menu search
Đóng menu
Đóng

Mỹ chiếm 98% tổng tăng trưởng sản lượng dầu toàn cầu

10:50 05/07/2019

Vinanet - Trong đầu tháng 6/2019, BP đã phát hành đánh giá thống kê và năng lượng thế giới năm 2019. Đánh giá này cung cấp một bức tranh toàn diện về nguồn cung và nhu cầu cho các nguồn năng năng lượng chủ chốt.
Trong năm 2018, đánh giá này đã báo cáo rằng thế giới đã thiết lập một kỷ lục tiêu thụ dầu mới đạt 99,8 triệu thùng/ngày, đó là năm thứ 9 nhu cầu dầu mỏ tăng liên tiếp. Nhu cầu dầu trong năm 2018 tăng 1,5% trong khi mức trung bình kéo dài hàng thập kỷ là 1,2%. Mặt khác, tăng trưởng nhu cầu năm 2018 là 1,4 triệu thùng/ngày đánh dấu năm thứ 3 liên tiếp tăng trưởng nhu cầu dầu sụt giảm.
Mỹ vẫn là nhà tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới, đạt trung bình 20,5 triệu thùng/ngày trong năm 2018. Trung Quốc ở vị trí thứ hai với 13,5 triệu thùng/ngày, mặc dù thấp hơn nhiều so với Mỹ về mức tiêu thụ bình quân đầu người. Ấn Độ đứng thứ 3 với 5,2 triệu thùng/ngày. Cả Trung Quốc và Ấn Độ có tăng trưởng tiêu thụ dầu trung bình ở mức 5% mỗi năm trong thập kỷ qua.
Châu Á Thái Bình Dương là thị trường dầu mỏ tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong thập kỷ qua với mức tăng trưởng hàng năm 2,7%. Châu Phi và Trung Đông không xa mức tăng trưởng đó mặc dù không khu vực nào có tăng trưởng sản lượng dầu trong năm 2018.
Bản đánh giá này cũng báo cáo rằng sản lượng toàn cầu đạt kỷ lục mới trong năm 2018 với 94,7 triệu thùng/ngày, tăng 2,22 triệu thùng/ngày so với năm trước đó.
Mỹ đã phát triển vị trí dẫn đầu của mình như nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới với kỷ lục 15,3 triệu thùng/ngày. Ngoài ra, Mỹ dẫn đầu các nước trong tăng trưởng sản lượng so với năm trước, với mức tăng 2,18 triệu thùng/ngày (tương đương 98% tổng sản lượng dầu tăng thêm trên toàn cầu).
Nhìn vào một giai đoạn dài hơn, trong năm 2008 giá dầu toàn cầu lần đầu tiên vượt 100 USD/thùng. Kể từ đó, sản lượng dầu toàn cầu tăng 11,6 triệu thùng/ngày. Trong cùng khoảng thời gian, sản lượng dầu của Mỹ tăng 8,5 triệu thùng/ngày - tương đương 73,2% của sự gia tăng sản lượng toàn cầu. Thật dễ dàng để tưởng tượng rằng nếu không có sự bùng nổ dầu đá phiến Mỹ, giá dầu sẽ không bao giờ giảm xuống dưới 100 USD/thùng.
Saudi Arabia là nhà sản xuất đứng thứ hai với 12,3 triệu thùng/ngày, trong khi Nga đứng thứ 3 với 11,4 triệu thùng/ngày. Canada đã bổ sung sản lượng mạnh thứ 2 trên thế giới, với sự gia tăng 410.000 thùng/ngày so với năm 2017. Số liệu này cao hơn so với mức tăng 395.000 thùng/ngày của Saudi Arabia.
Sự gia tăng này giúp bù cho sự sụt giảm từ Venezuela (-582.000 thùng/ngày), Iran (-308.000 thùng/ngày), Mexico (-156.000 thùng/ngày), Angola (-143.000 thùng/ngày) và Na Uy (-119.000 thùng/ngày).
Trong năm nay, lần đầu tiên, bản đánh giá này báo cáo sự đóng góp vào sản lượng dầu tổng thể của khí lỏng tự nhiên (NGL). Sản lượng NGL của Mỹ là cao nhất ở mức 4,3 triệu thùng/ngày. Số liệu đó nhiều hơn toàn bộ sản lượng của Trung Đông và chiếm 37,6% tổng sản lượng NGL toàn cầu.
Khi NGL được trừ khỏi tổng sản lượng dầu, sản lượng của Mỹ giảm xuống 11 triệu thùng/ngày. Điều này khiến Mỹ đứng sau Nga (11,2 triệu thùng/ngày) và chỉ trước Saudi Arabia (10,5 triệu thùng/ngày).
Bản đánh giá này đã báo cáo rằng trữ lượng dầu đã được chứng minh trên toàn cầu tăng 0,1% lên 1,73 nghìn tỷ thùng. Tuy nhiên, Venezuela tiếp tục báo cáo trữ lượng đã chứng minh chỉ hơn 300 tỷ thùng, chủ yếu là dầu thô cực nặng trong vành đai của Orinoco.
Nguồn: VITIC/http://oilprice.com
 

Nguồn:Vinanet