Áp lực đó có thể tăng nhanh chóng trong những tuần tới do sự bùng phát virus làm tăng nguy cơ suy giảm mạnh kinh tế của Trung Quốc gây sức ép cho các nước láng giềng Châu Á. Trung Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu hàng đầu của Nhật Bản, và nhiều công ty của Nhật Bản kết nối vững chắc trong chuỗi cung ứng của Trung Quốc.
Khảo sát mới nhất trong lĩnh vực sản xuất cho thấy các nhà máy sản xuất của Nhật Bản đã sụt giảm trong đầu năm nay, bất chấp những dấu hiệu nhu cầu toàn cầu bắt đầu ổn định.
Chỉ số PMI trong lĩnh vực sản xuất của Nhật Bản do ngân hàng Jibum công bố đã điều chỉnh tăng lên 48,8 điểm từ 48,4 điểm trong tháng 12/2019. Nhưng chỉ số này giảm từ số liệu sơ bộ 49,3 điểm. Số liệu vẫn dưới ngưỡng 50 phân biệt giữa thu hẹp và phát triển trong tháng thứ 9 liên tiếp - chuỗi sụt giảm dài nhất kể từ tháng 2/2013.
Xuất khẩu và hoạt động sản xuất yếu gây đau đầu cho các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản. Họ hy vọng chi tiêu của doanh nghiệp và hộ gia đình trong nước sẽ mạnh đủ để bù cho nền kinh tế đang yếu kém.
Nhiều nhà phân tích dự kiến nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới sụt giảm trong quý 4/2019 do thuế doanh thu tăng từ tháng 10/2019 đã ảnh hưởng tới tiêu dùng, một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế.
Các nhà kinh tế dự báo sự phục hồi vừa phải trong năm nay, nhưng triển vọng đó hiện nay bị che phủ bởi sự bùng phát dịch viêm phổi cấp ở Trung Quốc, mà Tổ chức y tế thế giới đã tuyên bố là tình trạng khẩn cấp toàn cầu.
Khảo sát PMI cho thấy sản lượng và các đơn hàng mới tiếp tục giảm tháng thứ 13 liên tiếp, mặc dù tốc độ sụt giảm ít hơn so với tháng trước.
Tuy nhiên có một số dấu hiệu tích cực. Tốc độ sụt giảm của các đơn hàng xuất khẩu mới giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2018, trong khi sản lượng dự kiến mạnh lên đạt cao nhất trong 17 tháng.
Nguồn:VITIC/Reuters