menu search
Đóng menu
Đóng

Tổng kết giá hàng hóa thế giới phiên 6/4: Giá đồng loạt giảm

13:00 07/04/2022

Giá hàng hóa nguyên liệu hầu hết giảm trong phiên vừa qua, dẫn đầu là dầu mỏ, sau khi Fed công bố biên bản cuộc họp tháng 3 và đồng USD mạnh lên.
 
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thế giới giảm mạnh sau khi IEA cho biết sẽ giải phóng dầu từ các kho dự trữ và đồng USD mạnh lên bởi biên cuộc họp của Fed thể hiện lập trường ủng hộ nâng lãi suất.
Kết thúc phiên, giá dầu Bent giảm 5,57 USD, tương đương 5,2%, xuống 101,07 USD/thùng, trong khi dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 5,73 USD, hay 5,6 %, xuống 96,23 USD/thùng. Lực bán tăng nhanh vào cuối phiên, khiến cả 2 loại dầu đều kết thúc ở mức thấp nhất kể từ ngày 16 tháng 3.
Các nước thành viên của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) sẽ giải phóng 120 triệu thùng dầu từ các kho dự trữ chiến lược trong nỗ lực nhằm hạ nhiệt giá dầu, trong đó có 60 triệu thùng từ Mỹ, theo hai nguồn thạo tin. Cam kết này là một phần trong tuyến bố giải phóng 180 triệu thùng dầu trước đó của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Đây là lần thứ hai IEA giải phóng dầu từ các kho dự trữ trong năm nay và giúp nguồn cung toàn cầu tăng thêm khoảng 2 triệu thùng/ngày trong ít nhất hai tháng tới, trong bối cảnh thế giới đang nỗ lực vượt qua khả năng gián đoạn nguồn cung dầu từ Nga. IEA có tổng cộng khoảng 1,5 tỷ thùng dầu trong các kho chiến lược.
Thị trường dầu thô đã trải qua nhiều tuần biến động, với giá tăng do lo ngại về nguồn cung sau khi xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraine dẫn tới việc Mỹ và các đồng minh áp đặt các lệnh trừng phạt lên Moscow.
Gần đây, thị trường thoái lui sau các đợt xuất kho dự trữ dự trữ cùng với lo ngại về nhu cầu chậm lại ở Trung Quốc, nơi đại dịch bùng phát đã khiến các thành phố bao gồm Thượng Hải phải đóng cửa. Các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc đang né tránh các hợp đồng mới với Nga, cho thấy Bắc Kinh thận trọng không ủng hộ Moscow một cách công khai vào thời điểm này.
Trong khi đó, biên bản mới đây của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết ngân hàng này đã dự định nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách gần đây nhất, nhưng sau đó đã quyết định tăng ít hơn do tình hình xung đột tại Ukraine.
Biên bản thể hiện lập trường ủng hộ nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát này của Fed đã thúc đẩy đồng USD. Giá dầu thường diễn biến ngược chiều với “đồng bạc xanh” vì hầu hết các giao dịch dầu đều được thực hiện bằng đồng tiền này.
Gary Cunningham, giám đốc nghiên cứu thị trường thuộc Tradition Energy, cho biết: “Thị trường dầu có vẻ đang phản ứng xung quanh các bình luận của Fed và báo cáo về dự trữ dầu từ EIA. Fed đã "tạo một số sức mạnh cho đồng đô la và điều đó đang được phản ánh trong việc giá dầu giảm."
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết các kho dự trữ dầu thô của Mỹ tăng 2,4 triệu thùng trong tuần gần đây nhất, trái với dự đoán cảu các nhà phân tích là sẽ giảm. Sản lượng cũng tăng, đạt 11,8 triệu thùng/ngày, cao nhất kể từ cuối năm 2021 và sản lượng dự kiến sẽ tiếp tục tăng. Mỹ cũng đã giải phóng gần 4 triệu thùng từ kho dự trữ chiến lược của mình trong tuần qua.
