menu search
Đóng menu
Đóng

Để có Nông sản thực phẩm an toàn: Cần biện pháp mạnh

14:45 17/11/2009
Ngày 12-11, Bộ NN&PTNT đã tổ chức hội thảo bảo đảm an toàn vệ sinh nông sản thực phẩm, nhằm đưa ra chiến lược, kế hoạch và giải pháp nâng cao chất lượng hàng nông sản, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong và ngoài nước.
  Theo Cục Chế biến thương mại nông, lâm, thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT), từ đầu năm đến nay, Cục đã triển khai một loạt các hoạt động kiểm tra việc bảo đảm ATVSTP đối với các mặt hàng nông sản. Mặc dù, các cơ sở được kiểm tra đã có những chuyển biến hơn so với những năm trước, nhưng vẫn còn nhiều tồn tại. Đối với ngành chè, trong số 16 cơ sở chế biến được kiểm tra ATVSTP có 30% cơ sở bảo đảm; 40% cơ sở cần được đầu tư nâng cấp về nhà xưởng, thiết bị công nghệ và nguồn nhân lực, còn lại 30% cơ sở không đủ điều kiện về ATVSTP. Đối với ngành cà phê thì có tới 80% sản lượng được xay xát, phơi sấy trong điều kiện không bảo đảm, đây chính là hạn chế và là nguyên nhân làm giảm chất lượng của cà phê. Theo thông báo của Hiệp hội Cà phê thế giới (ICO) tỷ lệ cà phê của Việt Nam dưới chuẩn CQP (Coffee Quality Improvement Program) lên tới 75%, trong khi đó của Indonexia chỉ có 9%. Công nghệ bảo quản nông sản sau thu hoạch chưa phát triển, nhất là trong điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm ở nước ta, gây tổn thất lớn sau thu hoạch do lương thực bị côn trùng, nấm mốc xâm hại ảnh hưởng xấu chất lượng ATVSTP.
Đại diện Cục Chăn nuôi cho biết: Tình trạng ô nhiễm vi sinh vật và hóa chất tồn dư trong sản phẩm động vật tiêu thụ trong nước thời gian qua vẫn còn nhiều: Trong tổng số 820 mẫu được lấy trong 4 đợt ở 6 tỉnh miền Bắc và 5 tỉnh miền Nam cho thấy, có 23-61,25% số mẫu không đạt về E.coli; 5,3-18,2% số mẫu nhiễm Camphylobacter; 14,2-24% mẫu chứa dư lượng tetracycline cao hơn mức cho phép. Trong đó, mẫu không đạt chỉ tiêu E.coli và Salmonella chủ yếu do các cơ sở sử dụng nước không đạt yêu cầu chất lượng và dụng cụ giết mổ không bảo đảm vệ sinh…
Theo Cục Trồng trọt: Thời gian vừa qua, vấn đề tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và hóa chất trong rau còn cao đang là mối lo của toàn xã hội. Tình trạng lạm dụng và sử dụng thuốc BVTV nhiều quá mức cần thiết; trong tổng số 30 mẫu rau lấy để phân tích mà Cục đã kiểm tra trong đợt 1 năm 2009 có 17 mẫu chiếm gần 57% có chì (Pb); 6 mẫu có Cadimi (Cd) vượt mức giới hạn tối đa cho phép.
 
Bộ NN&PTNT khẳng định, nguyên nhân dẫn đến thiếu an toàn vệ sinh đối với các nông sản thực phẩm hiện nay chủ yếu là trong sản xuất nông nghiệp, vì mục tiêu năng suất mà người dân đã bón phân và sử dụng thuốc hóa học chưa khoa học để lại dư lượng thuốc BVTV trong sản phẩm cao, gây mất an toàn. Bên cạnh đó, nhận thức và hiểu biết của người dân về ATVSTP còn hạn chế trong khi quy mô sản xuất nhỏ bé, manh mún khó áp dụng các biện pháp kỹ thuật một cách đồng bộ để bảo đảm chất lượng. Công tác quy hoạch cơ sở giết mổ tập trung ở nhiều địa phương còn buông lỏng, một số tỉnh, thành phố hoàn toàn bỏ ngỏ, vì vậy đã xảy ra tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm mắc bệnh dẫn đến lây lan dịch bệnh. Ngoài ra, đối với các cơ sở sản xuất rau an toàn (RAT) đều sản xuất nhỏ lẻ, phân tán chưa được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng về đường giao thông, thủy lợi; thiếu cơ sở vật chất trang bị phục vụ cho công tác kiểm tra, phân tích chất lượng nông sản trong sản xuất cũng như lưu thông trên thị trường, do đó chưa đáp ứng được nhiệm vụ kiểm tra giám sát các điều kiện an toàn. Biện pháp xử lý hành chính vẫn chưa đủ mạnh để răn đe đối tượng vi phạm, quy trình xử lý còn nhiều bất cập…
 
Đa số các đại biểu dự hội thảo cho rằng: Ngành nông nghiệp cần tập trung xây dựng một số mô hình kiểm soát ô nhiễm sinh học và tồn dư hóa chất trong nông sản của từng ngành, xây dựng mô hình kiểm tra, giám sát thường xuyên, định kỳ vi sinh vật và hóa chất tồn dư trong sản phẩm rau quả, chè trong các vùng trọng điểm. Triển khai và áp dụng mô hình thực hành sản xuất nông nghiệp GAP, GMP trong toàn bộ quá trình từ thu gom, bảo quản, sơ chế, chế biến đến trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ. Triển khai xây dựng vùng sản xuất thực phẩm nguyên liệu an toàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu dựa trên các quy tắc thực hành sản xuất tốt, bảo đảm an toàn dịch bệnh. Tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng kỹ thuật. Nghiên cứu, học tập sản xuất các loại thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học ít độc hại đối với sức khỏe con người và thân thiện với môi trường. Nghiên cứu, học tập các mô hình sản xuất rau, củ, quả an toàn. Tăng cường hợp tác quốc tế về lĩnh vực ATVSTP, đào tạo nâng cao trình độ và kỹ năng thực hành cho cán bộ làm công tác quản lý ATVSTP; nâng cao mức đầu tư cho ATVSTP từ trung ương đến địa phương.
 
Theo Cục phó Cục Quản lý chất lượng, nông, lâm, thủy sản: Thường xuyên giáo dục ý thức tự giác bảo đảm ATVSTP cho cộng đồng; tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát điều kiện bảo đảm ATVSTP của các cơ sở chế biến nông sản thực phẩm. Đồng thời, kiểm tra chấn chỉnh lại quá trình sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV. Ngoài ra, Bộ NN&PTNT tiếp tục rà soát lại các quy định về điều kiện của các lò mổ động vật, điều chỉnh cho phù hợp; tăng cường kiểm tra việc sản xuất thức ăn chăn nuôi, chất kích thích tăng trưởng, kháng sinh cấm; hướng dẫn đăng ký vùng nuôi an toàn và bảo đảm truy xuất nguồn gốc… Với các biện pháp mạnh như vậy hy vọng sẽ có những mặt hàng nông sản an toàn cung ứng ra thị trường, bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.
 

Nguồn:Báo nông nghiệp Việt nam