Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm dù tiếp tục xảy ra vụ tấn công ở cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia.
Kết thúc phiên này, dầu Brent Biển Bắc giảm 1,12 USD, hay 1,6%, xuống 68,24 USD/thùng, dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 1,04 USD, hay 1,6%, và đóng phiên ở mức 65,05 USD/thùng. Như vậy, cả 2 loại dầu đều kết thúc chuỗi 4 phiên giảm liên tiếp.
Bộ Năng lượng Saudi Arabia ngày 7/3 cho biết một máy bay không người lái đã tấn công khu bồn chứa dầu ở cảng Ras Tanura, một trong những cảng vận chuyển dầu lớn nhất thế giới, trong khi mảnh đạn từ một tên lửa đạn đạo rơi xuống gần khu nhà ở của cơ sở dầu mỏ Saudi Aramco thuộc thành phố Dhahran.Tuy nhiên, Riyadh cho hay không có thương vong hay mất mát tài sản nào sau vụ tấn công.
Các vụ tấn công vào các cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia diễn ra sau khi vào tuần trước Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước liên minh, còn gọi là OPEC+, đã quyết định giữ nguyên phần lớn thỏa thuận cắt giảm sản lượng trong tháng Tư.
Trước đó, giá dầu còn nhận được sự hỗ trợ từ việc Thượng viện Mỹ thông qua dự luật kích thích kinh tế trị giá 1,9 nghìn tỷ USD, dự kiến sẽ thúc đẩy nhu cầu nhiên liệu khi nền kinh tế tăng trưởng. Ngoài ra, dữ liệu kinh tế từ Mỹ và Trung Quốc cũng cho thấy tín hiệu khả quan.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng giảm do lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ tăng. Cuối phiên giao dịch, vàng giao ngay giảm 20,5 USD, hay 1,21%, xuống 1.678 USD/ounce trong phiên giao dịch 8/3 tại Sàn giao dịch hàng hóa New York khi lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ tăng. Trong khi đó, giá vàng giao sau giảm 20,5 USD, hay 1,21%, xuống 1.678 USD/ounce.
Đồng USD lên giá cũng gây sức ép lên giá vàng và cùng với lợi suất trái phiếu tăng đã khiến kim loại quý này chốt phiên ở mức thấp nhất kể từ tháng 4/2020.
Ngày 8/3, Bộ Thương mại Mỹ công bố báo cáo cho thấy dự trữ hàng hóa bán buôn tại nước này tăng 1,3% trong tháng Một, sau khi tăng 0,6% trong tháng 12/2020, một yếu tố cũng bất lợi cho giá vàng.
Về những kim loại quý khác, giá bạc giao tháng Năm giảm 1,8 US cent, hay 0,07%, xuống 25,269 USD/ounce; bạch kim giao tháng Tư tăng 24 USD, hay 2,13%, lên 1.152,3 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng tăng lên hơn 9.000 USD/tấn, sau khi Thượng viện Mỹ thông qua gói kích thích kinh tế trị giá 1,9 nghìn tỉ USD và nước tiêu thụ hàng đầu là Trung Quốc thúc đẩy nhập khẩu đồng, trong khi xuất khẩu của nước này đạt mức cao kỷ lục.
Hợp đồng đồng giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 1,3% lên 9.013 USD/tấn. Trong tháng trước, giá đồng đạt mức cao nhất gần 10 năm (9.617 USD/tấn).
Trung Quốc chiếm khoảng 1/2 nhu cầu kim loại. Nhập khẩu đồng của Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm 2021 tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái, bất chấp giá đồng tăng trong khi xuất khẩu đạt mức cao kỷ lục.
Thượng viện Mỹ đã thông qua kế hoạch cứu trợ - một cột mốc quan trọng đối với dự luật được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới hồi phục. Đồng thường được sử dụng làm thước đo sức khỏe nền kinh tế toàn cầu.
