Các vấn đề về chuỗi cung ứng từng đặt ra nhiều thách thức đối với tăng trưởng kinh tế thế giới, song giờ đây mọi sự chú ý lại đổ dồn vào thị trường dầu mỏ, sau khi hoạt động đi lại của người dân dần trở về trạng thái bình thường như giai đoạn trước đại dịch COVID-19.
Cung không tăng kịp cầu
Việc giá khí đốt liên tục tăng cao trong thời gian gần đây, đặc biệt tại thị trường châu Âu và châu Á, là một nhân tố quan trọng tác động mạnh tới thị trường dầu mỏ, nhất là khi một số lĩnh vực kinh tế đang cân nhắc thay thế khí đốt bằng dầu thô.
Công ty tư vấn năng lượng Rystad tin rằng chỉ riêng việc chuyển từ khí đốt sang dầu để sản xuất điện và sưởi ấm có thể làm tăng nhu cầu dầu thêm 1 triệu thùng/ngày trong mùa Đông này.
Trên phương diện nguồn cung, hàng loạt quốc gia thành viên Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đang sản xuất thấp hơn hạn ngạch cho phép. Tín hiệu này cho thấy tình trạng thiếu đầu tư dầu mỏ có khả năng sẽ kéo dài đến năm 2022, đồng nghĩa với việc thị trường “vàng đen” đang thắt chặt hơn đáng kể so với những gì thế giới dự đoán và làm thay đổi quan điểm về quỹ đạo giá trong ngắn hạn.
Trong báo cáo "Triển vọng dầu mỏ thế giới năm 2021" mới công bố, OPEC đã cảnh báo tình trạng thiếu đầu tư vào ngành dầu khí có thể khiến nguồn cung thu hẹp hơn và đẩy giá năng lượng đi lên, từ đó đe dọa đà phục hồi yếu ớt của nền kinh tế toàn cầu giai đoạn hậu đại dịch COVID-19.
Theo báo cáo của OPEC, sự chuyển dịch sang sử dụng nhiên liệu sạch hơn và tác động của đại dịch COVID-19 đã khiến đầu tư vào ngành sản xuất dầu khí giảm khoảng 30% trong năm 2020. Do đó, nếu không có các khoản đầu tư cần thiết, thị trường năng lượng có thể sẽ biến động mạnh hơn và tình trạng thiếu hụt năng lượng trong tương lai sẽ ảnh hưởng đến triển vọng phục hồi toàn cầu.
Trước đây, chiến lược thắt chặt sản lượng để kiểm soát giá của OPEC đã để lại rất ít dư địa tăng trưởng dầu mỏ của Mỹ và mức giá thấp hơn chính là rào cản ngăn chặn đà phát triển của các giàn khoan tại Mỹ.
Tuy nhiên, sau khi OPEC điều chỉnh triển vọng thị trường trong bối cảnh cầu vượt cung, có cơ sở để tin rằng lượng hàng dự trữ dầu mỏ toàn cầu vào cuối năm nay sẽ ở dưới mức bình thường, đồng thời cũng là lý do khiến giới đầu tư dầu mỏ rất lo ngại.
OPEC có sớm điều chỉnh sản lượng?
Bất chấp giá dầu Brent đã đạt mức cao nhất trong ba năm, vượt ngưỡng 80 USD/thùng và gia tăng áp lực đối với người tiêu dùng, OPEC và các nhà sản xuất dầu liên minh (nhóm OPEC+) vẫn chưa có kế hoạch đẩy nhanh việc tăng sản lượng.
Trong cuộc họp ngày 4/10, OPEC+ đã xác nhận sẽ tuân theo chính sách sản lượng hiện tại, tức là duy trì mức tăng sản lượng khai thác dầu thô thêm 400.000 thùng/ngày cho đến ít nhất tháng 4/2022 theo thỏa thuận đạt được trước đó.
Quyết định này được các Bộ trưởng OPEC+ đưa ra giữa bối cảnh tổ chức này đang chịu áp lực ngày càng lớn từ Mỹ và Ấn Độ liên quan đến việc nâng sản lượng sau khi giá dầu thế giới tăng tới 50% kể từ đầu năm nay.
Cơ sở khai thác khí đốt tự nhiên Bin Omar của Công ty dầu khí Basra ở cảng miền Nam Iraq. Ảnh: AFP/TTXVN
Chuyên gia kinh tế về hàng hóa tại Capital Economics ông Kieran Clancy cho rằng OPEC+ đang ngày càng chịu nhiều áp lực lớn nhằm đưa nguồn cung dầu mỏ trở lại thị trường nhanh hơn.
Hệ quả là, nếu liên minh dầu mỏ này tiếp tục trì hoãn đẩy nhanh kế hoạch nâng sản lượng, thị trường sẽ tiếp tục trong tình trạng thâm hụt và giá “vàng đen” được dự báo sẽ duy trì ở mức cao, ít nhất cho đến sau cuộc họp chính sách tiếp theo của OPEC+ vào ngày 4/11 tới.
Trong trường hợp sản lượng dầu mỏ của hai thành viên quan trọng trong OPEC là Angola và Nigeria vẫn thấp hơn ngưỡng mục tiêu do những thách thức nội tại về hạ tầng, đầu tư và an ninh, giá dầu thậm chí sẽ còn tăng trong năm tới.
Tháng trước, các nhà phân tích năng lượng tại Bank of America Global Research dự báo giá dầu có thể chạm mức 100 USD/thùng nếu nhiệt độ lạnh hơn dự kiến ở khu vực Bắc Bán cầu trong mùa Đông năm nay. Viễn cảnh đó có thể thúc đẩy nhu cầu tăng vọt và tạo sức ép lên nguồn cung.
Ngoài ra, xu hướng này có thể khuyến khích các đối thủ cạnh tranh mới tham gia thị trường, giúp thăm dò thêm nhiều mỏ dầu mới hay thậm chí là khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo.
Ở một góc nhìn khác, một số nhà quan sát nhận định quyết định của OPEC+ sẽ là “rất thận trọng” cho đến khi liên minh này xem xét đầy đủ các khía cạnh của cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới, cũng như các nguy cơ gây gián đoạn nguồn cung dầu mỏ.
Mặc dù đánh giá triển vọng phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 là tương đối lạc quan, song liên minh dầu mỏ này vẫn cảnh báo về nguy cơ suy giảm nhu cầu dầu mỏ trong trung hạn, cho rằng những lo lắng về tốc độ và quỹ đạo của sự phục hồi này có thể ảnh hưởng tới thị trường năng lượng toàn cầu.
Bên cạnh đó, vẫn còn những rủi ro khác về sự lây lan của các biến thể COVID-19, áp lực lạm phát và khả năng các ngân hàng trung ương ngừng các chương trình nới lỏng định lượng quy mô lớn.
Từ những bài học trong quá khứ, có thể hiểu lý do OPEC+ tỏ ra cẩn trọng bởi lẽ bất kỳ quyết định sai lầm nào cũng có thể khiến thị trường dầu mỏ chao đảo. Vì vậy, áp lực chính trị của Mỹ và những nước khác là chưa đủ để khiến liên minh dầu mỏ này ngay lập tức thay đổi chiến lược.
Tuy nhiên, điều quan trọng là OPEC+ cần kiểm soát chu kỳ tăng giá hiện nay và đưa ra sự điều chỉnh phù hợp trước khi quá muộn.
Nguồn:Việt Khoa / BNEWS (TTXVN Tại Cairo)