“Lo ngại lạm phát”
Đây là tiêu đề của Chương 2 - một chương phân tích về lạm phát trong báo cáo “Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO)” dự kiến sẽ được IMF công vố vào giữa tuần tới. Theo kịch bản dự báo cơ sở của IMF, lạm phát chung tại các nền kinh tế phát triển sẽ đạt đỉnh cao nhất là 3,6% vào mùa thu năm 2021, sau đó giảm xuống khoảng 2% vào giữa năm 2022. Trong khi đó với các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, lạm phát giảm xuống khoảng 4% vào giữa năm tới sau khi đạt đỉnh 6,8% vào mùa thu năm nay.
“Giá nhà ở tăng chóng mặt và tình trạng thiếu hụt nguồn cung đầu vào kéo dài ở các nền kinh tế phát triển và đang phát triển, trong khi đó, áp lực giá lương thực cũng tiếp diễn và đà giảm giá tiền tệ ở các thị trường mới nổi có thể khiến lạm phát tăng cao hơn”, báo cáo nhận định.
IMF cho biết, lạm phát tăng cao gần đây được thúc đẩy bởi nhu cầu bị dồn nén và tiết kiệm tích lũy, cũng như được thúc đẩy bởi các gói kích thích tài chính và tiền tệ; giá cả hàng hóa tăng nhanh; thiếu hụt đầu vào và gián đoạn chuỗi cung ứng. Trong đó, giá lương thực toàn cầu đã tăng khoảng 40% kể từ khi đại dịch bắt đầu đã ảnh hưởng nặng nề đến các nước thu nhập thấp. Tại một số nền kinh tế phát triển bao gồm Hoa Kỳ, tiền lương cũng đã tăng đáng kể trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, như liên quan đến các ngành giải trí, khách sạn và bán lẻ. Nhưng báo cáo cũng lưu ý, tăng trưởng tiền lương đi kèm với sự sụt giảm giờ làm và có rất ít dấu hiệu cho thấy sự tăng tốc tiền lương trên toàn nền kinh tế cho đến giữa năm nay.
IMF cho biết, kỳ vọng lạm phát có xu hướng được duy trì tốt ở các nền kinh tế phát triển, nơi có các NHTW độc lập có chính sách tiền tệ đáng tin cậy và được truyền thông tốt, mặc dù nhiều gói chính sách tài khóa và tiền tệ đã được tung ra trong thời gian đại dịch. Dự báo mật độ trong đường cơ sở cũng chỉ ra kỳ vọng lạm phát được duy trì ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển trong hai năm tới. Tuy nhiên, “có một sự không chắc chắn đáng kể” xung quanh các dự báo này, đặc biệt liên quan đến việc đánh giá tình trạng kinh tế trì trệ và phản ánh trong sự phân bố xung quanh đường cơ sở. Giá nhà đất tăng mạnh và tình trạng thiếu hụt nguồn cung đầu vào kéo dài ở cả các nền kinh tế phát triển, thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, đồng thời áp lực giá lương thực tiếp tục tăng là những yếu tố có thể khiến lạm phát gia tăng lâu hơn, nhất là nếu xảy ra đồng thời. Ở các thị trường mới nổi - thường đi kèm với việc tỷ giá hối đoái mất giá mạnh - là yếu tố nữa khiến lạm phát có thể tăng tốc.
Vì thế bên cạnh dự báo cơ sở, các chuyên gia của IMF cũng chạy các mô phỏng bao gồm cả những gián đoạn nguồn cung kéo dài trong một số lĩnh vực nhất định và sự biến động lớn về giá hàng hóa và kết quả cho thấy có thể khiến lạm phát “cao hơn đáng kể so với mức cơ sở”. Các chuyên gia của IMF đã tiến hành phân tích một số trường hợp điển hình và xác nhận rằng, "nỗi sợ lạm phát" dai dẳng có thể dẫn đến tỷ lệ lạm phát cao hơn, đòi hỏi phải có các hành động chính sách mạnh mẽ, bền bỉ để kéo giảm lạm phát kỳ vọng. “Quan trọng là, các cam kết chi tiêu dài hạn hơn có thể gắn liền với các kỳ vọng không thay đổi và nhấn mạnh tầm quan trọng của các khuôn khổ tài khóa trung hạn đáng tin cậy trong việc duy trì các kỳ vọng”, báo cáo nhấn mạnh.
