menu search
Đóng menu
Đóng

Ấn Độ, UAE ký FTA, mục tiêu đưa thương mại song phương đạt 100 tỷ USD trong 5 năm

11:56 31/03/2022

Ấn Độ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã ký hiệp định thương mại tự do, dự kiến sẽ tăng gần gấp đôi thương mại hai chiều lên 100 tỷ USD trong 5 năm tới trong cuộc gặp thượng đỉnh được tổ chức trực tuyến giữa Thủ tướng Narendra Modi và Thái tử Abu Dhabi Sheikh Mohammed bin Zayed Al Nahyan vào thứ 6 ngày 18/02/2022.
 
Hai bên đã ra tuyên bố tầm nhìn chung trong đó nêu rõ lộ trình quan hệ trong tương lai và nêu bật các lĩnh vực trọng tâm, bao gồm tăng cường hợp tác hàng hải, các bước chung chống khủng bố và các biện pháp thúc đẩy thương mại và đầu tư.
Quá trình đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (CEPA), được ký kết bởi Bộ trưởng Thương mại Piyush Goyal và Bộ trưởng Kinh tế UAE Abdulla bin Touq Al Marri, là một trong những thỏa thuận thương mại có thời gian đàm phán ngắn nhất. Hai bên đã bắt đầu đàm phán vào tháng 9 năm ngoái và đã hoàn tất sau hơn ba tháng.
Thỏa thuận sẽ mang lại lợi ích đáng kể cho các doanh nghiệp Ấn Độ và UAE, bao gồm tăng cường khả năng tiếp cận thị trường và giảm thuế quan. CEPA dự kiến sẽ tăng thương mại song phương từ mức hiện tại là 60 tỷ USD lên 100 tỷ USD trong 5 năm tới.
Hai biên bản ghi nhớ (MoU) được ký kết giữa các đối tác Ấn Độ và UAE đã được công bố tại hội nghị thượng đỉnh bao gồm Biên bản ghi nhớ giữa Cơ quan Phát triển Xuất khẩu Sản phẩm Nông nghiệp và Thực phẩm Chế biến (APEDA) (Ấn Độ) và DP World & Al Dahra (UAE) cho sáng kiến hành lang an ninh lương thực và một biên bản khác giữa India’s Gift City (Ấn Độ) và Abu Dhabi Global Market về hợp tác trong các dự án và dịch vụ tài chính.
Theo tuyên bố tầm nhìn chung, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác hàng hải nhằm duy trì hòa bình và an ninh trong khu vực, đồng thời tái khẳng định cam kết chungchống chủ nghĩa cực đoan và mọi hình thức khủng bố, bao gồm chủ nghĩa khủng bố xuyên biên giới, ở cấp khu vực và quốc tế.
Trong lĩnh vực kinh tế, hai bên sẽ xúc tiến việc xây dựng khu đầu tư dành riêng cho các công ty và liên doanh của UAE với trọng tâm là thiết lập hành lang lương thực và thành lập “India Mart” tại Khu tự do Jebel Ali ở Dubai.
Hai bên cũng sẽ làm việc để tạo cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư Ấn Độ trong việc thành lập các khu công nghệ tiên tiến tại Abu Dhabi, tập trung vào các lĩnh vựnhư hậu cần, dịch vụ, dược phẩm, thiết bị y tế, nông nghiệp, công nghệ nông nghiệp, thép và nhôm.
Ấn Độ và UAE cũng sẽ thực hiện các bước để tăng cường khả năng phục hồi và độ tin cậy của các chuỗi cung ứng thực phẩm. Hai quốc gia nhất trí mở rộng hợp tác thông qua tăng cường thương mại nông sản và thực phẩm, đồng thời củng cố cơ sở hạ tầng và các dịch vụ hậu cần chuyên dụng kết nối các trang trại của Ấn Độ với các cảng và các điểm đến cuối cùng ở UAE.
Hai bên nhất trí hợp tác nghiên cứu, sản xuất và phát triển chuỗi cung ứng vắc xin đáng tin cậy và tăng cường đầu tư của các tổ chức UAE vào cơ sở hạ tầng y tế của Ấn Độ. Hai bên cũng nhất trí về việc thành lập Viện Công nghệ Ấn Độ tại UAE.
