menu search
Đóng menu
Đóng

Giá vàng ngày 15/12/2022 trong nước và thế giới cùng giảm

11:38 15/12/2022

Giá vàng thế giới hôm nay giảm khi Fed tăng lãi suất tại cuộc họp chính sách cuối cùng của năm 2022; giá vàng trong nước cũng giảm, SJC xuống mức 66,62 triệu đồng/lượng.

Giá vàng trong nước giảm
Vào lúc 11h30 giá vàng Doji niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 65,70 triệu đồng/lượng - bán ra 66,60 triệu đồng/lượng (giảm 300.000 đồng/lượng so với cuối giờ chiều hôm qua ở cả 2 chiều mua bán)
Giá vàng Phú Quý - SJC niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 65,75 triệu đồng/lượng - bán ra 66,60 triệu đồng/lượng (giảm 300.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn SJC tại Hà Nội mua vào 65,80 triệu đồng/lượng - bán ra 66,62 triệu đồng/lượng (giảm 400.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng thế giới 1.793 – 1.809 USD/ounce
Giá vàng thế giới ngày 15/12 giao dịch quanh ngưỡng 1.793 – 1.809 USD/ounce, giảm 2 - 6 USD/ounce so với hôm qua.
Giá vàng hôm nay giảm khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất tại cuộc họp chính sách cuối cùng của năm 2022 và cho biết sắp có nhiều đợt tăng lãi suất nữa.
Tuyên bố cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Fed, cho thấy ngân hàng trung ương Mỹ đã tăng lãi suất cơ bản của Fed thêm 50 điểm cơ bản như mong đợi. Fed cho biết sẽ tiếp tục thắt chặt tiền tệ để “hạ nhiệt” lạm phát.
Vàng đã chịu một số áp lực bán sau cuộc họp, tuy nhiên kim loại quý này vẫn giữ mức hỗ trợ trên 1.800 USD/ounce khi Fed dự định sẽ tăng mức lãi suất cuối cùng lên 5% trong năm tới.
Các dự báo kinh tế mới nhất, còn được gọi là "dot plot", chỉ ra rằng ngân hàng trung ương dự báo lãi suất Fed sẽ tăng lên 5,1% vào năm tới, tăng so với dự báo 4,6% trong tháng 9. Ngân hàng trung ương cũng dự báo lãi suất của Fed sẽ giảm xuống 4,1% vào năm 2024 và sau đó giảm xuống 3,1% vào năm 2025. Một số nhà phân tích đã nói rằng ước tính này đặt ra rủi ro lớn nhất đối với giá vàng dài hạn vì nó cho thấy Fed sẽ giữ lãi suất cao trong thời gian dài hơn.
Nhà kinh tế trưởng Bắc Mỹ Paul Ashworth tại Capital Economics cho biết, kỳ vọng về lãi suất của các quan chức Fed cho thấy rủi ro lớn hơn là lãi suất sẽ tiếp tục tăng cao hơn trong năm tới. Ashworth lưu ý rằng Chủ tịch Fed chi nhánh bang St Louis James Bullard và chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis Neel Kashkari mới đây đều dự đoán lãi suất Quỹ Fed sẽ lên tới 5,75% vào năm 2023.
Ông nói rằng lạm phát trong năm tới sẽ giảm nhưng không đủ thuyết phục để thuyết phục Fed đứng ngoài cuộc. Chuyên gia này dự báo Fed sẽ tăng 25 điểm cơ bản vào đầu tháng 2.
Chuyên gia kinh tế cấp cao Katherine Judge tại CIBC nói rằng ngân hàng của bà sẽ không thay đổi kỳ vọng lãi suất năm 2023 của họ sau các biểu đồ “dot plot” mới nhất.
Trong tuyên bố, ngân hàng trung ương cũng đã hạ dự báo tăng trưởng cho năm 2023 và nâng triển vọng lạm phát. Ngân hàng trung ương Mỹ dự báo nền kinh tế nước này sẽ tăng 0,5%, tăng nhẹ so với dự báo của tháng 9 là 0,2%. Tuy nhiên, ngân hàng này đã hạ thấp đáng kể dự báo của năm tới với GDP tăng 0,5%, giảm so với ước tính trước đó là 1,2% trong năm nay. Tăng trưởng kinh tế cũng bị hạ xuống 1,6% cho năm 2024, so với ước tính trước đó là 1,7%. Nền kinh tế báo sẽ tăng trưởng 1,8% vào năm 2025, không thay đổi so với kết quả hồi tháng 9.
Áp lực lạm phát tiếp tục gia tăng. Ngân hàng trung ương Mỹ dự báo lạm phát cốt lõi (loại bỏ giá năng lượng và lương thực dễ biến động) tăng 4,8% trong năm nay so với ước tính 4,5% của tháng 9. Lạm phát cốt lõi tăng 3,5% vào năm 2023 so với dự báo trước đó là 3,1%. Vào năm 2024, giá tiêu dùng cốt lõi dự kiến sẽ tăng 2,5%, tăng so với ước tính trước đó là 2,3%. Lạm phát cốt lõi đến năm 2025 được dự báo sẽ tăng 2,1%, không đổi so với mức dự báo trong tháng 9.
