menu search
Đóng menu
Đóng

TT hàng hóa quốc tế phiên 8/4: USD giảm đẩy giá nhiều mặt hàng tăng

12:00 09/04/2021

Phiên giao dịch vừa qua, giá hầu hết các hàng hóa nguyên liệu đều tăng do USD giảm.
 Trên thị trường năng lượng, giá dầu biến động nhẹ giữa bối cảnh đồng USD suy yếu và thị trường chứng khoán khởi sắc có lợi cho giá tăng, nhưng dự trữ xăng của Mỹ tăng mạnh và nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ vẫn thấp hơn mức trước đại dịch gây áp lực giảm giá.
Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) hạ 17 US cent (0,3%), xuống 59,60 USD/thùng; dầu Brent Biển Bắc tăng nhẹ 4 US cent (0,1%), lên 63,20 USD/thùng.
Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA ở New York, cho biết giá dầu thô đang mất phương hướng khi áp lực từ đại dịch COVID-19 trong ngắn hạn bị hạn chế bởi đồng USD yếu.
Chỉ số đồng USD giảm xuống mức thấp nhất trong hai tuần so với rổ tiền tệ chủ chốt, theo sau đà giảm lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ, khi dữ liệu mới đây cho thấy lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần của Mỹ bất ngờ gia tăng.
Đồng USD yếu hơn khiến giá dầu rẻ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác, điều thường giúp giá dầu hưởng lợi. Trong khi đó, tại thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ số S&P 500 đạt mức cao kỷ lục và Nasdaq ở mức cao nhất trong bảy tuần, nhờ sự tăng giá của các cổ phiếu công nghệ. Sự hưng phấn này trên Phố Wall chỉ diễn ra một ngày sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhắc lại cam kết duy trì chính sách ôn hòa cho đến khi kinh tế phục hồi vững chắc.
Tuy nhiên, giá dầu lại chịu sức ép đi xuống khi dự trữ xăng của Mỹ tăng mạnh 4 triệu thùng, lên hơn 230 triệu thùng trong tuần trước (kết thúc ngày 2/4) khi các nhà máy lọc dầu tăng sản lượng trước giai đoạn di chuyển nhiều trong mùa Hè.
Nga cho biết, ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 đối với việc tiêu thụ dầu toàn cầu có thể kéo dài đến năm 2023-2024, trong khi sản lượng dầu thô có khả năng sẽ tăng.
Tuần trước, Tổ chức Các nước Sản xuất (OPEC) và các đồng minh, bao gồm Nga, còn được gọi là OPEC +, đã đồng ý đưa sản lượng trở lại khoảng 2 triệu thùng/ngày trong ba tháng tới.
Iran và Mỹ đã tổ chức các cuộc đàm phán với các cường quốc khác về việc khôi phục một thỏa thuận hạt nhân, vốn ngăn chặn phần lớn sản lượng dầu của Iran đưa ra thị trường. Điều này làm hồi sinh hy vọng Tehran có thể được Washington dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt và bổ sung vào nguồn cung dầu toàn cầu. Công ty cung cấp thông tin thị trường hàng hóa Kpler dự báo, nếu các cuộc đàm phán Mỹ-Iran tiến tới một thỏa thuận, nước này có thể cung cấp thêm 2 triệu thùng dầu/ngày cho thị trường thế giới.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tăng lên mức cao nhất trong vòng hơn 1 tháng do đồng USD và lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ giảm, bên cạnh số liệu việc làm kém khả quan.
Kết thúc phiên giao dịch, giá vàng giao ngay tăng 1,11% lên 1.756,56 USD/ounce, trước đó trong cùng ngày có thời điểm giá đạt mức cao nhất kể từ ngày 1/3, là 1.758,45 USD/ounce. Vàng kỳ hạn tháng 6 trên sàn New York cũng tăng khoảng 1% lên 1.758,2 USD/ounce.
Chiến lược gia thị trường cấp cao của RJO Futures, Bob Haberkorn, cho biết: "Đồng USD và lợi suất trái phiếu của Mỹ đang giảm, và điều đó tác động mạnh ngay và luôn (đến vàng)… số liệu về việc làm khá ấn tượng cũng giúp đẩy giá vàng tăng lên”, “Giá vàng đáng trên ngưỡng 1.750 USD/ounce, là ngưỡng kỹ thuật quan trọng cho thấy giá vàng có thể sẽ còn tiếp tục tăng thêm nữa”.
