menu search
Đóng menu
Đóng

Giá dầu thế giới tăng tuần thứ bảy liên tiếp

08:49 14/08/2023

Giá dầu thế giới tăng vào thứ Sáu (11/8) sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự báo nhu cầu toàn cầu kỷ lục và nguồn cung thắt chặt, đẩy giá tăng tuần thứ bảy liên tiếp, chuỗi tăng dài nhất kể từ năm 2022.
 
Dầu thô Brent tăng 41 US cent, tương đương 0,5%, lên mức 86,81 USD/thùng, trong khi dầu thô Mỹ (WTI) tăng 37 US cent, tương đương 0,5%, lên mức 83,19 USD/thùng. Tính chung cả tuần, cả hai loại dầu đều tăng khoảng 0,5%.
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đã điều chỉnh nâng dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm 2023 lên mức cao kỷ lục.
Theo IEA, trong năm 2023, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ tăng thêm 2,2 triệu thùng/ngày lên 102,2 triệu thùng/ngày, trong đó Trung Quốc chiếm 70% mức tăng trưởng này.
Cũng theo IEA, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu đang tăng cao kỷ lục do nhu cầu du lịch hàng không tăng mạnh trong mùa Hè, tăng cường sử dụng dầu trong sản xuất điện và hoạt động hóa dầu của Trung Quốc gia tăng.
IEA dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm 2023 sẽ ghi dấu mức hàng năm cao nhất từ trước đến nay. Hồi tháng 2/2023, IEA đã dự báo nhu cầu dầu mỏ sẽ lên mức kỷ lục trong năm 2023 là 101,9 triệu thùng/ngày.
Trong khi đó, việc cắt giảm sản lượng từ Saudi Arabia và Nga đã khiến cho lượng hàng tồn kho giảm mạnh trong thời gian còn lại của năm 2023, điều mà IEA cho rằng có thể đẩy giá dầu lên cao hơn nữa.
Tuy nhiên, IEA dự đoán nhu cầu dầu mỏ sẽ chậm lại sang năm 2024 khi thế giới nỗ lực chung tay để chống biến đổi khí hậu và giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Hôm thứ Năm (10/8), Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cho biết họ dự kiến nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 2,44 triệu thùng/ngày trong năm nay, không thay đổi so với dự báo trước đó. OPEC cho biết triển vọng thị trường dầu mỏ sẽ khả quan trong nửa cuối năm nay.
Dữ liệu kinh tế của Mỹ trong tuần này cũng nâng cao tâm lý thị trường, thúc đẩy suy đoán rằng Cục Dự trữ Liên bang sắp kết thúc đợt tăng lãi suất mạnh mẽ.
Nhà phân tích Craig Erlam của OANDA cho biết việc cắt giảm nguồn cung và triển vọng kinh tế được cải thiện đã tạo ra sự lạc quan hơn cho các nhà đầu tư dầu mỏ. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng các dấu hiệu cho thấy động lượng đang yếu đi sau một đợt phục hồi kéo dài. Vào thứ Năm (10/8) giá dầu Brent đạt mức cao nhất kể từ tháng Giêng, sau khi dầu WTI đạt mức cao nhất trong năm nay.
Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho biết sau khi giảm 8 tuần liên tiếp, số lượng giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ, một chỉ báo sớm về sản lượng trong tương lai, giữ ổn định ở mức 525 trong tuần này.
Trước đó, giá dầu thế giới tăng vào phiên sáng thứ sáu (11/8) do lạc quan từ nhóm các nhà sản xuất OPEC rằng nhu cầu dầu sẽ tăng mạnh vào năm 2024, điều này cũng thúc đẩy kỳ vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Dầu thô Brent tăng 7 US cent lên mức 86,47 USD/thùng, trong khi dầu thô Mỹ tăng 12 cent lên 82,94 USD/thùng. Cả hai loại dầu đều tăng bền vững kể từ tháng 6, với dầu thô Trung cấp West Texas (WTI) giao dịch vào thứ Năm (11/8) ở mức cao nhất trong năm nay và dầu Brent đạt mức cao kể từ tháng 1/2023. Giá đã tăng nhờ vào việc gia hạn cắt giảm sản lượng của Saudi Arabia và Nga, bên cạnh những lo ngại về nguồn cung do khả năng xung đột giữa Nga và Ukraine ở khu vực Biển Đen.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) hôm thứ Năm cho biết họ dự kiến nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng 2,25 triệu thùng/ngày (bpd) vào năm 2024, so với mức tăng 2,44 triệu thùng/ngày vào năm 2023. Cả hai dự báo đều không thay đổi so với tháng trước.
