menu search
Đóng menu
Đóng

TT hàng hóa quốc tế phiên 22/4: Giá hầu hết giảm

14:00 23/04/2021

Phiên giao dịch vừa qua, giá hầu hết các mặt hàng đều vững đến giảm.
 
Trên thị trường năng lượng, giá dầu vững trong bối cảnh lo ngại sản lượng dầu thô ở Libya giảm nhưng nhu cầu dự báo cũng giảm do số ca nhiễm COVID-19 mới gia tăng ở Ấn Độ và Nhật Bản.
Kết thúc phiên này, giá dầu Brent tăng 8 US cent hay 0,1% lên 65,4 USD/thùng, trong khi dầu WTI cũng tăng 8 US cent hay 0,1% lên 61,43 USD/thùng.
Yếu tố chính giúp nâng đỡ giá dầu trong phiên này là việc Libya cho biết sản lượng dầu của nước này giảm xuống còn khoảng 1 triệu thùng/ngày trong những ngày gần đây. Con số này còn có thể giảm thêm do các vấn đề ngân sách.
Thông tin đó đã giúp hạn chế phần nào ảnh hưởng từ việc Ấn Độ, quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới, hôm 22/4 báo cáo mức tăng số ca nhiễm mới COVID-19 hàng ngày cao nhất thế giới từ trước đến nay với 314.835 ca. Cùng với đó, Nhật Bản, nhà nhập khẩu dầu lớn thứ tư thế giới, dự kiến sẽ thông báo lệnh phong toả thứ ba áp đặt lên Thủ đô Tokyo và ba tỉnh phía Tây nước này.
Nhà phân tích Tamas Varga của công ty tư vấn năng lượng PVM cho biết tâm lý phòng thủ của thị trường cơ bản cũng gia tăng bởi tiến độ đàm phán giữa Iran và các cường quốc thế giới nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Giới phân tích cho biết Iran có tiềm năng cung cấp thêm khoảng 1-2 triệu thùng dầu mỗi ngày nếu thỏa thuận được ký kết. Đây là một yếu tố đáng chú ý, nhất là trong bối cảnh Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, bao gồm Nga (còn gọi là nhóm OPEC+), có kế hoạch tăng sản lượng thêm khoảng 2 triệu thùng/ngày trong ba tháng tới.
Các thành viên OPEC+ dự kiến sẽ nhóm họp vào tuần sau. Song phía Chính phủ Nga cùng những nguồn tin thân cận với OPEC+ cho hay sẽ khó có những thay đổi lớn trong chính sách sản lượng của khối trên được đưa ra tại cuộc họp này.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Châu Âu giữ chính sách không đổi như dự kiến. Tại Mỹ số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới giảm xuống mức thấp nhất 13 tháng trong tuần trước. Nhưng khi sự phục hồi của thị trường lao động đang tăng nhanh, báo động đỏ đang nổi lên ở thị trường nhà ở với doanh số bán những căn nhà sở hữu trước đó giảm xuống mức thấp nhất 7 tháng trong tháng 3.
Trong dài hạn nhu cầu dầu mỏ dự kiến sẽ bị ảnh hưởng khi ngày càng có nhiều quốc gia áp dụng các chính sách chống biến đổi khí hậu. Mỹ và các nước khác đã tăng mục tiêu cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tại hội nghị thượng đỉnh khí hậu toàn cầu do Tổng thống Joe Biden chủ trì, một sự kiện nhằm phục hồi vai trò lãnh đạo của Mỹ trong cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng giảm khỏi mức cao nhất trong hai tháng do đồng USD mạnh lên.
Cuối phiên này, giá vàng giao ngay giảm 0,7% xuống 1.781,46 USD/ounce, sau khi có lúc đạt mức cao nhất kể từ ngày 25/2 tại 1.797,67 USD; vàng kỳ hạn tháng 6/2021 giảm 0,6% xuống 1.782 USD/ounce.
Đồng USD tăng 0,2% so với rổ các đồng tiền chủ chốt khác, khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác.
Trong khi đó, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong phiên là 1,587%, dù vẫn chỉ dao động trong biên độ hẹp. Giá vàng đã giảm 6% trong năm nay tính đến thời điểm này, chủ yếu là do áp lực từ đà tăng của lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ.
Bên cạnh đó, sức hút của vàng còn giảm đi trước số liệu cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước của Mỹ đã giảm xuống, qua đó củng cố những đồn đoán rằng số việc làm của nước này lại tiếp tục tăng lên trong tháng Tư.
Tuy nhiên, Bob Haberkorn, chiến lược gia thị trường cấp cao của công ty RJO Futures, nhận định các lực cản với giá vàng chỉ diễn ra trong ngắn hạn, khi mà nhu cầu đối với vàng vật chất đang gia tăng từ Trung Quốc và Ấn Độ.
Thụy Sỹ hồi tháng Ba đã ghi nhận lượng vàng xuất khẩu theo tháng cao nhất trong 10 năm qua, khi xuất khẩu vàng sang Ấn Độ tăng mạnh. Nhưng triển vọng này đã phần nào bị mờ đi trước số ca nhiễm COVID-19 tăng cao kỷ lục tại quốc gia này.