Chín nhóm sản phẩm chiếm 90% kim ngạch xuất khẩu (về mặt giá trị) của Ấn Độ sang UAE sẽ được tiếp cận thị trường ngay lập tức với mức thuế bằng 0 kể từ ngày CEPA có hiệu lực. Các nhóm hàng này bao gồm dệt may, sản phẩm kỹ thuật, đá quý và đồ trang sức, dược phẩm và thiết bị y tế, nhựa, ô tô, da giày, nông sản và các sản phẩm sử dụng nhiều lao động khác như đồ nội thất, sản phẩm gỗ và đồ thể thao. Tất cả các lĩnh vực trên đều sử dụng nhiều lao động và hiệp định này sẽ không chỉ thúc đẩy xuất khẩu về mặt giá trị mà còn tạo ra việc làm.
Theo CEPA, thuế suất bằng 0 sẽ được mở rộng cho nhiều lĩnh vực khác trong vòng 5 đến 10 năm. Các sản phẩm này bao gồm hàng điện tử, hóa chất và hóa dầu, các sản phẩm bằng đá, xi măng, gốm sứ và máy móc.
Đặc biệt đối với mặt hàng hàng dệt may, với thuế suất giảm xuống bằng 0 dự kiến sẽ dẫn đến tăng 2 tỷ USD giá trị xuất khẩu trong 5 năm tới. Phân khúc này sẽ bao gồm cả hàng dệt từ sợi nhân tạo và bông.
Dự báo xuất khẩu hàng hóa kỹ thuật cũng tăng lên và đạt mức 7 tỷ USD, 8 tỷ USD và 9,2 tỷ USD cho các năm 2024-25, 2025-26 và 2026-27. Xuất khẩu các sản phẩm kỹ thuật của Ấn Độ sang UAE trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 12 năm 2021 đã tăng 77% lên 4,2 tỷ USD so với mức 2,4 tỷ USD trong cùng kỳ tài khóa trước đó.
Trong phân khúc đá quý và đồ trang sức, xuất khẩu đồ trang sức bằng vàng ròng và đồ trang sức bằng vàng nạm dự kiến sẽ tăng lên 10 tỷ USD vào năm 2023. Các nhượng bộ thuế quan mà Ấn Độ đưa ra cho UAE đối với các sản phẩm như vàng sẽ làm giảm chi phí nhập khẩu đầu vào.
Ngành dược phẩm và thiết bị y tế dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR (tốc độ tăng trưởng kép hàng năm) từ 26% đến 28% trong 5 năm tới để chạm mức hơn 1 tỷ USD. Khi ngành công nghiệp sản xuất dược phẩm và thiết bị y tế của UAE đang phát triển nhanh chóng, Ấn Độ có thể có cơ hội cung cấp các sản phẩm API (thành phần dược phẩm hoạt động) nhiều hơn nữa. Thỏa thuận này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký tự động và cấp phép tiếp thị thuốc có nguồn gốc từ Ấn Độ trong 90 ngày, đồng thời cho biết UAE có kế hoạch trở thành trung tâm phân phối dược phẩm khu vực toàn cầu vào năm 2030, điều này sẽ mang lại lợi ích to lớn cho Ấn Độ.
Đối với các sản phẩm từ nhựa, việc tiếp cận ưu đãi sẽ dẫn đến xuất khẩu mặt hàng này của Ấn Độ vào UAE bổ sung 1,3 tỷ USD trị giá, dự kiến tăng 872 triệu USD trong ngắn hạn và 402 triệu USD trong dài hạn. Trong giai đoạn 2020-21, Ấn Độ xuất khẩu nhựa trị giá 418 triệu USD sang UAE. Các nhượng bộ thuế quan mà Ấn Độ đưa ra cho UAE đối với các sản phẩm như polyethylene và polypropylene sẽ làm giảm chi phí nhập khẩu đầu vào cho các ngành sản xuất trong nước.
Đối với ô tô, mức tăng xuất khẩu dự kiến trong 5 năm là 160 triệu USD. Sau khi Ấn Độ được hưởng lợi ích từ FTA, giá trung bình cho mỗi đơn vị xe do Ấn Độ sản xuất sẽ giảm từ 12.829 USD xuống còn 12.218 USD do giảm giá trị nguyên liệu đầu vào sản xuất. Việc giảm giá thành sản xuất giúp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu.
Tương tự, thỏa thuận này sẽ thúc đẩy ngành da giày và các sản phẩm nông nghiệp của Ấn Độ. Trong phân khúc da giày, xuất khẩu dự kiến sẽ tăng thêm 130 triệu USD trong vòng 5 năm tới. Đối với các sản phẩm nông nghiệp, xuất khẩu dự kiến sẽ tăng thêm 850 triệu USD trong 5 năm.
Trong phân khúc các sản phẩm khác, chẳng hạn như đồ nội thất, sản phẩm gỗ và hàng thể thao, thuế hải quan mà UAE áp đặt sẽ giảm xuống 0, điều này sẽ thúc đẩy sản xuất ở Ấn Độ.

Nguồn:Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