước đạt hơn 471.00 tấn, tăng gần 10% so với cùng kì năm ngoái.
Cá tra organic là sản phẩm đáng lưu tâm cho các doanh nghiệp XK sang Đức
Theo vietnambiz.vn, với mức giá khoảng 9,6 - 9,8 USD/kg tại thị trường Đức, VASEP cho rằng sản phẩm phile cá tra organic là sản phẩm đáng lưu tâm cho các doanh nghiệp khi muốn xuất khẩu sang thị trường này.
Theo VASEP, hiện nay, một số doanh nghiệp cá tra tại An Giang đang xuất khẩu sản phẩm phile cá tra organic sang thị trường Đức với giá xuất khẩu trung bình 9,6 - 9,8 USD/kg (tương đương hơn 200.000 đồng/kg). VASEP cho rằng đây cũng là sản phẩm đáng lưu tâm cho các doanh nghiệp khi muốn xuất khẩu sang thị trường này.
Tính đến nửa đầu tháng 8, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Đức đạt 20,4 triệu USD, tăng 35,4% so với cùng kì năm trước. Hiện nay, Đức là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của cá tra Việt Nam tại EU.
Theo thống kê của ITC, nửa đầu năm 2019, Việt Nam là nguồn cung cá thịt trắng lớn thứ 5 của Đức.
Hai quí đầu năm nay, tổng nhập khẩu cá thịt trắng của nước này cũng tăng 3 - 7% so với các quí trước.
Hiện nay, sản phẩm cá tra phile đông lạnh từ Việt Nam mới chiếm từ 3 - 6% tổng nhập khẩu cá thịt trắng của Đức.
Trong 8 tháng đầu năm 2019, có hơn 15 doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất khẩu cá tra sang thị trường Đức. Sản phẩm xuất khẩu sang thị trường này cũng khá đa dạng như: cá tra cắt khúc đông lạnh, da cá tra đông lạnh, cá tra phile đông lạnh, phile cá tra organic (loin lưng) đông lạnh...Cho tới nay, Đức vẫn tiếp tục là một trong những thị trường có mức giá cá tra nhập khẩu cao tại thị trường EU.
VASEP cho rằng mặc dù trong 8 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này chưa thực sự ổn định, song đây vẫn là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp muốn duy trì xuất khẩu sang khối EU.
Nguồn: VITIC