Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng vượt 100 USD/thùng sau khi căng thẳng giữa Nga – Ukraine tăng mạnh làm trầm trọng thêm lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung năng lượng toàn cầu.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố các biện pháp trừng phạt mới cản trở khả năng kinh doanh bằng các loại tiền tệ chính của thế giới cùng với các biện pháp trừng phạt đối với các ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước nga. Anh cũng công bố các biện pháp mới nhằm các ngân hàng, các thành viên trong giới giàu có của Nga.
Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu thô Brent tăng 2,24 USD, tương đương 2,3%, lên 99,08 USD/thùng, sau khi có lúc chạm mức cao 105,79 USD; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 71 cent, tương đương 0,8%, lên 92,81 USD/thùng, sau khi có lúc đạt 100,54 USD. Dầu Brent và WTI đều kết thúc ở mức đóng cửa lần lượt cao nhất kể từ tháng 8 và tháng 7 năm 2014.
Phil Flynn, nhà phân tích cấp cao tại Price Futures Group ở Chicago, cho biết tin tức xung quanh việc xuất dầu dự trữ là "có tác động về mặt tâm lý, nhưng liệu có tác động thực sự hay không thì sẽ mất vài tuần để xác định". Trên thực tế, giá đã giảm về cuối phiên là bởi ông Biden cho biết Mỹ đang làm việc với các nước khác về việc kết hợp xuất thêm dầu từ kho dự trữ dầu thô chiến lược toàn cầu.
Nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS cho biết Nga là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba và xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới. Với lượng dự trữ thấp và công suất dự phòng giảm, thị trường dầu mỏ sẽ không thể chịu được sự gián đoạn nguồn cung lâu dài. Nga cũng là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất cho châu Âu, chiếm khoảng 35% nguồn cung.
Tại Mỹ, dự trữ dầu thô thương mại đã tăng 4,5 triệu thùng lên 416 triệu thùng trong tuần trước, cao hơn nhiều so với kỳ vọng tăng 400.000 thùng của các nhà phân tích trong cuộc thăm dò của hãng tin Reuters.
Trên thế giới nguồn cung dầu vẫn khan hiếm do nhu cầu phục hồi từ mức thấp của đại dịch. Các nhà phân tích cho rằng giá dầu Brent có khả năng duy trì trên 100 USD/thùng cho đến khi có nguồn cung thay thế đáng kể từ dầu đá phiến của Mỹ hoặc Iran.
Các nhà phân tích cũng cảnh báo về áp lực lạm phát đối với nền kinh tế toàn cầu nếu giá dầu lên tới 100 USD/thùng, đặc biệt là đối với châu Á, nơi nhập khẩu phần lớn nhu cầu năng lượng. Nhà kinh tế Frederic Neumann của HSBC cho biết: “Gót chân Achilles của châu Á vẫn là nhu cầu nhập khẩu lớn đối với năng lượng, giá dầu tăng cao sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và thu nhập của người dân trong năm tới”.
Giá khí đốt tự nhiên của châu Âu tăng cao do lo ngại về gián đoạn nguồn cung, đặc biệt là sau khi Chính phủ Đức trong tuần này ngừng quá trình phê duyệt dự án đường ống Dòng chảy phương Bắc 2.
Giá khí đốt Anh và Hà Lan kết thúc phiên tăng khoảng 40-60%, cùng với xu hướng giá dầu, giá điện ở châu Âu và các hàng hóa khác khi xung đột ở Đông Âu gia tăng.
Tại thị trường khí đốt Hà Lan, hợp đồng khí gas giao tháng 3 tăng 40,65% lên 118,50 euro/megawatt giờ (MWh), nhưng vẫn thấp hơn mức cao kỷ lục của tháng 12 là gần 185 euro/MWh. Giá khí đốt giao vào mùa hè 2022 tăng 65,7% lên 138,35 euro/MWh trong khi hợp đồng giao vào mùa đông 2022 tăng 42,86% ở mức 125,00 euro/MWh.
Tại thị trường Anh, giá hợp đồng khí đốt giao háng 3 tăng 58,6% lên 321,97 pence/bình, khí giao mùa đông tăng 37,85% lên 305,00 p/bình.
Giá khí đốt đã tăng cao kể từ khi căng thẳng Nga-Ukraine leo thang và dẫn đến việc cắt giảm sản lượng ở châu Âu.
Trên thị trường kim loại quý, gía vàng và palladium quay đầu giảm sau khi thị trường chứng khoán hồi phục, với vàng giảm về ngưỡng quan trọng 1.900 USD, trong khi palladium giảm hơn 5% sau khi chứng khoán hồi phục.
Theo đó, giá vàng gia ngay giảm 0,6% xuống 1.895,76 USD/ounce vào lúc cuối phiên, trong phiên có lúc chạm mức cao nhất kể từ tháng 9 năm 2020, là 1.973,96 USD. Giá vàng kỳ hạn tháng 4 kết thúc phiên tăng tiếp hơn 0,8% lên 1.926,30 USD.
