Năng lượng: Giá dầu giảm
Phiên cuối tuần, giá dầu giảm phiên thứ 2 liên tiếp do các công ty năng lượng khu vực Texas chuẩn bị tái khởi động các mỏ dầu và khí sau giai đoạn bị đóng cửa bởi thời tiết băng giá và mất điện.
Kết thúc phiên này (19/2), dầu thô Brent giảm 1,02 USD tương đương 1,6% xuống 62,91 USD/thùng, dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 1,28 USD tương đương 2,1% xuống 59,24 USD/thùng. Tính chung cả tuần, giá dầu Brent tăng 0,5%, trong khi dầu WTI giảm 0,7%. Tuần qua, cả hai loại dầu chủ chốt này đều có thời điểm chạm mức cao nhất trong hơn một năm.
Các nhà máy lọc dầu khu vực bang Texas đã tạm ngừng khoảng 1/5 hoạt động chế biến dầu của quốc gia, trong bối cảnh mất điện và thời tiết giá lạnh bất thường. Các nhà phân tích của Rystad Energy ước tính rằng thời tiết lạnh giá sẽ khiến sản lượng dầu thô của Mỹ giảm từ 500.000-1,2 triệu thùng.
Công suất lọc dầu khoảng 3 triệu thùng/ngày cũng bị ảnh hưởng khi một số nhà máy lọc dầu lớn nhất nước Mỹ ngừng hoạt động, bao gồm cả các cơ sở của Motiva Enterprises tại Port Arthur, Texas. Các nhà phân tích ước tính rằng, thời tiết giá rét bất thường ở Texas và các bang thuộc vùng đại bình nguyên nước Mỹ đã làm mất tới 4 triệu thùng dầu thô/ngày và 21 tỷ feet khối khí tự nhiên (1 feet khối = 0,028 m3).
Các công ty năng lượng Mỹ trong tuần này cũng đã cắt giảm số lượng giàn khoan dầu hoạt động lần đầu tiên kể từ tháng 11/2020. Theo dữ liệu của công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes, số giàn khoan đang hoạt động tại Mỹ trong tuần qua đã giảm 1 giàn, xuống 305 giàn khoan.
Bên cạnh đó, những lo ngại về khả năng thắt chặt nguồn cung tại Trung Đông cũng gia tăng sau một vụ tấn công vào hai sân bay của Saudi Arabia cũng góp phần hỗ trợ giá dầu.
Tuy nhiên, xu hướng tăng đã bị chặn lại trong phiên giao dịch ngày 18/2, khi giới đầu tư đẩy mạnh bán chốt lời sau đợt mua vào kéo dài nhiều ngày qua.
Jim Ritterbusch, Chủ tịch của Ritterbusch và Associates cho biết, sự giảm giá dầu vào cuối tuần là khá nhẹ và dường như là điều chỉnh đương nhiên giữa bối cảnh giá dầu đã tăng mạnh trong tháng này.
Các nhà máy lọc dầu ở Texas đã phải tạm ngưng khoảng 1/5 hoạt động chế biến dầu của cả nước trong bối cảnh mất điện và giá rét nghiêm trọng.
Tuy nhiên, các công ty trong khu vực đang chuẩn bị khởi động lại hoạt động sản xuất khi các dịch vụ điện nước trở lại bình thường.
Chính phủ Mỹ ngày 18/2 cho biết họ sẵn sàng đàm phán với Iran về việc quay trở lại thỏa thuận năm 2015 nhằm ngăn chặn Tehran mua vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, các nhà phân tích không mong đợi các lệnh trừng phạt đối với Iran mà chính phủ tiền nhiệm Mỹ đã áp đặt có thể rút lại trong “một sớm một chiều”.
Nhà phân tích Kevin Solomon của StoneX cho biết, động thái mới nhất của Mỹ trong quan hệ với Iran làm tăng khả năng Iran sớm quay trở lại thị trường dầu mỏ, mặc dù còn nhiều điều phải thảo luận và một thỏa thuận mới sẽ không phải là “bản sao” của thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Kim loại quý: Giá vàng giảm mạnh
Kết thúc phiên cuối tuần, giá vàng tăng trở lại từ mức thấp nhất hơn 7 tháng lúc đầu phiên giao dịch do đồng USD giảm, song lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng đã khiến vàng thỏi có tuần giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng 1/2021.
Phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,3% lên 1.780,86 USD/ounce, sau khi có lúc chạm mức thấp nhất kể từ ngày 2/7/2020 (1.759,29 USD/ounce). Tuy nhiên, tính chung cả tuần giá vàng giảm 2,4% - mức giảm mạnh nhất kể từ tuần kết thúc ngày 8/1/2021. Vàng kỳ hạn tháng 4/2021 phiên cuối tuần tăng 0,1% lên 1.777,4 USD/ounce.
Đồng USD giảm 0,3% so với các đồng tiền chủ chốt khác và có tuần giảm thứ 2 liên tiếp.
Các nhà phân tích cho biết vàng vẫn được hưởng lợi từ chính sách tiền tệ nới lỏng và môi trường lãi suất thấp trong năm nay. Vàng được xem là một kênh phòng ngừa lạm phát nên dự báo lạm phát tăng sẽ thúc đẩy lãi suất tăng, qua đó làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ kim loại quý không sinh lời.
Các chuyên gia phân tích của Commerzbank cho biết biến động của giá vàng tương tự như diễn biến của một cơn sóng thần, khi giá giảm trong giai đoạn đầu trước khi quay trở lại dữ dội hơn.
Các nhà đầu tư vẫn tập trung vào tiến trình triển khai gói kích thích kinh tế liên quan đến dịch COVID-19 trị giá 1.900 tỷ USD của Mỹ.
Doanh số bán lẻ của Mỹ đã phục hồi trong tháng Một vừa qua, trong khi chỉ số giá sản xuất của nước này tăng mạnh nhất kể từ năm 2009, cho thấy lạm phát đang bắt đầu gia tăng. David Meger, Giám đốc giao dịch kim loại tại High Ridge Futures, cho biết nền kinh tế Mỹ được dự báo sẽ phục hồi dần dần.
Sự lạc quan về việc có thể kiểm soát dịch COVID-19 đang được thể hiện qua việc đồng USD tăng lên và lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm chạm mức lên mức cao nhất kể từ tháng 2/2020.
Nhà phân tích Craig Erlam của OANDA cho biết giá vàng có thể tăng trở lại khi các đồng tiền khác tăng so với đồng USD vào cuối năm nay. Michael Langford, Giám đốc công ty cố vấn AirGuide lại cảnh báo rằng các loại tài sản khác cũng như các loại hàng hóa đang mở ra một kênh đầu tư hấp dẫn hơn vàng hiện nay. Trong khi đó, chiến lược gia hàng hóa của TD Securities Daniel Ghali cho biết, vàng đang chuyển dần khỏi vai trò là một tài sản phòng ngừa lạm phát như phần lớn thời gian của năm 2020, để tiếp tục trở thành một tài sản trú ẩn an toàn, khi lợi suất trái phiếu gia tăng.
Kim loại công nghiệp: Giá đồng tăng 3 tuần liên tiếp nhưng quặng sắt giảm tuần thứ 3 liên tiếp
Phiên cuối tuần, giá đồng tăng lên mức cao nhất 9 năm, kết thúc tuần tăng thứ 3 liên tiếp do nguồn cung bị thắt chặt và tác động từ xu hướng giá kim loại cơ bản nhìn chung đều tăng sau Tết Nguyên đán.
Theo đó, giá đồng trên sàn London phiên cuối tuần tăng 4,4% lên 8.930 USD/tấn, trong phiên có lúc đạt 8.995 USD/tấn – cao nhất kể từ tháng 9/2011. Lượng đồng lưu kho trên sàn London hiện ở mức thấp gần nhất kể từ năm 2005.
Giá đồng tăng cũng được hỗ trợ một phần bởi những dấu hiệu hồi phục bền vững tại Mỹ và châu Âu nhờ vắc xin virus corona, người đứng đầu nghiên cứu Sucden Financial thuộc Geordie Wilkes cho biết.
Giá quặng sắt tại Trung Quốc cũng giảm trong phiên cuối tuần, sau thông tin tồn trữ sản phẩm thép tại Trung Quốc tăng đáng kể, làm giảm kỳ vọng các nhà máy thép sẽ thúc đẩy sản lượng sau kỳ nghỉ kéo dài 1 tuần.