Bốn bài học chính sách
Về hàm ý chính sách, có bốn bài học chính được đặt ra. Đầu tiên, từ các trường hợp nghiên cứu điển hình và phân tích kịch bản được chọn cho thấy, khi kỳ vọng lạm phát được/bị “buông neo” sẽ khiến lạm phát có thể nhanh chóng bùng phát và sẽ rất tốn kém để kiềm chế. Vì vậy, duy trì độ tin cậy của chính sách và việc đặt ra các kỳ vọng lạm phát là một yếu tố nội sinh nhưng khó có thể xác định chính xác trong bối cảnh hiện nay. Hơn nữa, bất kỳ đánh giá nào về neo lạm phát kỳ vọng không thể được quyết định hoàn toàn chỉ dựa trên cơ sở các mối liên hệ đã được quan sát trong dữ liệu lịch sử. Do đó, các nhà hoạch định chính sách phải sẵn sàng hành động và quan trọng hơn, đảm bảo rằng các khuôn khổ tiền tệ hợp lý được áp dụng. Đặc biệt, các nhà hoạch định chính sách phải cảnh giác với các tác nhân gây ra một cơn bão rủi ro lạm phát hoàn hảo (các yếu tố rủi ro xảy ra đồng thời), bởi điều này có thể dẫn đến lạm phát cao hơn đáng kể so với dự đoán, nhất là trong các dự báo theo kịch bản cơ sở.
Thứ hai, các nghiên cứu điển hình cho thấy, những hành động chính sách mạnh mẽ thường thành công trong việc hạ thấp kỳ vọng lạm phát và lạm phát thực tế. Cùng với đó, việt truyền thông hợp lý và đáng tin cậy cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc giữ vững kỳ vọng lạm phát. Trong bối cảnh đó, những định hướng điều hành và thông tin rõ ràng về tương lai từ NHTW của các nền kinh tế phát triển sẽ là chìa khóa trong giai đoạn bình thường hóa chính sách để tránh các phản ứng thái quá. Tương tự như vậy, một kế hoạch được truyền thông tốt về việc dần thoát khỏi chính sách tiền tệ đặc biệt và sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản khi sự phục hồi được tăng cường cũng sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi thị trường một cách có trật tự sang trạng thái bình thường ở các thị trường mới nổi. Cùng với đó, việc duy trì mức độ tín nhiệm tài khóa cao cũng sẽ giúp neo lạm phát.
Thứ ba, các nhà hoạch định chính sách cần phối hợp chặt chẽ giữa các hành động bền bỉ để hỗ trợ sự phục hồi, nhưng cũng chuẩn bị sẵn sàng hành động nhanh chóng nếu kỳ vọng lạm phát có dấu hiệu bị buông neo. Theo đó, một mặt các NHTW có thể nhìn xa hơn áp lực lạm phát tạm thời và tránh thắt chặt chính sách quá sớm cho đến khi có sự rõ ràng hơn về động lực tăng giá cơ bản. Mặt khác, các NHTW cũng nên chuẩn bị hành động nhanh chóng nếu lạm phát kỳ vọng thay đổi. Về cơ bản, chính sách tài khóa cần tuân thủ các khuôn khổ trung hạn bền vững. Tuy nhiên, sự không chắc chắn về chênh lệch sản lượng trung hạn vẫn còn cao và có thể ảnh hưởng đến thời điểm tối ưu để loại bỏ hỗ trợ chính sách trong khi sự phục hồi vẫn đang được tiến hành. Do đó, các chính sách cần lưu ý đến những động lực bất thường trong ngắn hạn và những bất ổn xung quanh sản lượng tiềm năng.
Thứ tư, có mức độ không đồng nhất về triển vọng lạm phát giữa các nền kinh tế phát triển, thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển hay ngay trong nhóm các nền kinh tế phát triển. Do đó, chính sách nên được điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện cụ thể của mỗi nền kinh tế cũng như các giai đoạn của chu kỳ kinh doanh. Tuy nhiên, tác động lan tỏa từ việc thắt chặt tài khóa và tiền tệ không đồng bộ vẫn phải là cốt lõi trong các cuộc thảo luận chính sách đa phương. Đối với các thị trường mới nổi, vai trò của nền tảng KTVM vững mạnh và khuôn khổ tài khóa trung hạn đáng tin cậy là rất quan trọng trong việc neo kỳ vọng lạm phát.
Nguồn:Hồng Quân / Thời báo ngân hàng online