Nhìn chung, giá tiêu dùng dự kiến sẽ tăng 5,6% trong năm nay, tăng so với mức dự đoán 5,4% của tháng 9. Năm tới, lạm phát dự kiến sẽ tăng 3,1%, tăng so với ước tính trước đó là 2,8%. Đến năm 2024, lạm phát dự kiến sẽ tăng 2,5%, cao hơn so với mức dự báo trước đó là 2,3%. Vào năm 2025, giá tiêu dùng được dự đoán sẽ tăng 2,1%, cao hơn so với mức ước tính 2% của tháng 9.
Fed cũng dự báo thị trường lao động tương đối ổn định trong hai năm tới với tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 3,7% trong năm nay, giảm so với dự báo tháng 9 là 3,8%. Tỷ lệ thất nghiệp dự kiến sẽ giữ ổn định ở mức 4,6% vào năm 2023 và 2024, tăng so với ước tính trước đó là 4,4%. Đến năm 2025, tỷ lệ thất nghiệp dự kiến sẽ tăng 4,5%, cao hơn so với ước tính trước đó là 4,3%.
Hiện tại, các nhà giao dịch hiện đang chờ đợi cuộc họp báo từ Chủ tịch Fed Jerome Powell. Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng Anh sẽ họp vào thứ 5 và có khả năng sẽ có quyết định tăng lãi suất nửa điểm phần trăm giống như Fed.
Mọi con mắt đang đổ dồn vào chỉ số lạm phát (CPI) tháng 11 của Mỹ sắp được công bố sau khi chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng cao hơn dự kiến. Số liệu CPI dự kiến sẽ được công bố vào ngày 13/12 (theo giờ Mỹ), các nhà phân tích cảnh báo, lạm phát có thể vẫn tăng cao và không hề giảm tốc độ.
Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA nói với Kitco News, giá vàng có thể giảm trong ngắn hạn và sớm quay trở lại mức giá cao. Nhiều nhà phân tích khác thì cho biết việc giảm tốc độ tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa hẳn sẽ khiến cơ quan này xoay trục khỏi kế hoạch của mình. Thêm vào đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã cảnh báo, lãi suất có thể phải duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài.
Xu hướng giá vàng: Ngân hàng ANZ nhận định Fed sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất, dù các quan chức Fed nói rằng lãi suất có thể tiếp tục tăng. Lạm phát giảm có thể rút ngắn thời gian tăng lãi suất hơn so với dự kiến. Lãi suất giảm có xu hướng thúc đẩy giá vàng, khi làm giảm chi phí cơ hội cho việc nắm giữ tài sản không sinh lời này.
Trong một cuộc phỏng vấn với Kitco News, chuyên gia này nói rằng, các nhà đầu tư có vàng trong danh mục đầu tư của họ trong năm 2022 sẽ nhận được lợi nhuận tốt hơn, ít thua lỗ hơn và ít biến động hơn". Còn Hội đồng Vàng thế giới kỳ vọng giá vàng sẽ tương đối ổn định vào năm 2023 trước những bất ổn kinh tế nghiêm trọng.
Mặc dù tâm lý đang thay đổi trên thị trường vàng, nhưng vẫn còn một trở ngại cuối cùng mà kim loại quý này cần vượt qua là cuộc họp chính sách tiền tệ cuối cùng của Fed trong năm 2022. Nhiều ý kiến dự báo, Fed sẽ bớt quyết liệt hơn trong chính sách tiền tệ với mức tăng 50 điểm cơ bản. Tuy nhiên, rủi ro đối với vàng chính là các biểu đồ dot plot của ngân hàng trung ương (biểu đồ thể hiện mức dự kiến của lãi suất điều hành Fed trong tương lai).
Vào tháng 9, Fed đã dự báo lãi suất Quỹ Fed sẽ đạt đỉnh ở mức 4,6% vào năm 2023. Tuy nhiên, những dự báo đó dự kiến sẽ tiến gần hơn, nếu không muốn nói là cao hơn mức 5%. Nếu lãi suất cuối kỳ thực sự vượt quá 5%, thì giá vàng có thể gặp một số trở ngại mới khi đồng USD tăng cao hơn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác lại cho rằng hành động tích cực hơn nữa từ Fed sẽ chỉ đẩy nền kinh tế vào một cuộc suy thoái kéo dài sâu hơn và điều này sẽ hỗ trợ vàng. Bên cạnh đó, nhu cầu của ngân hàng trung ương đối với vàng cũng làm gia tăng sự quan tâm đối với kim loại quý này. Thứ 4 tuần trước, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc thông báo đã mua 32 tấn vàng trong tháng 11, lần đầu tiên họ tăng dự trữ chính thức kể từ tháng 9/2019.

Nguồn:Vinanet/VITIC