Báo cáo cho biết thêm, vào năm 2024, tăng trưởng kinh tế "vững chắc" trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục cải thiện dự kiến sẽ thúc đẩy tiêu thụ dầu.
Nâng cao tâm lý thị trường, dữ liệu giá tiêu dùng tháng 7 của Mỹ vào thứ Năm đã thúc đẩy dự đoán Cục Dự trữ Liên bang sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất mạnh.
Trước đó, giá dầu giảm vào đầu phiên giao dịch thứ Năm (10/8) sau khi đạt "đỉnh" mới trong phiên trước đó. Các yếu tố này bao gồm thông tin kho dự trữ nhiên liệu của Mỹ giảm mạnh, cùng kế hoạch cắt giảm sản lượng của Saudi Arabia và Nga giúp bù đắp cho những lo ngại về nhu cầu tăng chậm của Trung Quốc. Dầu thô Brent giảm 20 cent, tương đương 0,2%, xuống 87,35 USD/thùng, sau khi đạt mức cao nhất kể từ ngày 27 tháng 1 trong phiên trước đó. Dầu thô Mỹ (WTI) giảm 23 US cent, tương đương 0,3%, xuống 84,17 USD, sau khi ổn định ở mức cao nhất kể từ tháng 11 năm 2022.
Dữ liệu của Trung Quốc hôm thứ Ba cho thấy nhập khẩu dầu thô trong tháng 7 đã giảm 18,8% so với tháng trước xuống mức thấp nhất hàng ngày kể từ tháng 1. Tuy nhiên, giá được hỗ trợ bởi dữ liệu của chính phủ hôm thứ Tư cho thấy tồn trữ xăng của Mỹ giảm 2,7 triệu thùng trong tuần trước, trong khi tồn trữ sản phẩm chưng cất, bao gồm dầu diesel và dầu sưởi, giảm 1,7 triệu thùng.
Thông tin kho dự trữ nhiên liệu của Mỹ giảm mạnh, cùng kế hoạch cắt giảm sản lượng của Saudi Arabia và Nga giúp bù đắp cho những lo ngại về nhu cầu tăng chậm của Trung Quốc.
Nhà xuất khẩu hàng đầu Saudi Arabia có kế hoạch gia hạn cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng mỗi ngày thêm một tháng nữa, bao gồm cả tháng 9. Nga cũng cho biết sẽ cắt giảm xuất khẩu dầu 300.000 thùng/ngày trong tháng 9.
Trước đó, giá dầu giảm vào phiên chiều thứ Tư (9/8) do lo ngại về nhu cầu chậm lại từ nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu Trung Quốc sau dữ liệu lạm phát và thương mại giảm, làm lấn át thông tin lo ngại về nguồn cung thắt chặt hơn phát sinh từ việc cắt giảm sản lượng của Saudi Arabia và Nga. Dầu thô Brent giảm 21 cent, tương đương 0,2%, xuống 85,96 USD/thùng. Dầu thô Mỹ (WTI) ở mức 82,71 USD/thùng, giảm 21 cent, tương đương 0,2%.
Chiyoki Chen, nhà phân tích trưởng của Sunward Trading, cho biết: “Giá dầu đang giằng co để tăng hơn nữa do những lo ngại kéo dài về sự phục hồi chậm của nền kinh tế Trung Quốc và nhu cầu nhiên liệu”.
"Ngoài ra, với những lo ngại về nhu cầu chậm lại ở Mỹ và Châu Âu do một loạt các đợt tăng lãi suất, khả năng tăng giá của thị trường dầu mỏ dường như bị hạn chế", ông cho biết thêm, dự đoán giá dầu WTI sẽ giao dịch trong khoảng 75-85 USD/thùng vào cuối tháng 8.
Cả hai loại dầu đều ghi nhận mức tăng hàng tuần thứ sáu liên tiếp vào tuần trước, chuỗi tăng dài nhất kể từ tháng 12 năm 2021 đến tháng 1 năm 2022, do nguồn cung của OPEC+ giảm và hy vọng kích thích thúc đẩy phục hồi nhu cầu dầu ở Trung Quốc.