Phil Flynn, nhà phân tích cấp cao thuộcPrice Futures Group ở Chicago cho biết: “Lượng dầu xuất ra từ kho SPR là rất lớn, điều này làm tăng niềm tin rằng hàng tuần họ có thể chuyển rất nhiều dầu ra thị trường”.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng ổn định khi chịu tác động từ 2 yếu tố trái chiều: sức hút là một nơi trú ẩn an toàn chống lạm phát, và dự kiến ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tăng mạnh lãi suất.
Giá vàng giao ngay kết thúc phiên vững ở 1.923,50 USD/ounce, vàng giao sau giảm 0,2% xuống 1.923,10 USD.
Trong biên bản cuộc họp, các quan chức Fed lưu ý rằng sẽ có một hoặt nhiều lần tăng lãi suất 50 điểm phần trăm trong các kỳ họp tới, trước mắt là kỳ họp tháng 5, đặc biệt nếu áp lực lạm phát vẫn cao hoặc tăng thêm nữa.
Fed đã tăng lãi suất thêm 25 điểm phần trăm sau cuộc họp hồi tháng 3 và các biên bản cho thấy những tác động kinh tế từ cuộc khủng hoảng Ukraine vào cuối tháng 2 đã ngăn cản mức tăng 50 điểm phần trăm. Lãi suất Mỹ tăng và lợi suất cao hơn làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng thỏi, vốn cũng được sử dụng như một hàng rào chống lại lạm phát gia tăng.
Tuy nhiên, giá vàng có thể tiếp tục tăng trong hai quý tới, do Fed sẽ không thể tăng lãi suất đủ nhanh để chống lại lạm phát cao.
Đồng đô la Mỹ phiên vừa qua tăng lên mức cao nhất trong gần hai năm, đồng thời làm giảm sức hút của vàng.
Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA cho biết: "Vẫn còn một số điều có thể kích hoạt một đợt tăng giá khác của vàng. Lạm phát tiếp tục tăng vượt quá kỳ vọng hiện tại, cuộc đàm phán Ukraine/Nga sụp đổ hoặc suy thoái".
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng giảm do lo ngại việc Mỹ tăng mạnh lãi suất sẽ khiến kinh tế nước này tăng trưởng chậm lại, và những lệnh trừng phạt mới đối với Nga cũng làm giảm nhu cầu của các nhà đầu tư đối với các tài sản rủi ro cao như đồng, trong khi đẩy USD lên mức cao nhất trong vòng gần 2 năm.
Giá đồng giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch Kim loại London (LME) kết thúc phiheen giảm 1,2% xuống 10,335 USD/tấn.
Nhà phân tích Ole Hansen của Ngân hàng Saxo cho biết các bình luận mang tính ‘diều hâu’ từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã "lấy đi hơi thở tích cực của thị trường", và nói rằng: “Thị trường đang lo lắng về sự suy giảm kinh tế”.
Tuy nhiên, kim loại được sử dụng trong năng lượng và xây dựng này vẫn ở gần mức cao kỷ lục 10.845 USD đạt được vào tháng trước, và ông Hansen dự đoán giá sẽ tiếp tục tăng do nguồn cung bị thắt chặt và thế giới sẽ cần nhiều kim loại hơn để khử cacbon.
Trung Quốc, nước tiêu thụ kim loại lớn nhất, đang phải đối mặt với làn sóng Covid-19 nghiêm trọng nhất kể từ khi bùng phát ở Vũ Hán, khiến hoạt động sản xuất và dịch vụ của Trung Quốc bị thu hẹp vào tháng 3.
Paul Adkins của AZ Global Consulting cho biết: “Thị trường (Trung Quốc) đang bước vào mùa cao điểm của nhu cầu. Mùa cao điểm đó đang bị đe dọa."