Đồng USD giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 2 tuần, trong khi lợi suất kho bạc Mỹ (kỳ hạn tham chiếu) cũng giảm, khiến cho vàng trở nên hấp dẫn hơn so với các khoản đầu tư khác như trái phiếu.
Dữ liệu cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở Mỹ tuần qua bất ngờ tăng lên, như một mảng tối trong bức tranh thị trường lao động đang sáng lên của Mỹ. Theo đó, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tăng 16.000 lên 744.000 trong tuần tới 3/7, so với 728.000 người của tuần trước đó. Điều này trái ngược với kết quả tích cực trong báo cáo trước đó cho thấy nền kinh tế Mỹ đã tạo ra 916.000 việc làm trong tháng 3, cao nhất trong vòng 7 tháng.
Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng càng củng cố niềm tin rằng Fed sẽ tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ cho đến khi nền kinh tế hồi phục vững chắc, như biên bản cuộc họp chính sách mà Fed vừa công bố.
Trong biên bản này, đại diện Fed cho rằng, sự gián đoạn nguồn cung và nhu cầu mạnh có thể đẩy lạm phát giá lên cao hơn. Việc chi tiêu ồ ạt đã làm dấy lên lo ngại lạm phát sẽ phi mã khi nền kinh tế Mỹ mở cửa trở lại.
Mặc dù giá vàng tăng mạnh trong phiên vừa qua, song triển vọng tăng mạnh hơn nữa kéo dài khó xảy ra. Chuyên gia Jeffrey Christian của CPM Group, cho biết: “Mọi người rất lạc quan về triển vọng hồi phục kinh tế và việc tiêm chủng vắc xin tích cực”. Nhiềutổ chức lớn đồng loạt đưa ra các cảnh báo về việc giá vàng thế giới bước vào giai đoạn rủi ro khi các yếu tố hỗ trợ giá vàng tăng mạnh hơn nữa không còn.
CitiBank cho biết đã nhận thấy một số rủi ro chu kỳ cao điểm đối với thị trường vàng, bao gồm việc Fed giảm bớt quy mô mua tài sản vào cuối năm 2021, và định giá giao dịch lãi suất ngắn hạn tích cực hơn để nâng lãi suất chính sách vào năm 2022 - 2023, từ đó có thể hỗ trợ đồng đôla tăng giá trở lại.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng tăng do gia tăng lo ngại về nguồn cung và đồng USD giảm, song tồn trữ tăng đã hạn chế đà tăng giá đồng khi thị trường chờ đợi số liệu thương mại từ nước tiêu thụ hàng đầu – Trung Quốc.
Theo đó, giá đồng trên sàn London tăng 1% lên 9.008 USD/tấn. Tuy nhiên, tính đến nay giá đồng giảm 6% kể từ mức cao nhất 9,5 năm (9.617 USD/tấn) trong tháng 3/2021. Lượng đồng lưu kho trên sàn London tăng hơn gấp đôi kể từ đầu tháng 3/2021.
Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ gặp các nhà lập pháp trong những tuần tới, để thảo luận về kế hoạch cơ sở hạ tầng được đề xuất của ông, dự kiến sẽ thúc đẩy nhu cầu đối với kim loại công nghiệp.
Giá thép Trung Quốc giảm nhẹ khỏi mức cao kỷ lục của phiên trước đó do các nhà đầu tư và các nhà máy tạm dừng mua để đánh giá xem tình hình nhu cầu thép trong thời gian tới sẽ ra rao sau khi giá tăng mạnh gần đây. Các nhà phân tích cho rằng động thái Trung Quốc - nước sản xuất và xuất khẩu thép lớn nhất thế giới - kiểm soát sản lượng thép sẽ ngăn giá thép giảm mạnh.
Giá thép thanh vằn trên sàn Thượng Hải kết thúc ngày 8/4 giảm 0,2% xuống 5.115 CNY (781,39 USD)/tấn; thép cuộn cán nóng giảm 1,7% xuống 5.490 CNY/tấn, kết thúc đợt tăng kéo dài suốt 7 ngày.
Lợi nhuận của ngành thép được cải thiện đã thúc đẩy các nhà máy thép Trung Quốc tăng sản lượng, theo nhận định của các nhà phân tích thuộc Sinosteel Futures.
Nhu cầu nội địa mạnh mẽ ở Trung Quốc thúc đẩy giá thép tăng trong thời gian gần đây, giữa bối cảnh lo ngại về việc nước này hạn chế sản lượng sau khi đưa ra các chính sách mới tập trung vào việc kiểm soát môi trường chặt chẽ hơn nhằm hạn chế năng lực sản xuất của các nhà máy.
Một số nhà máy gây ô nhiễm nặng ở thành phố sản xuất thép hàng đầu của Trung Quốc là Đường Sơn đã buộc phải hạn chế sản xuất một cách nghiêm túc, các khu vực khác có thể cũng sẽ phải thực hiện tương tự.