Giá thép tại Trung Quốc tăng, khi lợi nhuận tại nước sản xuất nguyên vật liệu hàng đầu thế giới – Trung Quốc - được cải thiện đã thúc đẩy thị trường. Tuy nhiên, giá quặng sắt xói mòn đà tăng trong đầu phiên do tồn trữ tại các cảng đạt mức cao nhất 3 tháng.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây kỳ hạn tháng 5/2021 tăng 0,7% lên 4.752 CNY (729,49 USD)/tấn. Giá thép cuộn cán nóng kỳ hạn tháng 5/2021 tăng 1,6% lên 4.964 CNY/tấn, sau khi tăng lên 5.038 CNY/tấn – gần mức cao kỷ lục (5.088 CNY/tấn) trong ngày 3/3/2021. Giá thép không gỉ tăng 1,2%.
Đồng thời, giá quặng sắt trên sàn Đại Liên tăng 0,3% và tăng 0,1% trên sàn Singapore, song giảm so với đầu phiên giao dịch do tồn trữ quặng sắt tại các cảng của Trung Quốc đạt mức cao nhất kể từ tháng 11/2020. Nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm 2021 tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lợi nhuận của 247 nhà máy thép Trung Quốc tăng 4,33% so với tuần trước đó và tăng 3,46% so với cùng kỳ năm ngoái, nhà phân tích Sinosteel cho biết.
Trên thị trường nông sản, giá đậu tương cao nhất gần 7 năm do dự báo thời tiết khô tại Argentina và mưa nhiều tại Brazil dấy lên mối lo ngại nguồn cung. Giá lúa mì phiên vừa qua giảm, trong khi giá ngô tăng.
Trên sàn Chicago, giá đậu tương kỳ hạn tháng 5/2021 tăng 3-3/4 US cent lên 14,33-3/4 USD/bushel, trong phiên có lúc đạt 14,6 USD/bushel – cao nhất kể từ tháng 6/2014. Giá lúa mì kỳ hạn tháng 5/2021 giảm 6-1/2 US cent xuống 6,46-1/2 USD/bushel, trong khi đó giá ngô giao cùng kỳ hạn tăng 1-1/2 US cent lên 5,47 USD/bushel.
đầu phiên giao dịch giá dầu cọ tăng 5,7% lên mức cao nhất hơn 10 năm.
Giá đường giảm do đồng real Brazil suy yếu so với đồng USD khiến các nhà xuất khẩu Brazil đẩy mạnh bán ra, song mức giảm được hạn chế bởi nguồn cung thắt chặt.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn ICE giảm 1,2% xuống 16,2 US cent/lb, sau khi tăng 0,8% trong phiên trước đó; đường trắng kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn London giảm 0,9% xuống 460 USD/tấn.
Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn ICE tăng 0,3 US cent tương đương 0,2% lên 1,2915 USD/lb – lần đầu tiên – tăng sau 6 phiên giảm liên tiếp xuống mức thấp nhất 2 tuần (1,28 USD/lb); cà phê robusta kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn London giảm 20 USD tương đương 1,4% xuống 1.359 USD/tấn.
Các đại lý cho biết, thị trường cà phê dự kiến sẽ vẫn biến động trong những tháng tới khi nước sản xuất lớn nhất – Brazil – sắp bước vào vụ thu hoạch và thời tiết tại nước này trở nên lạnh hơn.
Giá cao su tại Nhật Bản tăng, do kỳ vọng nền kinh tế Trung Quốc hồi phục vững chắc và nguồn cung theo mùa vụ tại các quốc gia Đông Nam Á suy giảm, song mức tăng bị hạn chế bởi hoạt động bán ra chốt lời.
Giá cao su kỳ hạn tháng 8/2021 trên sàn Osaka tăng 1 JPY tương đương 0,4% lên 270,9 JPY (2,5 USD)/kg, trong đầu phiên giao dịch giá cao su đạt 279 JPY/kg – cao nhất kể từ ngày 26/2/2021.
Đồng thời, giá cao su kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn Thượng Hải tăng 5 CNY lên 15.160 CNY (2.324 USD)/tấn.
Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt trên 6% và cam kết tạo nhiều việc làm tại các thành phố hơn năm ngoái.
Giá hàng hóa thế giới sáng 9/3/2021