Phố Wall tăng điểm vào cuối phiên, sau một ngày giao dịch đầy biến động, với Nasdaq tăng gần 2%.
Nhà giao dịch độc lập Tai Wong, tại New York, cho rằng các lệnh trừng phạt hiện tại chỉ có tác động kinh tế hạn chế. Chuyên gia phân tích cấp cao Edward Moya thuộc công ty môi giới tài chính OANDA có trụ sở tại New York (Mỹ) cho biết đợt bán tháo vàng vào buổi chiều ngày 24/2 diễn ra nhanh chóng sau khi Tổng thống Biden công bố các biện pháp trừng phạt mới. Tuy nhiên, có nhiều khả năng nhu cầu về nơi trú ẩn an toàn sẽ vẫn tăng cao và giá vàng có thể sẽ được hỗ trợ mạnh mẽ trong ngắn hạn.
Đối với các kim loại quý khác, nhà phân tích Suki Cooper của ngân hàng Standard Chartered cho rằng tình hình gián đoạn có thể có tác động nhiều hơn đối với bạch kim và palladium. Tập đoàn Nornickel của Nga là nhà cung cấp palladium lớn nhất thế giới đồng thời là nhà cung cấp bạch kim lớn.
Chốt phiên này, giá bạch kim giảm 3,4% xuống 1.054,80 USD/ounce, sau khi tăng lên mức 1.126,18 USD. Trong khi giá palladium giảm 4,3% xuống 2.375,02 USD/ounce, sau khi vọt lên 2.711,18 USD/ounce, mức cao nhất kể từ tháng Bảy.
Trên thị trường kim loại công nghiệp giá nhôm tăng lên mức cao kỷ lục bởi lo ngại các lệnh trừng phạt có thể làm gián đoạn nguồn cung từ nhà sản xuất nhôm lớn - Nga – đồng thời làm gián đoạn nguồn cung cấp năng lượng cần thiết để sản xuất kim loại này.
Nga là nhà sản xuất nhôm lớn trên thế giới, và cũng là nhà sản xuất khí đốt chính – mặt hàng được sử dụng để sản xuất điện, một thành phần chính của sản xuất nhôm. Các bên tham gia thị trường rõ ràng đều lo ngại nguồn cung nhôm từ Nga bị ảnh hưởng nếu các nước phương Tây áp dụng các biện pháp trừng phạt khiến Nga đưa ra các biện pháp đối ứng.
Trước đó, giá nhôm, loại vật liệu kim loại cơ bản, đã liên tục tăng do nguồn cung toàn cầu hạn hẹp, đặc biệt là từ Trung Quốc.
Giá nhôm kỳ hạn 3 tháng trên Sàn giao dịch Kim loại London (LME) kết thúc phiên tăng 3,3% lên 3,402 USD/tấn, sau khi có lúc chạm mức kỷ lục 3,480 USD.
Amelia Fu, người đứng đầu mảng chiến lược thị trường hàng hóa thuộc Bank of China International, cho biết: "Nga là một trong những nhà sản xuất nhôm lớn nhất và phần lớn nguyên liệu của nước này được chuyển đến châu Âu. Các biện pháp trừng phạt rộng hơn có thể gây thắt chặt nguồn cung hơn nữa".
Mức cộng giá nhôm giao ngay so với giao sau hiện lên mức cao kỷ lục, 464 đô la/tấn ở châu Âu và 795 đô la/tấn ở Mỹ.
Lượng nhôm lưu trữ tại các kho của sàn LME hiện đang ở mức rất thấp, 824.150 tấn, so với khoảng 1,3 triệu tấn một năm trước.
Nga sản xuất khoảng 6% lượng nhôm của thế giới và chiếm khoảng 7% nguồn cung cấp mỏ niken toàn cầu.
Giá nickel phiên này cũng tăng 1,7% lên 24.800 USD/tấn, sau khi chạm mức cao nhất kể từ tháng 5/2011 là 25.705 USD.
Về các kim loại cơ bản khác, giá đồng vững ở mức 9,871 USD/tấn, kẽm tăng 2% lên 3,641 USD và chì tăng 1,7% lên 2,351 USD.
Trong nhóm kim loại đen, giá quặng sắt kỳ hạn trên Sàn giao dịch Hàng hóa Đại Liên giao dịch trong biên độ hẹp và đóng cửa tăng 0,4% lên 703 nhân dân tệ/tấn.
Giá thép kỳ hạn tương lai tại Trung Quốc giảm, trong đó thép xây dựng giảm hơn 3% do các biện pháp kiểm soát của chính phủ đối với nguyên liệu sản xuất thép ảnh hưởng đến giá thép sản phẩm.
Thép thanh vằn kỳ hạn được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải có lúc giảm 3,2% xuống 4.622 nhân dân tệ (731,64 USD)/tấn. Giá lúc đóng cửa vẫn giảm 2,9% xuống 4.637 nhân dân tệ/tấn; thép cuộn cán nóng giao tháng 5 giảm 1,9% xuống 4.804 nhân dân tệ/tấn.