Các nhà phân tích của J.P. Morgan cho biết: “Đây là lần đầu tiên chính phủ Trung Quốc nhìn nhận ngành thép từ góc độ môi trường trên phạm vi toàn quốc", và "Chúng tôi nhận thấy triển vọng ngày càng chắc chắn rằng những thay đổi cấu trúc này sẽ dẫn đến việc biên lợi nhuận của ngành thép được cải thiện trong dài hạn".
Giá thép giảm kéo giá quặng sắt - nguyên liệu sản xuất thép - giảm theo. Theo đó, giá quặng sắt xuống thấp hơn, với điểm chuẩn DCIOcv1 của Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên giảm 0,6% so với mức 993,50 CNY (151,94 USD)/tấn của phiên liền trước; quặng sắt hàm lượng 62% nhập khẩu tới cảng biển Trung Quốc trong phiên 7/4 đứng ở mức cao nhất 5 tuần, là 170,50 USD/tấn, theo công ty tư vấn SteelHome.
Trên thị trường nông sản, giá ngô Mỹ tăng do lạc quan về xuất khẩu và trước báo cáo cung cầu hàng tháng của Bộ Nông nghiệp Mỹ được đưa ra vào ngày 9/4/2021. Giá ngô kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn Chicago tăng 19-1/4 US cent lên 5,79-3/4 USD/bushel; lúa mì giao cùng kỳ hạn tăng 12-1/2 US cent lên 6,28-3/4 USD/bushel và giá đậu tương kỳ hạn tháng 5/2021 tăng 6-1/2 US cent lên 14,15-1/4 USD/bushel.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn ICE tăng 0,04 US cent tương đương 0,3% lên 15,18 US cent/lb; đường trắng kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn London tăng 80 US cent tương đương 0,2% lên 424,7 USD/tấn.
Các thương nhân cho biết, thị trường đường được củng cố bởi thời tiết khắc nghiệt tại một số quốc gia bao gồm Pháp, nơi nhiệt độ đóng băng gây thiệt hại nghiêm trọng đối với củ cải đường mới trồng. Bộ trưởng Kinh tế Ukraine cho biết, nước này cần nhập khẩu 110.000 tấn đường trong niên vụ này để đáp ứng nhu cầu nội địa, sau khi sản lượng đường năm 2020 giảm.
Cà phê cũng tăng giá trong phiên vừa qua. Arabica kỳ hạn tháng 5/2021 tăng 1,1 US cent tương đương 0,9% lên 1,2785 USD/lb; robusta kỳ hạn tháng 5/2021 tăng 16 USD tương đương 1,2% lên 1.345 USD/tấn.
Giá cao su tại Nhật Bản chạm mức thấp nhất 1 tuần do lo ngại số trường hợp nhiễm Covid-19 tại Nhật Bản và các quốc gia khác tại châu Á tăng, trong khi giá dầu giảm khiến nhu cầu cao su giảm. Giá cao su kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Osaka tăng 0,3 JPY lên 247,9 JPY (2,3 USD)/kg, đầu phiên có lúc giá giảm xuống 241,6 JPY/kg – thấp nhất kể từ ngày 31/3/2021.
Nhật Bản phải đặt Tokyo trong tình trạng "gần như khẩn cấp" mới kéo dài một tháng trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh chỉ 1 tháng sau khi chấm dứt tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc, và trong khi Thế vận hội Olympic mùa Hè sắp đến gần.
Ấn Độ, Hàn Quốc và Thái Lan cũng đang phải đối mặt với tình trạng nhiễm coronavirus gia tăng, làm giảm hy vọng vào sự hồi phục kinh tế mạnh mẽ của khu vực sau đại dịch Covid-19. Dịch bệnh bùng phát trở lại đè nặng lên tâm lý thị trường cao su.
Trong khi đó, nguồn cung cao su thế giới năm 2021 có dấu hiệu tăng do sản lượng cao su tự nhiên của Bờ Biển Ngà dự kiến đạt 1,1 triệu tấn trong năm 2021, tăng gần 16% so với khoảng 950.000 tấn của năm trước.
Theo Hiệp hội các nước sản xuất khẩu cao su tự nhiên (ANRPC), mức tiêu thụ cao su thiên nhiên toàn cầu trong tháng 2/2021 ước đạt 1,1 triệu tấn, tăng tới 47,5% so với tháng 2/2020. Hãng sản xuất cao su Thái Lan, Sri Trang (SET), dự báo nhu cầu cao su tự nhiên toàn cầu năm 2021 sẽ ở mức 13,4 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2020, phần lớn do Trung Quốc tăng thu mua trở lại để phục vụ ngành công nghiệp ô tô đang hồi phục mẽ.
Giá hàng hóa thế giới sáng 9/4/2021

 

 

Nguồn:VITIC/Reuters, Bloomberg