Trong khi đó, đơn đặt hàng công nghiệp của Đứctrong tháng 2 giảm nhiều hơn dự kiến. Các nhà phân tích của Citi cho biết: “Mặc dù chúng tôi kỳ vọng giá và nhu cầu kim loại sẽ tiếp tục tăng mạnh ở các thị trường phát triển trong thời gian tới, nhưng chúng tôi lo ngại rủi ro suy thoái vào năm 2023 đang gia tăng.
Lượng kẽm lưu kho của sàn LME giảm xuống còn 45.850 tấn từ hơn 100.000 tấn một tuần trước, làm dấy lên lo ngại về nguồn cung thắt chặt.
Giá kẽm trên sàn LME phiên vừa qua giảm 0,9% xuống 4.267 USD/tấn nhưng tăng khoảng 20% trong năm nay sau khi đạt mức cao kỷ lục vào tháng Ba. Giá nhôm phiên này giảm 0,3% xuống 3.453,50 USD/tấn, nickel tăng 0,6% lên 33.495 USD, chì giảm 0,4% xuống 2,418 USD và thiếc giảm 0,4% ở 44.000 USD.
Giá quặng sắt kỳ hạn tương lai trên thị trường Trung Quốc tăng 4% trong phiên vừa qua lên mức cao nhất trong hơn tám tháng, khi thị trường mở cửa trở lại sau kỳ nhỉ lễ Thanh minh dài ngày.
Cụ thể, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên Sàn giao dịch Hàng hóa Đại Liên trong phiên có lúc tăng 4,1% lên 945 nhân dân tệ (148,49 USD)/tấn do nhu cầu tại các nhà sản xuất thép phục hồi sau đại dịch. Kết thúc phiên này, giá tăng 2,2% so với đóng cửa phiên trước, lên 927 nhân dân tệ/tấn.
Giá quặng sắt có hàm lượng 62% sắt giao ngay cho Trung Quốc đứng ở mức 159,5 USD/tấn vào ngày 2/4.
Các nhà phân tích của Huatai Futures cho biết: “Hiện tại, thị trường bất động sản trì trệ ở Trung Quốc đã làm sụt giảm tiêu thụ thép và quặng sắt… nhưng tình trạng tồn kho quặng sắt đã bắt đầu giảm dần”.
Theo SteelHome, tồn kho quặng sắt ở cảng biển trong tuần kết thúc vào ngày ¼ ở mức 155,6 triệu tấn, giảm 4 triệu tấn so với một tuần trước đó và thấp hơn 3,3% so với mức đỉnh vào giữa tháng 2.
Các nhà phân tích của Huatai cho biết, với kỳ vọng Trung Quốc sẽ ổn định nền kinh tế và kích thích lĩnh vực bất động sản, nhu cầu quặng sắt sẽ tăng lên.
Giá thép cũng tăng trong phiên vừa qua, với thép cây kỳ hạn tháng 10 tăng 0,2% lên 5.121 nhân dân tệ/tấn; thép cuộn cán nóng, được sử dụng trong lĩnh vực sản xuất, giảm 0,1% xuống 5.268 nhân dân tệ/tấn; thép không gỉ kỳ hạn giao tháng 5 tại Thượng Hải tăng 2,9% lên 20.830 nhân dân tệ/tấn.
"Nhu cầu thép cây ở hạ nguồn đã bị trì hoãn do đại dịch", SinoSteel Futures cho biết trong một lưu ý, đồng thời cho biết thêm rằng tiêu thụ sẽ phục hồi trong bối cảnh tín dụng tương đối nới lỏng.
Trên thị trường nông sản, giá ngô quay đầu giảm khi các nhà giao dịch theo dõi thời tiết và việc gieo trồng của Mỹ, trong khi lúa mì giảm khi các nhà giao dịch chờ xem các lệnh trừng phạt bổ sung đối với Nga.
Thị trường đang rất quan tâm tới yếu tố thời tiết ở Mỹ, bởi diện tích trồng ngô năm nay ít hơn dự kiến do giá phân bón tăng cao nên nếu thời tiết xấu thì sản lượng sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.
