menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường dầu ăn: “Tăng nhiệt” với nhiều dự án đầu tư mới

14:24 20/07/2015

Vinanet - Thị trường dầu ăn tại Việt Nam vẫn đang chứng tỏ “sức nóng” khi chỉ trong thời gian ngắn đã có hàng ngàn tỷ đồng của các doanh nghiệp (DN) đầu tư cho ngành này.

Mới đây, Công ty TNHH Dầu thực vật miền Bắc (Nortalic) - đơn vị liên doanh giữa Tổng công ty Công nghiệp dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) và Công ty Musim Mas Vietnam Oils & Fats Pte. Ltd của Singapore đã xây dựng Dự án Nhà máy tinh chế sản xuất dầu ăn và các sản phẩm chiết xuất từ dầu ăn tại tỉnh Thanh Hóa.

Nhà máy có tổng vốn đầu tư hơn 71,5 triệu USD, công suất thiết kế 1.500 tấn/ngày, sau giai đoạn I, hoàn thành vào tháng 12/2016, nhà máy có thể đạt công suất 600 tấn, với các sản phẩm dầu đậu nành, hạt cải, dầu cọ, dầu cá... phục vụ thị trường Việt Nam và quốc tế.

 Việc nhà đầu tư Singapore đầu tư vào sản xuất dầu ăn tại Việt Nam chứng tỏ thị trường này vẫn còn sức hút rất lớn. Thực tế cho thấy, trước thời điểm nhà máy này được khởi công thì KIDO Group (KDC) cũng đã nhanh chân hợp tác với đối tác Malaysia để nhảy vào mảng sản xuất dầu ăn. Theo đánh giá của KDC, thị trường dầu ăn Việt Nam có quy mô rất lớn khi mức tiêu thụ dầu ăn của người Việt sẽ tăng gấp 3 lần từ 7-8 kg/người/năm lên xấp xỉ 20kg/người/năm vào năm 2020. Do đó, tập đoàn không ngần ngại bỏ ngàn tỷ đồng để quyết tâm chiếm lĩnh thị phần ngành này.

Ông Trần Lệ Nguyên - Tổng gián đốc KDC - nhận định, thị trường dầu ăn hiện cạnh tranh rất gay gắt nhưng với dân số trên 90 triệu người, tiềm năng tăng trưởng của thị trường này là rất lớn. “Để gia nhập thị trường, KDC sẽ tham gia vào tất cả các phân khúc gồm: Mảng dầu ăn công nghiệp, cung cấp cho các nhà hàng - khách sạn và người tiêu dùng trên toàn quốc. Ngoài ra, KDC cũng đang đặt chiến lược sẽ cung cấp nguyên liệu dầu cọ cho các nhà máy khác. Tham vọng của KDC là vị trí Top 3 ngành hàng thực phẩm tại Việt Nam” - ông Nguyên cho biết.

Trước đó, vào cuối năm 2014, Tập đoàn Sao Mai An Giang đã tham gia vào mảng sản xuất dầu ăn tại Việt Nam và chọn thị trường ngách là dầu cá tra. Thị trường này như chiếc chảo lửa, nhưng tập đoàn vẫn quyết tâm nhảy vào vì chưa có DN nào trong và ngoài nước sản xuất dầu ăn từ tinh dầu cá tra.

Theo Tập đoàn Sao Mai An Giang, ngoài chất lượng, giá cạnh tranh, thương hiệu, phân phối tiện lợi, DN đã sản xuất ra sản phẩm với sự khác biệt đó là nguyên liệu không phụ thuộc vào nước ngoài, giá rẻ và đặc biệt có màu dầu đẹp, chiên khó cháy. Được biết, nhà máy tinh luyện dầu cá cao cấp Sao Mai có tổng diện tích gần 4 ha, tọa lạc tại xã Bình Thành, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, công suất giai đoạn I là 200 tấn nguyên liệu/ngày, tổng giá trị đầu tư hơn 500 tỷ đồng; dự kiến sẽ nâng lên công suất 200 tấn/ngày (trong khoảng 2015 - 2016) và tới 300 tấn/ngày từ năm 2016 trở đi.

Theo Tân Sao Mai, vùng ĐBSCL mỗi năm cung cấp ra thị trường sản lượng mỡ cá tra không dưới 140.000 tấn nhưng được dùng làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến thức ăn gia súc, sản xuất dầu biodiesel và xuất khẩu thô với giá bán thấp. Trong khi đó, Việt Nam đang chi hàng tỷ USD mỗi năm để nhập khẩu dầu thực vật và nhu cầu này ngày càng gia tăng. Sản phẩm dầu cá Ranee sẽ là mắt xích vô cùng quan trọng kết nối hình thành chuỗi khép kín của quy trình nuôi trồng và chế biến ca tra, ba sa xuất khẩu.

 Thị trường dầu ăn hiện rất tiềm năng bởi dù đã có các thương hiệu lớn đang độc chiếm thị trường như: Neptune, Simply (sản phẩm của Cái Lân); Marvela (sản phẩm của Golden Hope - Nhà Bè); Cooking Tường An (sản phẩm của Tường An); dầu nành tinh luyện Nakydaco (sản phẩm của Tân Bình), Cooking Voca, dầu mè Voca (sản phẩm của Vocarimex)… thì các “đại gia” mới vẫn không ngần ngại chen chân vào chiếm lĩnh.

Nguồn:Báo Công thương