Từ hôm nay, lãi suất tiền gửi đôla Mỹ của các cá nhân giảm từ 0,75% về 0,25% một năm. Riêng với các doanh nghiệp, việc gửi đôla tại các ngân hàng chỉ còn ý nghĩa giữ hộ, thay vì sinh lời khi lãi suất về 0%. Trong khi đó, trần lãi suất gửi VND với kỳ hạn ngắn vẫn là 5,5%.
Với quyết định này, Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ được chênh lệch lãi suất hai đồng tiền trên 5% ở mức đủ hấp dẫn cho người gửi tiền VND trong khi lạm phát hiện chưa đến 1%. Chưa kể, mục tiêu chính là đảm bảo được cam kết không phá giá VND từ nay đến đầu năm 2016 của nhà điều hành được đảm bảo.
Theo PGS. Tiến sĩ Tô Trung Thành (Đại học Kinh tế Quốc dân), động thái này có thể coi là hợp lý, đồng thời là công cụ tốn ít chi phí nhất. "Từ nay đến cuối năm là giai đoạn cần tăng trưởng, lạm phát vừa rồi công bố rất thấp nên về mặt cơ bản, Ngân hàng Nhà nước không thể tăng lãi suất tiền đồng mà ngược lại ít nhất họ phải giữ cho nó không tăng. Như vậy, giải pháp hạ lãi suất USD để duy trì chênh lệch hai đồng tiền là việc buộc phải làm nhằm ổn định tỷ giá", ông Thành phân tích.
"Bên cạnh đó, dù trong 3 tháng cuối năm, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có tăng lãi suất thì biện pháp này của nhà điều hành Việt Nam cũng sẽ hỗ trợ cho tỷ giá rất nhiều", vị này nói thêm.
Một tác động khác của chính sách là khi ngân hàng nhận đôla theo hình thức giữ hộ (lãi suất 0% một năm), người gửi tiền sẽ có những lựa chọn khác và việc chuyển đổi sang VND để hưởng lãi suất cao hơn là một gợi ý. Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Độ (Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính), nếu dòng tiền dịch chuyển từ USD sang đồng, lãi suất cho vay VND có thể giảm và tăng trưởng tín dụng gia tăng. "Ngoài ra, nếu sự chuyển đổi tài sản diễn ra mạnh mẽ, giá USD có thể giảm và Ngân hàng Nhà nước có cơ hội mua USD hoặc trái phiếu Chính phủ để qua đó bơm VND ra thị trường", ông nói.
Động thái hạ lãi suất tiền gửi đôla của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được Ngân hàng ANZ nhận định là một trong những biện pháp nhằm hạn chế tình trạng đôla hóa nền kinh tế. Tuy nhiên, ngân hàng ngoại này vẫn kỳ vọng nhà điều hành Việt Nam sẽ có nhiều chính sách tỷ giá khác để ổn định tỷ giá đến năm 2016, đặc biệt trước những nguy cơ rủi ro tiền tệ từ trong khu vực sau việc phá giá nhân dân tệ vừa qua. Dù VND mất giá 5% trong năm 2015 nhưng ANZ cho rằng VND vẫn là đồng tiền có khả năng chống cự tốt nhờ sự hỗ trợ của xuất khẩu. Theo nhà băng này, Việt Nam vẫn là quốc gia duy nhất trong khu vực vẫn tăng trưởng mạnh xuất khẩu bất chấp sức ép ngày càng mạnh mẽ từ các đối thủ gần đây.
Một số kênh đầu tư khác, đặc biệt là chứng khoán sẽ có thể có lợi trước mắt, theo phân tích của ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - Giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright. Theo ông, dòng tiền có thể tạm thời dịch chuyển qua kênh chứng khoán hoặc bất động sản hay thậm chí là vàng. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng đánh giá thêm: "Sự dịch chuyển này không bền vững và không đủ lớn bởi vì mức điều chỉnh vốn không quá lớn, từ 0,75% xuống 0,25% đối với cá nhân và từ 0,25% xuống 0% đối với tổ chức".
Biện pháp nào cũng sẽ có những đánh đổi về chi phí và theo nhiều chuyên gia, một trong những rủi ro khi lãi suất gửi đôla quá thấp chính là nguồn cung đôla đẩy vào hệ thống ngân hàng bị hạn chế. Lãi suất thấp nhiều người sẽ bán đôla đổi VND, cung USD có thể gia tăng nhưng đó chỉ ở thị trường mua bán. Khi cho vay, các nhà băng chỉ có thể dựa vào nguồn vốn huy động.
Ngược lại, khi lãi suất huy động hạ, có thể kéo theo cho vay giảm và doanh nghiệp lại muốn đi vay USD thay vì mua bán. Ông Tô Trung Thành nhìn nhận: "Nhu cầu vay USD của các doanh nghiệp nhiều hơn trong khi huy động USD của các nhà băng lại suy giảm. Hệ quả là đến hạn trả nợ vay USD, cầu ngoại tệ sẽ tăng lên và chưa kể, có thể ảnh hưởng đến vay nợ nước ngoài bằng USD".
Đồng tình với quan điểm trên, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn thấy quyết định này có thể càng khuyến khích các doanh nghiệp đi vay ngoại tệ để đầu tư và kinh doanh. Trong khi đó, với một số chính sách nới lỏng vay ngoại tệ tạm thời hiện nay nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, nhiều đơn vị theo ông Tuấn, có thể được vay ngoại tệ khi không có nguồn thu đối ứng. Hành vi ấy sẽ gây áp lực lên tỷ giá kỳ hạn trong nay mai. Vị chuyên gia này dự đoán, khi tỷ giá kỳ hạn chịu áp lực tăng, Ngân hàng Nhà nước buộc phải tiếp tục can thiệp bằng cách giảm dự trữ ngoại tệ hoặc lại tiếp tục sử dụng các công cụ tiền tệ hoặc hành chính khác.
"Rõ ràng với chính sách giảm trần lãi suất, Ngân hàng Nhà nước đang chấp nhận đánh đổi giữa mục tiêu ngắn hạn với mục tiêu dài hạn. Nói khác đi, Ngân hàng Nhà nước đang 'tạm ứng' không gian tỷ giá tương lai để làm tăng thêm không gian tỷ giá trong hiện tại", vị chuyên gia của Fulbright nói.
Theo Thanh Thanh Lan
VnExpress
Nguồn:VnExpress