menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng kết giá hàng hóa TG phiên 19/9: Giá hầu hết giảm

11:41 20/09/2022

Phiên giao dịch vừa qua, giá hầu hết các hàng hóa nguyên liệu giảm, ngoại trừ dầu mỏ.
 
Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng do ngại nguồn cung thắt chặt, mặc dù vẫn còn đó lo ngại nhu cầu trên toàn cầu có thể chậm lại do USD mạnh và lãi suất dự báo tăng cao.
Kết thúc phiên vừa quam, giá dầu Brent kỳ hạn tháng 11 tăng 65 cent, tương đương 0,7%, lên 92 USD/thùng, dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) kỳ hạn tháng 10 tăng 62 cent lên 85,73 USD/thùng, tương đương tăng 0,7%. Diễn biến giá trong phiên liên tục biến động mạnh.
Một tài liệu nội bộ cho thấy Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất dầu liên minh (được gọi là OPEC +) đã không đạt mục tiêu sản xuất 3,583 triệu thùng dầu/ngày vào tháng Tám. Vào tháng 7, OPEC+ cũng đã bỏ lỡ mục tiêu 2,892 triệu thùng/ngày.
Ông Andrew Lipow, Chủ tịch của công ty tư vấn ngành năng lượng Lipow Oil Associates (Mỹ) cho biết việc kết quả khảo sát sản lượng của OPEC+ thấp hơn rất nhiều so với hạn ngạch đề ra trong tháng Tám khiến thị trường cảm thấy khối này đơn giản là không thể tăng sản lượng theo yêu cầu.
Dennis Kissler, phó chủ tịch cấp cao phụ trách giao dịch của BOK Financial cho biết nhiều nhà giao dịch tỏ ra thận trọng chờ đợi cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tuần này. Hiện thị trường đang đặt cược vào khả năng Fed tăng lãi suất thêm tới 1 điểm phần trăm trong cuộc họp kéo dài hai ngày 20 – 21/9. Lãi suất tăng sẽ giúp đồng USD mạnh lên, khiến các tài sản được định giá bằng đồng tiền này như dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Khối lượng giao dịch phiên 19/9 thấp vì nước Anh tổ chức Quốc tang cho Nữ hoàng Elizabeth. Bên cạnh đó, giá dầu cũng chịu áp lực đi xuống từ hy vọng cuộc khủng hoảng cung cấp khí đốt của châu Âu giảm bớt. Các khách hàng Đức đã bảo lưu khả năng nhận khí đốt của Nga thông qua đường ống Nord Stream 1 - đã bị đóng cửa, nhưng điều này sau đó đã được sửa đổi và không có khí đốt nào được đưa vào.
Giá dầu thô đã tăng vọt trong năm nay, với dầu Brent hồi tháng 3 vọt lên gần mức cao kỷ lục lịch sử, 147 USD/thùng, làm trầm trọng thêm mối lo ngại về nguồn cung. Những lo lắng về tăng trưởng kinh tế và nhu cầu yếu đi cũng gây áp lực lên giá.
Thị trường cũng bị ảnh hưởng từ những dự báo về nhu cầu yếu hơn, chẳng hạn như dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vào tuần trước rằng quý IV/2022 sẽ không ghi nhận tăng trưởng trong nhu cầu năng lượng.
Tuy nhiên, vẫn có các yếu tố hỗ trợ giá dầu. Các nhà phân tích của ngân hàng ANZ (Australia) cho biết “vàng đen” vẫn có thể tăng khi các lệnh trừng phạt của châu Âu đối với dầu của Nga có hiệu lực. Do nguồn cung bị gián đoạn từ đầu tháng 12/2021, thị trường sẽ khó có thể thấy bất kỳ phản ứng nhanh chóng nào từ các nhà sản xuất Mỹ.
Tồn trữ dầu của Mỹ ước tính tăng trung bình 2 triệu thùng trong tuần tính đến 16/9, theo kết quả thăm dò của Reuters.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng ở quanh mức thấp nhất 29 tháng ghi nhận hôm 16/9 do kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất mạnh tại cuộc họp tuần này.
Kết thúc phiên giao dịch, giá vàng giao ngay giảm 0,3% xuống 1.670,72 USD/ounce; chỉ cao hơn một chút so với mức thấp nhất kể từ tháng 4 năm 2020, chạm tới vào thứ Sáu. Giá vàng kỳ hạn tháng 12 giảm 0,3% xuống 1.678,20 USD.
