menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường Việt Nam trong tương lai sẽ là nền thương mại điện tử

15:12 05/04/2016

Thị trường Việt Nam trong tương lai sẽ là nền thương mại điện tử. Đó là nhận định được các chuyên gia đưa ra tại Hội nghị cấp cao với chủ đề “Vietnam Future Market 2016” tổ chức tại TP.HCM ngày 1-4.

Theo đó, đến năm 2020, Việt Nam có khoảng 59 triệu người sử dụng Internet và trong đó có 58% người truy cập Internet có giao dịch mua hàng trực tuyến. Đồng thời, lượng ứng dụng cho việc mua sắm trực tuyến trên di động đã tăng đến 117%.

Theo Công ty Vietnam Supply Chain - đơn vị tổ chức, Việt Nam phát triển thương mại điện tử (e-commerce) chậm hơn so với các nước. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI đã thu được doanh thu lớn từ mảng kinh doanh B2C (doanh nghiệp đến người tiêu dùng) và C2C (người tiêu dùng với người tiêu dùng).

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và internet sẽ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam kết nối vào chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như phát triển chuỗi cung ứng phân phối hàng hóa rộng rãi đến cho nười tiêu dùng trong nước.

Theo bà Jocelyn Tran, Giám đốc cấp cao Công ty Wal-Mart Việt Nam, xu hướng mua hàng trên mạng chủ yếu tập trung về sự tiện lợi. Cụ thể, các doanh nghiệp bán hàng online tại Việt Nam hiện nay giao hàng chủ yếu bằng xe máy. Đó là một lợi thế vì hình thức giao hàng bằng xe máy rất nhanh, tiết kiệm thời gian và tạo được lòng tin của người mua hàng. Tuy nhiên, bà  Jocelyn Tran cũng cho rằng người tiêu dùng vẫn duy trì mua sắm tại các siêu thị và cửa hàng tiện lợi vì tâm lý người mua sắm muốn được trải nghiệm sản phẩm trực tiếp. Do vậy các nhà phân phối vẫn có cơ hội để phát triển, chủ yếu cho các ngành hàng tiêu dùng nhanh. 

Trên thực tế, việc ký kết các thoả thuận hợp tác, tự do thương mại trong những năm gần đây sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho Việt Nam điển hình là góp phần thúc đẩy thực hiện cải cách về cả chính trị lẫn kinh tế. Theo nghiên cứu tốc độ tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam được dự báo sẽ tăng đến 6,6% trong năm 2016 và khối kinh tế tư nhân sẽ đóng góp tối thiểu 80% GDP.

Tốc độ đô thị hoá ở Việt Nam sẽ trở nên ngày càng mạnh mẽ như ở Hàn Quốc và Trung Quốc, tuy nhiên 2/3 dân số vẩn sống ở khu vực nông thôn và điều này sẽ mang lại nhiều tiềm năng phát triển. Hơn 2/3 danh mục sản phẩm tiêu dùng nhanh vẫn chưa tiếp cận về đến người tiêu dùng ở nông thôn.

Đến năm 2035, hơn một nửa dân số Việt Nam sẽ thuộc tầng lớp trung lưu của thế giới, cư dân đô thị sẽ tăng khoảng 25 triệu người so với hiện tại.

Nguồn: baohaiquan.vn

Nguồn:baohaiquan.vn