Kết thúc phiên này, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn Đại Liên giảm 0,3% xuống 1.117 CNY (172,85 USD)/tấn, giảm lần đầu tiên trong 7 phiên. Tuy nhiên, tính chung cả tuần giá quặng sắt tăng tuần thứ 3 liên tiếp và đạt mức cao nhất 8 tuần trong phiên ngày 18/2/2021.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 3/2021 trên sàn Singapore giảm 0,6% xuống 168,55 USD/tấn, sau 4 phiên tăng liên tiếp.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây tăng 0,3%, thép cuộn cán nóng giảm 0,5%, thép không gỉ tăng 3,9% do cơn bão nhiệt đới ảnh hưởng đến trung tâm khai thác nickel tại khu vực phía nam Philippines – thị trường cung cấp quặng lớn nhất của Trung Quốc, làm trầm trọng thêm mối lo ngại về tồn trữ nguyên liệu này tại cảng của nước sản xuất thép hàng đầu thế giới suy giảm.
Tồn trữ 5 sản phẩm thép chủ yếu tại 184 nhà máy thép Trung Quốc giai đoạn 4-17/2/2021 tăng mạnh 46,1%, công ty tư vấn Mysteel cho biết.
Nông sản: Giá hầu hết tăng trong tuần
Phiên cuối tuần, giá đậu tương Mỹ tăng sau khi Bộ Nông nghiệp nước này dự báo nguồn cung nội địa thắt chặt đến năm 2022, mặc dù dự kiến diện tích trồng trọt trong mùa thu này đạt mức cao kỷ lục.
Trên sàn Chicago phiên 19/2, giá đậu tương kỳ hạn tháng 3/2021 tăng 2-1/4 US cent lên 13,77-1/4 USD/bushel. Tính chung cả tuần, giá đậu tương tăng 0,4%. Trong khi đó, giá ngô kỳ hạn tháng 3/2021 giảm 7-1/2 US cent xuống 5,42-3/4 USD/bushel. Tuy nhiên, tính chung cả tuần giá ngô tăng 0,7%. Giá lúa mì kỳ hạn tháng 3/2021 giảm 11-3/4 US cent xuống 6,5-3/4 USD/bushel, trong phiên có lúc đạt mức cao nhất 3,5 tuần. Tính chung cả tuần, giá lúa mì tăng 2,2%.
Giá đường thô phiên cuối tuần tăng lên mức cao nhất gần 4 năm và có tuần tăng 7,5%, được thúc đẩy bởi nguồn cung trong ngắn hạn thắt chặt. Theo đó, giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2021 trên sàn ICE tăng 0,28 US cent tương đương 1,8% lên 17,79 US cent/lb, trong phiên có lúc đạt 17,96 US cent/lb – cao nhất kể từ tháng 3/2017. Tính chung cả tuần, giá đường thô tăng 7,5%; đường trắng kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn London tăng 8,2 USD lên 481,4 USD/tấn, trong phiên có lúc đạt 484,8 USD/tấn.
Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn ICE phiên cuối tuần giảm 0,15 US cent tương đương 0,1% xuống 1,2915 USD/lb, sau khi đạt mức cao nhất 1 tháng (1,3035 USD/lb) trong phiên trước đó; tính chung cả tuần giá Arabica tăng hơn 5%. Giá robusta kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn London giảm 11 USD tương đương 0,8% xuống 1.369 USD/tấn.
Giá cao su tại Nhật Bản phiên cuối tuần tăng lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 12/2020, khi giá tiêu dùng giảm chậm lại cho thấy nền kinh tế đang dần hồi phục. Theo đó, giá cao su kỳ hạn tháng 7/2021 trên sàn Osaka tăng 7,3 JPY tương đương 2,8% lên 265 JPY/kg – cao nhất kể từ ngày 3/12/2020.
Giá tiêu dùng lõi của Nhật Bản giảm tháng thứ 6 liên tiếp trong tháng 1/2021, song tốc độ giảm chậm lại khiến các nhà hoạch định chính sách giảm bớt lo ngại về áp lực giảm phát mà nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Nguồn:VITIC/Reuters, Bloomberg