Ông Daniel Pavilonis, chiến lược gia thị trường cấp cao của công ty tư vấn đầu tư RJO Futures (Mỹ) cho biết việc vàng vẫn đang quanh mức thấp phần lớn do những đồn đoán về cuộc họp của Fed trong tuần này. Chuyên gia của RJO Futures cho biết thêm rằng lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cao hơn cũng đang gây áp lực lên giá vàng.
Khi kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày vào thứ Tư, Fed dự kiến sẽ thông báo tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản để chống lại lạm phát cao. Một số thị trường thậm chí còn nhận định có 20% cơ hội Fed sẽ tăng lãi suất thêm 100 điểm cơ bản.
Lo ngại về lạm phát gia tăng cũng đã thúc đẩy các ngân hàng trung ương khác thắt chặt chính sách tiền tệ. Mặc dù vàng được coi là một “hàng rào chống lạm phát”, nhưng lãi suất cao hơn sẽ làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng vốn có lãi suất bằng không. Đồng USD hiện đang ở mức cao nhất trong gần 2 thập kỷ, khiến vàng tính theo USD trở nên đắt hơn đối với những người mua ở nước ngoài.
Ông Edward Moya, nhà phân tích cấp cao của công ty môi giới đầu tư OANDA (Mỹ) điều khiến thị trường do dự với vàng là các nhà đầu tư cho rằng ngay cả khi Fed tạm dừng tăng lãi suất, điều đó có thể không đảm bảo rằng họ đã hoàn thành quá trình này.
Về những kim loại quý khác, giá bạc giảm 1,2% xuống 19,32 USD/ounce, trong khi bạch kim tăng 1% lên 915,91 USD và palladium tăng 4,1% lên 2.222,19 USD.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng giảm do thị trường gia tăng lo lắng về nhu cầu đồng trên toàn cầu bởi dự đoán Fed sẽ quyết định tăng lãi suất mạnh mẽ một lần nữa vào cuối tuần này.
Giá đồng giao ngay trên Sàn Giao dịch kim loại London kết thúc phiên giao dịch giảm 0,1% xuống 7.755 USD/tấn.
Lãi suất của Mỹ tăng có nghĩa là đồng USD sẽ mạnh lên, làm cho các kim loại được định giá bằng USD trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác, điều này sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến nhu cầu.
Một thương nhân cho biết: “Các kim loại giảm giá do USD mạnh lên và chính sách thắt chặt tiền tệ ở Mỹ”. "Cuộc khủng hoảng điện ở châu Âu có thể có nghĩa là hoạt động công nghiệp của khu vực này phải dừng lại."
Ông nói thêm rằng thương mại đã giảm do kỳ nghỉ ở Vương quốc Anh cho lễ tang của Nữ hoàng Elizabeth.
Đề xuất của EU về việc áp đặt mục tiêu bắt buộc các quốc gia phải cắt giảm sử dụng điện trong mùa đông này để đảm bảo châu Âu có đủ nhiên liệu cho những tháng lạnh giá hơn có thể đồng nghĩa với việc các nhà sản xuất trong khu vực phải cắt giảm sản lượng hoặc tạm ngừng sản xuất.
Nhà phân tích Max Layton của Citi cho biết: “Triển vọng về một cuộc suy thoái tiềm năng ở châu Âu kết hợp với sự suy yếu gần đây của Trung Quốc đã dẫn đến sự suy giảm các vị thế đầu cơ, khiến giá đồng sụt giảm”.
Giá kim loại sử dụng trong ngành điện và xây dựng này đã giảm gần 30% kể từ khi chạm mức cao kỷ lục 10.845 USD/tấn vào đầu tháng Ba.
Về những kim loại cơ bản khác, giá nhôm giảm 1,2% xuống 2.250 USD, kẽm giảm 0,3% xuống 3.144 USD, chì giảm 0,2% xuống 1.886 USD, thiếc giảm 0,9% xuống 20.950 USD và niken tăng 1,5% lên 24.600 USD/tấn.
Giá quặng sắt trên thị trường châu Á, bao gồm sàn Đại Liên (Trung Quốc) và sàn giao dịch Singapore, đều giảm trong phiên vừa qua, với không khí giao dịch hỗn loạn do lo ngại về nhu cầu ở Trung Quốc bởi chính sách Zero Covid và lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc tiếp tục trì trệ.
