menu search
Đóng menu
Đóng

Chứng khoán thế giới đi lên nhờ niềm tin được củng cố

09:56 21/08/2009
Đà tăng trưởng của thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục được kéo dài sau khi khu vực sản xuất của quốc gia này bất ngờ có những cải thiện đáng ngạc nhiên trong Tháng 7 vừa qua.
Trong khi đó, chứng khoán Châu Á cũng lấy lại được sắc xanh do các nhà đầu tư bớt lo lắng trước những thông tin bất lợi từ Trung Qốc Đại Lục
Thị trường Mỹ
Khởi đầu phiên giao dịch, giới đầu tư Mỹ tỏ ra khá quan ngại trong bối cảnh những bất ổn tiếp tục xuất hiện trên thị trường lao động. Tuy nhiên, trong thời gian sau đó, thị trường bắt đầu trở lại quỹ đạo, khi tâm lý giới đầu tư ổn định trở lại trước những thông tin kinh tế tích cực.
Kết thúc phiên giao dịch Thứ Năm ngày 20/08, chỉ số công nghiệp DJIA đạt mức tăng 70.89 điểm (tương đương 0.76%) lên 9,350.05 điểm, chỉ số NASDAQ tăng 19.98 điểm (tương đương 1.01%) lên 1,989.22 điểm và chỉ số S&P 500 cũng đã có thêm 1.09% giá trị hay 10.91 điểm chốt phiên ở mức 1,007.37 điểm. Dẫn dắt thị trường trong phiên giao dịch này là các cổ phiếu thuộc nhóm ngành tài chính – ngân hàng và công nghệ.
Theo thông tin vừa được công bố, chỉ số Philadelphia Fed đã bất ngờ tăng lên +4.2 trong Tháng 7 vừa qua, một sự cải thiện đáng kể so với mức -7.5 trong Tháng 6. Trước đó, giới phân tích kinh tế lạc quan nhất cũng chỉ đặt ra kỳ vọng về mức điểm -2 đối với chỉ số này. Philadelphia Fed được phát triển bởi Cục dự trữ liên bang tại tiểu bang Philadelphia nhằm đo lường và đánh giá tình hình phát triển sản xuất tại tiểu bang này. Theo đó, một mức điểm dương cho thấy tình hình sản xuất đang trong trạng thái mở rộng, và ngược lại.
Chỉ số Leading Index – một tập hợp của 10 chỉ số kinh tế khác của Mỹ, được thiết kế nhằm đo lường chiều hướng phát triển của nền kinh tế - đã tiếp tục gia tăng 0.6% trong Tháng 7. Ở Tháng 6, chỉ số này đạt mức gia tăng 0.8%. Tuy nhiên, những gì đạt được vẫn chưa làm hài lòng giới phân tích do mức kỳ vọng của họ vào chỉ số này là 0.7% chứ không phải 0.8%. 
Mặc dù, những dấu hiệu tích cực đã bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều trên toàn bộ nền kinh tế Mỹ cũng như tại các tiểu bang thì thị trường lao động Mỹ vẫn còn nhiều vấn đề phải cân nhắc. Theo số liệu vừa được Bộ Lao động Mỹ công bố, thì trong tuần vừa qua số lao động nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ là 576,000 người, tăng 15,000 người so với mức đạt được tuần trước đó. Điều này đi ngược lại với những gì mà các nhà kinh tế đã đặt ra về một sự cải thiện. Bên cạnh đó, ở thời điểm hiện tại, 13% dân số Mỹ vẫn chưa thể thanh toán ngay các khoản nợ định kỳ cho ngân hàng hoặc bị thu hồi nhà cửa theo các hợp đồng cho vay bất động sản.
Trong ngày Thứ Năm, lợi tức trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục sụt giảm còn 3.42% so với mức 3.45% được thiết lập trong ngày Thứ Tư. Bên cạnh đó, giá dầu thô ngọt nhẹ giao Tháng 9 tại thị trường New York cũng giảm nhẹ 89 cents xuống mức 72.94 đôla Mỹ/thùng.
Lịch công bố thông tin kinh tế Mỹ trong tuần lễ diễn ra từ ngày 24/08 – 28/08/2009
Thị trường Châu Á
Chứng khoán Châu Á lấy lại sắc xanh trong phiên giao dịch ngày Thứ Năm 20/08 cùng sự trở lại ngoạn mục hơn 4% của Shanghai Composite và sự leo thang nhanh chóng của giá dầu thô trước nhu cầu ngày càng cải thiện.
Trước sự sụt giảm đến 20% của chỉ số Shanghai Composite chỉ mới từ ngày 04/08, thị trường chứng khoán thế giới đã có tuần chao đảo trong nỗi lo sợ của giới đầu tư về việc Chính phủ sẽ thắt chặt hoạt động tín dụng vốn là động lực giúp chứng khoán Trung Quốc tăng mạnh mẽ kể từ hồi Tháng 3.  
Tuy nhiên, nỗi lo sợ này phần nào được xua tan bởi sự sụt giảm bất ngờ của lượng dự trữ dầu thô tại Mỹ và sự phục hồi mạnh trong ngày của chỉ số Shanghai Composite.
Kết thúc ngày giao dịch, Chỉ số MSCI khu vực Châu Á – Thái Bình Dương ngoài Nhật Bản tăng 1%.
Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc tăng 125.9981 điểm (4.52%), lên 2,911.582 điểm. Dù vậy, các chuyên gia cho biết tâm lý giới đầu tư vẫn còn rất thận trọng.
Sự đi lên của thị trường có phần đóng góp từ các dấu hiệu hỗ trợ của Chính phủ. Theo các báo cáo từ giới truyền thông Đại lục, Ủy ban Điều hành Chứng khoán Trung Quốc đã phê chuẩn cho 3 quỹ (EFTs) đầu tư vào các chỉ số chứng khoán trong nước và 2 quỹ chứng khoán khác trong vài tuần qua.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Điện lực Yangtze Power và Công ty Dầu khí PetroChina cũng góp phần công sức cho thị trường khi tăng giá khá mạnh.
Theo chiến lược gia đầu tư tại Singapore thì: “Sự sụt giảm trên thị trường Trung Quốc trong thời gian vừa qua chính là sự điều chỉnh chứ không phải là đợt giảm sâu.”
Còn theo các chuyên gia đầu tư khác, việc phá vỡ ngưỡng kháng cự 2,901 điểm một cách thuyết phục tại mức trung bình động 5 ngày trong giờ giao dịch buổi chiều có thể được xem như là dấu hiệu đầu tiên cho một đợt phục hồi vững chắc trong thời gian tới.
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tiến thêm 179.41 điểm (1.8%), lên 10,383.41 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông cộng thêm 374.63 điểm (2%), lên 20,336.36 điểm.
Chỉ số Kospi của Hàn Quốc và chỉ số Sensex của Ấn Độ đồng loạt tăng gần 2%.
Chỉ số S&P/ASX của Úc nhích nhẹ 0.08% nhờ các báo cáo tài chính lạc quan được công bố trong ngày.
Chỉ số Straits Times của Singapore tăng 31.55 điểm (1.25%), lên 2,554.33 điểm trong phiên giao dịch buổi chiều.
Trong ngày nhóm cổ phiếu ngành tài nguyên tại Châu Á cũng tăng giá mạnh nhờ sự leo thang mạnh mẽ lên trên mức 72 USD/thùng của giá dầu thô.
 

Nguồn:Internet