Về những kim loại quý khác, giá bạc giảm 1,8% xuống 26,10 USD/ounce, trong khi giá bạch kim giảm 1% và được giao dịch ở mức 1.202,12 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng giảm do lo ngại về việc Trung Quốc kiềm chế giá hàng hóa tăng để hạn chế lạm phát và do các nhà đầu tư chốt lời.
Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London giảm 0,4% xuống 9.408 USD/tấn. Giá giảm do các nhà đầu tư chốt lời khi đồng LME tăng 20% kể từ đầu tháng 2.
Nhiều nhà phân tích đã nâng mục tiêu giá đồng lên trên 10.000 USD/tấn với kỳ vọng nhu cầu ngày càng tăng từ xe ô tô điện và lưới điện tái tạo.
Tuy nhiên giá đã giảm bởi nhu cầu giao ngay yếu từ ngành công nghiệp và cảnh báo gần đây rằng các quan chức Trung Quốc sẽ thực hiện hành động để hạn chế giá hàng hóa nhằm kiềm chế lạm phát.
Giá thép thanh và thép cuộn cán nóng tại Trung Quốc, nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới, tăng lên mức cao kỷ lục, bởi nhu cầu mạnh trong và ngoài nước, đồng thời các doanh nghiệp có mức lợi nhuận cao cũng hỗ trợ.
Thép thanh trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải lúc đóng cửa tăng 1% lên 5.208 CNY/tấn, cao nhất kể từ năm 2014; thép không gỉ tại Thượng Hải giảm 0,3%; quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên, Trung Quốc giảm 0,5% sau 5 phiên tăng; quặng sắt kỳ hạn tháng 5 trên sàn Singapore giảm 1,1%; quặng sắt giao ngay hàm lượng 62% Fe tại Trung Quốc đạt 188,5 USD/tấn, cao nhất kể từ năm 2011, theo công ty tư vấn SteelHome.
Nhu cầu sản phẩm thép mạnh mẽ tại thời điểm khi Trung Quốc cắt giảm sản lượng bằng cách hạn chế hoạt động của các lò cao gây ô nhiễm và khả năng hạn chế hơn nữa đã đẩy lợi nhuận tăng, thúc đẩy các nhà máy tăng cường sản xuất.
Sản lượng thép thô của 318 nhà máy thép Trung Quốc theo khảo sát của công ty tư vấn Mysteel tăng lên trung bỉnh 2,92 triệu tấn mỗi ngày trong giai đoạn 11/4 tới 20/4, cao nhất kể từ giữa tháng 1.
Trên thị trường nông sản, giá đường thô kỳ hạn tháng 5 đóng cửa giảm 0,02 US cent hay 0,1% xuống 16,92 US cent/lb, sau khi lên đỉnh 16,99 US cent trong ngày 21/4, cao nhất kể từ ngày 26/2; đường trắng kỳ hạn tháng 8 giảm 0,9 USD hay 0,2% xuống 462,4 USD/tấn.
Các đại lý cho biết đường vẫn được hỗ trợ tốt, với các quỹ đang bổ sung vị thế mua vào trong bối cảnh triển vọng mùa vụ giảm tại Brazil và Liên minh Châu Âu.
Bộ kinh tế Ukraine đã đề xuất miễn thuế nhập khẩu 50% với 120.000 tấn đường trắng.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 7 đóng cửa tăng 1,95 US cent hay 1,5% lên 1,3615 USD/lb, sau khi đạt 1,3645 USD cao nhất kể từ ngày 1/3; cà phê robusta kỳ hạn tháng 7 đóng cửa giảm 2 USD hay 0,1% xuống 1.408 USD/tấn.
Các đại lý cho biết thị trường tiếp tục nhận được hỗ trợ từ triển vọng nguồn cung giảm trong niên vụ 2021/22, do nhà sản xuất hàng đầu Brazil dường như có vụ thu hoạch nhỏ hơn bình thường.
Các cửa hàng cà phê đang mở cửa trở lại tại Châu Âu và kết quả bán lẻ tăng mạnh cũng khả quan.
Nestle đã báo cáo mức tăng trưởng doanh số hàng quý mạnh nhất trong 10 năm. Cà phê là mặt hàng đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng doanh số của Nestle, với doanh số bán Nespresso tăng hơn 17%.
Giá cao su Nhật Bản tăng lên mức cao nhất một tuần do thị trường Thượng Hải tăng và lạc quan về chứng khoán Tokyo lấn át những lo ngại về sự phục hồi chậm hơn trên toàn cầu trong bối cảnh các trường hợp Covid-19 tăng vọt tại một số nước như Nhật Bản và Ấn Độ.
Hợp đồng cao su giao tháng 9 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa tăng 2,4 JPY lên 235,6 JPY (2,2 USD)/kg. Trong phiên, giá tăng lên mức cao 238,9 JPY, cao nhất kể từ ngày 15/4; cao su trên sàn Thượng Hải giao tháng 9 tăng 140 CNY lên 13.990 CNY (2.157 USD)/tấn.
Số ca nhiễm Covid-19 của Ấn Độ ngày 22/4 được báo cáo tăng 314.835 ca trong vòng 24 giờ, trong khi Nhật Bản dự kiến sẽ ban hành tình trạng khẩn cấp thứ 3 ở Tokyo và 3 tỉnh phía tây có thể kéo dài trong khoảng 2 tuần.