menu search
Đóng menu
Đóng

DN đầu tư vào nông nghiệp: “Cần chính sách đồng bộ”

14:56 17/11/2009
Vinamit cũng như nhiều DN đầu tư vào trồng trọt, chế biến nông sản đang gặp phải nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất kinh doanh do bất cập từ chính sách .
Gắn kết chặt chẽ giữa chủ đầu tư và nông dân trong trồng trọt chế biến nông sản đang là một trong những vấn đề lớn của đầu tư vào nông nghiệp. Ông Nguyễn Lâm Viên - TGĐ Cty CP Vinamit, người đã có hàng chục năm gắn bó với nông dân nhìn nhận về vấn đề này.
 
Với những đặc thù của ngành và truyền thống sản xuất lâu đời ở các vùng nông thôn, các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đang phải đối mặt với nhiều nghịch lý.
 
 Nhiều nghịch lý.
Đầu tiên là hầu hết các sản phẩm từ nông nghiệp của Việt Nam đều sản xuất và thu hoạch mang tính chất mùa vụ là chính. Do đó, đã ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, sản lượng trong sản xuất của DN, thậm chí chất lượng hàng hóa sẽ không ổn định do nguồn nguyên liệu không được đảm bảo. Bên cạnh đó tình trạng người nông dân với quy mô sản xuất nhỏ, thiếu liên kết nên không tạo ra sản phẩm đa dạng với khối lượng lớn theo như cầu của các DN.
 
Có một thực tế, người nông dân luôn mong muốn thu hoạch nhiều, nói cách khác là thâm canh tăng vụ vào những thời điểm trái mùa (nghịch mùa). Để làm được điều này, họ đã sử dụng nhiều cách với mong muốn có được giống cây trồng với sản lượng cao nhất trong thời gian ngắn nhất, thậm chí còn không ngần ngại sử dụng hóa chất như tiêm, phun thuốc kích thích cho cây trồng. Như vậy, những sản phẩm thu mua sẽ rất khó tránh chất hóa học. Trong khi đó, với thời điểm Việt Nam đã chính thức hội nhập như hiện nay thì các DN rất cần những nguồn nguyên liệu sạch phục vụ cho sản xuất. Điều này sẽ tác động tiêu cực cho các sản phẩm có tính cạnh tranh cao với các hãng nước ngoài hay như sản phẩm dành cho xuất khẩu. Ngay việc quan niệm trồng vườn tạp của nông dân cũng ảnh hưởng rất lớn các DN có nhu cầu sản phẩm chuyên canh để đáp ứng nhu cầu những thị trường lớn.
 
Thiếu đồng bộ
 
 Mặc dù Quyết định 80/2002 của Thủ tướng Chính phủ "Về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng" đã trải qua thời gian thực hiện dài,  nhưng nó cũng thể hiện nhiều bất cập. Thực tế, thường xuyên xảy ra tình trạng DN đầu tư cho nông dân nhiều hạng mục như giống, thuốc trừ sâu, thiết bị và công nghệ... và ký hợp đồng thu mua nông sản của nông dân. Nhưng người nông dân thường chỉ bán cho DN khi giá các sản phẩm này trên thị trường thấp hơn giá DN thu mua. Nếu giá thị trường cao hơn thì nông dân vẫn tự động đem bán cho tư thương và để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho sản xuất DN phải chấp nhận mua lại của tư thương với giá cao hơn gấp nhiều lần. Hiện tượng này xảy ra phổ biến nhưng chưa có chế tài xử lý nông dân vi phạm hợp đồng.
 
Bên cạnh đó, chính sách thuế hiện tại vẫn tồn tại rất nhiều bất cập. Để đảm bảo cho sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp cần phải có bước đầu tư mạnh tay như đầu tư thiết bị máy nông nghiệp, kinh phí đào tạo và hỗ trợ nông dân... thì các khoản đầu tư này lẽ ra được khấu trừ, miễn giảm thuế nhưng đến nay hầu hết các khoản này DN vẫn è cổ ra đóng đầy đủ.
 
Trong khi đó, đối với các mặt hàng nông sản người nông dân không phải chịu các khoản thuế nào. Tuy vậy, các DN tham gia lĩnh vực này khi chế biến các sản phẩm được thu mua nguyên liệu từ chính những người trồng cấy thì lại bị đánh thuế bình thường...
 
Do đó, để giảm bớt những điểm thiếu đồng bộ các DN đang cần hỗ trợ về vốn; tín dụng; thuế; giải phóng mặt bằng và đất đai hạn điền. Đồng thời cần phải đảm bảo sựu gắn kết giữa 4 nhà: "Nhà khoa học nghiên cứu giống cây và sản phẩm tốt; Nhà nước tổ chức, thực hiện các chính sách hỗ trợ; Nhà nông thực hiện đúng định hướng sản xuất lớn; DN đầu tư dẫn dắt và định hướng thị trường".
 

Nguồn:Báo đầu tư