Lúc đầu phiên giao dịch, giá trên cả 2 sàn đều tăng, nhưng nhanh chóng quay đầu giảm về cuối phiên. Theo đó, quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2023 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên của Trung Quốc kết thúc giao dịch ban ngày ở mức giảm 1,4% xuống 705,50 nhân dân tệ (100,61 USD)/tấn, sau khi tăng 1,8% trước đó trong phiên.
Trên Sàn giao dịch Singapore, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 10 giảm 1,2% xuống 96,80 USD/tấn, sau khi tăng lên 2,4% lúc đầu phiên giao dịch, khi có tin một số khu vực ở Trung Quốc nới lỏng các biện pháp hạn chế chống Covid-19, bao gồm cả thành phố Thành Đô.
Nhưng các nhà giao dịch tỏ ra thận trọng với khả năng những biện pháp chống Covid vì mục tiêu Zero Covid có thể sẽ kéo dài đến Đại hội Đảng Trung Quốc vào tháng tới.
Nhà phân tích kim loại cấp cao của StoneX, Natalie Scott-Gray, cho biết Trung Quốc khó có thể dỡ bỏ chính sách Zero COVID "cho đến ít nhất là cuối tháng 10" hoặc sau đại hội đảng.
Giá thép cây trên sàn Thượng Hải phiên vừa qua đi ngang, trong khi thép cuộn cán nóng giảm 0,3% vào cuối phiên, và thép không gỉ giảm 0,1%.
Trên thị trường nông sản, giá lúa mì Mỹ giảm do sản lượng của Nga dự kiến sẽ tăng khiến xuất khẩu lúa mì của Mỹ dự kiến sẽ trở nên khó khăn hơn, trong bối cảnh USD mạnh lên làm cho hàng xuất khẩu của Mỹ trở nên đắt đỏ hơn. Giá lúa mì Mỹ trên sàn Chicago giảm 29-1/4 cent xuống 8,30-1/2 USD/bushel.
Giá đậu tương tăng bởi nhu cầu từ phía Trung Quốc mạnh, trong khi giá ngô cũng tăng nhẹ. Giá đậu tương tăng 12-3/4 cent kết thúc phiên ở mức 14,61-1/4 USD/bushel, trong khi ngô tăng 1 cent lên 6,78-1/4 USD/bushel.
Công ty tư vấn IKAR của Nga đã nâng dự báo sản lượng lúa mì Nga vụ 2022 thêm 2 triệu tấn, lưu ý rằng nhà xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới sẽ có 47,5 triệu tấn có sẵn để giao hàng trong năm 2022/2023.
Ed Duggan, chuyên gia quản lý rủi ro cấp cao của Top Third Ag Marketing cho biết: “Chúng tôi đang chứng kiến sản lượng ngày càng lớn hơn ở ngoài nước Nga. "Điều gì sẽ làm cho hàng hóa của chúng ta trở nên hấp dẫn trên thị trường thế giới? Không phải với đồng đô la cao."
Lúa mì xuất khẩu của Ukraine tiếp tục được chuyển đến các thị trường. khoảng 165 tàu chở 3,7 triệu tấn nông sản đã rời khỏi Ukraine trên một kênh vận chuyển an toàn. Một con tàu khác do Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc thuê đã rời Ukraine với khoảng 30.000 tấn lúa mì cho Ethiopia.
Đối với mặt hàng đường, giá đường thô kỳ hạn tháng 10 giảm 0,19%, tương đương 1,1%, xuống 17,69 cent/lb. Hợp đồng kỳ hạn tháng 10 sẽ hết hạn vào ngày 30/9. Sàn London đóng cửa trong ngày lễ tang Nữ hoàng nên không có giá đường trắng.
Ssản lượng đường ở châu Á và Brazil dự kiến tăng sẽ gây áp lực lên giá, song mức giá thấp như hiện tại sẽ không thu hút được xuất khẩu đường của Ấn Độ sẽ hỗ trợ giá. Nhà môi giới StoneX đã điều chỉnh tăng dự báo của mình đối với sự thặng dư nguồn cung đường toàn cầu.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tương lai trên sàn ICE của Mỹ tăng gần 3% do nguồn cung giảm và quan điểm về vụ mùa thấp hơn dự kiến ở Brazil.
Giá cà phê arabica giao tháng 12 tăng 6 cent, tương đương 2,8%, lên 2,211 USD/lb, trong một phiên giao dịch không ổn định. Hợp đồng này đã tăng trở lại sau khi chạm mức thấp nhất gần một tháng trước đó, là 2,1085 USD/lb. Tương tự như đường, sàn London nghỉ nên không có giá cà phê robusta.
Lượng cà phê lưu trữ tại các kho của sàn ICE hôm 16/9 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6 năm 1999, là 532.448 bao, chỉ còn hơn 3.000 bao đang chờ phân loại.
Giá hàng hóa thế giới

 

Nguồn:Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)

Tags: hàng hóa