Thông tin cơ bản về Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA)
Thời gian kí kết: 2/2009
Có hiệu lực từ: 29/3/2012
Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA) thay thế cho Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ Đầu tư ASEAN (IGA) 1987 và Hiệp định Khu vực đầu tư ASEAN (AIA) 1998.
ACIA được đánh giá là bước tiến quan trọng của các nước thành viên ASEAN trong việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác phát triển kinh tế của mỗi nước.
Sau nhiều nỗ lực thực thi Khu vực đầu tư ASEAN và Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN, trong năm 2018 các nước ASEAN đã hoàn tất việc kí kết Nghị định thư thứ ba sửa đổi ACIA và tiến tới sớm hoàn thành kí kết Nghị định thư thứ tư sửa đổi Hiệp định này để tăng cường luồng đầu tư trong khu vực Đông Nam Á.
Các thành viên ASEAN đã nỗ lực loại bỏ dần các biện pháp bảo lưu trong Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN, hướng tới mục tiêu xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn với các biện pháp, sáng kiến xúc tiến, thúc đẩy, bảo hộ và thuận lợi hóa đầu tư.
Về tự do hơn nữa lưu chuyển của dòng vốn, các thành viên ASEAN đã hoàn thành xây dựng Khuôn khổ ASEAN về hội nhập ngân hàng với các biện pháp hài hòa hóa qui định và tiêu chuẩn ngân hàng, tăng cường kết nối các thị trường chứng khoán trong và ngoài khu vực.
Tổng quan về cấu trúc của Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN
Theo Điều 1, mục tiêu của ACIA là thiết lập chế độ đầu tư thông thoáng và cởi mở trong khu vực ASEAN nhằm đạt mục tiêu sau cùng của hội nhập kinh tế của AEC theo Kế hoạch AEC. Để đạt mục tiêu này, thông qua tự do hóa từng bước chế độ đầu tư của các nước thành viên; tăng cường bảo hộ nhà đầu tư và các hoạt động đầu tư của họ; hoàn thiện, minh bạch hóa và nâng cao tính tiên liệu của chế độ đầu tư trong nước; các biện pháp xúc tiến chung; và hợp tác giữa các nước thành viên để tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư trên lãnh thổ của nhau..
Điều 2 (a) đề ra hai trụ cột của ACIA, đó là bảo hộ nhà đầu tư và hoạt động đầu tư, tự do hóa các biện pháp hạn chế đầu tư tiền và hậu gia nhập, thuận lợi hóa và xúc tiến đầu tư từ trong và ngoài khu vực ASEAN.
Theo Điều 2, việc đạt mục tiêu của ACIA về tạo “môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, minh bạch và cạnh tranh trong khu vực ASEAN” sẽ gắn chặt với các nguyên tắc sau:
1. Quy định việc tự do hóa, bảo bộ, xúc tiến và thuận lợi hóa đầu tư (bốn Trụ cột của ACIA);
2. Thúc đẩy tự do hóa từng bước đầu tư hướng tới một môi trường đầu tư thông thoáng và cởi mở;
3. Mang lại lợi ích cho các nhà đầu tư và hoạt động đầu tư đặt tại ASEAN (sau đây gọi là “nhà đầu tư ASEAN”);
4. Duy trì và nhất trí về đối xử ưu đãi giữa các nước thành viên ASEAN;
5. Bảo lưu các cam kết của Hiệp định khung về Khu vực đầu tư ASEAN (Hiệp định AIA) và Hiệp định Bảo lãnh Đầu tư ASEAN (ASEAN IGA);
6. Đối xử đặc biệt và ưu đãi và linh hoạt đối với các nước thành viên ASEAN, tùy theo trình độ phát triển và mức độ nhạy cảm ngành;
7. Đối xử có đi có lại trong việc hưởng các nhượng bộ giữa các nước thành viên ASEAN, khi phù hợp;
8. Thực hiện mở rộng phạm phi của ACIA ra các lĩnh vực khác trong tương lai.
Hiệp định ACIA bao gồm 4 nội dung chính là Tự do hóa đầu tư, Bảo hộ đầu tư, Thuận lợi hóa đầu tư và Xúc tiến đầu tư.
