menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng hợp các bản tin ngày 18/1/2023 của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam

16:50 18/01/2023

Triển vọng nhu cầu tiêu thụ đậu tương trong xuất khẩu và ép dầu ở Mỹ suy yếu sẽ tạo áp lực ngắn hạn tới giá
 
Mở cửa phiên giao dịch ngày 18/01, lực mua tiếp tục chiếm ưu thế trên thị trường đậu tương. Xu hướng tăng duy trì liên tiếp từ 4 phiên trước đó và giá đã vượt lên hẳn vùng đỉnh trước đó được thiết lập vào cuối tháng 12. Tương tự như năm ngoái, diễn biến này xuất phát từ những lo ngại đối với mùa vụ ở Nam Mỹ đang phải trải qua khô hạn trong giai đoạn phát triển quan trọng, đặc biệt là khi số liệu từ báo cáo WASDE tháng 1 của USDA vẫn chưa phản ảnh hết được những thiệt hại nghiêm trọng như dự đoán của phần lớn các tổ chức lớn.
Mặc dù chịu sức ép lớn ngay khi thị trường mở cửa trở lại sau đợt nghỉ lễ vừa rồi do dự báo thời tiết ở Argentina cho thấy một lượng mưa đáng kể xuất hiện vào cuối tuần này nhưng giá đậu tương vẫn quay đầu trở lại và ghi nhận mức tăng tới hơn 1%. Điều này cho thấy rằng thị trường vẫn đang thiên về bên mua, ít nhất là cho tới khi việc độ ẩm cải thiện được xác nhận nên nếu giá đậu tương điều chỉnh thì khả năng sẽ diễn ra vào cuối tuần này.
Bên cạnh nguồn cung, nhu cầu tiêu thụ cũng là một trong những yếu tố đáng chú ý trong bối cảnh kinh tế hiện tại. Trung Quốc là nước nhập khẩu đậu tương lớn nhất thế giới, chiếm hơn 60% thương mại toàn cầu. Nhập khẩu đậu tương chủ yếu để ép dầu làm nguyên liệu trong sản xuất thức ăn chăn nuôi. Do đó, nhập khẩu trong tương lai chủ yếu sẽ bị ảnh hưởng bởi triển vọng nhu cầu ngành chăn nuôi. Nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc sẽ có tác động sâu sắc đến toàn bộ chuỗi cung ứng và định hình lại dòng chảy thương mại toàn cầu. Chỉ còn vài tháng nữa sẽ tới giai đoạn thu hoạch và xuất khẩu cao điểm của Brazil nhưng khối lượng xuất khẩu của Mỹ trong vài tuần vừa qua vẫn ở mức thấp so với cùng kì năm ngoái. Không những thế, Báo cáo Ép dầu của NOPA cho thấy, khối lượng ép dầu đậu tương trong tháng 12/2022 của Mỹ giảm mạnh cũng cho thấy triển vọng nhu cầu suy yếu.

Giá Arabica khả năng cao sẽ tiếp tục suy yếu trong phiên hôm nay khi triển vọng nguồn cung tại Brazil ngày càng tích cực
Kết thúc phiên giao dịch ngày 17/01, cả 2 mặt hàng cà phê đều ghi nhận sự suy yếu nhẹ. Triển vọng nguồn cung năm 2023 tại Brazil trở nên tích cực hơn do có mưa tại vùng sản xuất chính là nhân tố quan trọng hàng đầu khiến giá quay đầu sau 2 phiên tăng mạnh trước đó. Thời tiết chuyển biến theo hướng hỗ trợ cho hoạt động thu hoạch và sản xuất cà phê tiếp tục là nguyên nhân khiến giá Robusta giảm trong phiên hôm qua.
Sau những tác động trái chiều của thông tin cơ bản trong phiên hôm qua. Thị trường khả năng cao sẽ tiếp tục hấp thụ thông tin về triển vọng nguồn cung tích cực tại Brazil. Bên cạnh dự báo lượng mưa lớn lên đến 100 mm sẽ xuất hiện tại Minas Gerais, vùng chiếm 30% sản lượng cà phê của Brazil trong hơn 10 ngày tới và hỗ trợ sự phát triển của cây trồng. Tổng lượng mưa dồi dào trong các tuần vừa qua với hơn 200 mm trong tuần trước cũng đưa thêm những tín hiệu cho thấy sự ủng hộ của thời tiết đối với cây cà phê sẽ thu hoạch trong năm 2023 tại Brazil. Đây sẽ tiếp tục là nhân tố khiến giá cà phê có thể suy yếu trong phiên hôm nay.
Cùng với đó, tồn kho đạt chuẩn của Arabica trên Sở ICE vẫn nối dài đà tăng và chạm mức cao mới trong vong 07 tháng qua. Dù đà tăng không còn mạnh như giai đoạn đầu nhưng động lượng tăng vẫn còn và đây có thể vẫn tiếp tục là nhân tố gây áp lực lên giá.

