menu search
Đóng menu
Đóng

TT hàng hóa quốc tế phiên 15/2: Giá dầu và một số kim loại tăng mạnh

10:00 16/02/2021

Phiên giao dịch vừa qua, giá dầu vọt lên mức cao nhất 13 tháng, nickel cao nhất hơn 1 năm, chì cao nhất hơn 3 tháng, thiếc cao nhất 8 năm, bạch kim cao nhất 6 năm, đồng cao nhất 9 năm…
 
Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng lên mức cao nhất 13 tháng khi việc triển khai vắc xin hứa hẹn sẽ thúc đẩy nhu cầu hồi phục và các nhà sản xuất kiềm chế nguồn cung.
Kết thúc phiên giao dịch, dầu Brent tăng 70 US cent tương đương 1,1% lên 63,13 USD/thùng, trong phiên có lúc đạt 63,76 USD/thùng – cao nhất kể từ ngày 22/1/2020 và dầu thô Tây Texas WTI tăng 63 US cent tương đương 1,1% lên 60,1 USD/thùng, sau khi đạt mức cao nhất kể từ ngày 8/1/2020 (60,95 USD/thùng). Tuần trước, giá dầu tăng khoảng 5%.
Giá dầu trong mấy tuần gần đây tăng do nguồn cung thắt chặt, phần lớn bởi việc cắt giảm sản lượng từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất đồng minh trong nhóm OPEC+.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết, thị trường dầu toàn cầu đang trên đà hồi phục và giá dầu trong năm nay có thể ở mức trung bình 45-60 USD/thùng.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tăng trong khi bạch kim tăng lên mức cao nhất hơn 6 năm do dự báo thiếu cung sẽ gia tăng khi kinh tế thế giới hồi phục.
Kết thúc phiên giao dịch, giá vàng giao ngay giảm 0,3% xuống 1.817,41 USD/ounce, do lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đạt mức cao nhất gần 11 tháng trong phiên trước đó và thị trường chứng khoán toàn cầu đạt mức cao kỷ lục mới. Giá vàng kỳ hạn tháng 4/2021 trên sàn New York giảm 0,3% xuống 1.818,2 USD/ounce.
Trong khi đó, giá bạch kim tăng 3,6% lên 1.298,02 USD/ounce, trong phiên có lúc đạt 1.304 USD/ounce – cao nhất kể từ tháng 9/2014.
Nhà phân tích Georgette Boele thuộc ABN Amro cho biết: "Các nhà đầu tư bắt đầu nhận ra tiềm năng tăng giá của bạch kim và theo xu hướng các kim loại quý khác tăng".
Trên thị trường kim loại cơ bản, giá đồng loạt tăng do nhà đầu tư mua mạnh bởi dự báo nhu cầu tại Trung Quốc sẽ tăng theo đà hồi phục kinh tế. Theo đó, giá đồng tăng lên mức cao nhất 9 năm, nickel cao nhất hơn 1 năm, chì cao nhất hơn 3 tháng, thiếc cao nhất 8 năm
Giá đồng tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2012,
Cụ thể, giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 0,8% lên 8.395 USD/tấn – cao nhất kể từ tháng 9/2012. Lượng đồng lưu kho trên sàn London 2 tháng qua đã giảm 44%. Ngân hàng ANZ dự báo giá đồng trong 12 tháng tới sẽ là 9.000 USD/tấn.
Về những kim loại cơ bản khác, giá nickel tăng 1,2% lên 18.785 USD/tấn – cao nhất kể từ tháng 9/2019; giá chì giảm 0,2% xuống 2.115 USD/tấn, trong phiên có lúc đạt 2.145 USD/tấn – cao nhất kể từ tháng 11/2020; giá thiếc tăng 2,8% lên 24.300 USD/tấn, trong phiên có lúc tăng hơn 5% lên 24.875 USD/tấn – cao nhất kể từ tháng 2/2013.
Trên thị trường nông sản, giá đường trắng trên sàn ICE tăng, được thúc đẩy bởi thị trường chứng khoán toàn cầu và giá dầu thô tăng và dự báo sản lượng đường Thái Lan niên vụ 2020/21 giảm và xuất khẩu đường của Ấn Độ gặp khó do thiếu container. Theo đó, đường trắng kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn London tăng 3,8 USD tương đương 0,8% lên 456,4 USD/tấn.
Giá dầu cọ tại Malaysia tăng hơn 4%, sau khi giảm mạnh phiên trước đó và đạt mức cao nhất hơn 1 tháng, do giá dầu thô và đồng ringgit tăng, cùng với đó là xuất khẩu trong tháng 2/2021 được cải thiện. Cụ thể, dầu cọ kỳ hạn tháng 4/2021 trên sàn Bursa Malaysia tăng 162 ringgit tương đương 4,6% lên 3.720 ringgit (922,62 USD)/tấn, trong phiên có lúc đạt mức cao nhất hơn 1 tháng (3.740 ringgit/tấn) trong ngày 13/1/2021.
Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn London giảm 11 USD tương đương 0,8% xuống 1.356 USD/tấn.
Giá cao su tại Nhật Bản tăng gần 6%, sau khi nền kinh tế Nhật Bản hồi phục trở lại từ đại dịch virus corona vào cuối năm ngoái. Theo đó, cao su kỳ hạn tháng 7/2021 trên sàn Osaka tăng 14 JPY tương đương 5,9% lên 252,5 JPY/kg.
Nền kinh tế Nhật Bản tăng mạnh hơn so với dự kiến trong quý 4/2020, hồi phục từ mức tồi tệ nhất sau chiến tranh do nhu cầu nước ngoài tăng đã thúc đẩy xuất khẩu và chi tiêu vốn.
 

Nguồn:VITIC/Reuters