Dữ liệu lạm phát của Trung Quốc hôm thứ Tư cho thấy chỉ số giá tiêu dùng đã giảm trong tháng 7, đánh dấu mức giảm so với cùng kỳ năm ngoái đầu tiên kể từ tháng 2 năm 2021.
Trong khi đó, một báo cáo hàng tháng từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) hôm thứ Ba dự báo sản lượng dầu thô của Mỹ sẽ tăng 850.000 thùng mỗi ngày (bpd) lên mức kỷ lục 12,76 triệu thùng/ngày vào năm 2023, vượt qua mức đỉnh 12,3 triệu thùng/ngày trước đó vào năm 2019 .
EIA cho biết giá dầu thô đã tăng kể từ tháng 6, chủ yếu là do việc cắt giảm sản lượng của Saudi Arabia kéo dài cũng như nhu cầu toàn cầu ngày càng tăng.
Trước đó, giá dầu thế giới giảm vào phiên chiều thứ Ba (8/8) sau khi dữ liệu cho thấy nhập khẩu và xuất khẩu của Trung Quốc giảm nhiều hơn dự kiến trong tháng 7, một dấu hiệu nữa cho thấy tăng trưởng không như mong đợi ở nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, mặc dù đà giảm được hạn chế do nguồn cung dự kiến thắt chặt. Dầu thô Brent ở mức 85,05 USD/thùng, giảm 29 US cent, tương đương 0,34%, trong khi dầu thô Mỹ ở mức 81,69 USD/thùng, giảm 25 US cent, tương đương 0,31%.
Vivek Dhar, chiến lược gia về hàng hóa khai thác và năng lượng tại Commonwealth Bank of Australia cho biết: “Quyết định của Saudi Arabia kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng sang tháng 9 mặc dù giá dầu Brent kỳ hạn tăng trên 80 USD/thùng cho thấy vương quốc này có thể đang nhắm tới mức giá cao hơn 80 USD”.
Giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng tại Mỹ tăng nhẹ
Giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng tại Mỹ tăng nhẹ vào thứ Sáu (11/8), do hàng tồn kho tăng bù đắp cho thông tin từ thời tiết nóng và nhu cầu tăng cao.
Giá giao tháng 9 trên Sàn giao dịch hàng hóa New York tăng 0,7 cent, tương đương 0,3%, cao hơn ở mức 2,77 USD/mmBTU sau khi giảm 6,6% vào thứ Năm (10/8). Tuy nhiên, hợp đồng đã tăng 7,5% trong tuần.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đã báo cáo hôm thứ Năm (10/8) rằng các công ty tiện ích đã bổ sung 29 tỷ feet khối (bcf) khí đốt vào kho lưu trữ trong tuần kết thúc vào ngày 4 tháng 8.
Vào năm 2022, khoảng 49% năng lượng của bang đến từ các nhà máy chạy bằng khí đốt, phần lớn còn lại là từ gió (22%), than đá (16%), hạt nhân (8%) và năng lượng mặt trời (4%), theo dữ liệu năng lượng liên bang.
Nhà cung cấp dữ liệu Refinitiv dự báo nhu cầu khí đốt của Mỹ, bao gồm cả xuất khẩu, sẽ tăng từ 103,0 tỷ feet khối mỗi ngày (bcfd) trong tuần này lên 104,5 bcfd vào tuần tới do các nhà máy điện đốt nhiều nhiên liệu hơn và xuất khẩu tăng. Dự báo cho tuần tới thấp hơn so với triển vọng của Refinitiv vào thứ Năm.
Refinitiv cho biết sản lượng khí đốt trung bình ở 48 tiểu bang của Mỹ là 101,9 bcfd cho đến nay trong tháng 8, gần bằng mức 101,8 bcfd trong tháng 7.
Lưu lượng khí đốt đến 7 nhà máy xuất khẩu LNG lớn của Mỹ đã giảm từ mức trung bình 12,7 bcfd trong tháng 7 xuống 12,3 bcfd cho đến tháng 8, chủ yếu do cắt giảm tại cơ sở Calcasieu của Venture Global LNG ở Louisiana.
Với sự trở lại của giá khí đốt cao hơn ở châu Á trong năm nay, các nhà phân tích cho biết họ dự báo xuất khẩu LNG của Mỹ sang châu Á sẽ tăng lên. Hiện chỉ 19%, tương đương 2,1 bcfd, xuất khẩu LNG của Mỹ xuất sang châu Á trong nửa đầu năm 2023, trong khi 70%, tương đương 8,0 bcfd xuất đến châu Âu.

Nguồn:VITIC/Reuter