Báo cáo của IEA nhiều khả năng sẽ tiếp tục thúc đẩy đà tăng của giá dầu trong ngày hôm nay
Giá dầu mở cửa phiên hôm nay với lực mua tiếp tục chiếm ưu thế, do kỳ vọng nhu cầu tích cực trong khi một số gián đoạn về nguồn cung cũng hỗ trợ cho giá. Khoảng giao dịch vẫn còn khá hẹp, khi nhiều nhà đầu tư thận trọng trước thềm ra báo cáo thị trường dầu tháng 1 của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) vào chiều nay.
Mới đây, người đứng đầu mới của công ty dầu mỏ nhà nước Venezuela PDVSA đã đình chỉ hầu hết các hợp đồng xuất khẩu dầu nhằm xem xét rủi ro vỡ nỡ do bán với giá chiết khấu cao kể từ các lệnh trừng phạt thương mại của Mỹ vào 2019. Hầu hết các bến vận chuyển dầu chính của Venezuela, cảng Jose, đều trống và hơn chục tàu đang ở khu vực neo đậu. Gián đoạn nguồn cung trong ngắn hạn có thể tiếp tục hỗ trợ cho giá.
Bên cạnh đó, nguồn cung từ phía Nga cũng còn khá rủi ro, nhất là khi đầu tháng 2 các nước phương Tây sẽ cấm nhập khẩu sản phẩm tinh chế từ Nga. Nguồn tin cấp cao của Nga đã chia sẻ rằng lệnh cấm vận các sản phẩm dầu sẽ có tác động lớn hơn các hạn chế đối với dầu thô, do Nga cũng thiếu khả năng lưu trữ các sản phẩm dầu mỏ. Theo dự báo, vào năm 2022, sản lượng các sản phẩm dầu mỏ của Nga tăng gần 3% lên 272 triệu tấn và dự kiến sẽ giảm xuống 230 triệu tấn trong năm nay.
Một yếu tố tác động tới giá dầu trong phiên hôm nay sẽ là các dự báo từ Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA). Trong báo cáo tháng 12 lần trước, IEA đã có góc nhìn tương đối tích cực về nhu cầu dầu thô trong năm 2023, với cán cân cung cầu khá cân bằng trong cuối năm 2022, và sau đó cầu sẽ vượt cung khoảng 800,000 thùng/ngày trong năm 2023. Với bối cảnh Trung Quốc mở cửa trở lại trong tháng 12, nhiều khả năng báo cáo tháng 1 của IEA lần này cũng sẽ nhận định tích cực về nhu cầu và hỗ trợ cho đà tăng của giá dầu trong ngày hôm nay.

Đồng có thể tiếp tục đón nhận lực mua do thị trường lạc quan về sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc
Sau khi tạo đỉnh mới trong phiên giao dịch ngày 17/01, giá đồng suy yếu trong phiên sáng ngày 18/01 do lực bán chốt lời. Tuy nhiên dự báo giá đồng vẫn giữ được đà tăng trong cả phiên hôm nay.
Năm 2022 là một năm kinh tế suy yếu đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, nền kinh tế nước này đang dần phục hồi trong những tuần gần đây khi dịch bệnh đã đạt đỉnh ở nhiều nơi và Chính phủ tăng cường các gói hỗ trợ đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản. Các dữ liệu kinh tế tăng trưởng vượt kỳ vọng làm tăng thêm niềm lạc quan của thị trường về sự phục hồi trong nền kinh tế của nước này. Điều này thúc đẩy triển vọng nhu cầu tiêu thụ đồng tăng khiến giá dự báo tiếp tục tăng trong phiên hôm nay, đặc biệt là khi vấn đề nguồn cung đồng toàn cầu bị gián đoạn.
Về yếu tố nguồn cung, ở Peru, nơi sản xuất đồng lớn thứ hai thế giới, hiện đang gặp tình trạng bất ổn dân sự tồn tệ nhất trong vòng 20 năm. Tại mỏ Antapaccay với sản lượng gần 140,000 tấn đồng tính từ tháng 1 tới tháng 11 năm 2022, là một trong những mỏ lớn nhất của Peru, hiện đang gặp tình trạng biểu tình khiến công suất mỏ suy giảm. Hơn nữa, tại mỏ Las Bambas của Peru, chiếm 2% nguồn cung đồng toàn cầu, việc vận chuyển đồng cũng bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa. Lo ngại nguồn cung gián đoạn sẽ là yếu tố giúp giá đồng tăng trong phiên hôm nay.
Về yếu tố vĩ mô, tối nay Mỹ sẽ công bố dữ liệu doanh số bán lẻ và chỉ số giá sản xuất PPI của Mỹ, dự báo sẽ có tác động nhất định tới giá đồng trong phiên. Nếu số liệu doanh số bán lẻ vượt ước tính cho thấy nhu cầu tiêu dùng vẫn cao trong bối cảnh lãi suất cao, điều này khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tiếp tục tăng lãi suất cao, tạo động lực tăng cho đồng USD, làm giảm lực mua đồng. Ngược lại, nếu chỉ số PPI giảm nhiệt, nền kinh tế đi theo đúng hướng mà Fed muốn, khi đó Fed có thể tăng lãi suất ít hơn và khiến đồng USD suy yếu, thúc đẩy lực mua đồng.

Nguồn:Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)