menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng hợp diễn biến thị trường tuần đến ngày 24/12/2021

08:37 27/12/2021

Phần lớn các mặt hàng kim loại đều đóng cửa trong sắc xanh, khi thị trường không còn e sợ biến thể Omicron.
NÔNG SẢN
Khô đậu tương tiếp tục là mặt hàng dẫn dắt đà tăng của các sản phẩm đậu tương nói riêng và toàn bộ nhóm nông sản nói chung trong 2 tuần liên tiếp. Với mức tăng mạnh lên đến 6.37%, giá khô đậu tương tháng 03 đóng cửa ở mức 400.5 USD/tấn Mỹ, cao nhất kể từ giữa tháng 05 đến nay.
Giá đậu tương tháng 03 cũng tăng mạnh hơn 4% lên mức 1340.75 cents/giạ, bất chấp các số liệu bán hàng có phần tiêu cực trong báo cáo Export Sales và không phát sinh bất cứ đơn hàng lớn theo ngày nào trong suốt tuần vừa rồi.
Mặc dù ảnh hưởng tích cực từ mức tăng đến 5.5% của dầu cọ và 4.3% của giá dầu thô WTI, nhưng áp lực trái chiều với khô đậu khiến cho giá dầu đậu tương chỉ tăng 2.7%, lên mức 55.42 cents/pound khi kết thúc tuần.
Đóng cửa, lúa mì Chicago tháng 03 tăng mạnh 5.1% lên mức 814.75 cents/giạ.
Ảnh hưởng tích cực từ mức tăng của lúa mì cùng các mặt hàng nhóm đậu tương và lo ngại về sản lượng do khô hạn ở Nam Mỹ, cũng giá giá ngô tháng 03 tăng hơn 2% lên mức 605.75 cents/giạ.

NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Hợp đồng Arabica kỳ hạn tháng 3/2022 kết thúc tuần ở mức 231.2 cents/pound, thấp hơn 1.3% so với tuần trước. Hợp đồng Robusta cùng kỳ hạn tăng nhẹ 0.9% lên 2353 USD/tấn. Giá Robusta hiện rẻ hơn giá Arabica tới 54% nên đã thúc đẩy lực mua trên Sở ICE EU nhằm thu hẹp lại mức chênh lệch này giữa hai Sở. Dù có sự khác biệt nhất định về diễn biến giá trong tuần vừa qua, nhưng giá của hai mặt hàng cà phê vẫn đang giao dịch rất vững vàng ở vùng đỉnh 10 năm.
Giá bông đóng cửa trong sắc xanh tuần thứ ba liên tiếp với mức tăng 1.7% lên 109.1 cents/pound. Sau cú giảm mạnh vào đầu tuần, thị trường bông hồi phục cùng với đà tăng của các thị trường đầu tư trên thế giới.
Hai mặt hàng đường cũng tăng trở lại khi mà biến thể Omicron không quá nguy hiểm như những lo sợ trước đó. Giá đường 11 tăng 0.7% lên 19.24 cents/pound, giá đường trắng tăng 1% lên 503.3 USD/tấn.

KIM LOẠI
Với nhóm kim loại quý, giá bạc tăng 1.8% lên 22.9 USD/ounce, giá bạch kim tăng mạnh 4.34% lên 975.1 USD/ounce. Cả hai mặt hàng đều đã quay trở lại mức giá cao nhất trong vòng một tháng. Thông thường, giá các mặt hàng kim loại quý sẽ không tăng nếu như dòng vốn đổ về các thị trường đầu tư rủi ro như thị trường chứng khoán và thị trường tiền điện tử, tuy nhiên, đầu tuần vừa qua, toàn bộ các thị trường trải qua cơn “bán tháo hoảng loạn” bởi nước Anh có thể tiến hành phong tỏa.
Các mặt hàng kim loại cơ bản cũng đóng cửa tuần trong sắc xanh. Giá đồng tăng 2.3% lên 4.393 USD/pound, giá quặng sắt cũng tăng 6.3% lên 127.43 USD/tấn. Cả hai mặt hàng đều hồi phục cùng với các thị trường tài chính nói chung.
Các mặt hàng khác như nhôm hay kẽm cũng tăng mạnh khi mà các nhà máy ở Châu Âu phải cắt giảm sản lượng do giá năng lượng tăng quá cao. Giá nhôm đóng cửa tuần tăng 4.13% lên 2837 USD/tấn, giá kẽm cũng tăng 3.9% lên 3519 USD/tấn.

NĂNG LƯỢNG
Kết tuần, giá WTI tháng 2 tăng 4.34% lên 73.79 USD/thùng trong khi giá Brent tháng 3 tăng 3.09% lên 75.79 USD/thùng.
Các tin tức liên quan đến đại dịch COVID-19 tiếp tục là thông tin chủ đạo quyết định hướng đi của thị trường trong tuần vừa rồi. Tuy vậy, khác với các báo cáo bi quan trong thời điểm trước, các nghiên cứu đưa ra trong tuần vừa rồi gợi ý mặc dù tốc độ lây lan nhanh hơn, tuy nhiên các triệu chứng do biến thể Omicron gây ra có thể nhẹ hơn đáng kể so với chủng Delta.
Khí tự nhiên tháng 2 giảm 0.25% khi thời tiết ấm hơn tại Mỹ gây sức ép lên giá nội địa. Tuy vậy, nhu cầu xuất khẩu sang châu Âu có thể sẽ tăng dần lên.

Nguồn:Vinanet/VITIC/MXV

Link gốc