Giá đậu tương Mỹ kết thúc phiên giảm 11-1/2 cent xuống 16,19-1/2 USD/bushel, lúa mì kỳ hạn tháng 5 giảm 4-3/4 cent xuống còn 10,40-3/4 USD, trong khi ngô giảm 3-1/4 cent xuống 7,56-1/2 USD/bushel.
Giá đường thô giao tháng 5 đảo chiều giảm từ mức cao nhất 1 tháng, giảm 0,06 cent, tương đương 0,3% xuống 19,59 cent/lb; đường trắng giao tháng 5 trong phiên này tiếp tục tăng nhẹ 1,00 USD, hay 0,2%, lên 545,60 USD/tấn.
Các đại lý cho biết đợt tăng giá gần đây được thúc đẩy một phần bởi sức mạnh của đồng real Brazil, nhưng đồng tiền này đã mất giá sau khi chạm mức cao nhất trong 25 tháng vào đầu tuần này.
Đồng real của Brazil tăng giá ngăn cản các nhà xuất khẩu bán các mặt hàng được định giá bằng đô la như đường và cà phê vì không muốn giảm lợi nhuận của họ tính theo đồng nội tệ.
Giá cà phê robusta đã giảm xuống mức thấp nhất 3 tuần do triển vọng sản lượng tốt và phân tích kỹ thuật cho thấy xu hướng giá giảm. Cuộc xung đột ở Ukraine cũng làm tổn hại đến nhu cầu loại đồ uống này.
Theo đó, cà phê robusta giao tháng 7 giảm 20 USD, tương đương 0,9%, xuống 2.090 USD/tấn vào lúc kết thúc phiên giao dịch, trước đó có thời điểm giá xuống mức thấp nhất trong ba tuần, là 2.071 USD. Đây là ngày giảm thứ tư liên tiếp. Giá cà phê arabica giao tháng 5 cũng giảm 3,7 cent, tương đương 1,6% xuống 2,276 USD/lb.
Các đại lý lưu ý rằng thị trường robusta đang có xu hướng giảm về mặt kỹ thuật sau hoạt động yếu kém gần đây.
Các đại lý cho biết triển vọng vụ cà phê robusta 2022/23 ở cả Việt Nam và Brazil đều thuận lợi, trong khi vẫn còn lo ngại rằng xung đột ở Ukraine có thể làm suy giảm nhu cầu không chỉ trong khu vực mà còn rộng hơn nữa khi các nền kinh tế gặp khó khăn.
Nhà môi giới HedgePoint nhận thấy nhu cầu cà phê giảm mạnh ở cả Nga và Ukraine.
"Các chỉ báo (kỹ thuật) đang cho thấy giá sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới", nhà môi giới Sucden Financial cho biết.
Giá cao su trên thị trường Nhật Bản quay đầu giảm sau 5 phiên tăng trước đó do giá cao su tại Thượng Hải và cổ phiếu Tokyo đều giảm.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 9 trên sàn Osaka kết thúc phiên giảm 3,5 yên, tương đương 1,3%, xuống 266,9 yên (2,15 USD)/kg.
Nhu cầu cao su tự nhiên ở Thượng Hải vẫn thấp hơn dự kiến do tình trạng phong tỏa tiếp diễn khiến giá cao su tại Thượng Hải giảm, từ đó tác động tới giá ở Osaka. Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giảm 25 CNY xuống 13.845 CNY (2.175,42 USD)/tấn. Trên sàn Singapore, giá cao su kỳ hạn tháng 5 cũng giảm 0,6% xuống 176,3 US cent/kg.
Chỉ số chứng khoán Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 1,6%, mức giảm mạnh nhất trong gần 4 tuần, theo xu hướng giảm ở Phố Wall sau khi Fed công bố biên bản cuộc họp cho thấy triển vọng tăng lãi suất mạnh mẽ và làm dấy lên lo ngại về tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Giá hàng hóa thế giới

Nguồn:Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)

Tags: hàng hóa