ACIA nêu rõ nghĩa vụ của các nước thành viên ASEAN về bảo bộ nhà đầu tư ASEAN và các hoạt động đầu tư của họ theo cả hai nghĩa tương đối và tuyệt đối.
Nghĩa vụ của Chính phủ các nước theo nghĩa tương đối được nêu trong Điều 5 (Đối xử quốc gia) và Điều 6 (Đối xử tối huệ quốc).
Nghĩa vụ tuyệt đối được nêu trong Điều 7 (Cấm các yêu cầu về hiệu quả đầu tư); Điều 8 (Lãnh đạo cấp cao và Ban giám đốc); Điều 11 và 15 đưa ra các tiêu chuẩn tối thiểu về đối xử với các nhà đầu tư ASEAN và các hoạt động đầu tư của họ;
và Điều 22 (Nhập cảnh, Tạm trú và Quá trình làm việc của các Nhà đầu tư và Nhân sự chủ chốt). Các quy định về tự do hóa được đưa vào Khoản 3 Điều 3 (Phạm vi áp dụng), Điều 9 (Bảo lưu), Điều 10 (Điều chỉnh cam kết), và Biểu cam kết. Điều 24 và 25 lần lượt bàn về xúc tiến và thuận lợi hóa đầu tư
Phạm vi điều chỉnh của Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN
Về nghĩa vụ liên quan đến đầu tư
ACIA điều chỉnh các biện pháp của các nước Thành viên áp dụng đối với các nhà đầu tư và các khoản đầu tư hiện tại hoặc tương lai (tính từ thời điểm ACIA có hiệu lực) của các nhà đầu tư của các nước Thành viên khác.
ACIA không áp dụng đối với:
- Các biện pháp liên quan đến thuế (trừ các trường hợp quy định khác trong Hiệp định)
- Các khoản tài trợ hay trợ cấp của một nước Thành viên
- Mua sắm công
- Các dịch vụ cung cấp nhằm thực hiện thẩm quyền của nhà nước bởi một cơ quan hoặc đơn vị của nước Thành viên
- Các biện pháp tác động tới thương mại dịch vụ theo Hiệp định khung về Dịch vụ ASEAN (AFAS), trừ một số biện pháp liên quan tới Phương thức cung cấp dịch vụ 3 – Hiện diện thương mại như quy định cụ thể trong Hiệp định
Về tự do hóa đầu tư
ACIA chỉ có các cam kết về tự do hóa đầu tư trong các lĩnh vực:
Chế tạo (manufacturing)
Nông nghiệp Nghề cá (fishery)
Lâm nghiệp (forestry)
Khai mỏ (mining and quarrying)
Các dịch vụ phụ trợ cho các ngành trên
Và bất kỳ lĩnh vực nào khác nếu tất cả các Thành viên đồng ý.
Về bảo hộ đầu tư
Kế thừa quy định của IGA, ACIA bảo hộ cho tất cả các lĩnh vực, hình thức đầu tư và chỉ bảo hộ cho các khoản đầu tư sau khi thành lập, trừ các biện pháp gây ảnh hưởng đến thương mại dịch vụ trong phạm vi quy định của Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ mà các nước thành viên áp dụng.
Vì mục đích bảo hộ đầu tư liên quan đến việc cung cấp dịch vụ theo phương thức hiện diện thương mại các quy định về đối xử đầu tư; bồi thường trong trường hợp mất ổn định; chuyển tiền; tịch biên và bồi thường; thế quyền và các quy định về giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nước thành viên sẽ được áp dụng.
Trong từng trường hợp cụ thể việc áp dụng các quy định này có thể sẽ điều chỉnh cho phù hợp với tình hình theo thỏa thuận của các bên nhưng không vượt quá nghĩa vụ cam kết trong Hiệp định.
Nội dung chi tiết về Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN (bản tiếng Anh)