Trên thị trường nông sản, giá ngũ cốc đồng loạt tăng.
Giá lúa mì Mỹ tăng lên mức cao nhất kể từ giữa năm 2012, trong khi giá ngô chạm mức cao nhất 8 tháng do xung đột giữa Nga với Ukraina làm trầm trọng thêm nỗi lo về nguồn cung ngũ cốc toàn cầu. Giá lúa mì kỳ hạn tháng 5 trên sàn Chicago đã tăng 50 US cent lên 9,34-3/4 USD/bushel, cao nhất kể tháng 7 năm 2012.
Giá đậu tương cũng có thời điểm đạt mức cao nhất 9,5 năm, trước khi hạ nhiệt do hoạt động bán chốt lời. Giá dầu đậu tương phiên này cũng vọt lên mức cao nhất mọi thời đại do lo ngại về nguồn cung dầu thực vật toàn cầu trong bối cảnh xung đột ở khu vực sản xuất dầu hướng dương quan trọng của thế giới. Giá đậu tương phiên này cũng đạt 17,59-1/4 USD/bushel, mức cao nhất kể từ tháng 9 năm 2012 đối với hợp đồng được giao dịch nhiều nhất, nhưng đã lùi xuống mức 16,54 USD vào lúc đóng cửa, giảm 17 US cent so với phiên trước. Giá dầu đậu tương kỳ hạn tương lai tăng tăng 1,28 cent lên 72,00 cent/lb, sau khi có lúc đạt 74,72 cent, mức cao nhất được ghi nhận đối với hợp đồng giao dịch nhiều nhất.
Giá ngô kỳ hạn tương tự tăng 9 cent lên 6,90-1/4 USD/bushel vào cuối phiên, sau khi có lúc đạt mức cao nhất trong 8 tháng là 7,16-1/4 USD.
Nga và Ukraine chiếm khoảng 29% xuất khẩu lúa mì toàn cầu, 19% nguồn cung ngô và 80% xuất khẩu dầu hướng dương. Các nhà giao dịch lo ngại xung đột có thể gây ra tình trạng tranh giành mua những mặt hàng này ở các nhà cung cấp khác.
Giá đường thô giảm sau khi chạm mức cao nhất 1 tháng trước đó, diễn biến cùng chiều với giá dầu.
Đường thô kỳ hạn tháng 3 kết thúc phiên giảm 0,21 cent tương đương 1,1% xuống 18,32 cent/lb, trước đó có lúc chạm mức cao nhất kể từ cuối tháng 1, là 18,87 cent, theo xu hướng giá dầu mỏ - giá dầu thô Brent có lúc tăng vượt 105 USD/thùng lần đầu tiên kể từ năm 2014. Tuy nhiên, giá đường trắng giao tháng 5 kết thúc phiên tăng 3,80 USD, tương đương 0,8% lên 499,50 USD/tấn.
Giá năng lượng tăng có thể thúc đẩy các nhà máy mía đường ở nhà sản xuất hàng đầu Brazil chuyển hướng sản xuất từ đường sang ethanol, một loại nhiên liệu sinh học dựa trên mía, mặc dù các đại lý lưu ý rằng Brazil hiện đang kiểm soát chặt chẽ giá nhiên liệu.
Giá cà phê arabica giảm gần 4% do các quỹ hàng hóa chuyển sang những nơi trú ẩn an toàn và giảm đầu tư vào các tài sản rủi ro cao.
Theo đó, cà phê arabica kỳ hạn tháng 5 kết thúc phiên giảm 9,65 cent, tương đương 3,9% xuống 2,379 USD/lb, trước đó có lúc chạm mức thấp nhất kể từ ngày 2/2, là 2,3725 USD. Giá cà phê robusta giao tháng 5 phiên này cũng giảm 55 USD, tương đương 2,5% xuống 2.179 USD/tấn.
Giá cao su trên thị trường Nhật Bản tăng trong phiên vừa qua do giá dầu tăng vọt. Bên cạnh đó, giá cao su nguyên liệu từ nhà sản xuất cao su thiên nhiên hàng đầu - Thái Lan - ổn định cũng giúp giá ở Nhật Bản giữ ở mức cao.
Theo đó, cao su kỳ hạn tháng 8 trên sàn Osaka tăng 2,1 yên, tương đương 0,8%, lên 259,0 yên (2,26 USD)/kg. Giá cao su tấm của Thái Lan phiên này đạt 74,45 baht (2,29 USD)/kg, mức cao nhất kể từ tháng 5/2021. Hợp đồng cao su trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải (kỳ hạn tháng 5) tăng 40 nhân dân tệ lên 14.070 nhân dân tệ (2.226,58 USD)/tấn. Hợp đồng cao su giao tháng 3 trên Sàn giao dịch Singapore giảm 3% xuống 179,4,5 US cent/kg.
Nguồn:Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)